Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013

Châu Âu “nói không” với người tị nạn

Thế giới đang trở nên ít hiếu khách hơn với người tị nạn và dân nhập cư. Báo cáo về nhân quyền của tổ chức Ân xá Quốc tế (AL) mới đây cho biết, hàng triệu người phải bỏ ra nước ngoài để chạy trốn sự ngược đãi hoặc tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn đã bị ném đá. Điều làm dư luận hết sức quan tâm rằng những hòn đá đầu tiên ném vào dân tị nạn hay dân di cư lại xảy ra ngay tại khu vườn của EU, nơi vốn được coi là hình mẫu của “thế giới văn minh”.

Trại tị nạn của người Syria trên biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ
Vấn đề nổi cộm trong báo cáo của AL năm nay là số phận của 15 triệu người tị nạn và 214 triệu dân di cư đang bị đe dọa. Căng thẳng nhất có thể kể đến số phận của người tị nạn - hậu quả của cuộc nội chiến đang diễn ra ở Syria.  Theo đánh giá của AL, số người tị nạn có thể lên đến ¼ dân số của nước này. Cụ thể, 4,5 triệu người phải bỏ nhà cửa lang thang ở các vùng khác trong nước, 1,5 triệu người đã chạy đến các trại tị nạn dọc theo biên giới với Jordan, Li Băng, Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Cơ quan Tị nạn LHQ, tính đến tháng 10/2012 đã có hơn 16.500 người Syria đăng ký xin tị nạn tại EU trong 18 tháng qua, nhưng số phận của họ là rất mong manh. EU đang đóng cửa trước làn sóng tị nạn.
 
Không ít người tị nạn cũng chạy từ Sudan, Congo… Trại tị nạn lớn nhất thế giới ở Kenya đang chứa tới 468 ngàn người Somali, trên biên giới với Thái Lan, 130 ngàn người tị nạn từ Myanmar đang sống vất vưởng…
 
“Quyền của những người chạy khỏi những vùng xung đột không được bảo vệ. Có quá nhiều chính phủ vi phạm nhân quyền trong kiểm soát nhập cư. Hành động này được thúc đẩy bởi những hùng biện sặc mùi chủ nghĩa dân tuý nhằm chống lại những người tị nạn, di cư trước những khó khăn nội tại của các chính phủ”- Tổng thư ký AL Salil Shetty cho biết. Tuy nhiên, cũng theo lời Salil Shetty, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, hàng loạt các nước châu Âu đang phải thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng”, cưu mang những người tị nạn, di cư vào thời điểm này là nhiệm vụ bất khả thi. Người tị nạn và di cư được đưa vào những trại giam, một số thậm chí được nhồi vào các container hay những hộp kim loại... Hy Lạp là nước phải chịu nhiều chỉ trích nhất bởi nước này giam giữ người di cư trong điều kiện “vô nhân đạo” nhất. Thứ nữa là Italia - nước thực hiện chính sách đuổi thẳng tay những người tị nạn, vượt biên phải hồi hương.
 
“Hàng triệu người nhập cư đang phải đối diện với bạo lực, với lao động khổ sai và xâm phạm tình dục”- Salil Shetty khẳng định. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo lời Tổng thư ký AL là do chính sách chống lại dân nhập cư, tị nạn của các quốc gia châu Âu đã tạo điều kiện cho tội phạm hoành hành. Ở nhiều nơi, chính phủ làm ngơ cho những hành động tội ác đối với dân nhập cư, tị nạn.
 
Quyền lợi của những người nhập cư bị xâm phạm ở khắp mọi nơi, từ Hồng Kông đến Jordan, Li Băng, Kuwait.
 
Ví dụ ở Jordan, người lao động nhập cư bị nhồi nhét trong nhà của các ông chủ, hộ chiếu bị giữ và... thường xuyên bị quỵt tiền. Ở Hồng Kông, hơn 300 ngàn lao động đến từ các quốc gia bị trả dưới mức lương tối thiểu...
 
Châu Âu không chỉ phải đối phó với làn sóng tị nạn từ bên ngoài mà còn với cả ngay chính nội bộ EU. Nước Đức - đầu tàu kinh tế của châu Âu đang là điểm đến trong mơ của dân nhập cư từ Hy Lạp, Italia, Tây Ban Nha. Theo Cục Thống kê LB Đức, riêng năm 2012 có tới 1,081 triệu người nhập cư chủ yếu từ các nước Đông và Nam Âu, những nơi đang bị ảnh hưởng nhiều nhất từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đến Đức, tăng 13% so với năm 2011 và đạt con số cao nhất trong 20 năm qua.
 
Thực tế cho thấy, cuộc khủng hoảng kinh tế đã làm các nước khó khăn càng khó khăn hơn và nạn chảy máu chất xám là một hậu quả hết sức nặng nề. Theo các nhà phân tích, có lẽ phải mất vài chục năm sau, Hy Lạp mới có thể gượng lại được sau cơn bão của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Giờ đây, Đức phải đối phó với làn sóng nhập cư nhưng lại là nước hưởng lợi từ chính làn sóng nhập cư ấy bởi chất xám đang “chảy” từ các quốc gia EU về Đức.
 
Không riêng gì Đức, các quốc gia giàu có ở châu Âu cũng chỉ biết dang tay đón nhận về mình những chuyên gia công nghệ cao, những lao động lành nghề, còn với những người nhập cư bình thường, những người tị nạn thì cánh cửa vào EU đang đóng sập trước mắt họ.
 
Duy Long  (TH)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.