Các phóng viên theo dõi vụ việc làm ăn của những kẻ buôn người
Chutima Sidasathian và Alan Morison cho South China Morning Post
Các viên chức di trú Thái Lan có liên quan đến vụ buôn bán những người Rohingya bị giam giữ cho những kẻ buôn người, theo các nguồn tin cho phép tờ South China Morning Post chứng kiến một phần vụ buôn bán bí mật này khi nó đang diễn ra.
Những người cung cấp thông tin cho biết nhiều người Rohingya bị chở trên xe buýt đưa đi xa 500 km từ một trại giam ở miền nam đến cửa khẩu Ranong ở biên giới Thái Lan – Myanmar và họ được cấp số đăng ký. South China Morning Post thấy một xe buýt cùng biển số xe đến Ranong lúc 2 giờ sáng thứ Bảy, rồi họ còn thấy một xe tải của Sở Di trú chở người bị giam giữ chạy đi khỏi đó 12 giờ sau.
Các nguồn tin nói rằng chiếc xe tải này đã thả người xuống tại một cầu tàu cách đó 12km, từ đó có ghe chuyển họ đến một tàu thủy đậu ngoài khơi.
Vụ chuyên chở người này không thể là một vụ đưa người Rohingya trở về lại Myanmar kể từ khi nước này từ chối thừa nhận những người theo đạo Hồi thiểu số này là công dân và sẽ không chấp nhận họ hồi hương.
Các nguồn tin khẳng định các quan chức di trú đã bán người Rohingya cho những kẻ buôn người người Malaysia.
Hôm thứ Hai, các viên chức Thái Lan đã tránh né khi được hỏi về số phận của người Rohingya. Đại tá Nattasit Maksuwan, phó tư lệnh Cơ quan An ninh Nội địa tại Satun, đã chuyển South China Morning Post sang gặp các viên chức di trú.
“Câu hỏi của quý vị liên quan đến Sở Di trú vì thế tốt nhất là đến nói chuyện với họ. Tôi nghĩ lúc này họ không thoải mái – đại tá Nattasit nói – Vấn đề là tại sao chúng tôi phải giữ người Rohingya ở Thái Lan? Khi việc này tốn kém gần ba triệu baht mỗi tháng”.
Hai viên chức di trú cao cấp tỉnh Songkhla là Kan Thamakasem và Banpot Kittiveera cũng nói South China Morning Post hãy đến “Bangkok”.
50 người Rohingya được biết là đã lên chiếc xe buýt được nhìn thấy đến trung tâm Di trú Ranong, trong khi các nguồn tin cho biết một chiếc xe buýt thứ hai chở 39 người khác đã đến nơi vào tối thứ Bảy. Chiếc xe buýt đầu bị South China Morning Post nhìn thấy được nói là đã khởi hành từ Trung tâm di trú Sadao ở miền nam, trong khi chiếc thứ hai đến từ một trung tâm di trú khác ở Measod, tỉnh Trak.
Một nguồn tin khác trong cộng đồng Rohingya ở Phuket cho biết hôm chiều thứ Bảy ông đã nhận cuộc điện thoại từ kẻ buôn người ở Malaysia. Hắn có hai cháu trai tại chỗ và đưa ra giá bán hai người cho ông với giá là 65.000 baht một người.
Một kẻ buôn người người Thái cho biết việc mua lại người thân trong gia đình từ những kẻ buôn người ở Malaysia thì khó khăn hơn nếu các gia đình làm việc với những người trung gian Thái Lan.
“Nếu bên di trú bán những người này cho chúng tôi với giá 10.000 baht một người, thì chúng tôi có thể mua được” – kẻ buôn người này nói.
“Nhưng nếu họ bán người Rohingya cho những kẻ buôn người ở Malaysia, người thân của những người bị bán không có khả năng chuộc lại”.
Những kẻ buôn người ở Malaysia đòi từ 40.000 baht tới 65.000 baht mỗi người, nguồn tin nói.
Những người Rohingya nào không được gia đình họ chuộc lại thì bị đánh đập và buộc phải gọi điện về nhà kể cực hình họ đang chịu và xin tiền chuộc về. Nếu không được, người Rohingya thông thường bị bán cho các chủ tàu để làm việc như nô lệ trên các tàu đánh cá ngoài khơi Malaysia và Thái Lan.
Nguồn: South China Morning Post
Bản tin gốc của South China Morning Post:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.