Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

BI SỬ THUYỀN NHÂN

BI SỬ THUYỀN NHÂN
Trong một tập tài liệu ấn hành vào năm 2000, mang tựa đề “The State of the World’s Refugees 2000, 50 years of Humanitarian Action,” viết về tình trạng tị nạn thế giới, để đánh dấu 50 năm hoạt động nhân đạo của Liên Hiệp Quốc, Bà Sadako Ogata, Cao Ủy Trưởng Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, đã nói về lòng can trường của hàng triệu người tị nạn và lánh nạn trên thế giới đã mất tất cả, ngoại trừ niềm hy vọng, và đã vượt qua biết bao thử thách và chông gai để đi tìm con đường sống.  Bà Ogata đã tuyên dương những người này là “Những người sống sót vĩ đại của Thế Kỷ 20”
Thế giới đã bước qua Thế Kỷ 21, nhưng bạo lực chiến tranh do cuồng vọng bá chủ của con người vẫn làm nối tiếp thảm kịch tị nạn với những làn sóng di tản lánh nạn mang tên những địa danh mới như Kosovo, Đông Timor, Chechnya và Darfur.  Tuy nhiên có lẽ trong lịch sử của nhân loại, ít khi nào có một cuộc di tản bi thảm và kéo dài như các làn sóng thuyền nhân rời Việt Nam kể từ sau 1975 cho mãi đến thập niên cuối cùng của thiên niên kỷ vừa qua.  Sự phi lý của thảm kịch thuyền nhân Việt Nam còn nổi bật vì những người tị nạn Việt Nam đã phải rời quê hương ra đi để tìm quyền sống, trong khi tiếng súng đã không còn trên lãnh thổ của đất nước họ.  Vào thời đó, khi niềm ước vọng hòa bình mà mỗi người dân Việt đều ấp ủ trong lòng từ bao nhiêu năm trời mới vừa ló dạng, đáng lẽ toàn dân tộc đã có thể nối tay nhau để cùng kiến tạo một đất nước đã phải chịu quá nhiều khổ đau và mất mát trong gần nửa thế kỷ khói lửa triền miên.  Trái lại, lòng thù hận quá đà và niềm cuống tín chủ nghĩa mù quáng của những người nắm quyền lực bằng súng đạn đã tiếp tục bao phủ đất nước và dân tộc trong một không gian đàn áp và khủng bố tàn bạo, khiến cho người dân miền Nam thời đó chỉ còn một lối thoát là lao mình ra biển cả để tìm con đường sống.  Với một niềm hy vọng và một lời cầu nguyện, hàng chục ngàn gia đình gồm cả trẻ thơ và bô lão đã ra khơi hướng về những bến bờ hy vọng, bất kể những hiểm nguy mà có lẽ tất cả mọi người đã dự đoán được trước khi quyết định ra đi.
Ngay từ cuối năm 1975, những đợt người tị nạn Việt Nam đã bắt đầu đến lánh nạn tại các nước lân bang.  Vào những ngày đó, Thái Lan đã đón nhận 5,000 người tỵ nạn từ Việt Nam qua, tại Hồng Kông cũng đã có 4,000 tị nạn, Tân Gia Ba 1,800 người, và có khoảng 1,250 người cũng đã đến Phi Luật Tân.  Vào tháng 7 năm 1976, khi chế độ Hà Nội loại trừ bộ máy quản chế miền Nam của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam để thực hiện việc thống nhất hai miền, cưỡng chế người dân đi vùng kinh tế mới, và tập trung trên một triệu người miền Nam vào các trại tù cải tạo, những làn sóng di tản bằng đường biển bắt đầu gia tăng.  Và đến cuối năm 1977, đã có trên 15,000 người Việt sang tị nạn tại các nước trong vùng Đông Nam Á.  Cho đến năm 1978, khi nhà cầm quyền Cộng Sản phát động chính sách cải tạo tư sản, và tiếp theo đó là việc xua quân xâm chiếm Cam Bốt, và phải đương đầu với cuộc chiến biên giới với Trung Quốc, làn sóng tị nạn bằng đường biển đã tăng lên gấp bốn lần, với đa số người ra đi thuộc khối người Việt gốc Hoa, để sau đó được đưa sang định cư tại các tỉnh phía Nam Trung Quốc.
