Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

Người tị nạn dùng thuyền lớn để vượt biển tìm tự do

BANGKOK — Các nhà hoạt động tại Đông Nam Á cho biết hàng ngàn người đã trốn khỏi Bangladesh và Miến Điện bằng đường biển, bắt đầu lại một cuộc di dân theo mùa với nhiều người đi về phía nam trong những năm gần đây. Hầu hết những người này đều tìm cách đến Malaysia một cách bất hợp pháp qua ngả Thái Lan. Từ Bangkok, Thông tín viên Đài VOA Steve Herman gởi về bài tường thuật sau đây.

Các quan sát viên dọc biên giới Miến Điện-Bangladesh ước lượng có khoảng 17.000 người đã rời khu vực này kể từ tháng 8 năm nay, hầu hết trên những chiếc thuyền lớn.

Tin tức này do tổ chức phi chính phủ có tên là Dự án Arakan đưa ra.

Tổ chức Arakan đặt trọng tâm nghiên cứu của họ vào sự thống khổ của những người Rohingya vô tổ quốc, một nhóm sắc tộc thiểu số Hồi Giáo trong vùng. Giám đốc Dự án Arakan, bà Chris Lewa, phát biểu như sau.

“Chỉ trong tuần qua thôi đã có 4.000 người đi tị nạn. Chúng tôi đặc biệt quan tâm là vào mùa này, trong suốt mùa khô, sẽ có một làn sóng tị nạn ồ ạt bằng thuyền.”

Các giới chức Liên hiệp quốc trong vùng nói những tin tức này “đáng tin cậy”, nhưng họ không có những con số rõ rệt.

Những di dân kinh tế từ Bangladesh và Miến Điện lâu nay vẫn thường liều lĩnh đi bằng đường biển với nhiều nguy hiểm để tìm những việc làm tốt hơn tại Malaysia và các nơi khác ở châu Á. Tuy nhiên, bạo động giáo phái giữa những người theo Phật Giáo và những người theo Hồi Giáo tại Miến Điện trong những năm qua đã làm cho con số những người sắc tộc Rohingya trốn khỏi nước này ngày càng tăng.
Những tổ chức Liên hiệp quốc đã ghi nhận trong năm nay có sự chuyển đổi từ những thuyền đánh cá nhỏ, cũ và nguy hiểm trước đây được những người Rohingya sử dụng tại Vịnh Bengal sang những con tàu lớn hơn.

Văn phòng Cứu trợ Liên hiệp quốc, trong một phúc trình được công bố vào ngày thứ Sáu vừa qua, cho biết là với việc sử dụng những con tàu lớn hơn, “giá cả đã hạ thấp và cách thức chi trả cũng dễ dàng hơn khiến cho có nhiều chuyến đi hơn.”

Bà Lewa nói với Đài VOA nhiều chuyến đi dường như được tổ chức tốt hơn.

“Việc này không thể nào xảy ra nếu không có sự cộng tác chặt chẽ của nhà cầm quyền tại các nước, dù là Thái Lan hay Bangladesh. Tuy nhiên đặc biệt là Thái Lan, tất cả việc di chuyển này không thể xảy ra nếu không có sự đồng lõa của các giới chức có thẩm quyền.”

Trang mạng tin tức của Thái Lan Phuketwan loan tin là những di dân và dân làng tại Andaman thuộc bờ biển phía Tây Thái Lan đã cho biết là những viên chức tham ô của Thái Lan đã tham gia vào việc đưa lậu người.

Thông tấn xã Reuters vào tháng 7 năm nay đưa tin là những những cuộc phỏng vấn với những tay đưa lậu người và những người sống sót trên các chuyến tàu, cho biết là một số lực lượng an ninh hải quân Thái Lan làm việc “một cách có hệ thống với các tay chuyển lậu người để hưởng lợi do làn sóng người Rohingya ra đi ngày càng tăng.”

Bà Lewa nói những cuộc tiếp xúc của bà dọc theo biên giới cho thấy nhiều người tại Miến Điện lên tàu giữa ban ngày và không phải trả tiền cho nhà cầm quyền, và điều này chứng tỏ là ít nhất đã có “một chính sách mở cửa không chính thức” của Miến Điện đối với những người Hồi Giáo muốn rời khỏi nước này.

Theo những những nhân chứng nói với bà Lewa thì hành khách được chở tới những chiếc tàu trên hải phận quốc tế. Những người này bị giữ trong các trại tạm trú do những tay chuyển lậu người dựng lên tại miền nam Thái Lan cho đến khi họ có thể trả 2.000 đô la mỗi người để được đưa qua biên giới vào Malaysia.

“Có nhiều lo ngại là nếu không thể trả được, những người này có thể bị bán cho bọn buôn người. Dĩ nhiên khó tìm được chứng cứ về việc này nhưng chúng tôi tin là có nhiều người bị bán cho các tàu đánh cá hay các đồn điền tại miền nam Thái Lan hay tại Malaysia.”

Cơ quan Tị nạn Liên hiệp quốc cho biết kể từ khi xảy ra vụ bạo động giữa các cộng đồng vào tháng 6 năm nay tại bang Rakhine, nhiều phụ nữ và trẻ em đã phải trốn chạy. Trước đây chỉ có đàn ông liều mình bằng cách tham dự những cuộc hành trình nguy hiểm bằng những con thuyền nhỏ.

Một vài con tàu nhỏ chật ních người Rohingya, khoảng 200 người, bị lật và chìm vì biển động vào tháng 5 năm nay ngoài khơi bờ biển miền tây Miến Điện. Chỉ có chưa tới một phần ba con số những người này bơi được vào bờ.

Cảnh sát biển tại tỉnh Satun, vùng cực nam Thái Lan, xác nhận có 219 người Rohingya bơi vào một bãi biển sau khi tàu của họ mắc cạn vào ngày 11 tháng 9. Trung tướng Bungerd Manawat của cảnh sát biển Thái Lan cho Đài VOA biết rằng những người này được tiếp tế nước uống và xăng dầu, và tàu của họ tiếp tục ra biển và đi về phía Malaysia.

Việc di dân bằng đường biển của người Rohingya được xem như là một trong những phong trào thuyền nhân lớn nhất kể từ khi cuộc chiến Việt Nam chấm dứt năm 1975.

ST

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.