Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

30/04: Chiến tranh Việt Nam ? Ai thắng, ai bại? Tại sao thắng, tại sao thất bại?



Đối với người Mỹ, chính sách “be bờ” (containment) nhằm vào mục tiêu ngăn chận sự bành trướng của cộng sản tại Âu Châu từ cuối thập niên 1940 và sau đó tại Á Châu từ đầu thập niên 1950, đã kết thúc tại Việt Nam vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 sau khi cộng sản Bắc Việt chiếm được miền Nam.
Vào tháng 2 năm 1941, khi hai nước Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ bị quân phiến loạn cộng sản nổi dậy tấn công vào các cơ quan chính quyền tại nhiều địa phương, người Anh tuyên bố rằng họ không còn đủ khả năng để giúp cho hai quốc gia này chống lại cộng sản.
Ngày 12 tháng 3 năm 1947, Tổng Thống Harry S. Truman ra trước Lưỡng Viện Quốc Hội yêu cầu cho phép chính phủ cung cấp 400 triệu Mỹ kim để viện trợ cho Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cũng xin phép gửi Cố Vấn sang giúp cho hai quốc gia này. Nhờ sự vận động của ông Dean A. Acheson, Thứ Trưởng Bộ Ngoại Giao, Quốc Hội đã chấp thuận đề nghị này mà không cần thảo luận và về sau, cũng căn cứ vào quyết định đó của Quốc Hội Hoa Kỳ mà đến năm 1965 Tổng Thống Lyndon Johnson đã gửi Quân Đội Mỹ sang Việt Nam.
Sang nhiệm kỳ sau của Tổng Thống Truman, ông Dean Acheson trở thành Ngoại Trưởng Hoa Kỳ và ông ta chính là một trong những người soạn thảo ra chính sách đối ngoại của Tổng Thống Truman: Ngăn chận sự bành trướng của cộng sản Liên Xô ở Âu Châu và các nơi khác trên thế giới. Chính sách này về sau được gọi là Truman Doctrine (chủ thuyết Truman). Sau khi Trung Cộng chiếm được toàn thể lục địa Trung Hoa rồi tham dự vào cuộc chiến tranh Triều Tiên, chủ thuyết Truman được Ngoại Trưởng Dean Acheson áp dụng ngay cả tại Á Châu để “be bờ” sự bành trướng của Trung Hoa cộng sản. Sau khi đảng Cộng Hòa thắng cử vào năm 1952, Tổng Thống Eisenhower bổ nhiệm ông Jobn Foster Dulles làm Ngoại Trưởng và ông Dulles được nổi tiếng là một người chống cộng sản quyết liệt. Trong thời gian Hội Nghị Genève vào năm 1954, Ngoại Trưởng Trung Cộng Chu Ân Lai đã tỏ thái độ hòa hoãn với Hoa Kỳ bằng cách tươi cười bắt tay Ngoại Trưởng Hoa Kỳ John Foster Dulles nhưng ông Dulles mặt lạnh như tiền không thèm bắt tay Chu Ân Lai. Ông Chu Ân Lai căm thù người Mỹ từ đó cho đến khi đồng ý tiếp Tiến Sĩ Kissinger vào năm 1971 và Tổng Thống Nixon vào năm 1972 tại Bắc Kinh.
Chính sách đối ngoại của ông Dean Acheson là ngăn chận sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản do Nga Xô chỉ đạo tại Âu Châu và ngăn chận Trung Hoa cộng sản tại Á Châu. Có thể nói các vị Ngoại Trưởng Hoa Kỳ sau đó dưới thời các Tổng Thống Eisenhower, Kennedy, Johnson, Nixon và Ford đều tiếp tục chính sách đối ngoại đó, một phần cũng vì tất cả các vị Ngoại Trưởng đó đều có liên hệ rất mật thiết với ông Dean Acheson:
- Luật Sư John Foster Dulles được Ngoại Trưởng Dean Acheson mời làm Cố Vấn về các vấn đề Á Châu cho Bộ Ngoại Giao dưới thời Truman…
- Ngoại Trưởng Acheson bổ nhiệm ông Dean Rusk làm Phụ Tá Ngoại Trưởng phụ trách về các vấn đề Viễn Đông.
- Dưới thời Tổng Thống Eisenhower, ông Dulles được bổ nhiệm là Ngoại Trưởng.
- Ngoại Trưởng Dulles giúp cho bạn là ông Dean Rusk được cử làm Giám Đốc Rockefeller Foundation.
- Dưới thời Tổng Thống John F. Kennedy, ông Dean Rusk trở thành Ngoại Trưởng Hoa Kỳ.
- Mcgeorge Bundy, một trong những vị Khoa Trưởng tại Đại Học Harvard và giảng dạy môn “Government 180. Hoa Kỳ Trong Các Vấn đề Thế Giới”, đã xin từ chức để giữ chức vụ Cố Vấn về An Ninh Quốc Gia cho Tổng Thống Kennedy và Johnson.
- Tiến Sĩ Henry Kissinger thay thế cho Mcgeorge Bundy giảng dạy môn “Government 180. Hoa Kỳ Trong Các Vấn Đề Thế Giới” tại Đại Học Harvard. Kissinger được Mcgeorge Bundy mời làm Cố Vấn về các vấn đề Âu Châu.
- Em trai của Mcgeorge Bundy là William Bundy lấy con gái của Ngoại Trưởng Dean Acheson được bổ nhiệm làm Phụ Tá Ngoại Trưởng về các vấn đề Viễn Đông dưới thời Tổng Thống Johnson.
- Dưới thời Tổng Thống Nixon, Luật Sư William P. Rogers, một đồng nghiệp trong Văn Phòng của Luật Sư Dulles tại New York được cử làm Ngoại Trưởng.
- Dưới thời Tổng Thống Nixon, Tiến Sĩ Henry Kissinger được cử làm Cố Vấn về An Ninh Quốc Gia, sau đó trở thành Ngoại Trưởng.
- Kissinger tiếp tục giữ chức Ngoại Trưởng dưới thời Tổng Thống Gerald Ford.
Như vậy thì chúng ta thấy rằng tuy Hoa Kỳ có thay đổi nhiều vị Tổng Thống trong thời gian từ 1948 cho đến 1980, nhưng về phương diện đối ngoại thì dường như tất cả đều do băng nhóm của cựu Ngoại Trưởng Dean Acbeson chi phối, do đó chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ không hề thay đổi: Be bờ Liên Xô và Trung Hoa cộng sản, đó là mục tiêu chiến lược có liên quan đến quyền lợi của Hoa Kỳ.
Sau khi Tổng Thống Nixon sang thăm Bắc Kinh và ký kết bản Thông Cáo Chung Thượng Hải thì vấn đề be bờ Trung Cộng không còn cần thiết nữa, do đó vấn đề Việt Nam cũng không còn quan trọng và Việt Nam không còn có liên quan gì đến quyền lợi của Hoa Kỳ nữa. Trong bản phúc trình lên Tổng Thống Ford ngày 4 tháng 4 năm 1975, Đại Tướng Weyand, Tham Mưu Trưởng Lục Quân Hoa Kỳ có nói rằng “chúng ta đến Việt Nam trước nhất là để giúp đỡ người dân Nam Việt Nam chứ không phải để chiến thắng Bắc Việt.” Tướng Weyand nói rất thành thật, tuy rằng ông đã đề nghị Tổng Thống Ford yêu cầu Quốc Hội viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa 722 triệu đô la, nhưng có lẽ cả Tổng Thống Gerald Ford và ông đều biết rõ Quốc Hội Hoa Kỳ không còn quan tâm đến việc giúp đỡ cho người Việt Nam nữa vì sau khi đã thỏa hiệp được với Trung Hoa cộng sản, Hoa Kỳ đã đạt được mục tiêu chiến lược của họ và nước Mỹ không còn có quyền lợi gì để giúp cho Việt Nam Cộng Hòa nữa.
Người Mỹ đã thất bại tại Á Châu nhưng chỉ 14 năm sau thì toàn bộ khối “Xã Hội Chủ Nghĩa” của cộng sản tại Đông Âu hoàn toàn tan rã và 2 năm sau đó thì đến lượt “thiên đường của Xã Hội Chủ Nghĩa” là Liên Bang Xô Viết cũng sụp đổ luôn. Kể từ đầu thập niên 1990, trên thế giới chỉ còn có 4 quốc gia tự xưng là theo “Xã Hội Chủ Nghĩa” tức là cộng sản, đó là Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, Cộng Hòa Nhân Dân Triều Tiên, Cộng Hòa Dân Chủ Cuba và Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Nếu so sánh con số quốc gia theo chủ nghĩa cộng sản từ sau Đệ Nhị Thế Chiến cho đến khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc thì có thể nói rằng trong một hình thức nào đó, chính sách “be bờ” do Ngoại Trưởng Dean Acheson chủ trương dưới thời Tổng Thống Harry S. Truman đã thành công.
Còn cuộc chiến tranh Việt Nam ? Ai thắng, ai bại?
Tại sao mà chiến thắng, tại sao mà thất bại.
Người viết xin mượn sự giải thích của Thiếu Tướng John E. Murray, vị Tướng lãnh Hoa Kỳ đã giữ chức Tùy Viên Quân Sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn hồi năm 1973-1974 về nguyên nhân tại sao cộng sản đã chiến thắng tại Việt Nam vào năm 1975:
“Nếu bạn muốn biết về Việt Nam thì bạn phải hiểu về chiến tranh, nếu bạn muốn biết về chiến tranh thì bạn phải có một ít hiểu biết về số học (aritthmetic)
Trong thời gian cao điểm của cuộc chiến tranh, có tổng cộng tất cả là 433 Tiểu Đoàn chiến đấu của Hoa Kỳ, của các quốc gia Đồng Minh và Việt Nam Cộng Hòa trong khi đó cộng sản có 60 trung đoàn tác chiến (tức là khoảng 240 tiểu đoàn). Vào năm 1974, khi Quân Đội Hoa Kỳ và Đồng Minh đã triệt thoái khỏi Việt Nam thì Việt Nam Cộng Hòa chỉ còn có 189 Tiểu Đoàn tác chiến trong khi đó thì cộng sản Bắc Việt gia tăng lên đến 110 trung đoàn (tức là 440 tiểu đoàn).
Sau khi Hoa Kỳ triệt thoái, hơn 40 phần trăm hỏa lực trên bộ của Quân Đội Mỹ và Đồng Minh bị giảm mất. Lại mất thêm hỏa lực của các pháo đài bay B-52, hỏa lực của các phi cơ oanh tạc F-4 và hỏa lực yểm trợ từ ngoài khơi của hải pháo, tất cả những hỏa lực yểm trợ đó đều không còn nữa. Rồi thì Hoa Kỳ bắt đầu viện trợ cho miền Nam Việt Nam một số ngân khoản chỉ bằng có 2 phần trăm của tổng số ngân khoản mà cho đến năm 1972 người Mỹ đã dùng để đối phó với một lực lượng cộng sản Bắc Việt ít ỏi hơn nhiều.
Chúng ta biết Napoléon đã từng nói rằng: “Thượng Đế đừng về phe của cái tiểu đoàn lớn nhất”.
Đúng như vậy, Thượng Đế đã đứng về phe của những người cộng sản vì họ lớn hơn, họ mạnh hơn.
Đó là lý do tại sao chúng ta đã thua trong cuộc chiến tranh nầy”.[Thiếu Tướng John E. Murray: Vietnam As History, trang 143].
Trong một cuộc hội thảo gọi là ‘ Hội Thảo Khoa Học Đại Thắng Mùa Xuân 1975: Bản lĩnh và Trí Tuệ Việt Nam” được tổ chức tại Sài Gòn trong hai ngày 14 và 15 tháng 4 năm 2005, các thuyết trình viên thuộc “Viện Lịch Sử Quân Sự Việt Nam” đã cho biết rằng trong 20 năm chiến tranh, Liên Xô, Trung Quốc và các nước Xã Hội Chủ Nghĩa anh em đã viện trợ cho Bắc Việt tổng số khối lượng vũ khí chiến cụ vào khoảng 2.362.581 tấn và riêng trong 2 năm sau Hiệp Định Paris năm 1973 thì đã có tới 724.512 tấn.
Trong khi đó thì tại Miền Nam Việt Nam, theo cựu Đại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, thì vào năm 1975, viện trợ quân sự dành cho Miền Nam bị cắt giảm còn 700 triệu Mỹ kim: “ngân khoản 700 triệu chỉ cung cấp được phân nửa nhu cầu tối thiểu của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa trong khi đó thì trong năm 1975, hoạt động quân sự của cộng sản Bắc Việt lại gia tăng 70 phần trăm hơn năm trước. Từ tháng 7 năm 1974 đến tháng 2 năm 1975, Quân Đội xài trung bình 19.808 tấn đạn dược hàng tháng, chỉ bằng 27 phần trăm so với con số 73.356 tấn dùng hàng tháng trong thời gian mấy năm trước đó. Sau tháng 3 năm 1975 với tất cả các đơn vị di tản từ Vùng I và II về thì tình trạng tồn kho trở nên tuyệt vọng. Tháng 4 năm 1975 đạn tồn kho ở 4 kho đạn dự trữ tuột xuống mức độ thấp nhất là chỉ đủ 14 đến 20 ngày cung ứng” [Cao Văn Viên: Sách đã dẫn, trang 85-92]
Như vậy thì vào năm 1975, năm cuối cùng, những tháng cuối cùng và những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh giữa hai miền Nam-Bắc, các nước Xã Hội Chủ Nghĩa anh em đã gia tăng viện trợ quân sự và riêng Liên Xô thì đã gia tăng viện trợ gấp 4 lần cho Miền Bắc, trong khi đó thì Hoa Kỳ lại cắt giảm hơn một nửa viện trợ quân sự cho Miền Nam Việt Nam và điều hiển nhiên mà lúc đó ai cũng có thể đoán biết là Miền Nam sẽ phải thua trận.
Lãnh đạo là tiên liệu và hơn 12 năm trước đó, một nhà lãnh đạo Miền Nam đã tiên đoán rằng phe nào còn có phương tiện để chiến đấu trong 5 phút cuối cùng thì sẽ chiến thắng. Trước năm 1963 Tổng Thống Ngô Đình Diệm có nói rằng:
“Nếu ở đây, tại nước Việt Nam, mà chúng tôi có thể thành công trong cuộc chiến đấu để bảo vệ chiến tuyến nầy chống lại cuộc tấn công xâm lược của cộng sản thì như vậy là chúng tôi đã giúp cho toàn thể Thế Giới Tự Do. Và đây là việc mà chúng tôi sẽ làm.
