Thứ Tư, 21 tháng 8, 2013

Những người tị nạn bị bỏ quên




 
 

Bà Aung San Suu Kyi, thủ lĩnh đối lập thăm một trại tị nạn của người Myanmar ở Thái Lan
Hơn 130.000 người tị nạn Myanmar vẫn đang phải sống vất vưởng trong những trại tị nạn tạm bợ ở vùng đá vôi trên lãnh thổ Thái Lan ở biên giới Myanmar - Thái Lan. Dường như họ đã bị bỏ quên trong khi Myanmar đang được cả thế giới quan tâm và ca ngợi với những bước tiến nhảy vọt về dân chủ hóa sau nhiều chục năm do quân đội cầm quyền, mở cửa hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế.

Nhiều người tị nạn Myanmar đã chạy qua đây từ nhiều chục năm trước, khi cuộc xung đột sắc tộc đã làm họ mất hết đất đai, gia sản, thậm chí cả gia đình và cuộc sống bình thường. Vô số trẻ em sinh ra trong trại tị nạn giờ đây không nói được tiếng mẹ đẻ.

Tạp chí Mỹ Time cho biết, một cuộc thăm dò đã được thực hiện trong tháng 7-2013 để tìm hiểu nguyện vọng của những người tị nạn Myanmar ra sao. Liệu họ có muốn trở về Myanmar, hay tái định cư ở một nước thứ ba, hoặc ở lại thường trú ở Thái Lan? Kết quả vẫn đang được xử lý.



Mặc dù tình hình rối ren ở Myanmar đã diễn ra suốt năm thập niên qua, dòng người tị nạn Myanmar thật sự chỉ mới bắt đầu vượt qua con sông biên giới Moei chạy sang tỉnh Tak của Thái Lan từ tháng 1-1984, khi quân đội Myanmar (lúc đó còn gọi là Miến Điện - Burma) tiến sâu vào khu vực vốn do phiến quân bộ tộc Karen cai quản này. Bốn năm sau, làn sóng tị nạn ồ ạt khi Myanmar chìm trong bạo lực giữa chính quyền quân sự và những lực lượng đấu tranh dân chủ. Riêng khu vực biên giới này suốt 25 năm đã xảy ra những trận chiến giữa quân đội và phiến quân. 

Kể từ khi Tổng thống Thein Sein, một vị tướng ủng hộ xu thế dân chủ, hồi tháng 3-2011 được bầu làm tổng thống dân sự đầu tiên trong vòng 49 năm qua ở Myanmar, người ta hy vọng số phận những người tị nạn sẽ sớm được giải quyết. Các nước láng giềng có người tị nạn Myanmar lánh nạn như Ấn Độ, Bangladesh, Trung Quốc và Thái Lan không muốn kéo dài tình trạng này.

Thái Lan là nước có người tị nạn Myanmar chạy qua lâu nhất và đông nhất. Hiện nay chín trại tị nạn chính nằm rải dọc biên giới dài 1.800km. Các tổ chức phi chính phủ vẫn tiếp tục giúp lương thực, lều trại và dạy học cho trẻ em tị nạn, trong khi quân đội Thái Lan bảo vệ chung quanh. Cuộc sống trong các trại tị nạn này rất khó khăn, nhưng thật sự vẫn còn tốt hơn nhiều lần so với tình cảnh những người Myanmar tản cư trong nước ở những khu rừng sâu gần biên giới.

Thật ra, số phận những người tị nạn Myanmar này khó có thể được thay đổi khi mà vùng biên giới giáp Thái Lan vẫn còn xảy ra những trận chiến giữa quân đội Myanmar và những nhóm phiến quân bộ tộc. Nỗ lực để chuyển các cuộc ngừng bắn hiện nay thành một giải pháp chính trị lâu dài đang gặp nhiều khó khăn. Chính phủ Myanmar muốn phiến quân hạ vũ khí, lập ra những đảng chính trị và tranh cử sòng phẳng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2015. Trong khi đó, phía phiến quân muốn rằng trước khi họ tham gia chính trường, Myanmar phải sửa đổi hiến pháp năm 2008, quy định dành 25% ghế cho các nhân sự do quân đội chỉ định...
 
 PHẠM HỒNG PHƯỚC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.