Thứ Ba, 30 tháng 4, 2013

Bảy bước quan trọng để một người tị nạn hoàn tất quá trình tìm kiếm tự do

Ý kiến BBT:

Sau khi bài này đăng tải đã có một số bạn đọc gửi email thắc mắc về việc tác giả Lê Nguyên Hồng nói là "tỉ lệ người Việt tị nạn thành công là 2 phần ngàn tại Thái", chúng tôi đã có buổi liên lạc bằng điện đàm với tác giả này (hiện đã định cư tại Sydney - Úc), ông cho biết như sau:

1. Kể từ năm 2008 đến tháng 3 năm 2013 đã có ít nhất trên 1500 và dưới 2000 người (hộ gia đình và cá nhân, không phải nhân khẩu) có quốc tịch Việt Nam đến đệ đơn xin tị nạn tại UNHCR BKK. Những người xin tị nạn gồm có người Việt (kinh), Khmer Crom, Thượng, H'Mong vv.., nhưng hiện chính thức chỉ có 03 trường hợp định cư thành công, đó là cô Vũ Phương Anh, ông Nguyễn Đức Vinh, ông Lê Nguyên Hồng. Những trường hợp khác như nhóm Cồn Dầu thì đây là trường hợp đặc biệt được Quốc Hội Mỹ quan tâm, cử luật sư sang Thái tác động. Ngoài ra có sự tham gia tích cực của BPSOS và dân biểu Cao Quang Ánh... vì vậy nhóm này để riêng ra vì không ai bì kịp với sức mạnh của họ. Vậy chúng ta chỉ nhắc đến những trường hợp bình thường.

2.Đối với trường hợp ông Nguyễn Ngọc Quang thì đã được Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam chấp nhận định cư Mỹ nhưng vì ông Quang không có Passport do đang thời gian quản chế nên phải chạy sang Thái làm thủ tục, vậy đây cũng là trường hợp đặc biệt. Đối với trường hợp Lê Văn Kỳ thì cùng nhóm của ông Quang nhưng vẫn chưa được đi định cư.

3. Những người không được tính là tị nạn tại Thái vì họ đã có quy chế Refugee từ Cambodia sau đó mới chạy sang Thái hiện có khoảng  7 gia đình, nhưng chỉ có duy nhất 01 gia đình được định cư Đan Mạch, còn lại đều vẫn đang tạm dung bất hợp pháp tại Thái.

Như vậy thì tỉ lệ 2/ 1 ngàn người tị nạn thành công (hoàn tất quá trình tìm kiếm tự do) như tác giả nói là chính xác.

Sau đây là bài viết: 

Bảy bước quan trọng để một người tị nạn hoàn tất quá trình tìm kiếm tự do


Thưa quý vị và các bạn.

Trên con đường nỗ lực tìm tự do tại United Nations High Commissioner for Refugees (UNHCR), mỗi người tị nạn đều phải trải qua những bước khó khăn nhất định, đặc biệt là họ phải làm sao để cho UNHCR công nhận tư cách tị nạn (Refugee) cho họ bằng việc cấp cho những người được công nhận tư cách tị nạn một tấm giấy “UNHCR Refugee Certificate”.



Nhưng như vậy là chưa đủ để người đó có thể được UNHCR và các cơ quan hữu trách khác thiết lập và hoàn tất quá trình tái định cư, tức là gửi người tị nạn đến định cư tại một nước Đệ tam. Họ - những người có tư cách tị nạn còn tiếp tục phải trải qua những bước khác – thì mới hoàn tất quá trình tìm kiếm tự do. Dưới đây tôi xin liết kê ra 7 bước bắt buộc đó:

1. Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) cấp cho bạn một giấy tình trạng người tị nạn “UNHCR Refugee Certificate”. Để có được một giấy UNHCR Refugee Certificate bạn và các thành viên trong gia đình bạn (nếu có đi cùng) sẽ phải trải qua ít nhất là 03 cuộc phỏng vấn gắt gao tại UNHCR Office.

Ban đầu, bạn phải chờ để UNHCR cấp giấy tạm tức là giấy “Asylum Seeker” và phải xác minh nhân dạng xem bạn đã đăng ký xin tị nạn tại một quốc gia nào trước đó hay không.

Bước hai, bạn sẽ được phỏng vấn để chính thức được tiếp nhận hồ sơ và hẹn phỏng vấn chính thức sau khoảng từ 03 đến 06 tháng sau, nhiều trường hợp là lâu hơn.