Vào cuối năm 1978, đã có 62,000 thuyền nhân người Việt tị nạn tại các nước Đông-Nam Á.  Riêng trong tháng 6 năm 1979, đã có trên 54,000 thuyền nhân Việt Nam đến tị nạn tại các nước nói trên.  Những làn sóng tị nạn này đã khiến cho các nước trong khối Đông Nam Á, như Mã Lai Á, Thái Lan, Phi Luật Tân, Tân Gia Ba và Nam Dương tuyên bố không nhận thêm người tị nạn từ Việt Nam, khiến cho những đợt thuyền nhân đến sau đã bị xua đuổi cấm không cho lên bờ.  Cũng kể từ đó, con số thuyền nhân tử vong trên biển cả cũng đã gia tăng.
Sau những cuộc hành trình hãi hùng lênh đênh trên đại dương, một số thuyền nhân cũng đã đến được bến bờ tạm dụng.  Những lớp người này đã đem cho thế giới bên ngoài những mẫu chuyện về người cha, người mẹ, đã phải chia nhau những hạt cơm rơi từ miệng những đứa con; đến chuyện chia nhau từng giọt nước quý hơn vàng được vắt ra từ miếng vải thấm mưa, để đánh lừa những cơn đói khát triền miên.  Hay là những chuyện thương tâm về người chết đã cứu được người sống với thịt máu của chính mình.  Hoặc nữa là những chuyện nói nhỏ, kể về những trường hợp phải đương đầu với hải tặc.  Ngoài những mối đe dọa do sự đầy đọa của con người đối với con người, những thuyền nhân này còn phải đương đầu với những cơn thịnh nộ của thiên nhiên.  Những cơn phong ba bão táp đã khiến cho không biết bao nhiêu thuyền nhân làm mồi cho biển cả.  Không ai dám phỏng đoán với mỗi người có cơ may đặt chân lên bến bờ tự do, đã có bao nhiêu người hy sinh trên đại dương.
Cuối cùng, làn sóng người tị nạn Việt Nam bằng đường biển đã viết lê thiên bi sử của thuyền nhân, và những câu chuyện hãi hùng của các cuộc vượt biển của người tị nạn Việt Nam đã đánh động được lương tâm thế giới.  Vào tháng Ba 1979, chương trình Ra Đi Có Trật Tự ra đời để cố gắng ngăn chặn những làn sóng vượt biển.  Ngoài ra, cũng vào thời gian này, các chương trình cứu người vượt biển đã được một số tổ chức thiện nguyện quốc tế phát động hai chiếc tầu cứu vớt thuyền nhân ngoài biển là Anamur do một tổ chức từ thiện Đức Quốc vận động vào năm 1979 L’Ile de Lumiere của tổ chức từ thiện Pháp Medecins du Monde điều hành vào năm 1980 đã cứu mạng được nhiều thuyền nhân Việt Nam lênh đênh ngoài biển cả trong khoảng thời gian từ 1979 cho đến 1990.
  Chương Trình Trợ Giúp Thuyền Nhân của Ca Tị Nan Liên Hiệp Quốc Qua các giai đoạn
  Những chương trình trợ giúp người tị nạn Việt Nam thuộc Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc (The United Nations High Commissioner for Refugees “UNHCR”), đã khởi sự từ năm 1973, và đã có ở Hà Nội kể từ 1975, do lời mời của chính phủ Hà Nội.  Kể từ năm 1973, Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc đã có mặt tại Việt Nam để trợ giúp cho nhiều làn sóng người di tản nội địa, đã phải dời chỗ ở nhiều nơi lánh nạn, khi quân đội Bắc Việt bắt đầu tràn vào vùng Bến Hải để công khai tấn công Miền Nam sau khi Hòa Đàm Ba Lê mới được ký kết giữa hai bên.
