Arnaud Dubus : Cách đây đúng một năm, một thanh niên 27 tuổi tên là Vorayuth Yoovidhya, đã lái một chiếc xe Ferrari chạy ngay trong trung tâm Bangkok vào ban đêm với tốc độ 180 km/giờ. Anh ta đã tông vào một nhân viên cảnh sát chạy moto. Nạn nhân đã bị kéo lê trên mặt đường đến 200 mét. Thế nhưng tay thanh nỉên này đã thản nhiên về nhà với chiếc xe hơi bị móp méo, bỏ mặc người cảnh sát nằm trên đường.
Rất nhiều người đã chứng kiến cảnh tai nạn và cảnh sát đã dò theo vết dầu của chiếc xe tìm được đến nhà tay thanh niên. Nhưng khi cảnh sát muốn vào nhà thì một sĩ quan cảnh sát khác, bạn của gia đình, có mặt tại đó, đã tìm cách bào chữa cho rằng người gây tai nạn không phải cậu thanh niên nói trên mà là một người tài xế đã lái chiếc Ferrari đó.
Sau cùng, thanh niên nhà giàu đó cũng phải đi theo cảnh sát đến đồn, và ở đó đã thú nhận là chính cậu đã lái chiếc xe và gây ra tai nạn khiến người cảnh sát bị tử vong. Cho dù vậy, thủ phạm không phải ở lâu trong đồn cảnh sát, mà được thả ra ngay sau khi gia đình đóng một khoản tiền thế chân 12.000 euro.
Thủ phạm là con chủ nhân hãng nước Red Bull
Điều cần nói ở đây để hiểu rõ được tình hình và những gì xẩy ra sau đó, là VorayuthYoovidhya là người thừa kế của gia đình sáng lập ra thương hiệu Red Bull, loại nước giải khát tăng lực nổi tiếng thế giới. Đây là gia đình giàu có thứ tư ở Thái Lan.
Từ một năm nay, tư pháp Thái Lan đã tiến hành thủ tục tố tụng hình sự nhắm vào tay thanh niên này về tội ngộ sát và không giúp đỡ người đang bị nguy hiểm. Tòa án đã triệu Vorayuth ra trình diện đến sáu lần, nhưng anh ta đều không đến. Ngày 02/09 vừa qua, luật sư của Vorayuth đã giải thích rằng thân chủ của ông đi Singapore vì công việc và không thể trở về trình diện tòa vì bị cảm cúm.
Rõ ràng là nếu người bị triệu mời là một thanh niên bình thường, không thuộc một gia đình giàu có, quyền thế, thì ngành Tư pháp Thái Lan dễ gì để yên. Nhờ thân thế của mình, Vorayuth đã thoát lưới luật pháp, ngay cả trong trường hợp gây chết người.
RFI : Hiện tượng luật pháp bên trọng bên khinh như kể trên có thường xẩy ra ở Thái Lan hay không ?
Arnaud Dubus : Có chứ ! Hầu như là lúc nào cũng vậy : Giới giàu có, quyền thế gần như là không bao giờ bị trừng phạt. Tôi có thể nêu ra hàng chục thí dụ. Cũng về tai nạn xe hơi, vào năm ngoái (2012) chẳng hạn, môt cô gái 16 tuổi cũng thuộc một gia đình giàu có, đã nghiễm nhiên lái xe tuy chưa có bằng. Cô ta đã đụng vào một chiếc minibus trên một con đường xây trên cao, làm cho chiếc xe đó bị lật và rớt xuống dưới.
Làm chết 9 người nhưng chỉ bị 2 năm tù treo !
Hậu quả là đã có 9 người chết, nhưng cô gái chỉ bị kết án 2 năm tù treo, và hiện đang du học ở nước ngoài. Trước tình hình đó, thử hỏi là tại sao gia đình các nạn nhân lại không phẫn nộ. Nhưng họ làm gì được ?