Bạn cũng có thể phải chờ đợi kết quả trong, sau 03 tháng, đến hơn 1 năm 6 tháng mới biết mình có được công nhận là người tị nạn hay không. Bạn nên nhớ, người tìm kiếm tị nạn có giấy “Asylum Seeker” và người tị nạn “Refugee” là hoàn toàn khác nhau. Chỉ khi bạn được cấp giấy “UNHCR Refugee Certicate” bạn mới có cơ hội được nhận một số tiền trợ cấp nhỏ hàng tháng, và mới có cơ hội được xét đi định cư.

Quá trình này là một chặng đường dài, trừ trường hợp đặc biệt, thông thường thì ít nhất cũng khoảng từ 1 năm rưỡi cho đến 3 năm. Đối với những trường hợp bị đánh rớt, người tìm kiếm tị nạn (Asylum Seeker) phải trải qua bước cứu xét lần 2 thì còn lâu hơn nữa. Bạn cần chuẩn bị tâm lý cho mình vì bạn có thể phải sống bất hợp pháp tại Thái rất lâu, nhiều năm nữa…

2. UNHCR sẽ yêu cầu bạn và thành viên gia đình của bạn đáp ứng một cuộc phỏng vấn để đánh giá các trường hợp theo yêu cầu định sẵn của họ. Nói ngắn gọn là “phỏng vấn tái định cư”. Nhân viên Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc sẽ phỏng vấn bạn và các thành viên gia đình của bạn để xác nhận những lý do khiến bạn buộc bạn rời khỏi đất nước của mình và để thu thập thêm chi tiết về trường hợp của bạn cũng như các thành viên khác trong gia đình. Điều này rất quan trọng yêu cầu bạn cung cấp thông tin chính xác, và trung thực.

Nếu bạn đưa ra những thông tin sai lệch sẽ dẫn đến một sự từ chối trường hợp của bạn ngay tại UNHCR.
Sau cuộc phỏng vấn, Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc sẽ đánh giá trường hợp của bạn và quyết định xem có nên gửi trường hợp của bạn cho chương trình tái định cư hay không.

3. Trình Quốc gia tái định cư

Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc quyết định giới thiệu bạn cho chương trình tái định cư, họ sẽ đệ trình trường hợp của bạn đến một quốc gia cung cấp chương trình tái định cư (tức là nước đó tiếp nhận người tị nạn đến sinh sống lâu dài). UNHCR sẽ ưu tiên cho người tị nạn nào có nhu cầu khẩn cấp để tái định cư. Một trình tái định cư của UNHCR không có nghĩa là bạn sẽ được chấp nhận ngay lập tức bởi các quốc gia nhận người tái định cư.

Bạn có thể chọn quốc gia mà trường hợp của bạn sẽ được đệ trình, nhưng nếu bạn có cha mẹ, vợ, chồng hoặc con ở một nước khác, UHCRC sẽ cố gắng để bạn đoàn tụ với họ tại nước mà người thân của bạn đang sinh sống.

4. Tái định cư Quốc gia phỏng vấn và Kiểm tra an ninh.

Đại diện từ các quốc gia tái định cư (văn phòng đại sứ quán phụ trách về di trú của nước tiếp nhận hồ sơ của bạn) sẽ phỏng vấn bạn và các thành viên gia đình của bạn và quyết định xem bạn có hội đủ điều kiện tái định cư tại nước họ hay không. Cuộc phỏng vấn sẽ hỏi cùng một câu hỏi về lý do của bạn rời khỏi đất nước và lịch sử gia đình của bạn. Bạn phải cung cấp thông tin chính xác và trung thực.

Các nước tái định cư sẽ kiểm tra an ninh (độ trung thực của bạn, bạn có phải là tội phạm hay không, đặc biệt là bạn có liên quan đến khủng bố hay không…) trương trình này có thể mất nhiều thời gian, tùy thuộc vào từng trường hợp.

5. Quyết định tái định cư.

Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc không tham gia vào quá trình ra quyết định. Chỉ có các quan chức chính phủ của nước tái định cư có thể quyết định ai có thể được nhận vào đất nước của họ. Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc hoặc nước tái định cư sẽ thông báo cho bạn quyết định chấp nhận cho bạn tái định cư nhân đạo.