Đừng có quên rằng trong cuộc chiến tranh này, người nào, phe nào mà còn có thể chiến đấu được trong 5 phút cuối cùng thì phe đó sẽ chiến thắng” [Marguerite Higgins: Our Vietnam Nightmare, Harper & Row, Publishers, New York, 1965, trang 174]
Mười hai năm sau khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị các Tướng lãnh giết chết, vào năm 1975, những người lãnh đạo của Nền Đệ Nhị Cộng Hòa sau ông Ngô Đình Diệm vì không biết tiên liệu, không có kế hoạch cho nên đã không còn có đủ khả năng và phương tiện để chiến đấu trong 5 phút cuối cùng và kết cuộc là Miền Nam đã thua trận.
Điều chua xót là người chịu trách nhiệm về việc giết chết Tổng Thống Ngô Đình Diệm vào năm 1963 lại cũng chính là người đã ra lệnh đầu hàng cộng sản Bắc Việt 12 năm sau đó.
Ai Là Người Chịu Trách Nhiệm ?
Vào hai tháng 3 và tháng 4 năm 1975, Việt Nam Cộng Hòa đã phạm nhiều lỗi lầm nghiêm trọng về phương diện điều động và phối trí lực lượng và đó là một trong những nguyên nhân gây ra sự tan vỡ, sự rã ngũ của hai Quân Đoàn tại miền Cao Nguyên và miền Trung. Người chịu trách nhiệm về những sai lầm chiến lược đó, sau cùng và trên hết chính là Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Không phải vì ông Thiệu giữ chức vụ Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa tức là vị Tổng Tư Lệnh Tối Cao của Quân Đội mà ông ta phải chịu trách nhiệm, ông phải chịu trách nhiệm vì trong suốt 2 nhiệm kỳ 8 năm trời, ông Nguyễn Văn Thiệu vừa là Tổng Thống, tức là vị Tổng Tư Lệnh Tối Cao Quân Đội và lại còn kiêm thêm chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng vì ông đã ra lệnh tất cả các vị Tư Lệnh Quân Đoàn phải tuân lệnh trực tiếp của ông chứ không phải là Bộ Tổng Tham Mưu.
Có nhiều người kể cả các Sĩ Quan cao cấp đã trách Đại Tướng Cao Văn Viên, người giữ chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa từ năm 1965 cho đến năm 1975, là đã không làm tròn nhiệm vụ, nhưng có một điều mà họ không được biết là vào năm 1970, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã vận động với Quốc Hội ủy quyền cho ông qua Luật Ủy Quyền và sau đó Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã ban hành một Sắc Luật, tức là một Đạo Luật do Hành Pháp ban ra chứ không cần có sự thỏa thuận của Ngành Lập Pháp, vào tháng 7 năm 1970, quy định vai trò và trách nhiệm của Bộ Tổng Tham Mưu. Theo Sắc Luật này thì về phương diện điều động các đơn vị, các vị Tư Lệnh Quân Đoàn gần như hoàn toàn liên lạc và nhận lệnh trực tiếp của Tổng Thống chứ không cần qua Bộ Tổng Tham Mưu.
Trong cuốn sách “Những Ngày Cuối Cùng Của Việt Nam Cộng Hòa”, Đại Tướng Cao Văn Viên tiết lộ cho biết sau Hiệp Định Paris và quốc sách “4 không” ra đời thì ông Thiệu ra lệnh thẳng cho các Tư Lệnh Quân Đoàn, Không Quân, Hải Quân và liên lạc thẳng với vị Tham Mưu Trưởng Liên Quân Bộ Tổng Tham Mưu tức là người kiêm nhiệm chức vụ Tham Mưu Trưởng của Ngành Lục Quân. Tướng Viên cho biết những buổi họp cao cấp về quân sự luôn luôn được tổ chức tại Dinh Độc Lập dưới sự chủ tọa của Tổng Thống Thiệu và ông ta quyết định, ban hành Quân Lệnh hay chỉ dẫn cần thiết cho các Tư Lệnh Quân Đoàn hay Quân Chủng tham dự, không cần ý kiến của Bộ Tổng Tham Mưu.
Theo cách làm việc của ông Thiệu thì có nhiều chuyện quốc gia đại sự đến ngay cả Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm cũng không được biết. Bác Sĩ Nguyễn Lưu Viên, Phó Thủ Tướng trong Nội Các Trần Thiện Khiêm cho biết rằng khi xảy ra vụ triệt thoái Pleiku, nhiều Tổng Bộ Trưởng hỏi Đại Tướng Khiêm thì ông ta trả lời là ông cũng không được biết gì khiến cho Bác Sĩ Viên phải nói: “Bộ giả nói giả ngộ hay sao ? Anh là Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Quốc Phòng, Đại Tướng 4 sao mà!” Ông Khiêm gật đầu: “thật chớ!” (nguyên văn)
Trước những lỗi lầm về quân sự trọng đại khiến cho cả hai Quân Đoàn I và II tan rã, nhiều người đã chê khả năng quân sự của Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu. Nhà báo Pháp Jean Lartéguy đã nhận định về khả năng quân sự của ông như sau: “Nếu mà người ta thật là rộng rãi, thì họ có thể cho ông Nguyễn Văn Thiệu giữ chức vụ Tiểu Đoàn Trưởng “danh dự” và Tiểu Đoàn Trưởng là chức vụ cao nhất mà ông ta có thể đảm nhận trong Quân Đội mà thôi”. [Jean Lartéguy: "L'adieu à Saigon."]
Một tác giả Hoa Kỳ cho biết ông Thiệu cũng tự thú nhận rằng ông không có khả năng về quân sự trên cấp Sư Đoàn:
“Khi cuộc chiến đã đến giai đoạn gần tàn, người ta cảm thấy thương hại với sự cảm tình dành cho Tổng Thống Thiệu mấy năm về trước, ông Thiệu đã thú nhận với Đại Sứ Ellsworth Bunker rằng ông ta có ít kinh nghiệm để chỉ huy mặt trận cấp Sư Đoàn trong khi mà những thử thách về quân sự mà ông ta phải đương đầu trong mấy năm sau cùng lại quá khó khăn. Một mặt phải chọn lựa giữa sự cố gắng bảo vệ dân chúng và gìn giữ lãnh thổ Miền Nam Việt Nam một nhiệm vụ gần như là không thể nào thực hiện nổi khi mà đối phương đang nắm vai trò chủ động và lại càng khó khăn thập bội khi mà sự ủng hộ của Hoa Kỳ đang tiếp tục suy mòn hay là triệt thoái về một khu vực nhỏ hẹp hơn nhưng có thể phòng thủ được, ông Thiệu không thể nào quyết định được phải theo giải pháp nào. Trong bao nhiêu năm ông Thiệu đã hô hào chủ trương “4 không” (không trung lập không nhượng đất cho việt cộng, không công nhận việt cộng và không liên hợp với việt cộng), và bây giờ thì về phương diện tâm lý cũng như về phương diện vật chất, rất khó mà có thể bỏ những lập trường đó, cho đến khi mà phải làm như vậy thì từ đó là bước đầu của thảm họa”[Lewis Sorley: A Better War, the Unexamined Victories and the Final Tragedy of America's Last Years in Vietnam, Hartcourt Brace & Company, New York, 1999, trang 381].
Về phương diện chính trị, ngoài việc thiếu khôn khéo trong vụ “đi đêm” với bà Anna Chennault và ứng cử viên Nixon để trở thành kẻ thù của phe Dân Chủ tại Hoa Kỳ, ông Thiệu cũng bị mất rất nhiều uy tín với công luận và cả Quốc Hội Mỹ về vụ bầu cử “độc diễn” vào năm 1971 vì người Mỹ không thể nào có thể tưởng tượng được trong một cuộc bầu cử mà lại chỉ có một liên danh duy nhất ra “tranh cử” , Cựu Đại Sứ Samuel Berger, Phó Đại Sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn dưới thời ông Bunker đã chua chát nhận xét như sau:
“Vào hồi đó, trước đó và từ đó, chúng tôi đã nghĩ rằng các đường lối mà Tổng Thống Thiệu theo đuổi trong vụ bầu cử Tổng Thống năm 1971 thì thật là một điều vô cùng bất hạnh. Ông Thiệu đã nắm chắc phần thắng trong tay và chắc hẳn rằng ông ta sẽ thắng ông Kỳ, ông Minh hay là cả hai, vậy mà ông đã vận động, đã xoay xở để cho cả hai ông này đều không ra tranh cử với ông. Ông ta sẽ phải trả một cái giá rất đắt về chuyện độc diễn này vì đó là đầu mối của những sự gia tăng chống lại ông ta trong Quốc Hội cũng như là trong dư luận quần chúng tại Hoa Kỳ”. [Lewis Sorley: Sách đã dẫn, trang 281].
Vào những ngày cuối cùng của miền Nam, ông Thiệu còn phạm thêm hai lỗi lầm tai hại nữa đối với giới báo chí truyền thông làm cho dư luận, nhất là giới truyền thông Hoa Kỳ hoàn toàn không còn có cảm tình với Việt Nam. Vào khoảng cuối tháng 3 đầu tháng 4, Tổng Thống Thiệu ra lệnh bắt giam một số ký giả tại Sài Gòn chỉ vài ngày trước khi bắt giam các nhân vật chính trị mà ông xem là có thể nguy hiểm cho chế độ của ông và việc bắt giam các ký giả này đã làm cho giới truyền thông Hoa Kỳ rất bất bình. Cũng trong thời gian này, một ký giả người Pháp lại bị Cảnh Sát Việt Nam bắn chết. Giám Đốc của Hãng Thông Tấn AFP của Pháp tại Sài Gòn là Paul Léandri đã bị mời vào Tổng Nha Cảnh Sát để trả lời về một nguồn tin mà ông đăng tải nói rằng một số binh sĩ người Thượng đã nổi loạn chống lại người Việt Nam tại vùng Cao Nguyên, nhưng sau khi bị giữ nhiều tiếng đồng hồ ông ta đã tức giận và bỏ ra về khi chưa được phép. Khi lái xe phóng thẳng ra cổng, Léandri không tuân theo lệnh của lính gác phải ngừng xe lại, do đó lính gác đã nổ súng bắn vào bánh xe, chẳng may Léandri bị trúng đạn mà chết. Dù rằng đây chỉ là một tai nạn chứ không phải là một sự cố tình, tuy nhiên cái chết của một đại diện của một Hãng Thông Tấn Quốc Tế như Paul Léandri đã làm cho toàn thể giới truyền thông trên toàn thế giới phẫn nộ và hoàn toàn mất cảm tình với nhân dân nước Việt Nam Cộng Hòa dù rằng lúc đó đã bị cộng sản chiếm gần một nửa lãnh thổ.
Trong phần cuối cuốn sách The Palce File mà Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng đã bỏ hơn 10 năm trời nghiên cứu và đã gặp gỡ riêng cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu không biết bao nhiêu lần từ năm 1975 cho đến khi cuốn sách được xuất bản vào năm 1986, ông đã cho biết rằng trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1976 tại London, cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã nói rằng “Tôi có trách nhiệm nhưng tôi không có tội” (I am responsible but not guilty) [Nguyễn Tiến Hưng & J. Schecter: Sách đã dẫn, trang 361].
Người viết không có cao vọng đưa ra một sự xét đoán nào về vai trò của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu trong giai đoạn ông cầm quyền vì đó là công việc của các nhà viết sử, ông có tội hay không thì cũng do các nhà viết sử sau này phán quyết, tuy nhiên vì cựu Tổng Thống Thiệu có nhận rằng ông ta có trách nhiệm cho nên người viết chỉ xin đề cập đến một vấn đề mà thôi, đó là trách nhiệm của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đối với sự chết chóc, tang tóc, đau khổ và đổ vỡ của hàng chục triệu Dân Chúng, Cán Bộ, Công Chức và Quân Nhân tại hai Vùng I và II Chiến Thuật vào năm 1975, đó là chưa nói đến số phận của bao nhiêu người dân vô tội khác tại miền Nam.
Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng cho biết rằng năm 1974, sau khi sang Hoa Kỳ để theo dõi về vấn đề ngoại viện trở về Sài Gòn, ông vào Dinh Độc Lập để tường trình những tin tức về việc Hoa Kỳ cắt giảm quân viện cho Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Sau khi nghe ông Hưng phân tích rằng sự cắt giảm quân viện này sẽ đưa đến hậu quả là khả năng tác chiến của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa sẽ bị giảm thiểu đến 60 phần trăm, Tổng Thống Thiệu mím môi, nắm chặt hai tay sau lưng rồi bước ra khỏi phòng.
Còn lại một mình trong Phòng Tình Hình, Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng nhìn thấy một tập hồ sơ mầu đỏ, ngoài bìa có hình của ông Thiệu, đang nằm trên bàn giấy. Đó là một bản phân tích về mức độ quân viện do Thiếu Tướng John E. Murray, Tùy Viên Quân Sự của Hoa Kỳ (DAO) soạn thảo và đã được Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trình lên cho Tổng Thống Thiệu.
Bản phân tích này có nội dung như sau:
Có 5 mức độ viện trợ và cũng có 5 tuyến phòng thủ tùy theo con số ngân khoản viện trợ đó:
1.     Nếu viện trợ của Hoa Kỳ còn ở con mức độ 1.400 triệu đô-la thì Việt Nam Cộng Hòa có thể giữ được những trung tâm đông dân cư trên khắp 4 Vùng Chiến Thuật.
2.     Nếu viện trợ chỉ còn 1.100 triệu đô la thì coi như là mất cả Vùng I.
3.     Nếu viện trợ sụt xuống mức 900 triệu đô la thì không còn có cơ hội để giữ được Vùng I và cả Vùng II nếu bị cộng sản tấn công.
4.     Nếu chỉ được viện trợ 750 triệu đô la mà thôi thì Việt Nam Cộng Hòa chỉ có khả năng giữ được một số ít vùng và sẽ không thể nào thuyết phục được cộng sản Bắc Việt thương thuyết một cách nghiêm chỉnh.