Nhìn chung, con cái của các gia đình doanh nhân lớn, các bộ trưởng, các dân biểu, thượng nghị sĩ… hầu như muốn làm gì thì làm, không ai dám đụng đến. Đó cũng là trường hợp các diễn viên điện ảnh nữa.
Vừa qua một nữ minh tinh Thái Lan trẻ tuổi, đã khai mình là một phụ nữ 77 tuổi để trốn thuế. Khi bị phát giác, cô ta đã giải thích một cách đơn giản, cho biết đó là vì người kế toán của cô đã nhầm lẫn.
Phải nói là cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin cũng đã từng nêu lý do gọi là « sai sót không ác ý » này vào năm 2001, để giải thích hiện tượng chuyển một phần tài sản – không phải là nhỏ - cho tài xế và những phụ nữ giúp việc nhà của ông đứng tên. Mục tiêu thủ thuật này không ngoài việc trốn thuế.
RFI : Ta có thể giải thích hiện tượng này như thế nào trong bối cảnh lịch sử và văn hóa của Thái Lan ?
Arnaud Dubus : Cũng như nhiều nước Đông Nam Á khác chịu ảnh hưởng của Ấn Độ giáo, Thái Lan rất xem trọng vấn đề quy chế, chỗ đứng trong xã hội. Cho dù chế độ quân chủ chuyên chế đã bị bãi bỏ năm 1932, khái niệm bình đẳng cho đến nay vẫn chưa thể ăn sâu vào xã hội Thái Lan.
Hệ thống tư pháp vốn được thiết kế đê bảo vệ giới quyền thế
Thế lực kim tiền vẫn rất quan trọng trong xã hội, hơn hẳn uy tín của kiến thức. Rất nhiều người Thái đã nhập tâm thang bậc giá trị đó, và tâm lý gia trưởng vẫn tồn tại. Hơn nữa, hệ thống tư pháp Thái Lan – hình thành vào những năm cuối thế kỷ XIX – lại được thiết kế nhằm bảo vệ chế độ quân chủ và chính quyền trung ương, chứ không phải để bảo vệ các công dân.
Tâm lý đó đã tồn tại kéo dài cho đến ngày nay. Ngành tư pháp Thái Lan không thực sự làm việc theo các nguyên tắc dân chủ và bình đẳng, mà lại tìm cách bảo vệ các thế lực đã hình thành, dù đó là kinh tế hay chính trị.
Ngoại lệ duy nhất trong hệ thống này là các tòa án hành chính, được thiết kế theo mô hình Pháp, đóng vai trò trọng tài thực sự giữa các công dân và Nhà nước.
RFI : Thế hệ thống tư pháp trọng phú khinh bần đó có chuyển biến nào gọi là tích cực hay không ?
Arnaud Dubus : Hệ thống này ngày càng ít được chấp nhận. Trước những vụ việc như tôi đã đề cập đến ở trên, đã có rất nhiều phản ứng thể hiện thái độ ghê tởm, ngán ngẩm, đặc biệt là trên các mạng xã hội.
Một dấu hiệu cho thấy xu hướng trên là những người được hưởng « quyền bất khả xâm phạm » về mặt tư pháp thường phải đi sống ở nước ngoài để thoát khỏi búa rìu dư luận mà họ phải chịu đựng trong nước.
Có điều là các phản ứng bất bình hiện chỉ đến từ một phần nhỏ trong dân chúng mà thôi. Trước những vụ tai tiếng, chẳng hạn như cái chết của người cảnh sát bị chiếc Ferrari kéo lê trên đường, ta không có phản ứng rầm rộ trong công luận. Và đó chính là lý do vì sao tình trạng kẻ quyền thế không bị luật pháp trừng phạt có thể kéo dài cho đến nay.
RFI : Xin cảm ơn Thông tín viên Arnaud Dubus tại Bangkok.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.