Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

Malaysia mở chiến dịch có thể quét sạch người tị nạn

Có hơn 100.000 người tị nạn tại Malaysia. Ða số những người tị nạn
đó là những người sắc tộc thiểu số Miến Ðiện trốn chạy khỏi sự ngược đãi tại quê nhà.

Các nhà hoạt động cho quyền lao động và quyền con người cảnh báo rằng những người đi tìm đường tị nạn và những người tị nạn có thể bị quét sạch trong chiến dịch truy quét di dân không giấy tờ của Malaysia, và chính phủ nước này không được trang bị để xử lý họ một cách đúng đắn. Thông tín viên Kate Woodsome của đài VOA có bài tường trình sau đây.

Bộ trưởng Nội vụ Malaysia Ahmad Zahid Hamidi cam kết chiến dịch toàn quốc bắt giữ và trục xuất đến nửa triệu người nước ngoài sẽ theo đúng các tiêu chuẩn quốc tế. Nhưng ông Phil Robertson của tổ chức Human Rights Watch nói rằng còn lâu Malaysia mới theo đúng những tiêu chuẩn đó.

“Luật của Malaysia không công nhận quy chế tị nạn. Không có quy định thực sự cho quy chế tị nạn trong luật di trú Malaysia, và rất tiếc như vậy có nghĩa là chính phủ Malaysia tự do hành động.”
 
Có hơn 100.000 người tị nạn tại Malaysia, theo Cơ quan Tị nạn Liên hiệp quốc. Ða số những người tị nạn đó là những người sắc tộc thiểu số Miến Ðiện trốn chạy khỏi sự ngược đãi ở quê nhà của họ.

Những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em đó bị gọi là “những người tị nạn thành thị” bởi vì không có các trại đặc biệt dành cho họ. Họ sống trong những khu nhà rẻ tiền rải rác trên khắp nước, khiến cho rất khó có thể phân biệt người tị nạn với những người di dân khác, những người có thể đã đến Malaysia hợp pháp hoặc bất hợp pháp.

“Những người này trong nhiều trường hợp đang ở những chỗ mà chiến dịch truy quét nhắm tới. Do đó họ sẽ dẹp sạch người tị nạn và người lao động không giấy tờ.”
 
Hơn 2.000 di dân đã bị gom lại trong ngày đầu tiên của chiến dịch này hôm Chủ nhật. Bộ Nội vụ nói khoảng một phần tư số người đó đã được kiểm tra giấy tờ. Người Indonesia, Miến Ðiện Bangladesh và Nepal chiếm phần lớn trong số người bị bắt đó.

Các nhà tranh đấu cho quyền lao động ở Malaysia nói rằng người di dân đang lo sợ trước chiến dịch trông có vẻ hỗn loạn.

Ông Aung Gyi ở Kuala Lumpur nói với đài VOA.

“Họ đi lùng bắt khắp nơi tại các nhà máy, khu công nghiệp, và ở các thành phố. Họ nhắm vào các khu vực người nước ngoài. Ở khu vực gọi là làng Myanmar, nơi có rất nhiều người Miến Ðiện sinh sống, họ đã bắt những người Miến có giấy tờ của Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc cấp, giấy phép đi làm hợp pháp lẫn những người di dân bất hợp pháp.”
 
Ông U Soe Win, một tùy viên của Ðại sứ quán Miến Ðiện ở Kuala Lumpur lo về lao động, nói rằng một phái đoàn của chính phủ Miến Ðiện sắp lên đường sang Malaysia để thảo luận về tình hình này. Ông bày tỏ đôi chút hy vọng cho người tị nạn, nhưng nói rằng những người khác thì phải tự lo liệu.

“Chúng tôi không giúp gì được nhiều cho những người lao động Miến Ðiện bất hợp pháp nếu họ vi phạm luật di trú. Ðiều mà tôi có thể khuyên họ hiện nay là phải thận trọng trong sinh hoạt hàng ngày. Bởi vì đây là một chiến dịch, nhiều người lao động sẽ bị gom lại, nhưng những ai có giấy tờ hợp lệ sẽ không bị giam giữ.”
 
Ông U Soe Win nói rằng những di dân Miến Ðiên sẽ bị trục xuất có thể nộp đơn xin Ðại sứ quán cấp căn cước và sắp xếp để hồi hương.

Chiến dịch này sẽ gây khốn khổ cho nhiều người di dân, trong có có một số tự thân tìm đường đến Malaysia, một số khác phải trả tiền cho những kẻ đưa lậu người vượt biên đến Malaysia để làm việc trong những đồn điền dầu cọ, ở các công trình xây dựng, hoặc giúp việc nhà và nấu bếp cho các gia đình Malaysia. Ðối với những người bị bọn buôn người đưa đến Malaysia làm nô lệ tình dục, thì chiến dịch này có thể giải thoát cho họ.

Nhưng ông Phil Robertson của Human Rights Watch nói rằng ông lo ngại về cách mà Malaysia đối xử với những nạn nhân bị buôn người cũng không kém gì cách mà họ đối xử với những người tị nạn.

“Tôi có thể nói rằng một cảnh sát viên đi tiên phong ở Malaysia không thể xác định được một nạn nhân bị buôn người bằng một bảng ghi chú tóm tắt.”
 
Năm nay là năm thứ tư liên tiếp Malaysia bị liệt vào nhóm 2 trong Danh sách cần theo dõi của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, bởi vì thành tích kém của chính phủ nước này trong việc chấp hành các chuẩn mực nhằm chấm dứt tệ nạn buôn người.

Bộ trưởng Nội vụ Malaysia khuyến khích người di dân liên hệ trực tiếp với các cơ quan chính phủ chứ không nên làm việc với những người trung gian để có thể bị họ bóc lột. Ông nói rằng mục tiêu nhắm đến là “sẽ không còn một người di dân bất hợp pháp nào nữa.”

VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.