5.     Nếu mà quân viện chỉ xuống còn 600 triệu đô la thì Việt Nam Cộng Hòa chỉ còn giữ được Sài Gòn và vùng đồng bằng sông Cửu Long mà thôi.
Thiếu Tướng Murray kết luận bản phân tích này như sau: “Quí vị có thể so sánh một cách đại khái là nếu mất ngân khoản viện trợ chừng nào thì cũng mất lãnh thổ ngang chừng đó.”(You can roughly equate the loss of funds to the loss of real estate) [Nguyễn Tiến Hưng & J. Schecter: Sách đã dẫn, trang 233-234]
Đây là một bản phân tích vô cùng giá trị do Thiếu Tướng John Murray soạn thảo. Tướng Murray là người đảm nhận chức vụ Tùy Viên Quân Sự Hoa Kỳ tại Việt Nam ngay sau khi Hiệp Định Ba Lê được ký kết và trong thời gian phục vụ tại Sài Gòn, ông rất có rất nhiều cảm tình với Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và đã hết lòng giúp đỡ khi gặp phải khó khăn, chẳng hạn như chính ông là người đã khéo léo nhắc nhở và báo động cho các giới chức chỉ huy trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa biết rằng quân viện sắp bị giảm và nên tiết kiệm đạn dược. Vào giữa năm 1974 khi chỉ còn mấy tháng trước ngày mãn nhiệm kỳ tại Việt Nam, Thiếu Tướng Murray được biết ông không có tên trong danh sách những Thiếu Tướng được thăng lên Trung Tướng trong năm 1975 và ông hiểu ngay là ông sẽ phải rời quân ngũ trong năm tới. Do đó thay vì phải nói và làm theo đúng chỉ thị của Ngũ Giác Đài như tất cả mọi Quân Nhân khác, Tướng Murray đã không cần biết đến kỷ luật Quân Đội và ông đã làm bất cứ điều gì có thể làm được để giúp cho Việt Nam Cộng Hòa, tại Sài Gòn cũng như tại Hoa Thịnh Đốn. Bản ước tính về quân viện nói trên của ông rất có giá trị cho những người lãnh đạo Việt Nam để căn cứ vào đó mà phác họa và thiết lập kế hoạch thích ứng để đối phó với mọi tình thế trên chiến trường miền Nam trong những ngày sắp tới.
Ông Nguyễn Tiến Hưng không nói rõ thời gian mà ông được đọc bản phân tích trong Phòng Tình Hình tại Dinh Độc Lập, tuy nhiên ông cho biết rằng sau chuyến đi Hoa Kỳ trở về, như vậy thì lúc đó là vào khoảng tháng 4 hay tháng 5 năm 1974 tức là 7 hay 8 tháng trước ngày cộng sản tấn công Phước Long và cũng là thời gian mà tình hình tiếp vận trong Quân Đội đã gặp phải rất nhiều khó khăn khiến cho Tổng Thống Thiệu phải phái Đại Tướng Cao Văn Viên và sau đó Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng sang Hoa Kỳ để vận động về viện trợ quân sự.
Lúc đó, Tổng Thống Thiệu đã biết rõ rằng viện trợ quân sự dành cho tài khóa 1975 đã bị Quốc Hội Mỹ cắt giảm xuống chỉ còn có 900 triệu, nhưng sau khi bị “trừ nợ” đã ứng trước trong tài khóa 1974 cộng thêm ngân khoản 125 triệu Mỹ kim dành cho khu trục cơ F-5 mà Hoa Kỳ bắt Việt Nam Cộng Hòa phải nhận dù rằng Việt Nam Cộng Hòa không cần và không xin các phi cơ này, như vậy thì tổng số ngân sách viện trợ cho năm 1975 chỉ còn có 625 triệu Mỹ kim. Tuy nhiên sau khi trừ đi ngân sách dành cho Phòng Tùy Viên Quân Sự DAO và tiền chuyển vận hàng hóa thì con số này thực sự chỉ còn có 500 triệu Mỹ kim mà thôi.
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu biết rõ con số ngân khoản viện trợ chỉ có 500 triệu và Tổng Thống Thiệu cũng biết rõ với 500 triệu thì ông có thể làm được điều gì theo ước tính của Thiếu Tướng Murray: “Nếu mà quân viện chỉ xuống còn 600 triệu đô la thì Việt Nam Cộng Hòa chỉ còn giữ được Sài Gòn thì vùng đồng bằng sông Cửu Long mà thôi”.
Là người lãnh đạo đất nước, là vị Tổng Tư Lệnh tối cao của Quân Đội, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã có nghĩ ra, đã có phác họa hay là ra lệnh cho cơ quan nào đó, nhân vật nào đó soạn thảo một vài kế hoạch hay giải pháp nào để đối phó tại hai địa phương này khi cộng sản tấn công ?
Vùng I và Vùng II có hai Quân Đoàn cùng với các đơn vị yểm trợ và tiếp vận, các Tỉnh và Tiểu Khu có hàng trăm ngàn Địa Phương Quân và Nghĩa Quân và dân số cả hai vùng này có thể lên đến mười triệu người, có kế hoạch nào cứu họ hay không, có kế hoạch nào di tản họ hay không ?
Chính phủ trung ương tại Sài Gòn dưới quyền của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu phải là cơ quan tối cao có đủ yếu tố, phương tiện và nhân lực để làm những kế hoạch này.
Tuy nhiên sau vụ Ban Mê Thuột, sau vụ di tản Quân Đoàn II, người ta mới thấy rằng chính phủ trung ương không có một kế hoạch nào, Quân Đoàn II cũng không có một kế hoạch nào đã được hoạch định hay là phác họa trước.
Mười ngày sau, Vùng I Chiến Thuật chưa bị cộng quân tấn công mà tình hình trở nên hỗn loạn vì không có kế hoạch nào cả. Nguyên Sư Đoàn 1 Bộ Binh trong bao nhiêu năm vốn được mệnh danh là Sư Đoàn giỏi nhất của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vậy mà cũng bị tan rã trong một ngày 25 tháng 3 trên đường về Cửa Tư Hiền.
Còn dân chúng ?
Hàng trăm ngàn người dân bỏ nhà bỏ cửa, bỏ làng bỏ xóm để chạy theo Quân Đội khi thấy các đơn vị thuộc Quân Đoàn II rút đi, hàng triệu người đã bỏ chạy khi thấy các đơn vị của Quân Đoàn I rút đi, không ai bắt họ theo, nhưng họ đã bỏ chạy vì họ không muốn sống với cộng sản, họ bỏ chạy vì họ là công dân của Việt Nam Cộng Hòa và họ muốn được sống trong lãnh thổ của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Vậy mà khi Tướng Phú hỏi: “Còn hơn 100.000 dân hai Tỉnh Pleiku, Kontum và gia đình anh em binh sĩ thì làm sao ? Tổng Thống Thiệu đã lạnh lùng trả lời: “Thì cho thằng cộng sản số dân đó!”.
Ông Thiệu lại còn ra lệnh cho Tướng Phạm Văn Phú không được tiết lộ việc rút quân với các Tỉnh Kontum, Pleiku, Phú Bổn và ra lệnh cho các đơn vị Địa Phương Quân và Nghĩa Quân phải ở lại “tiếp tục chiến đấu” chống lại 5 sư đoàn chính quy cộng sản Bắc Việt, cái lệnh đó phải được xem như là một cái lệnh giết người vì chắc là hơn ai hết, Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu phải biết rõ rằng Địa Phương Quân và Nghĩa Quân không thể nào chống lại các đơn vị chính quy của Bắc Việt nếu không được lực lượng chính quy yểm trợ.
Những người đã bỏ phiếu cho Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu hồi năm 1967 và 1971 khi nghe việc đó thì họ sẽ vô cùng hối tiếc, vô cùng ân hận đã bỏ phiếu cho ông.
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã được báo trước về việc không thể giữ được hai Vùng I và II Chiến Thuật mà trong gần một năm trời ông không hề có một kế hoạch nào, không hề có một giải pháp nào để cứu họ, hay ít ra công bố điều đó để cho họ có thể tự cứu lấy mình, do đó có nhiều người đã lên án ông không những là có trách nhiệm mà còn có tội với tất cả Quân Dân hai Vùng I và II Chiến thuật.
Người Mỹ Đến, Người Mỹ Ra Đi
Trong thời Đệ Nhị Thế Chiến, Tổng Thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt không để cho người Pháp trở lại Đông Dương một khi cuộc chiến tranh kết thúc và ông chủ trương phải đặt Đông Dương dưới “sự giám hộ quốc tế” (intemational trusteeship) của một quốc gia nào đó, cũng có thể là nước Pháp, nhưng sự giám hộ này phải đưa đến việc trao trả độc lập cho nhân dân cả ba nước Đông Dương. Tổng Thống Roosevelt đã ra lệnh cho Bộ Chiến Tranh và Quân Đội Hoa Kỳ chỉ giúp cho người Pháp trong công cuộc chiến đấu chống lại Nhật Bản nhưng tuyệt đối không được phép giúp cho người Pháp để tái chiếm Đông Dương làm thuộc địa như cũ.
Tổng Thống Roosevelt đã nói với hai nhà lãnh đạo Trung Hoa và Liên Xô một cách sơ lược về đề nghị “giám hộ quốc tế” cho Đông Dương của ông như sau: ‘Hội đồng giám hộ này sẽ có một người Pháp một hay hai người Đông Dương, một người Trung Hoa, một người Nga và có thể là thêm một người Mỹ và một người Phi Luật Tân. Hội đồng này có nhiệm vụ “giáo dục” (educate) cho người Đông Dương biết cách để tiến đến tự trị (selfgovemment) rồi độc lập.” Tổng Thống Roosevelt nói rằng Thống Chế Tưởng Giới Thạch và Thống Chế Stalin cả hai người đều tỏ ra rất thích đề nghị này, tuy nhiên có một vấn đề rắc rối là khi nghe nói về đề nghị này, người Anh lại không thích”.[ Samuel I. Rosenman: "The Public Papers and Addresses of Franklin D. Roosevelt, Victory and the Threshold of Peace", Harper & Brothers, New York, 1950. Trang 556-557].
Đầu năm 1945, sau khi dự Hội Nghị Yalta trở về, Tổng Thống Roosevelt đã chỉ thị cho một trong số những vị Cố Vấn của ông rằng “phải lấy Đông Dương thuộc Pháp (French Indochina) ra khỏi tay người Pháp và phải đặt Đông Dương dưới một sự giám hộ quốc tế”. Sau một vài giây lưỡng lự Tổng Thống Roosevelt nói tiếp “được rồi, nếu mà chúng ta có được một sự cam kết đàng hoàng của người Pháp rằng họ sẽ đảm nhận cái trách nhiệm “giám hộ” thì tôi sẽ đồng ý để cho người Pháp ở lại Đông Dương, tuy nhiên phải có ghi rõ một điều khoản trong sự cam kết là mục tiêu tối hậu của giám hộ là nền độc lập của Đông Dương”. [Diplomatic Papers: "General: The United Nations," GPO 1945, trang 124]
Lập trường của Tổng Thống Hoa Kỳ Roosevelt về vấn đề Đông Dương như vậy quả thật là rõ ràng. Và trước sau như một, ông chủ trương Đông Dương phải được đặt dưới quyền “giám hộ quốc tế” chứ không được trao lại cho người Pháp. Ý kiến này đã được đưa ra tại các Hội Nghị ở Cairo, Teheran và Yalta và đã được Chủ Tịch Stalin cũng như là Thống Chế Tưởng Giới Thạch ủng hộ, chỉ có Thủ Tướng Churchill là chống đối vì quyền lợi của đế quốc Anh.
Tiếc thay Tổng Thống Roosevelt đột ngột từ trần vào ngày 12 tháng 4 năm 1945, chỉ 4 tháng trước khi Nhật Bản đầu hàng và 5 tháng trước khi người Pháp mang quân trở lại Việt Nam.
Tổng Thống Harry S. Truman lên thay Tổng Thống Roosevelt đã không được biết gì về chính sách Đông Dương của vị Tổng Thống tiền nhiệm và vì phải đối đầu với phong trào cộng sản đang lan tràn ảnh hưởng ở các nước Đông Âu Châu và một vài nước Tây Âu như Ý, Hy Lạp và Pháp, do đó ông đã phải nhượng bộ người Pháp và không chống lại việc họ trở lại Việt Nam. Sau đó, khi chiến tranh xảy ra giữa người Việt Nam và Pháp, để đánh đổi việc Pháp không ủng hộ Liên Xô Tổng Thống Truman phải viện trợ quân sự cho người Pháp để họ theo đuổi cuộc chiến tranh tại Đông Dương.
Hiệp Định Genève đánh dấu sự kết thúc sự ủng hộ của Hoa Kỳ dành cho người Pháp tại Đông Dương. Theo Tiến Sĩ Chester Cooper thì kể từ khi Hoa Kỳ thừa nhận chính phủ Bảo Đại vào đầu năm 1950 cho đến khi Hiệp Định Genève được ký kết vào ngày 20 tháng 7 năm 1954, Hoa Kỳ đã viện trợ cho người Pháp tổng số lên tới 2.600 triệu Mỹ kim về viện trợ quân sự tức là vào khoảng 80 phần trăm quân phí dành cho cuộc chiến tranh tại Đông Dương của người Pháp. Trong khi đó, tổng số viện trợ về quân sự, kinh tế cũng như là kỹ thuật dành cho chính phủ Quốc Gia Việt Nam của ông Bảo Đại trong thời gian này chỉ có 126 triệu Mỹ kim, tức là chưa tới một phần hai mươi trong tổng số tiền viện trợ cho người Pháp. Một nhà quan sát Hoa Kỳ đã chua chát phê bình về chính sách của người Mỹ như sau: “Hoa Thịnh Đốn đang cố gắng ôm giữ lấy bàn tay của “chủ nghĩa thực dân Pháp” đang bị cuốn trôi xuống cống rãnh…” [John F. Cady: The Historical Background of U.S. Policy in South East Asia, M.I.T. Press. 1963. Trang 21]
Vì viện trợ cho người Pháp cho nên người Mỹ đã dính dáng đến cuộc tranh chấp tại Việt Nam, trước hết là giữa người Pháp với Việt Minh và sau khi người Pháp ra đi thì là sự tranh chấp giữa người Việt Nam cộng sản với người Việt Nam không cộng sản.
