Chủ Nhật, 28 tháng 12, 2014

Thêm một máy bay của Malaysia chở 162 người mất tích




 
 
Sáng nay 28-12, dư luận quốc tế thêm một lần chấn động trước tin chiếc máy bay của hãng hàng không giá rẻ Air Asia của Malaysia mất tích trên hành trình từ Indonesia đến Singapore.
Cụ thể, hãng Air Asia xác nhận chiếc máy bay số hiệu QZ 8501 mất tín hiệu với trạm điều khiển không lưu vào lúc 7 giờ 24 phút sáng nay (giờ địa phương). Thông cáo của hãng này nói rõ “Thật không may đến thời điểm này chúng tôi chưa có thêm thông tin về tình trạng của hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay. Chúng tôi sẽ công bố khi có tin mới”.  
 
Một chiếc máy bay của hãng Air Asia. Thông tin máy bay của Malaysia mất tích hôm nay khiến quốc tế bàng hoàng. Ảnh: Reuters 
Tin ban đầu cho biết, chuyến bay này chở 162 người gồm hành khách và phi hành đoàn. Theo Reuters, hành khách trên máy bay gồm 149 người Indonesia, 3 người Hàn Quốc, 1 người Singapore, 1 người Anh và 1 người Malaysia. 
Reuters dẫn lời ông Hadi Mustofa - một quan chức Bộ Giao thông Indonesia cho biết, trước khi mất liên lạc, cơ trưởng máy bay này đã gửi yêu cầu được bay theo một đường bay khác, nhiều khả năng do thời tiết xấu. 
Hành trình chuyến bay từ thành phố Surabaya (Indonesia) đến Singapore. Khoảng cách giữa 2 địa điểm này là 1.379 km. Chiếc máy bay mất tích là chiếc Airbus 320-200.
Tại sân bay Changi (Singapore)- bảng hiệu báo thông tin chuyến bay này đã hiện chữ delayed (tạm hoãn). Air Asia đã lập trung tâm tiếp nhận cuộc gọi khẩn cấp để nhận các cuộc gọi từ thân nhân những người mất tích. Lúc 12 giờ 36 phút (giờ VN), giới chức Indonesia cho biết máy bay lúc sáng đã được yêu cầu tăng độ cao để tránh những đám mây. Nguyên nhân thời tiết xấu đang được đặt lên hàng đầu. 

Từ Washington, phát ngôn viên Nhà Trắng cho biết Mỹ đang theo dõi chặt chẽ vụ việc chiếc máy bay mất tích.
Năm nay là năm thảm họa của ngành hàng không Malaysia khi chiếc máy bay MH370 của hãng Malaysia Airlines mất tích trên đường bay Kualaa Lumpur- Bắc Kinh ngày 8-3 đến nay chưa rõ tung tích. Ngày 17-7 thêm một chiếc máy bay của hãng này số hiệu MH17 rơi tại Ukraine nghi do trúng tên lửa.  

Chiếc máy bay Airbus của Air Asia rời sân bay quốc tế Juanda tại Surabaya ở Đông Java vào lúc 5 giờ 20 sáng (giờ địa phương), dự kiến sẽ tới Singapore lúc 8 giờ 30 (0030 GMT). Chuyến bay bị mất liên lạc với Jakarta vào lúc 7 giờ 55 (giờ địa phương). Trên máy bay có 6 thành viên phi hành đoàn và 155 hành khách, gồm 138 người lớn, 16 trẻ em và 1 trẻ sơ sinh.

Air Asia là hãng hàng không giá rẻ của châu Á, thuộc về ông Tony Fernandes, người từng nổi tiếng trong ngành thu âm, ông đã mua hãng hàng không này khi nó gặp khó khăn vào năm 2001. Kể từ đó, Air Asia đạt nhiều thành công và liên tục tăng trưởng mạnh mẽ nhờ áp dụng mô hình chi phí vận hành thấp.

Trong khi đối thủ của hãng này là Malaysia Airlines đứng trước nguy cơ sụp đổ sau hai vụ tai nạn nghiêm trọng vào năm 2014, Air Asia vừa xác nhận trong tháng này rằng họ đã đặt mua 55 chiếc máy bay A330-900neo với tổng số tiền 15 tỷ USD.

 


Châu Á: Ám ảnh năm của máy bay và số 7 ma quỉ 
Năm nay Châu Á liên tiếp hứng chịu các vụ tai nạn máy bay gây thương vong lớn, khiến dư luận ám ảnh cụm từ “Năm của máy bay Châu Á”.
 