Vào cuối thập niên 1970, thảm kịch những làn sóng thuyền nhân từ Việt Nam vượt biển đi tìm tự do đã tác động mạnh vào dư luận quốc tế và trở thành động cơ thúc đẩy Cao Ủy Tị Nạn Liên hiệp quốc phát động một chương trình trợ giúp quy mô lớn đặc biệt nhắm vào những người tị nạn Việt Nam bắt đầu đổ xô ra biển cả để tìm đường thoát khỏi cuộc sống đầy đọa dưới chế độ Cộng Sản.  Những làn sóng di tản bằng đường biển từ thời đó đã mang đến cho thiên bi sử thuyền nhân Việt Nam kéo dài gần 20 năm, từ 1975 cho đến cuối thập niên 1990.
Từ 1979 đến 1991: Chương Trình Ra Đi Có Trật Tự(Orderly Departure Program, “ODP”)
Vào những năm cuối cùng của thập niên 1970, những thông tin về thảm kịch thuyền nhân Việt Nam đã làm rung động dư luận thế giới, và thúc đẩy Liên Hiệp Quốc vào cuộc để tìm một giải pháp cho vấn đề.  Vào thời đó, UNHCR đã thiết lập Chương Trình ODP để đưa những người muốn rời khỏi Việt Nam ra đi bằng những phương tiện an toàn hơn, trong khuôn khổ của một chương trình trợ giúp người tị nạn do Liên Hiệp Quốc bảo trợ.
Sau khi những lời kêu cứu cảu chính những thuyền nhân thoát nạn, cũng như những nỗ lực vận động của các tổ chức thiện nguyện quốc tế, khơi động sự chú tâm của cộng đồng thế giới, Liên Hiệp Quốc đã tổ chức một hội nghị tại Geneve vào tháng Ba 1979 để tìm một giải pháp cho vấn đề thuyền nhân Việt Nam.  Tại hội nghị này, một Bị Vong Lục đã được ký kết theo đó Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc được ủy thác trách nhiệm thiết lập một chương trình ra đi có trật tự, để giúp cho những người muốn rời khỏi Việt Nam có thể ra đi bằng những phương tiện an toàn hơn.  Cho đến khi chương trình ODP được trao phó cho tổ chức thiện nguyện quốc tế International Organization for Migration(IOM) vào cuối năm 1991, UNCHR đã giúp đỡ cho 330,000 thuyền nhân, trong đó có 13,252 người Cam Bốt, rời khỏi các trại tị nạn tại Đông Nam Á để đi định cư tại các nước thứ Ba.
Từ năm 1988 đến 1997: Trợ giúp hồi hương(Thuyền nhân Việt Nam) theo Chương Trình Hành Động Toàn Diện CPA
Với việc thông qua Chương Trình Hành Động Toàn Diện vào năm 1989(Comprehensive Plan of Action CPA) dành cho những người tị nạn Đông Dương, UNHCR đã thiết lập những thể thức để đưa người tị nạn hồi hương ở một quy mô rộng lớn.  Chương trình này dành cho những thuyền hân đã được thanh lọc, và không hội đủ điều kiện để được định cư tại các nước thứ ba.  Trong khuôn khổ của Chương Trình CPA, UNHCR đã cấp những khoảng trợ cấp tái định cư trực tiếp cho những thuyền nhân chấp thuận hồi hương dưới hình thức một khoản tiền mặt.  Ngoài ra, UNHCR cũng thực hiện một chương trình kiểm tra hậu hồi hương theo chương trình này.  Mục đích của chương trình kiểm tra hậu hồi hương là để theo dõi việc định cư những người hồi hương và tránh những trường hợp nhữg thuyền nhân bị chính quyền Việt Nam trừng phạt vì đã ra đi tị nạn.