Và đó cũng là nguyên nhân khiến cho người Mỹ nhiều lần tìm cách đưa quân vào Việt Nam những năm đầu của thập niên 1960.
Tổng Thống Ngô Đình Diệm Chống Việc Người Mỹ Đưa Quân Vào Việt Nam
Sau khi ông Ngô Đình Diệm thành lập Nền Đệ Nhất Cộng Hòa, người Mỹ đã bắt đầu trực tiếp viện trợ cho Việt Nam và họ đã cung cấp viện trợ quân sự cũng như là Cố Vấn để huấn luyện cho Quân Đội Việt Nam. Dưới thời Tổng Thống Dwight D. Eisenhower, chỉ có Cố Vấn quân sự phụ trách về huấn luyện và tiếp vận nhưng không có tham gia tác chiến và khi Tổng Thống Eisenhower hết nhiệm kỳ vào năm 1961 thì tổng số Cố Vấn Hoa Kỳ tại Việt Nam chỉ có 1.700 người.
Sau khi Tổng Thống John F. Kennedy lên nhậm chức, cộng sản Bắc Việt gia tăng khủng bố và phá hoại tại miền Nam khiến cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm phải gửi Quốc Thư yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ trợ giúp. Căn cứ vào những phúc trình của các Tướng lãnh Hoa Kỳ, Tổng Thống Kennedy gia tăng viện trợ quân sự cũng như là Cố Vấn Hoa Kỳ tại Việt Nam. Vào năm 1963 khi cả hai ông Ngô Đình Diệm và Kennedy bị giết thì con số Cố Vấn Mỹ tại Việt Nam đã lên đến 17.000. Dưới thời Tổng Thống Kennedy, người Mỹ đã nhiều lần tỏ ý muốn đưa quân tác chiến Mỹ sang Việt Nam để có thể thanh toán được việt cộng một cách nhanh chóng hơn, tuy nhiên Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã cực lực chống lại điều đó.
Có lần Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã được Đại Sứ Nolting thông báo rằng “Hoa Kỳ chuẩn bị tham gia trong một nỗ lực gia tăng hơn giữa Hoa Kỳ và Việt Nam nhằm tránh một sự suy thoái trầm trọng trong tình hình hiện tại. Các Cố Vấn dân sự và quân sự Hoa Kỳ sẽ tham dự vào guồng máy chính quyền địa phương và những toán hỗn hợp Việt-Mỹ sẽ đi về tận các Tỉnh để thẩm định những yếu tố về xã hội, chính trị, tình báo và quân sự có liên quan đến chương trình chống nổi loạn.” Đại Sứ Frederick Nolting đã nhận được chỉ thị phải nói với Tổng Thống Diệm rằng “người Mỹ mong muốn mối liên lạc giữa Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ chặt chẽ hơn là chỉ đóng vai trò Cố Vấn như trong mối liên lạc hiện tại. Người Mỹ muốn chia xẻ sự quyết định trong những lãnh vực chính trị, kinh tế và quân sự có liên quan đền tình hình an ninh”. (Ghi chú của người viết: Có nghĩa là các Cố Vấn Mỹ sẽ chia xẻ sự cai trị cùng với các cấp chỉ huy người Việt Nam ở các địa phương chứ không đóng vai trò Cố Vấn như trước).
“Tổng Thống Ngô Đình Diệm lắng tai nghe với nhiều sự xúc động, ông ta không ngờ rằng người Mỹ lại có những đề nghị như vậy. Nghe xong, ông phản đối: “Việt Nam Cộng Hòa không muốn trở thành một xứ bảo hộ của người Mỹ” (Vietnam does not want to be a protectorate)[ Ellen Hammer: A Death in November, E.P. Dutton, New York 1987, trang 37].
Về căn cứ Cam Ranh, Tiến Sĩ Hammer còn cho biết: “Tổng Thống Diệm nói rằng người Mỹ đã nhiều lần yêu cầu ông cho phép được quyền thiết lập một căn cứ Hải và Không Quân thường trực (pemanent) tại Vịnh Cam Ranh và đến năm 1961 thì họ càng hối thúc mạnh hơn. Trong một cuộc kinh lý vào tháng 7 năm l962, Tổng Thống Diệm đã chỉ vào dãy núi Trường Sơn kề cận Vịnh Cam Ranh và nói rằng: “người Mỹ muốn lập một căn cứ ở đó nhưng mà tôi sẽ không bao giờ chấp thuận việc này”.[ Ellen J. Hammer: Sách đã dẫn. Trang 121].
Tổng Thống Ngô Đình Diệm chủ trương Hoa Kỳ nên gia tăng viện trợ kinh tế và quân sự cho Việt Nam để cho người Việt Nam có đủ sức mạnh chống lại cộng sản và ông đã yêu cầu như trên với Phó Tổng Thống Lyndon B. Johnson khi ông sang viếng thăm Việt Nam:
“Trong một chuyến thị sát Vịnh Cam Ranh có Kiến Trúc Sư Ngô Viết Thụ, khôi nguyên giải La Mã tháp tùng, Tổng Thống Diệm đã cầm “can” (gậy) chỉ xuống Hải Cảng mà nói rằng: “Người Mỹ muốn lấy Vịnh Cam Ranh này làm căn cứ, nhưng nếu cứ để họ lấy thì đương nhiên ta đưa ngọn cờ chính nghĩa cho Hà Nội, cho nên tôi có đề nghị với Phó Tổng Thống Lyndon Jobnson là cần tăng viện trợ kinh tế và quân sự để miền Nam Việt Nam hùng mạnh hơn. Hơn nữa, người lính Việt Nam được trang bị đơn giản và ít tổn phí, tiền chi phí cho một Quân Nhân Mỹ có thể dùng cho 5 Quân Nhân Việt Nam hay nhiều hơn, vả lại ngoài sự tổn phí, diệu vợi trong sự chuyển quân sang Việt Nam, sinh mạng của người lính Hoa Kỳ sẽ làm cho dư luận và dân chúng Mỹ lo lắng, phiền muộn thêm” [Hoàng Lạc và Hà Mai Việt: "Nam Việt Nam 1954-1975: Những Sự Thật Chưa Hề Nhắc Tới". Tác giả xuất bản, Texas, USA 1990. Trang 227-228].
Tổng Thống Ngô Đình Diệm không bằng lòng khi thấy có quá nhiều Cố Vấn quân sự người Mỹ tại Việt Nam. Có lần ông đã nói với Đại Sứ Pháp Roger Lalouette về sự tràn ngập của các Cố Vấn quân sự Mỹ tại miền Nam như sau: “tất cả những Quân Nhân đó, tôi không hề yêu cầu họ đến nước tôi. Họ đến nước tôi mà không hề có một tấm giấy thông hành!”về phần ông Ngô Đình Nhu, Cố Vấn Chính Trị tại Phủ Tổng Thống thì trong một cuộc hội thảo về Ấp Chiến Lược tại Suối Lồ Ô, Thủ Đức, vào cuối mùa Hè năm 1963 chỉ chừng vài tháng trước ngày bị giết, ông đã giải thích cho các hội thảo viên, đa số thuộc giới trí thức, về lý do tại sao chính phủ Việt Nam của Tổng Thống Ngô Đình Diệm chống lại việc người Mỹ đề nghị đưa quân sang tham chiến tại Việt Nam. Ông Ngô Đình Nhu nói rằng:
“Nếu người Mỹ đưa quân sang Việt Nam thì trước hết miền Nam chúng ta sẽ mất hết chính nghĩa vì đa số nhân dân miền Nam sẽ xem Quân Đội Mỹ như là lính thực dân Pháp trước kia, họ sẽ xem chính quyền cũng như Quân Đội Việt Nam là “bù nhìn” của Mỹ và họ sẽ không thèm hợp tác với chính phủ, người Mỹ càng đưa quân vào thì việt cộng lại có cớ để gia tăng xâm nhập binh sĩ và cán bộ vào miền Nam để “chống Mỹ cứu nước” , người Mỹ có Quân Đội được trang bị với những vũ khí vô cùng tối tân, nhưng khi phải đương đầu với một cuộc “chiến tranh nhân dân, chiến tranh cách mạng” như tại chiến trường Việt Nam thì yếu tố vũ khí không quan trọng bằng yếu tố chính trị, sau một thời gian thì người Mỹ sẽ thấy là họ sẽ không đạt được thắng lợi một cách dễ dàng, họ sẽ bị sa lầy và họ sẽ dần dần mất kiên nhẫn, khi họ không còn kiên nhẫn nữa cả thế giới ai cũng biết rằng đối với người Mỹ thì kiên nhẫn không phải là một “đức tính” thì họ sẽ bị áp lực của dân chúng Hoa Kỳ rồi sẽ bỏ rơi chúng ta, và khi họ đã bỏ chúng ta rồi thì lúc đó hàng trăm ngàn quân lính của cộng sản từ Bắc Việt xâm nhập vào miền Nam để “chống Mỹ cứu nước” vấn đề sẽ còn đó và khi đó thì chúng ta không tài nào có đủ khả năng để chống lại một lực lượng cộng sản chính quy lớn lao như vậy.
Chính phủ Việt Nam chỉ muốn đương đầu với một cuộc chiến tranh du kích, một cuộc chiến tranh cục bộ trên bình diện quân sự và đồng thời hy vọng sẽ tìm mọi phương thức trên những bình diện khác như ngoại giao, chính trị, kinh tế v.v…để có thể đi đến một sự giàn xếp nhằm mang lại hòa bình cho nước Việt Nam, nhằm giúp cho người dân Việt Nam ở cả hai miền Nam và Bắc tránh được một cuộc chiến thương tàn có thể gây ra chết chóc cho cả hàng triệu người”. [Theo lời Bác Sĩ Trần Văn Đỗ, cựu Ngoại Trưởng, nói lại với người viết vào năm 1969].
Cũng trong một buổi hội thảo về Ấp Chiến Lược vào năm 1963 ông Ngô Đình Nhu có nói đến một “binh thư binh pháp” mới để đương đầu với hình thái chiến tranh đang tiến dần đến chiến tranh đại quy mô mà miền Nam Việt Nam sẽ không thể nào đương đầu nổi:
“Quốc sách Ấp Chiến Lược được hình thành và đang được áp dụng sẽ biến một số lực lượng của chúng ta qua thế du kích. Chúng ta cũng đang học tập để soát xét lại vấn đề ngoại viện, chính là nhằm để hạ cái mức độ chiến tranh xuống.
Tôi xin nhắc lại: Cả chính sách, cả đường lối của chúng ta là đưa ra một binh thư, binh pháp mới Binh Thư Binh Pháp đó là mình buộc địch phải đánh trong điều kiện chiến tranh của mình. Tức là không để cho cường độ chiến tranh tăng lên vì ngoại viện theo mức độ viện trợ tư bên ngoài”. [Nguyễn Văn Minh: Sách đã dẫn. Trang 292].
Tiến Sĩ Hammer cho biết thêm ông Ngô Đình Nhu đã nói như thế này: “Nếu chúng ta không tìm cách để nói chuyện hòa bình, nếu chúng ta cứ để cho cuộc chiến tranh tiếp diễn thì đó sẽ là một mối nguy cho chế độ Việt Nam Cộng Hòa“. [Ellen J. Hammer: Sách đã dẫn, trang 121].
Nhận định của ông Ngô Đình Nhu, Cố Vấn Chính Trị của Tổng Thống Ngô Đình Diệm vào năm 1963 như là một sự tiên tri vì chỉ hai năm sau, vào năm 1965, người Mỹ ồ ạt đưa cả nửa triệu quân vào Việt Nam, rồi thì chỉ 4 năm sau đó, vào năm 1969, người Mỹ lại đơn phương triệt thoái ra khỏi Việt Nam và chỉ còn có khoảng trên hai chục ngàn người khi họ ký kết bản Hiệp Định Paris vào tháng Giêng năm 1973, trong khi đó họ không phản đối việc hàng trăm ngàn quân đội chính quy của cộng sản Bắc Việt đã ở lại miền Nam sau Hiệp Định Paris. Theo Trần văn Trà thì “sau khi ký kết Hiệp Định Paris, ta đã giữ được một nửa (1/2) số quân đội của chúng ta tại miền Nam”. Chỉ không đầy hai năm sau, cộng sản Bắc Việt không những đã sử dụng lực lượng quân sự này mà lại còn đưa hết toàn lực quân đội trừ bị của họ từ miền Bắc tổng cộng lên tới nửa triệu người tấn công vào miền Nam Việt Nam và miền Nam đã mất.
Sự ước tính tình báo của Bộ Tư Lệnh Viện Trợ Quân Sự Hoa Kỳ tại Việt Nam (MAC-V) cũng như là sự tiết lộ của Cựu Đại Tá Bùi Tín, Tổng Biên Tập báo Quân Đội Nhân Dân của cộng sản Bắc Việt sau này cho thấy rằng lời tiên đoán của ông Ngô Đình Nhu hồi năm 1963 là hoàn toàn đúng.
Bà Marguerite Higgins cho biết: “theo sự ước lượng của người Mỹ (MAC-V) căn cứ trên nhũng dữ kiện do các hồi chánh viên cung cấp thì trong hai năm 1959 và 1960, có khoảng 2.700 cán binh cộng sản từ Bắc Việt xâm nhấp vào miền Nam. Đến năm 1961, con số này gia tăng lên mức 4.000 người năm 1962, trên 6.000 người, năm 1963 khoảng gần 4.200 người nhưng qua đến năm 1964 thì lại tăng lên tới 10.000 người. Năm 1965, số quân Bắc Việt xâm nhập miền Nam tăng lên gấp 3 lần” [Marguerite Higgins: Sách đã dẫn. Trang 136].
Ông Bùi Tín cho biết rằng: “theo thống kê của Bộ Tổng Tham Mưu ở Hà Nội thì vào năm 1959 và 1960 khi Hoa Kỳ đưa vào miền Nam Việt Nam 1.800 Cố Vấn, cán bộ kỹ thuật quân sự thì trong thời gian ấy miền Bắc đưa vào miền Nam cũng chỉ gần 1.800 người, gần bằng con số ấy. Đến năm 1963, Mỹ đưa vào 4.200 Cố Vấn và nhân viên kỹ thuật, miền Bắc đưa vào hơn gấp đôi: 8.700 người.