Sự kiện máy bay Malaysia MH17 rơi ở Ukraine là tai nạn máy bay thảm khốc nhất thời điểm này

Mở đầu vận hạn là sự biến mất của chiếc Boeing 777  MH370 của Malaysia khởi hành từ Kuala Lumpur vào lúc vào 0 giờ 41 ngày 8-3. Chuyến bay được ghi nhận chở 239 hành khách, cùng với 12 thành viên phi hành đoàn.  Cho đến nay việc mất tích vẫn là một ẩn số.  
Hai tháng sau, sáng ngày 17-5 Chiếc máy bay An-74TK300 của không quân Lào đã bị rơi tại làng Nadee thuộc tỉnh Xiengkouang, cách thủ đô Vientiane gần 500 km. Vụ tai nạn đã khiến 4 lãnh đạo cao cấp của Lào tử nạn. Trong đó có Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào, Bộ trưởng Bộ An ninh Lào, Bí thư kiêm Thị trưởng Thủ đô Vientiane và Trưởng Ban tuyên giáo T.Ư Lào.
Bước vào tháng 7-2014 liên tiếp bốn vụ tai nạn máy bay khốc liệt liên tiếp với người Châu Á. Mở đầu ngày 7-7 là chiếc trực thăng Mi171 thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam bị rơi khi đang huấn luyện nhảy dù khiến 20 người thiệt mạng và 1 người bị thương nặng.
Ngày 14-7, máy bay trực thăng quân sự của Campuchia đã bị rơi khi đang làm nhiệm vụ. Có ít nhất năm người thiệt mạng và một người khác bị thương nặng tại hiện trường.
Ngày 17-7 tại Hàn Quốc, một chiếc máy bay cứu hộ đã bị rơi xuống gần một khu chung cư và trường học, khiến năm người chết.
Đêm cùng ngày, cả thế giới như bị sốc khi hãng hàng không Malaysia Airlines xác nhận kiểm soát không lưu đã mất liên lạc với chiếc MH17 tại vị trí cách biên giới Nga-Ukraine khoảng 50km. Bàng hoàng hơn thông tin từ Chính phủ Malaysia cho biết MH17 đã bị bắn rơi khi đi ngang qua khu chiến sự do các phần tử ly khai kiểm soát ở miền đông Ukraine. 298 hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay thiệt mạng.
Kế đó, lúc 17 giờ 35 ngày 23-7 (giờ địa phương), chiếc ATR 72, sử dụng động cơ tuabin chong chóng, của hãng hàng không TransAsia Airways, trong chuyến bay nội địa từ TP cảng Cao Hùng (Kaoshung) ở miền Nam Đài Loan tới một trong những hòn đảo thuộc quần đảo Bành Hồ (Penghu), đã rơi ngoài sân bay gần làng Xixi trong khi khu vực này đang hứng chịu cơn bão Matmo.  Tai nạn thảm khốc khiền 48 người chết và 10 người bị thương.
Bên cạnh nỗi ám ảnh “Những chiếc máy bay Châu Á bị quỉ ám”, thì những bình luận về con số 7 xuất hiện một cách vô tình trong chuyến bay định mệnh này cũng đang gây chú ý. Loạt máy bay lâm nạn ATR72, MH17, MH370... có một sự trùng hợp ngẫu nhiên là đều liên quan đến con số 7 và đỉnh điểm nhất lại vào đúng tháng 7 của năm 2014, năm mà tổng các con số bằng 7. Những con số 7 trùng hợp lạ lùng xoay quanh những vụ tai nạn thảm khốc, đặc biết nhất đối với chiếc máy bay MH17 của Hàng không Malaysia trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người, khiến nhiều người gọi là con số 7 "ma quỷ".
Nỗi ám ảnh này càng được củng cố hơn trong những ngày cuối tháng 7 khi chiếc máy bay AH5017 của hãng hàng không Algeria gặp nan tại Boulikessi, Mali cách biên giới Mali-Burkina Faso 50 km về phía Bắc. Toàn bộ 116 người trên chuyến bay đã thiệt mạng. Trước đó một ngày, ngày 23-7, chàng thanh niên người Mỹ Haris Suleman 17 tuổi đã thiệt mạng trên vùng biển Nam Thái Bình Dương khi đang cố lập kỷ lục là phi công trẻ nhất bay vòng quanh thế giới với máy bay một động cơ. Giờ đây, con số 7 chính thức nỗi ám ảnh của ngành hàng không, đáng sợ hơn cả “con số của quỷ dữ” 666 hay con số đen đủi 13.
P. Thảo (TH)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.