Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

Ngoại giao 'hàng rào' không mang lại hòa bình


Trong khi các phương tiện truyền thông tiếp tục thảo luận quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng bức tường cao 2 mét trên biên giới với Syria để chặn những người tỵ nạn lọt vào lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, thì có một thông tin mới tương tự mới từ Bulgaria. 


Các nhà chức trách Bulgaria thông báo rằng, họ có kế hoạch xây dựng hàng rào dài 30 km ở khu vực miền núi Elhovo trên biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn chặn những người di cư bất hợp pháp từ Syria. Theo lời Thứ trưởng Bộ Nội vụ Bulgaria Basil Marinov, để xây dựng hàng rào cao 3 mét này, ngân khố quốc gia sẽ chi khá nhiều tiền. 

Ảnh: EPA.

Nhà phân tích chính trị Stanislav Tarasov nhận định:"Bức tường Bungari" là bức tường chặn lại thứ hai trên con đường của những người tị nạn Syria. Bức tường chặn lại đầu tiên được gọi là "hàng rào Thổ Nhĩ Kỳ". Chỉ mới gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ rất tự hào tuyên bố sẵn sàng cấp nơi trú ẩn cho "anh em Syria" vì hy vọng rằng chính quyền Damascus sắp bị lật đổ. Bây giờ, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ không che giấu thực tế rằng, dòng người di cư từ Syria đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng đối với họ: hiện nay, trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ hiện diện gần nửa triệu người Syria. 

Theo Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ đã chi 2 tỷ USD để nuôi sống số người này. Và chỉ có 135 triệu USD nước này đã nhận được thông qua các kênh viện trợ quốc tế. Trong bối cảnh này, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu tuyên bố: "cộng đồng quốc tế phải chịu trách nhiệm giải quyết vấn đề người tị nạn từ Syria”.

Tuy nhiên, bây giờ đây không chỉ là vấn đề những người tị nạn. Các chiến binh thánh chiến lọt vào lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ cùng với những người tị nạn từ Syria. Nhớ lại hai vụ nổ lớn vào tháng 5 gần thị trấn Reyhanly đã cướp đi sinh mạng của hơn 50 người. 

Mới đây, các chiến binh thánh chiến đã đe dọa tổ chức những vụ khủng bố mới nếu Ankara không cho phép họ qua biên giới tại đồn kiểm soát giấy tờ "Silvegozu" ở tỉnh Hatai. Các phương tiện truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin, đại diện của các tổ chức thánh chiến đến các trại tị nạn để tuyển mộ những tay súng mới. Điều này có nghĩa là hiệu ứng bất ổn Syria bắt đầu lây lan trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhưng, liệu có thể ngăn chặn qúa trình nguy hiểm được gọi là "nền ngoại giao hàng rào”? Theo các chuyên gia, điều đó là không thể. Họ cho rằng, chỉ có một lối thoát: tăng cường quá trình chuẩn bị hội nghị hòa bình về giải pháp Syria "Geneva-2". Chính vì mục đích này đặc phái viên của Liên hợp quốc và Liên đoàn Arập Lakhdar Brahimi sắp thực hiện chuyến thăm các nước Trung Đông. Còn đại diện của ông Brahimi - ông Nasser al Kidwa - sẽ đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ để tiến hành cuộc đàm phán với các quan chức cao cấp và tiếp xúc với một số nhà lãnh đạo của phe đối lập Syria.

Có lẽ đây là cơ hội tốt để các nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ tham gia tích cực hơn trong quá trình chuẩn bị hội nghị Geneva, vì Ankara vẫn có ảnh hưởng lớn đến một số thế lực trong phe đối lập Syria. 

Đặc biệt là mới đây, một trong những nhóm đối lập chính - Hội đồng Quốc gia Syria (SNC), tổ chức vẫn nằm dưới phạm vi ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ, đã tuyên bố rằng, họ không có ý định tham gia hội nghị "Geneva 2". Đồng thời, Thổ Nhĩ Kỳ đang tham gia qúa trình soạn thảo "bản đồ chính trị" giải quyết tại Syria vì lợi ích an ninh của nước mình cũng như để duy trì tình hình ổn định trong khu vực. 

Xét theo mọi việc, đây là phương cách duy nhất để mở đầu qúa trình xây dựng hòa bình, chứ không phải các hàng rào trên biên giới từ phía Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Bulgaria.


CT (Theo VOR)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.