Vào cuối năm 1988, đã có trên 110,000 thuyền nhân từ các trại tị nạn Á Châu hồi hương và được tái định cư tại những địa phương họ đã rời trước đây.  Chương trình Hành Động Toàn Diện CPA của UNHCR chính thức chấm dứt vào ngày 30 tháng 6 năm 1996, đối với những trại tị nạn tại các nước Đông Nam Á, và vào ngày 30 tháng 6, 1997 tại các trại tị nạn Hồng Kông.
Thảm kịch thuyền nhân Việt Nam chỉ thực sự chấm dứt vào năm 1999, sau khi chương trình tái định cư những thuyền nhân hồi hương theo chương trình CPA được hoàn tất.
  SỐ THUYỀN NHÂN TRONG TỪNG GIAI ĐOẠN
(Nguồn: The State of the World’s Refugees 2000,
50 Years of Humanitarian Action, UNHCR)
Bản 1: Tổng kết số thuyền nhân đến lánh nạn
tại các nước tạm dung trong từng giai đoạn
Nước Tạm Dung   1975-1979      1980-1984       1985-1989       1990-1995           Tổng Cộng
 Mã Lai:                     24,103            76,205              2,860                 1,327                     254,495
Hồng Kông:              79,906            28,975              59,518               7,434                      95,833
Nam Dương:           51,156            36,208              19,070               15,274                  121,708
Thái Lan:                 25,723             52,468              29,850                 9,280                  117,321
Phi Luật Tân:         12,299             20,201              17,829                 1,393                    51,722
Tân Gia Ba:              7,858             19,868                4,578                     153                    32,457
Nhật Bản:                 3,073               4,635                1,834                   1,529                   11,071
Ma Cao:                    4,333               2,777                     17                           1                     7,128
Nam Hàn:                    409                  318                    621                          0                     1,348
Các nước khác:     2,566                 340                    321                          0                      3,277
 Tổng cộng:         311,426          241,995           186,498                 56,391                796,310

CÁC NƯỚC NHẬN ĐỊNH CƯ NGƯỜI TỊ NẠN ĐÔNG DƯƠNG
KỂ CẢ THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TỪ 1975 ĐẾN 1995
(Nguồn: The State of the World’s Refugees 2000,
50 Years of Humanitarian Action, UNHCR)
Bản 2: Số thuyền nhân được định cư tại các nước trên thế giới
Nước Định Cư:            Cambodia                Lào                 Việt Nam           Tổng Cộng
Hoa Kỳ                         150,240                   240,147            424,490               822,977
Úc Đại Lợi:                    16,308                     10,239            110,996               137,543
Gia Nã Đại                    16,818                     17,274            103,053               137,145
Pháp:                            34,364                     34,236             27,071                 95,671
Anh Quốc:                         273                         346             19,355                 19,974
Đức Quốc(Tây Đức)           874                      1,706             16,848                 19,428
Tân Tây Lan:                  4,421                      1,273               4,921                 10,628
Nhật Bản                        1,061                      1,273               6,469                   8,803
Thụy Sĩ:                         1,638                         593               6,239                   8,470
Hòa Lan:                          465                           33               7,565                   8,063
Na Uy:                              128                            2                6,064                  6,194
Thụy Điển:                         19                           26               6,009                  6,054
Đan Mạch:                         31                           12               4,482                  4,725
Bỉ:                                    745                         989               2,051                  3,785
Phần Lan:                         37                             0               1,859                  1,902
Các nước khác:            8,063                       4,688               7,070                19,821
Tổng Cộng:               235,484                    320,856           754,842            1,311,183
NGUYỄN QUỐC CƯỜNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.