Đến khi Mỹ đưa vào miền Nam 543 ngàn quân (hơn nửa triệu) vào cuối năm 1967, thì số quân miền Bắc có mặt ở miền Nam (chưa kể đường vận chuyển mang tên Hồ chí Minh là 21 vạn (210.000). Cho đến mùa Xuân năm 1975 khi chiến tranh sắp kết thúc, số quân Bắc Việt Nam chính cống, nghĩa là từ Bắc Việt Nam đưa vào là 26 vạn (260.000) cùng với một số quân vốn ở miền Nam (cả du kích vũ trang) là 150.0 000 (do tổn thất khá lớn trong những năm 1968, 1969 và 1970 qua các chiến dịch Phượng Hoàng, Bình Định cấp tốc)”
Như vậy, theo ông Bùi Tín thì vào năm 1975, tổng số quân công sản Bắc Việt ở miền Nam lên tới 410.000 người, chưa kể con số trên hai trăm ngàn người trên đường mòn Hồ chí Minh, trong khi đó thì không còn một Quân Nhân tác chiến Hoa Kỳ nào tại miền Nam Việt Nam vì Quân Đội Mỹ đã hoàn toàn triệt thoái ra khỏi miền Nam Việt Nam từ tháng Giêng năm 1973 và “lúc ấy Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa tuy đông (1.100.000 người) nhưng phải rải khắp các Tỉnh thành, làng xã để phòng thủ, còn quân đội Nhân Dân Việt Nam (cộng sản Bắc Việt) thì có thể tập trung cơ động bằng cơ giới, với tổ chức quân đội cao nhất lên đến cấp quân đoàn (gồm 3 sư đoàn bộ binh và một sư đoàn thiết giáp) trong khi tổ chức quân đội cao nhất của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa là cấp Sư Đoàn, còn huy động lớn nhất của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa cho một chiến dịch là một Chiến Đoàn (gồm 2 đến 4 Sư Đoàn) còn của quân đội nhân dân là một “tập đoàn quân” (gồm đến 5 quân đoàn, tức là chừng 20 sư đoàn như trong chiến dịch cuối cùng)”. [Bùi Tín: Mây Mù Thế Kỷ, trang 200-202].
Theo tài liệu chính thức của cộng sản Bắc Việt sau năm 1975 thì “các lực lượng của Chiến Dịch Hồ Chí Minh gồm có các quân đoàn 1, 2, 3, 4 và quân đoàn 232, tổng cộng là 17 sư đoàn bộ binh cùng với 6 trung đoàn và 4 tiểu đoàn đặc công, 3 lữ đoàn và 4 tiểu đoàn tăng/thiết giáp, 22 lữ đoàn và 8 tiểu đoàn pháo binh, cộng thêm các đơn vị binh chủng khác, các lực lượng địa phương gồm 2 trung đoàn bộ binh và 6 trung đoàn đặc công”. [Từ Điển Bách Khoa Quân Sự Việt Nam do Quân Đội Nhân Dân Hà Nội xuất bản năm 1996, trang 118-119].
Như vậy thì theo cựu Đại Tá Bùi Tín cũng như là tài liệu chính thức của cộng sản, tổng số quân Bắc Việt tại miền Nam vào năm 1975 lên tới khoảng trên 25 sư đoàn, một lực lượng mà ngay cả khi Hoa Kỳ còn hơn nữa triệu quân tham chiến tại Việt Nam với tất cả những vũ khí tối tân của họ cũng không thể nào đương đầu nổi và đó là lý do tại sao mà vào năm 1963. Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu không muốn cho Hoa Kỳ đưa quân tác chiến vào Việt Nam vì cả hai người đều không muốn Việt Nam Cộng Hòa phải đương đầu với “hơn 25 sư đoàn quân chính quy cộng sản Bắc Việt” như vào năm 1975 sau này.
Hoa Kỳ Đưa Quân Vào Việt Nam
Hai năm sau khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu bị giết, vào ngày 8 tháng 3 năm 1965 thì những đơn vị quân tác chiến đầu tiên của Quân Lực Hoa Kỳ đổ bộ vào Việt Nam, lúc bấy giờ Bác Sĩ Phan Huy Quát đang giữ chức vụ Thủ Tướng.
Trong cuốn sách Gọng Kìm Lịch Sử, cựu Đại Sứ Bùi Diễm đã tiết lộ một số chi tiết về vấn đề này:
Sáng sớm ngày 8 tháng 3, 1965, tôi vừa mở mắt thì có điện thoại của Thủ Tướng Quát với giọng vội vàng, ông bảo tôi phải đến gặp ông ngay tại nhà riêng vì có việc cần. Vừa đến nơi, tôi đã thấy sứ thần Malfu tại đó. Tôi chưa kịp hỏi ông Manlfu câu nào thì Bác Sĩ Quát cho tôi biết là Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đang đổ bộ ở Đà Nẵng và yêu cầu tôi cùng với ông Malfu soạn thảo bản thông cáo chung loan báo việc này. Ông căn dặn tôi: “Cố làm sao càng ngắn càng hay, trình bày sự kiện như đã xẩy ra và xác nhận sự đồng ý của Chính Phủ Việt Nam”.
Sau khi Nhà Ngoại Giao Hoa Kỳ đi khỏi, Bác Sĩ Quát cho tôi biết trước đó ông và Đại Sứ Taylor có trao đổi ý kiến về vấn đề phải tăng cường khả năng phòng thủ cho Việt Nam. Trong cuộc trao đổi ý kiến sơ khởi này, Đại Sứ Taylor có đề cập tới đề nghị của Tướng Westmoreland muốn có thêm hai Tiểu Đoàn Thủy Quân Lục Chiến ở Đà Nẵng, tuy nhiên phần thảo luận chỉ có tính cách tổng quát và cũng không có lời yêu cầu chính thực nào từ phía Hoa Kỳ. Ngoài ra Bác Sĩ Quát cũng cho Đại Sứ Taylor biết rõ là ông rất ngần ngại, không muốn thấy Hoa Kỳ can thiệp trực tiếp vào chiến tranh Việt Nam, hay nói một cách khác, ông không muốn thấy cuộc chiến tranh “Mỹ hóa”. Ông cbo biết thêm là riêng về vấn đề này, Đại Sứ Taylor cũng chia xẻ quan điểm của ông. Bác Sĩ Quát nói rằng: “tôi nghĩ rằng có lẽ chính ông Taylor cũng ngạc nhiên về quyết định mau lẹ này của Hoa Thịnh Đốn và trong cuộc điện đàm với tôi sáng nay ông ta đã trình bày vấn đề như là một hành động quân sự có tính cách giới hạn và được thi hành chỉ vì tình bình an ninh xung quanh căn cứ Không Quân Đà Nẵng không đựơc vững.
Ông Bùi Diễm cho biết rằng theo tài liệu của ông Bundy và hồi ký của các ông Alexis Johnson, Taylor và Westmoreland thì hiển nhiên là Đại Sứ Taylor vô cùng ngần ngại về việc đưa quân bộ chiến vào Việt Nam. Trong một bức điện văn gửi về Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ngày 22 tháng 2, 1965, Đại Sứ Taylor đã trình bày thái độ hết sức “dè dặt” của Thủ Tướng Quát. Ông Bundy thì viết như sau: “Đại Sứ Taylor hoàn toàn gạt bỏ việc sử dụng những lực lương bộ chiến Hoa Kỳ và chỉ chấp nhận như một ngoại lệ việc sử dụng trong tương lai một số lực lương an ninh cho căn cứ Đà Nẵng” .
Cựu Đại Sứ Bùi Diễm lúc đó là Bộ Trưởng tại Phủ Thủ Tướng cho biết thêm rằng Đại Sứ Taylor phải miễn cưỡng chấp nhận việc gửi 3.500 Thủy Quân Lục Chiến vì Hoa Thịnh Đốn đã quyết định việc đó nhưng chính ông đã yêu cầu Hoa Kỳ không gửi thêm quân nữa và phải rút quân về khi nào Việt Nam có thề đảm trách được việc phòng thủ Đà Nẵng. Đại Sứ Taylor cũng yêu cầu nên gửi Quân Đội Hoa Kỳ sang một cách kín đáo để tránh những ảnh hưởng không tốt về chính trị đối với người Việt Nam, tuy nhiên Hoa Thịnh Đốn đã tổ chức cho “Thủy Quân Lục Chiến đổ bộ ào ạt lên bãi biển Đà Nẵng như ngày nào ở Iwo Jima trong chiến tranh Nhật-Mỹ hơn hai chục năm về trước”.
Ông Bùi Diễm cho biết “Cũng như Đại Sứ Taylor, Thủ Tướng Phan Huy Quát cũng bị đặt vào tình trạng khó xử: Trong hoàn cảnh ấy, liệu ông có thể ngăn cản hoặc trì hoãn được việc Hoa Kỳ mang quân vào Việt Nam không? Hai tuần sau đó, Hoa Thịnh Đốn lại đòi gởi thêm 2 Sư Đoàn Hoa Kỳ và 1 Sư Đoàn Đại Hàn sang Việt Nam và một lần nữa Đại Sứ Taylor phản đối. Ông giữ vững quan điểm mà trước đây ông đã chia sẻ với Thủ Tướng Quát, nghĩa là chỉ chấp nhận 3.500 đã gửi sang nhưng phải hạn chế vai trò của số quân đó. Sau đó Đại Sứ Taylor về Mỹ để tham dự những cuộc thảo luận của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia với sự tham dự của Tổng Thống Johnson và các nhà lãnh đạo quân sự cũng như là dân sự trong chính phủ và mặc dù có sự chống đối của ông, Tổng Thống Johnson quyết định cho gửi thêm 2 Tiểu Đoàn chiến đầu nữa cùng với 20.000 quân phụ trách về yểm trợ và tiếp vận. Điều quan trọng nhất là có sự thay đổi về vai trò của 3.500 Thủy Quân Lục Chiến tại Đà Nẵng, thay vì chỉ có nhiệm vụ phòng thủ căn cư Không Quân Đà Nẵng thì bấy giờ các đơn vị này đươc phép mở rộng phạm vi hoạt động lên tới 80 cây số chung quanh căn cứ và trong trường hợp khẩn cấp, nếu có lời yêu cầu của Việt Nam, thì các cấp chỉ huy Hoa Kỳ có thể tùy cơ tiếp cứu. Khi về đến Sài Gòn, Đại Sứ Taylor thuyết phục Thủ Tướng Quát và yêu cầu chính phủ Việt Nam “đồng thuận” (concurrence) với Hoa Kỳ về những quyết định mới của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia.
Sau vụ đổ bộ quân lên Đà Nẵng vào đầu tháng 3, đây lại là một sự bất ngờ mới nữa đối với ông Quát và tất cả chúng tôi. Bác Sĩ Phan Huy Quát và tôi đã từ lâu không muốn thấy Hoa Kỳ can thiệp trực tiếp, nhưng làm thế nào để sử dụng được hữu hiệu sự giúp đỡ của một đồng minh lớn mà vẫn tránh đựơc những hậu quả chính trị bất lợi ? [Bùi Diễm: Gọng Kìm Lịch Sử, trang 222-228.]
Trong cuốn hồi ký của ông, Đại Tướng Taylor, cựu Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nói rằng:
Tôi đã gửi một điện văn cho Tổng Thống Jobnson bày tỏ niềm hy vọng nhiệt thành của tôi về việc chính phủ Hoa Kỳ không vội vàng nhảy vào nắm lấy vai trò lãnh đạo cuộc chiến tranh trong tay người Việt Nam. Tôi nhấn mạnh rằng từ khi Tổng Thống Kennedy quyết định vào năm 1961 gia tăng viện trợ để giúp cho miền Nam Việt Nam và sự ủng hộ của chúng ta dựa trên nguyên tắc là chúng ta chỉ giúp cho người Việt Nam để thi hành điều tối cần thiết mà họ chưa thể tự mình làm được. Người Việt Nam trong lúc này chưa thể nào nhanh chóng tạo dựng được một lực lựơng khả dĩ đối phó được sự gia tăng tiềm lực quân sự của Bắc Việt và chúng ta đã thay đổi chính sách để giúp cho họ.
Khi mà chúng ta gia tăng các hoạt động quân sự trên không và trên bộ đã giúp cho Việt Nam thì trong ngắn bạn, cũng có điều lợi là tạo lập một sự thăng bằng lực lượng và nâng cao tinh thần của họ, tuy nhiên về lâu về dài thì việc đó có thể đưa đến vấn đề là người Việt Nam nghĩ rằng việc người Mỹ đã trực tiếp tham chiến thì người Việt Nam sẽ bớt trách nhiệm trong việc gia tăng nổ lực đối phó với cuộc chiến tranh.
Khi có những dấu hiệu cho thấy một số giới chức Hoa Kỳ muốn gấp rút gửi thêm quân tác chiến sang Việt Nam sau vụ việt cộng tấn pháo kích phi trường Biên Hòa và Pleiku, vào ngày 14 tháng 4.1965, tôi lại đánh điện về Washington nhắc lại thêm lần nữa về sự dè dặt của tôi đối với việc gia tăng quân bộ chiến tại Việt Nam cho đến kbi nào mà việc đó không thể nào chối cãi đợc nữa. [Maxwell D. Taylor: Swords and Plowshares, W.W. Norton & Company, Inc. New York, 1972, trang 338­342].
Trong cuốn hồi ký A Soldier Reports, Đại Tướng Willia C. Westmoreland cũng cho biết Đại Sứ Maxwell Taylor chống lại việc đưa quân bộ chiến Hoa Kỳ sang Việt Nam: Đại Sứ Taylor phản đối việc đưa quân tác chiến Hoa Kỳ lên đất Việt Nam. Mặc dù mấy năm trước tại Hoa Thịnh Đốn ông có đề nghị đưa Công Binh Hoa Kỳ sang để giúp cho việc cứu trợ nạn lụt thì đó cũng là một hình thức Quân Nhân Hoa Kỳ đã hiện diện tại Việt Nam, nhưng lần này Đại Sứ Taylor lập luận rằng nếu Hoa Kỳ đưa quân sang Việt Nam thì người Việt Nam sẽ ỷ lại rồi giao việc tác chiến cho Quân Đội Hoa Kỳ, ông Taylor cũng thấy rằng những Quân Nhân Mỹ da trắng sẽ gặp khó khăn sống trong vùng của dân Á Đông, rất khó mà hội nhập với môi trường và ứng phó với cộc chiến tranh du kích để rồi chuốc lấy thảm bại như người Pháp đã vấp phải. [W.C. Westmoreland: A Soldier Reports, bản dịch Việt ngữ, Thế Giới. San Jose, Califomia, trang 176-177].