Nếu một quốc gia từ chối trường hợp của bạn, Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc sẽ xem xét trường hợp của bạn nộp lại đến một nước khác. Tuy nhiên, không có bảo lãnh nộp lại, hoặc là bạn sẽ được chấp nhận bởi một quốc gia khác. Chú ý: Một khi bạn đã từng bị đại sứ quán của một quốc gia nào đó từ chối thì các nước tiếp theo sẽ đánh giá thấp hồ sơ của bạn, cơ hội để bạn được chấp nhận tái định cư là rất khó khăn. Hiện tại đã có rất nhiều trường hợp bị hoãn lại vô thời hạn tại Thái đến trên 12 năm, đặc biệt đối với trường hợp hồ sơ của cựu binh VNCH, cựu tù chính trị A20 Xuân Phước, Nguyễn Phùng Phong được cấp quy chế Refugee đã hơn 22 năm nay nhưng chưa được tái định cư.

Như vậy để hoàn thành quy trình tìm tự do của một người tị nạn là vô cùng khó với tỉ lệ khoảng 2 người /1 ngàn (theo quan sát ước tính của tôi từ năm 2008 đến 2013 - ngoại trừ nhóm 49 người Cồn Dầu tôi sẽ giải thích trong một bài khác). Để đặt chân đến bến bờ tự do thì có vô vàn khó khăn chờ đợi người tị nạn ở phía trước. Chưa kể là bạn còn phải đối mặt với một nguy cơ thường trực 24/24h vì bạn có thể bị cảnh sát Thái bắt và đưa vào giam giữ trong IDC vô thời hạn…

6. Chuẩn bị khởi hành.

Nếu bạn được chấp nhận tái định cư, bạn sẽ phải trải qua một số bước trước khi khởi hành, thông thường bao gồm một cuộc kiểm tra y tế của IOM. Điều này có thể có sự chậm trễ nếu một (hoặc những) thành viên gia đình của bạn cần được điều trị các bệnh truyền nhiễm, ví dụ bệnh Lao phổi. Nước tái định cư có thể sắp xếp các buổi định hướng văn hóa tại IOM để giảng dạy và thông báo cho bạn biết sơ lược về đất nước bạn sẽ đến.

Nếu bạn được chấp nhận và không có visa tạm trú hợp pháp tại Thái Lan, bạn buộc phải vào trung tâm Immigration Detention Center (IDC) số nhà 507 Soi South Sathorn BKK bạn phải ở lại đó cho đến ngày khởi hành và được cảnh sát hộ tống ra phi trường bay đến nước tái định cư. Thực chất đây là một cuộc trục xuất, nhưng chỉ mang tính hình thức.

7. Thủ tục và khởi hành.

Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc sẽ tư vấn cho bạn một khi ngày khởi hành được thiết lập. IOM sẽ thu xếp vận chuyển sang nước thứ ba. Cục xuất nhập cảnh Thái Lan được tham gia trong việc giải quyết các giấy tờ người tị nạn được chấp nhận. Bạn có thể cần phải ở IDC khoảng từ 5 -7 ngày (như đã đề cập ở trên). 

Xin nhắc lại là dù bạn có quy chế Refugee thì bạn vẫn cư trú bất hợp pháp tại Thái vì vậy bạn (những người trên 18 tuổi trong gia đình bạn) phải đóng một khoản tiền phạt về tội nhập cư trái phép trước khi khởi hành, bạn cần đóng tiền phạt theo luật pháp Thái Lan vì chính phủ Thái không ký Công ước về người tị nạn 1951. 

Số tiền phạt sẽ được tính mỗi ngày lưu trú trái phép tại nước Thái là 100 Baht (khoảng 65 ngàn tiền Việt) nhân với tổng số ngày (trong những tháng năm bạn đã cư trú trái phép tại Thái), nhưng đối với người tị nạn thì không quá 20 ngàn Bath / người và cũng không dưới 5 ngàn Baht / người. Riêng người có quốc tịch Cambodia thì được miễn đóng tiền phạt - cũng theo quy định của chính phủ Thái.

Một khi bạn đã đến quốc gia mới, các tổ chức thuộc Bộ di trú của nước đó sẽ được chỉ định và nhân viên của họ sẽ giúp bạn các vấn đề hòa nhập trong quốc gia mới của bạn.

Chúc bạn thành công!

Lê Nguyên Hồng


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.