Lời giải thích của Đại Sứ Bùi Diễm cũng như là của Dại sứTaylor cho thấy rằng cả Thủ Tướng Phan Huy Quát và ông Đại Sứ Hoa Kỳ đều không chủ trương việc đưa quân bộ chiến Mỹ sang tham chiến tại Việt Nam, đó là quyết định của Washington. Thế nhưng sau này tại Việt Nam có rất nhiều dư luận, nhiều lời đồn đại nói rằng chính Thủ Tướng Phan Huy Quát đã “cho phép” người Mỹ, đã “mời” người Mỹ, đã “ký kết mật ước” với người Mỹ để cho phép họ đưa quân vào Việt Nam.
Vào năm 1968, người viết có dịp hỏi cựu Thủ Tướng Phan Huy Quát rằng hồi năm 1965, ông có ký kết trên giấy tờ, bằng văn kiện hay là thỏa thuận bằng miệng với Hoa Kỳ cho phép họ đưa quân sang tham chiến tại Việt Nam hay không?
Bác Sĩ Phan Huy Quát trả lời rằng: “Không. Không có gì cả! Hoàn toàn không có gì cả”.
Bác Sĩ Phan Huy Quát cho người viết biết rõ thêm như sau:
“Sau khi một số vài phi trường bị pháo kích, Đại Sứ Maxwell Taylor đã hỏi tôi rằng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa có thể bảo vệ an ninh vòng đai cho các phi trường mà Hoa Kỳ đang cho trú đóng một số phi cơ hay không? Tôi trả lời với Đại Sứ Talor rằng tôi không nắm vững vấn đề này tuy nhiên tôi sẽ tham khảo ý kiến với Bộ Quốc Phòng và Bộ Tổng Tham Mưu rồi sẽ trả lời cho ông Đại Sứ. Sau đó tôi mời Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Đệ Nhất Phó Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Quốc Phòng đến để thảo luận vấn đề này và Trung Tướng Thiệu yêu cầu tôi cho ông về tham khảo với các Tướng lãnh về các khả năng bảo vệ phi trường cũng như là quân số. Mấy hôm sau, ông Thiệu cho tôi biết rằng các Tướng lãnh và Bộ Tổng Tham Mưu đã nghiên cứu vấn đề này và họ cho biết rằng với tổng số Quân Đội chỉ có 192 ngàn người, chia ra phụ trách 4 vùng chiến thuật còn chưa đủ, làm sao mà có thể bảo vệ chu vi vòng đai (perimeter defense) cho 3 phi trường Biên Hòa, Pleiku và Đà Nẵng, ít nhất cũng phải cần đến trên 10 Tiểu Đoàn.
Tôi hỏi Trung Tướng Thiệu: Như vậy thì tôi phải trả lời Đại Sứ Taylor làm sao?
Ông Thiệu nói: Thì xin Thủ Tướng cứ nói với ông Đại Sứ Mỹ rằng mình không đủ khả năng bảo vệ an ninh vòng đai. Nếu họ muốn thì họ có thể tự lo kiệu lấy”.
Bác Sĩ Quát nói rằng ông đã trả lời Đại Sứ Taylor như Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu đề nghị, tuy nhiên ông cũng có nói với ông Taylor là cả hai phía Việt-Mỹ nên cùng nghiên cứu để tìm giải pháp cho vấn đề này và ông nghĩ rằng một trong những giải pháp có thể thực hiện được là Hoa Kỳ gia tăng viện trợ để thành lập thêm một số đơn vị nhằm bảo vệ cho các căn cứ Không Quân này. Ông Quát nói rằng ông hoàn toàn phản đối việc người Mỹ đưa quân tác chiến sang Việt Nam vì sự hiện diện của quân đội ngoại quốc sẽ làm cho Miền Nam Việt Nam mất chính nghĩa và người dân sẽ mất cảm tình với chính phủ và Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa.
Ông nói rằng Đại Sứ Maxwell Taylor cũng đồng ý với ông về những điểm này. Bác Sĩ Quát cho biết khi Đại Sứ Taylor gọi điện thoại cho ông vào sáng sớm ngày 8 tháng 3 năm 1965 để thông báo cho ông việc 2 Tiểu Đoàn Thủy Quân Lục Chiến đang đổ bộ lên bờ biển Đà Nẵng thì ông ngạc nhiên và giận dữ vô cùng, tuy nhiên ông không thể nào trách Đại Sứ Taylor vì ông Taylor nói với ông rằng chính ông ta cũng không hề được hay biết gì về chuyện Thủy Quân Lục Chiến đổ bộ vào Đà Nẵng ngày hôm đó. Đó là quyết định từ Hoa Thịnh Đốn.
Bác Sĩ Quát nói rằng người Mỹ đã đặt chính phủ Việt Nam trước “một sự đã rồi” thì có phản đối cũng chẳng có gì lợi và cũng vô ích, cho nên theo đề nghị của Đại Sứ Taylor, tôi chỉ thị cho ông Bộ Trưởng Bùi Diễm cộng tác với người của Tòa Đại Sứ Mỹ thảo một bản thông cáo nói rằng việc đó có “sự đồng thuận” (concurrence), đồng thuận chứ không phải là thỏa thuận, của hai chính phủ để giữ thể diện một phần nào cho chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Ông Quát nói với người viết rằng “Tôi muốn nhấn mạnh đến chữ “đồng thuận” đó là một trò “chơi chữ” vì nếu thỏa thuận thì phải có sự thương lượng nhưng mà không hề có thương lượng cho nên tôi đã dùng chứ đồng thuận”. Ông cho biết thêm rằng ông đã nói với Đại Sứ Taylor là chính phủ Việt Nam chỉ đồng ý về việc Quân Đội Mỹ sang để bảo vệ vòng đai cho các căn cứ Hoa Kỳ mà thôi chứ không có có nhiệm vụ hành quân tác chiến trên lãnh thổ Việt Nam.
Người viết có hỏi Bác Sĩ Quát rằng về phía các Tướng lãnh trong Hội Đồng Quân Lực lúc đó, có ai biết hay có ai chống lại việc người Mỹ đưa quân vào Đà Nẵng hay không thì sau một hồi suy nghĩ, ông nói rằng:
“Tôi có cảm tưởng rằng có lẽ phe Quân Đội dường như có biết về việc này vì sau đó thì tôi có được báo cáo rằng khi quân Mỹ đổ bộ, người ta đã có tổ chức đưa một số nữ sinh xuống bãi biển Nam Ô quàng vòng hoa cho Lính Mỹ. Tôi chỉ tiếp xúc với ông Đại Sứ Taylor còn các Tướng lãnh thì họ vẫn thường tiếp xúc với các Tướng lãnh Mỹ, do đó họ nói chuyện gì với nhau thì tôi cũng không biết được. Nên nhớ rằng khi người Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng thì tôi mới được Hội Đồng Ouân Lực mời ra làm Thủ Tướng chỉ có 3 tuần lễ, còn chuyện quyết định và chuẩn bị mọi kế hoạch để đưa Thủy Quân Lục Chiến đổ bộ vào Đà Nẵng thì có lẽ người Mỹ đã làm trong thời gian trước đó lâu lắm rồi chứ không thể chỉ có trong vòng một vài tuồn lễ ngắn ngủi như vậy được”.
Bác Sĩ Phan Huy Quát, Thủ Tướng Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa không hay biết gì về việc Hoa Kỳ mang quân bộ chiến vào Việt Nam cho đến khi Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đổ bộ lên Đà Nẵng, tuy nhiên giới quân sự thì dường như lại đã biết trước chuyện này. Nhà văn Huy Phương, vào năm 1965 chỉ là một Thiếu Úy phục vụ tại Nha Chiến Tranh Tâm Lý tọa lạc tại số 2 đường Hồng Thập Tự, chỉ cách Phủ Thủ Tướng ở Đại Lộ Thống Nhất không đầy 500 thước, có cho người viết biết rằng trước khi Quân Đội Mỹ đổ bộ, ông đã nhận được tin từ Phòng 5 Quân Đoàn I cho biết sẽ tổ chức cho các nữ sinh ở Đà Nẵng mang vòng hoa quàng cho các Thủy Quân Lục Chiến Mỹ khi họ đổ bộ xuống bờ biển Nam Ô.
Người viết có hỏi Bác Sĩ Phan Huy Quát là theo ý ông thì người Mỹ đã nghĩ đến việc đưa quân tác chiến vào bảo vệ cho các phi trường từ khi nào thì được ông cho biết:
Theo chỗ suy đoán của tôi thì có lẽ là sau vụ việt cộng pháo kích vào phi trường Biên Hòa vào tháng 12 năm 1964 và nhất là sau vụ pháo kích vào phi trường Pleiku mà người Mỹ gọi là “căn cứ Holloway” vào ngày 7 tháng 2 năm 1965, chỉ có khoảng 5 ngày trước khi tôi trình diện nội các. Tôi còn nhớ là Đại Sứ Taylor có đề cập đến vấn đề bảo vệ an ninh cho phi trường Biên Hòa không mà thôi thì cũng phải mất 4 hay 5 Tiểu Đoàn, còn nếu muốn bảo vệ cho tất cả các căn cứ Không Quân của Hoa Kỳ ở Việt Nam thì cần phải có khoảng 75.000 người.
Tưởng cũng nên nhắc lại sau khi Hội Đồng Quân Lực bất tín nhiệm Thủ Tướng Trần Văn Hương, ngày 16 tháng 2 năm 1965, Đại Tướng Nguyễn Khánh thừa ủy nhiệm Hội Đồng Quân Lực đã ký quyết định số QĐ 5/HDQL “tuyển nhiệm” ông Phan Khắc Sửu làm Quốc Trưởng Việt Nam Cộng Hòa và “bổ nhiệm” ông Phan Huy Quát làm Thủ Tướng. Như vậy thì tuy ông Phan Huy Quát làm Thủ Tướng nhưng quyền hành vẫn nằm trong tay Hội Đồng Quân Lực và sau khi Đại Tướng Nguyễn Khánh bị các Tướng lãnh “hạ bệ” và được cử làm “Đại Sứ Lưu Động” phải đi ra ngoại quốc thì Hội Đồng Quân Lực do một nhóm Tướng trẻ gọi là “Young Turks” nhắm ảnh hưởng mà những người nổi bật nhất là Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Thiếu Tướng Nguyễn Chánh Thi, Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, Thiếu Tướng Lê Nguyên Khang, Thiếu Tướng Cao Văn Viên, Thiếu Tướng Nguyễn Bảo Trị, Đề Đốc Chung Tấn Cang v.v…
Đến ngày tháng 6 năm 1965, vì có sự bất đồng ý kiến giữa Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu và Thủ Tướng chính phủ, Thủ Tướng Phan Huy Quát đã xin từ chức và giao quyền lại cho Quân Đội. Đến ngày 19 tháng 6 năm 1965 thì Quân Đội thực sự lên nắm chính quyền với Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu giữ chức vụ Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia tức là Quốc Trưởng và Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ giữ chức vụ Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương tức là Thủ Tướng.
Dưới thời Quân Đội nắm chính quyền, Hoa Kỳ đã gia tăng quân số tham chiến tại Việt Nam lên đến trên nửa triệu người, con số cao nhất là 543 ngàn quân vào cuối năm 1967 và ngưng ở mức đó cho đến khi Tổng Thống Nixon tuyên bố rút bớt quân Mỹ về nước vào năm 1969.
Người Mỹ Rút Đi
Nếu người Mỹ đưa quân vào miền Nam Việt Nam mà ngay cả Thủ Tướng của chính phủ Việt Nam cũng không được biết trước thì khi người Mỹ quyết định rút đi, báo chí Mỹ biết về chuyện đó trước cả Tổng Thống Nguyên Văn Thiệu.
Trong cuốn hồi ký của ông, Tổng Thống Nixon cho biết rằng vào ngày 20 tháng 5 năm 1969, báo Washingon Post có đăng một bài tiết lộ chuyện Tổng Thống Nixon đang dự định gặp Tổng Thống Nguyên Văn Thiệu. Hai ngày sau thì đến lượt báo Washington Star đăng thêm một bài tiết lộ rằng mục đích của ông Nixon đi gặp ông Thiệu là để loan báo quyết định của chính phủ Hoa Kỳ khởi sự triệt thoái Quân Đội Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam. Tổng Thống Nixon nói lại trong hồi ký rằng sự tiết lộ này đã gây bất lợi cho Tổng Thống Thiệu vì ông dự định khi gặp Tổng Thống Thiệu thì sẽ thuyết phục Việt Nam Cộng Hòa cùng với Hoa Kỳ công bố một bản thông cáo chung về việc rút quân chứ nếu không thì cộng sản Bắc Việt có thể nghĩ rằng đó là một dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ bắt đầu bỏ rơi miền Nam Việt Nam.
Tổng Thống Nixon cho biết rằng ông đã đề nghị gặp gỡ Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu tại Đảo Midway vào ngày 8 tháng 6 năm 1969 và Tổng Thống Thiệu đã nhận lời. Đây là một hòn đảo nhỏ nằm giữa Thái Bình Dương, nơi mà vào thập niên 1940 Hải Quân Hoa Kỳ đã chiến thắng Hải Quân Nhật Bản trong một trận hải chiến có tính cách quyết định và sau đó thì Hải Quân Nhật bị mất quyền kiểm soát tại Thái Bình Dương đưa đến sự bại trận vào năm 1945. Đảo Midway là một căn cứ quân sự của Hoa Kỳ, không có thường dân sinh sống ở đó. Có thể nói hòn đảo này là một nơi “khỉ ho cò gáy” và sự lựa chọn hòn đảo nầy để làm nơi gặp gỡ giữa hai vị Quốc Trưởng thì cũng có điều không được bình thường.
Tổng Thống Nixon nói rằng quyết định của chính phủ của ông triệt thoái bớt một số Quân Đội tác chiến Mỹ ra khỏi Việt Nam là nhắm vào mục đích thuyết phục cộng sản Bắc Việt thấy rằng Hoa Kỳ nghiêm chỉnh trong việc tìm kiếm hòa bình qua sự thương thuyết ngoại giao và đồng thời cũng có thể làm dịu bớt phần nào dư luận phản đối chiến tranh tại Hoa Kỳ.
Tổng Thống Nixon cho biết ông Bộ Trưởng Quốc Phòng Melvin Laird chủ trương rằng đã đến lúc cần phải ‘ Việt Nam hóa” chiến tranh và sau cuộc viếng thăm Việt Nam vào tháng 3 năm 1969, ông Bộ Trưởng Laird đã gửi một bản phúc trình rất lạc quan về khả năng huấn luyện cho người Việt Nam để họ có thể tự bảo vệ cho chính đất nước của họ. Ông Nixon cho biết rằng Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu là một trong những người chống lại việc rút Quân Đội Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam tuy nhiên qua Đại Sứ Bunker, ông cho Tổng Thống Thiệu biết rằng sự trợ giúp của Hoa Kỳ cho Việt Nam vẫn luôn luôn vững chắc, không có gì thay đổi.
Sau cuộc gặp gỡ, cả hai vị Tổng Thống cùng đưa ra một bản thông cáo chung: “qua sự đề nghị của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và những ước tính của các vị Tư Lệnh chiến trường, Hoa Kỳ đã quyết định ra lệnh triệt thoái 25.000 quân tác chiến Mỹ ra khỏi Việt Nam”.
Tổng Thống Nixon nói thêm rằng “trong những tháng kế tiếp tôi sẽ cứu xét đến việc triệt thoái thêm một số đơn vị Quân Đội Mỹ dựa vào 3 tiêu chuẩn sự tiến bộ trong việc huấn luyện và trang bị cho Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, sự tiến bộ tại Hội Nghị Paris, và mức độ các hoạt động quân sự của Bắc Việt trên chiến trường”.
Tổng Thống Nixon cho biết rằng Tổng Thống Thiệu và Đại Tướng Creighton Abrams, Tư Lệnh Bộ Tư Lệnh Quân Lực Hoa Kỳ tại Việt Nam (MAC-V) đã kịch liệt phản đối việc này và ông đã phải mất công lắm mới thuyết phục được cả hai người để họ đồng ý. Tuy nhiên sau Hội Nghị Midway, dù rằng có hơi được an tâm nhưng Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu vẫn còn nặng chĩu lo âu vì ông biết rằng đợt rút quân đầu tiên này sẽ là sự khởi đầu một “diễn tiến không thể nào thay đổi được” (irreversible process) mà sự kết cuộc của diễn tiến này là sự ra đi của tất cả mọi người Mỹ ra khỏi Việt Nam. [Richard Nixon: Sách đã dẫn, trang 389-392].
Tóm lại, việc người Mỹ dự định đưa quân bộ chiến vào Việt Nam đã khởi sự từ đầu thập niên 1960 dưới thời Tổng Thống John F. Kennedy, tuy nhiên Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã chống lại việc này và sau khi ông Ngô Đình Diệm bị giết trong cuộc đảo chánh ngày 1 tháng 11 năm 1963 thì vào năm 1965, Tổng Thống Lyndon B. Johnson đã đưa quân bộ chiến vào Việt Nam mà Thủ Tướng chính phủ Việt Nam Cộng Hòa là Bác Sĩ Phan Huy Quát không hề được biết và khi Tổng Thống Richard Nixon quyết định rút quân ra khỏi Việt Nam thì báo chí Mỹ biết được chuyện đó trước cả Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.
Người viết xin mượn một lời của Sir Robert Thompson, một người Anh từng làm cố vấn về chiến tranh du kích cho chính phủ Mỹ, để kết luận về việc “được làm đồng minh” với Hoa Kỳ: “Có lẽ bài học quan trọng nhất của cuộc chiến tranh Việt Nam là: Đừng có bao giờ tin cậy vào nước Mỹ như là một đồng minh”. [Lewis Sorley: Sách đã dẫn. Trang 367].
Chiến Tranh Ý Thức Hệ, Chiến Tranh Ủy Nhiệm. hay Chiến Tranh Ngu Xuẩn?
Vào thời gian trước năm 1963 khi cả hai ông Hồ chí Minh và Ngô Đình Diệm còn sống, dường như có một vài dấu hiệu cho thấy ông Hồ chí Minh có thái độ cởi mở hơn đối với đối thủ của ông tại miền Nam và ngược lại Tổng Thống Ngô Đình Diệm cũng có thái độ bớt cứng rắn hơn với ông Hồ. Dấu hiệu đầu tiên về điều này là việc Chủ Tịch Hồ chí Minh gửi tặng cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm một cành đào từ Hà Nội qua Ủy Hội Quốc Tế và đã được Tổng Thống Diệm trưng bày tại Dinh Gia Long trong những ngày Tết đầu năm 1963. Sau đó, các nhà ngoại giao tại Hà Nội như các vị Đại Sứ Ấn Độ, Ba Lan và ông Tổng Lãnh Sự Pháp đã chuyển đến Tổng Thống Ngô Đình Diệm những lời nói và thăm hỏi đầy thiện cảm của Chủ Tịch Hồ chí Minh:
- Đại Sứ Ấn Độ Goburdhun tiết lộ rằng “Trong một cuộc hội kiến với chủ tịch Hồ chí Minh vào đầu năm 1963, ông Hồ đã nói với ông rằng “Ngô Đình Diệm là một người yêu nước theo cách của ông ấy”. Có lần ông Hồ đã đưa ra nhận xét lới cảm tình rõ rệt rằng “với một người có cá tính độc lập như ông Diệm, ông ta sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn khi phải đương đầu với người Mỹ vì người Mỹ chỉ muốn ra lệnh và kiểm soát tất cả mọi sự”.
Ông Hồ đã nói với Đại Sứ Goburdhun nguyên văn như sau: “nếu ông Đại Sứ có gặp ông Diệm, xin ông vui lòng bắt tay ông ấy giùm cho tôi (Sbake hands with him for me if you see him).[ Helen Hammer: Sách đã dẫn, trang 222].
- Cũng vào thời gian đó, trong một bài báo đăng trên hai tờ báo New York Heralld Tribune và Le Figaro vào cuối tháng 9 năm 1963 nhà báo nổi tiếng Hoa Kỳ Joseph Alsop có kể lại chuyện Tổng Thống Ngô Đình Diệm nói với ông thái độ cởi mở của Chủ Tịch Hồ chí Minh đối với ông hồi năm 1963 như sau:
Tổng Thống Diệm tiết lộ cbo tôi biết rằng ông Tổng Lãnh Sự Pháp tại Hà Nội là Jacques De Buzon có nhờ Đại Sứ Pháp tại Sài Gòn là ông Lalouette xin phép Tổng Thống Diệm cho ông ta được vào thăm Sài Gòn để thay đổi không khí. Tổng Thống Diệm nói với ký giả Alsop rằng ông tự hỏi không biết cộng sản Hà Nội có cho phép ông de Buzon vào thăm Sài Gòn hay không vì từ trước đến nay họ không bao giờ cho phép những người ngoại quốc đã đến Sài Gòn được ra thăm Hà Nội và ngược lại. Tổng Thống Diệm cho biết rằng ông rất ngạc nhiên vì lần này thì Hà Nội lại để cho ông De Buzon vào thăm Sài Gòn và khi Đại Sứ Pháp Lalouette dẫn ông ta đến yết kiến Tổng Thống Ngô Đình Diệm thì hai người chỉ nói chuyện xã giao chứ không có điều gì quan trọng. Tuy nhiên ông Tổng Lãnh Sự De Buzon đã nói cho Tổng Thống Diệm biết rằng hiện nay (năm 1963), Chủ Tịch Hồ chí Minh của miền Bắc đã nói về Tổng Thống Ngô Đình Diệm của miền Nam bằng một giọng điệu khác hẳn trước kia. Ông Hồ không còn gọi Ông Diệm là “tên phản động”, “kẻ múa rối trong tay người Mỹ” như trước kia mà lại gọi là “ông Diệm” một cách tử tế, nói rằng “ông Diệm là một người Việt Nam tốt, chung quy là một người yêu nước”.Tổng Thống Diệm nói với Alsop rằng “ông hết sức ngạc nhiên khi được biết điều này”. [Les Relations Américano vietnamiennes, Bộ I, trang 130. Trích trong Dòng Họ Ngô Đình, Ước Mơ Chưa Đạt, Nguyễn Văn Minh, Califonia 2004. trang 296].
Theo Tiến Sĩ Helen Hammer thì vào tháng 7 năm 1963 trong một bản tin được đài phát thanh Hà Nội loan tải, Chủ Tịch Hồ chí Minh có gợi ý về việc có thể có một sự “xích lại gần” (rapprochement) giữa hai miền Nam và Bắc Việt Nam và sau đó thì tiến đến sự thống nhất” và sau thời gian đó, khi Đại Sứ Ba Lan Maneli từ Sài Gòn trở lại Hà Nội thì giới lãnh đạo miền Bắc cho ông biết rằng họ “đồng ý chấp nhận” (agree to accept) ông Diệm như là người lãnh đạo một chính phủ tại miền Nam”. [Helen J. Hammer: "A Death in November", E.P. Dutton, New York 1987. Trang 220­224]
Trong lúc sinh thời, những điều mà hai nhà lãnh đạo hai miền Nam Bắc này dường như dự định sẽ làm đã không được thực hiện và sau khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị giết, rồi Chủ Tịch Hồ chí Minh cũng bị “mất quyền” thì những người kế nghiệp họ đã đưa cả hai miền đất nước vào một cuộc “chiến tranh ủy nhiệm”.
Khi Thiếu Tướng Nguyễn Văn Thiệu còn giữ chức Tham Mưu Trưởng Liên Quân vào năm 1964, trong một buổi chào cờ vào ngày thứ Hai đầu tuần, người viết được nghe ông Thiệu đã nói với Quân Nhân các cấp tại sân cờ Bộ Tổng Tham Mưu rằng “Mỹ còn viện trợ thì mình còn đánh, nó hết viện trợ thì mình lấy gì mà đánh?”
Một năm sau đó, Thiếu Tướng Nguyên Văn Thiệu trở thành Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia và từ năm 1967 cho đến năm 1975 là Tổng Thống của nền Đệ Nhị Cộng Hòa.
Theo ký giả Marguerite Higgins thì Thiếu Tướng Trần Thiện Khiêm, vào năm 1963 là Tham Mưu Trưởng Liên Quân Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, một trong 5 người chủ chốt trong cuộc đảo chánh lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm, đã nói với bà rằng: “Chúng tôi xem quyết định cắt giảm viện trợ của Hoa Kỳ như là một dấu hiệu từ Hoa Thịnh Đốn cho các Tướng lãnh thấy rằng Quân Đội phải lựa chọn giữa người Mỹ và ông Diệm. Với cuộc chiến tranh đang tiếp diễn hiện nay thì chỉ có một sự lựa chọn duy nhất mà thôi. Nói cho cùng thì những súng đạn mà chúng tôi đang sử dụng là của Người Mỹ. Và nếu mà Hoa Kỳ giận ông Diệm cho đến nỗi họ cắt viện trợ, họ cũng còn có thể nghĩ đến chuyện rút ra khỏi cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Và việc đó sẽ là màn chung cuộc của tất cả mọi sự. Cuộc đảo chánh là để làm hài lòng người Mỹ. Chúng tôi nghĩ rằng đó là điều mà chính quyền Kennedy muốn. Chúng tôi nghĩ rằng đó là phương cách duy nhất để cứu vãn nổ lực chiến tranh. Chúng tôi nghĩ rằng đó là điều mà người Mỹ muốn nói với chúng tôi cần phải hành động để cứu vãn viện trợ cho Quân Đội”. [Marguerite Higgins: Sách đã dẫn, trang 208.]
Thiếu Tướng Trần Thiện Khiêm sau này trở thành Đại Tướng và ông giữ chức vụ Thủ Tướng Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa dưới quyền Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ năm 1969 cho đến giữa tháng 4 năm l975, chỉ 2 tuần trước khi cộng sản Bắc Việt chiếm Sài Gòn.
Cựu Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, người đã thay thế cho nhóm Tướng lãnh lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm năm 1963 rồi lên nắm giữ chức vụ Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương tức là Thủ Tướng chính phủ từ tháng 6 năm 1965 cho đến cuối năm 1967 và đã được chính quyền cộng sản Việt Nam “cho phép” trở về thăm quê hương vào tháng giêng năm 2004 và sau đó đã trở về Việt Nam nhiều lần, đã tuyên bố về cuộc chiến tranh mà ông đã từng đóng vai trò lãnh đạo như sau: “miền Bắc thì có những khối gọi là khối cộng sản đưa súng ống cho bảo để giải phóng miền Nam. Miền Nam thì được các ông phía bên nầy gọi là khối Tự Do đưa súng ống cho rồi họ cho mình là những tiền đồn của Thế Giới Tự Do”.[Đài BBC: Phỏng vấn ông Nguyễn Cao Kỳ ngày 10 tháng 1 năm 2004].
Nhà Văn Vũ Thư Hiên lại cho biết thêm rằng ở ngoài Bắc, Lê Duẩn cũng đã nói “ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc, cho các nước xã hội chủ nghĩa và cả nhân loại, đánh cho cả bọn xét lại đang đâm vào lưng ta”. [Vũ Thư Hiên: Sách đã dẫn, trang 422.]
Quan điểm này của Lê Duẩn thật ra cũng chẳng có khác gì mấy với “tư tưởng” của người thầy của ông ta là Hồ chí Minh. Trong bài diễn văn khai mạc đại hội 3 của đảng lao động Việt Nam vào năm 1960, Chủ Tịch Hồ chí Minh đã nói rằng: “Cách Mạng Việt Nam là một bộ phận của lực lương hòa bình Xã Hội Chủ Nghĩa trên thế giới. Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là một thành viên trong đại gia đình Xã Hội Chủ Nghĩa, đứng đầu là Liên Xô vĩ đại. Chúng ta có nhiệm vụ giữ vững vị trí tiền đồn của Chủ Nghĩa Xã Hội ở Đông Nam á và trên thế giới”
Vài tháng trước ngày quyết định khai diễn những cuộc “tổng tiến công để giải phóng hoàn toàn miền Nam”, Lê Duẩn đã nói: “Bộ chính trị chúng ta đã nhất trí hạ quyết tâm hoàn thành sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Đây là một sự kiện vô cùng trọng đại để tiếng tới kết thúc cuộc chiến tranh cách mạng dài gần 30 năm, kể từ khi chúng ta giành được chính quuyền, để hoàn thành trọn vẹn trách nhiệm vẻ vang đối với dân tộc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế lớn lao đối với thời đại”. [Văn kiện Đảng: Thư của đồng chí Lê Duẩn gửi đồng chí Phạm Hùng ngày 10.10.1974 về kết luận của Hội Nghị Bộ Chính Trị, trang 7].
Cho đến lúc đó, người lãnh đạo đảng cộng sản tại Bắc Việt vẫn còn tin tưởng rằng cuộc chiến tranh do họ chủ xướng tại miền Nam là “một nghĩa vụ quốc tế lớn lao” và cựu Đại Tá Bùi Tín của Bắc Việt cũng nhận xét tương tự như vậy: “Cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam giữa chế độ chính trị miền Bắc và chế độ chính trị miền Nam, về hình thức là cuộc nội chiến giữa hai miền, về thực chất là cuộc chiến tranh ủy nhiệm (proxy). Cuộc chiến tranh tiêu biểu giữa hai hệ thống thế giới đối chọi nhau, đối lập nhau. Nó mang ý thức hệ quốc tế, có người còn gọi là cuộc chiến tranh thần thánh” (guerre sainte) chống tư bản đế quốc quốc tế, mà thực ra là chủ nghĩa tư bản tự do dân chủ đang chống lại sự bành trướng trên thế giới của phong trào cộng sản mang bản chất độc đoán”.[ Bùi Tín: Mây Mù Thế Kỷ, trang 32.]
Bà Dương Thu Hương, một trong những nhà văn nổi tiếng hàng đầu ở Việt Nam hiện nay, một người đã “lên đường xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và khi quân đội cộng sản Bắc Việt của bà chiếm được Sài Gòn thì bà đã khóc vì tỉnh mộng, không phải vì “nhà cao cửa rộng của miền Nam” mà vì “vào Nam tôi mới hiểu rằng chế độ ngoài Bắc là chế độ man rợ vì nó chọc mù mắt con người, bịt lỗ tai con người” và bà đã “thấy tuổi xuân của tôi đã hy sinh một cách uổng phí”. Do đó, Dương Thu Hương đã nhận thức được rằng bà đã bị lừa và cuộc chiến tranh “giải phóng miền Nam” của cộng sản Bắc Việt là một “cuộc chiến tranh ngu xuẩn nhất trong lịch sử dân tộc”:
Về phía miền Bắc, đảng cộng sản Việt Nam được khích lệ bởi người cầm lái vĩ đại họ Mao: Mỹ là con hổ giấy, đừng sợ. Đánh Mỹ các đồng chí sẽ được lịch sử ghi danh, những chiến sĩ tiền đồn chống đế quốc Mỹ và bè lũ tư bản thối tha, cắm ngọn cờ hồng Mác-lênin trên khắp địa cầu, đã huy động toàn dân cầm vũ khí.
Tóm lại tiến hành cuộc chiến tranh này chủ động cả hai phía.
Dưới sự chiêu dụ của nhũng lý lẽ hào hoa dân tộc Việt bị xé làm đôi, một cách vô thức đã tự nguyện biến thành hai đạo quân đánh thuê cho hai hệ thống chính trị đối nghịch, một cách vô thức biến mình thành một thứ “tampon” giữa hai toa tàu lịch sử, một cách vô thức biến giang san cha ông để lại thành chiếc cối xay thịt khổng lồ, tự lao vào như những đám thiêu thân trong một cuộc binh đao huynh đệ tương tàn chưa từng có trong quá khứ.
Như thế, cuộc chiến tranh chống Mỹ, với tôi, là cuộc chiến tranh ngu xuẩn nhất trong lịch sử dân tộc. Nó là sự xung đột giữa hai thế lực hiếu chiến, Mỹ một bên, những người cộng sản Việt Nam một bên, cả hai bên đều phải chịu trách nhiệm trước mười triệu linh hồn đau khổ. Những thế hệ nối tiếp còn phải ghi nhớ cuộc chiến tranh này như một lầm lạc gây nhiều tổn thất nhất trong lịch sử dân tộc Việt kể từ buổi khai sinh.
Điều mà chúng ta có thể làm được hiện nay là phá vỡ bức màn huyền thoại “chống Mỹ cứu nước” là chỉ rõ tính chất tàn bạo của nhà cầm quyền trong vụ án xét lại và vạch rõ bản chất cuộc chiến tranh ngu xuẩn đã qua. Khi lá bùa hộ mệnh của chính thể rơi xuống nó sẽ không còn dám giữ thái độ tàn bạo và bạo ngựơc như hiện nay. Ở đâu còn tình cảm và khát vọng lấn lướt, ờ đó chân lý câm lặng và huyền thoại nảy sinh.
Một khi đám đông nhận thức được rằng họ đã bị lừa, nhận thức đựơc rằng cuộc chiến tranh thần thánh mà kẻ cầm quyền vẫn rêu rao, thục chất chỉ là trò trẻ con bị xui ăn cứt gà sáp, và rằng đó là một cuộc dấn thân mù lòa vô tích sự mà bài học đắng cay sẽ lưu truyền cho hậu thế. Khi đó chính quyền Việt Nam sẽ đựơc lãnh đủ”. [Dương Thu Hương: "Tiểu Luận"]
Quan niệm của những người cầm quyền tại hai “nước Việt Nam” tức là nước Việt Nam Cộng Hòa và nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, hai miền Nam và Bắc Việt Nam về cuộc chiến tranh mà họ lãnh đạo cho đến ngày kết thúc là như vậy, do đó người ta đã gọi cuộc chiến đó là một cuộc “chiến tranh ủy nhiệm” (proxy war), cuộc chiến này đã gia tăng cường độ và kéo dài thêm trong 12 năm kể từ sau khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị giết.
Đó là một cuộc chiến tranh mà trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời, ông Ngô Đình Diệm đã cố tìm mọi phương cách để ngăn chận không cho xảy ra và một trong những phương cách đó có thể là sự “xích lại gần” để tiến tới một giải pháp chính trị không những cả hai miền Nam Bắc đều có lợi mà lại còn có thể bảo tồn được quyền tự do của nhân dân Miền Nam nữa.
Ông đã nói với ký giả Marguerite Higgins rằng: “Chúng tôi đã phải chịu đương đấu với chiến tranh trong 23 năm trường, nhưng chúng tôi quyết tâm không nhượng bộ trước sự xâm lăng bằng vũ lực vì chúng tôi muốn bảo vệ nền độc lập của chúng tôi và bảo vệ nhũng cơ hội có được quyền tự do. Bất cứ kế hoạch thống nhất đất nước nào mà không bảo đảm được những giá trị này là sự phản bội đối với những hy sinh mà dân tộc chúng tôi đã chịu đựng từ năm 1954 và vẫn phải còn chịu nhiều hy sinh nữa trong tương lai”.
Lúc sinh thời, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã từng tuyên bố rằng “Cuộc chiến tranh tại miền Nam Việt Nam là một cuộc chiến tranh ý thức hệ đương đầu với ý thức hệ”, ông muốn nói rằng miền Bắc xâm lăng miền Nam vì họ muốn chiến đấu cho cái ý thức hệ cộng sản hay “xã hội chủ nghĩa” của họ, còn miền Nam thì phải chiến đấu để bảo vệ quyền tự do, bảo vệ quyền dân chủ, bảo vệ quyền làm người. Ông Ngô Đình Diệm quan niệm rằng người miền Nam Việt Nam, trước và trên hết, chiến đấu cho sự sống còn của chính họ, cho sự tự do của chính họ chứ không chiến đấu cho ai khác, chiến đấu cho quốc gia của họ chứ không chiến đấu cho quốc gia nào khác. Nếu Việt Nam không đủ sức đề chống lại cộng sản Bắc Việt với sự hỗ trợ của toàn thể khối cộng sản quốc tế thì trong trường hợp đó, Việt Nam có thể phải nhờ đến sự trợ giúp của Hoa Kỳ, tuy nhiên, Hoa Kỳ phải ký kết một hiệp ước chính thức cam kết sẽ ủng hộ cho Việt Nam.
Trước đó cũng có người đã cảnh cáo ông Ngô Đình Diệm về viễn tượng một ngày nào đó người Mỹ có thể bỏ Việt Nam và lúc đó thì ta sẽ “chết như con cá lóc bị dập đầu”. Khi ông Ngô Đình Diệm mới về nước giữ chức vụ Thủ Tướng, vào tháng 3 năm 1955, ông Trần Văn Ân, chủ nhiệm tuần báo Đời Mới đã nói với Thủ Tướng Ngô Đình Diệm rằng: “Thưa Cụ, nước mình nhỏ bé đành phải bắt tay với Mỹ, thật tình bắt tay, nhưng chơi tay đôi với họ khó lòng lắm. Nước họ lại nước dân chủ, chánh quyền dễ thay tay. Rủi ngày nào đó, vì một lẽ gì mà họ buông bỏ ta, thì ta, không có bạn khác, sẽ chết như cá lóc bị dập đầu”.[Nguyễn Long Thành Nam: Phật Giáo Hòa Hảo Trong Dòng Lịch Sứ Dân Tộc, Đuốc Từ Bi, California, 1991, trang 548.]
Lời khuyên này sau đó không còn ai dám nhắc lại vì đến tháng 5 năm 1955, sau vụ Bình Xuyên thì ông Trần Văn Ân bị kết án tử hình, bị đày đi Côn Đảo cho đến sau ngày đảo chánh 1 tháng 11 năm 1963 mới được trả tự do. Tuy nhiên đến khoảng năm 1963 thì lại có những người ngoại quốc cũng đã khuyên Tổng Thống Ngô Đình Diệm những điều như vậy.
Tiến Sĩ Hammer cho biết rằng: Quốc Vương nước Maroc, Mahommed V và nhiều nhà lãnh đạo Á Phi khác đã nhiều lần cảnh giác Tổng Thống Ngô đình Diệm không nên để cho miền Nam Việt Nam bị lệ thuộc quá nhiều vào một đồng minh duy nhất là Hoa Kỳ vì nếu trong trường hợp mà Hoa Kỳ thôi không còn ủng hộ nữa thì miền Nam sẽ lâm nguy vô phương cứu vãn. [Ellen J. Hammer: Sách đã dẫn. Trang 121.]
Bà Ellen Hammer cho biết như sau về vấn đề đó: Tổng Thống Ngô Đình Diệm tin tưởng rằng miền Nam phải trông cậy, dựa vào nhân dân miền Nam để tự bảo vệ cho mình. Trong trường hợp phải nhờ đến sự trợ giúp từ ngoại quốc, Tổng Thống Diệm đã nghĩ đến việc yêu cầu Hoa Kỳ ký kết một bản hiệp ước (treaty) với Việt Nam trong dó người Mỹ phải chính thức hứa hẹn sẽ ủng hộ cho Miền Nam Việt Nam … [Marguerite Higgins: Sách đã dẫn, trang 176].
Dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm tuyên bố “Tổ Quốc lâm nguy” vào năm 1961, hàng trăm ngàn thanh niên đã tình nguyện hay bị động viên vào Quân Đội và họ đã chiến đấu rất anh dũng để “bảo vệ những cơ hội có được quyền tự do và bảo vệ nền độc lập của đất nước của họ” chứ không phải chiến đấu cho Hoa Kỳ. Sau khi ông Ngô Đình Diệm bị giết, hàng triệu người trai trẻ, nam cũng như nữ, tại miền Nam Việt Nam vẫn tiếp tục chiến đấu cho ý thức hệ của họ, một ý thức hệ rất tầm thường và vô cùng đơn giản: Bảo vệ tự do, bảo vệ quyền làm người và xây dựng một đời sống dân chủ tốt đẹp hơn cho chính họ, cho gia đình của họ và cho con cháu của họ.
Đối với những người lãnh đạo, có thể chính quyền của họ theo đuổi một cuộc chiến tranh do quan thầy, do đàn anh của họ ủy nhiệm, nhưng đối với hàng triệu người trong quân đội, trong các ngành hành chánh, trong các đoàn thể chính trị tại miền Nam những người trẻ tuổi Việt Nam không chiến đấu cho ngời Mỹ, không chiến đấu cho các ông Ngô Đình Diệm, Dương Văn Minh, ông Nguyễn Khánh, ông Nguyễn Cao Kỳ hay ông Nguyễn Văn Thiệu, họ đã chiến đấu để bảo vệ tự do, bảo vệ dân chủ, bảo vệ nhân quyền cho họ, cho con cháu của họ và đối với những người trong thế hệ đó, cuộc chiến tranh ở miền Nam là một cuộc “chiến tranh ý thức hệ đương đầu với ý thức hệ” như lời của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, một cuộc chiến tranh giữa ý thức hệ của họ đương đầu với ý thức hệ của những người cộng sản Bắc Việt.
Họ chiến đấu vì họ biết rằng nếu còn miền Nam thì họ còn tất cả, nếu miền Nam mất vào tay cộng sản thì họ sẽ mất tất cả.
Vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, một số chiến sĩ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, đại diện cho các thế hệ Việt Nam chiến đấu vì ý thức hệ đó, đã nói với nhà báo Pháp Jean Lartéguy trước trận đánh cuối cùng, vài giây phút trước khi đi vào cõi chết:
Chúng tôi sẽ chiến đấu, có lẽ chúng tôi sẽ là những ngời chiến sĩ chiến đấu cuối cùng. Xin ông nhớ viết lại rằng chúng tôi không chiến đấu để chết cho ông Thiệu, cho ông Hương hay ông Minh. Chúng tôi sẽ chiến đấu cho đến chết vì tự do, vì quyền được tự do ngôn luận, quyền được phê bình và nền độc lập của chúng tôi…
Giả thử như mà Việt Nam Cộng Hòa không bị rơi vào tay cộng sản vào ngày 29 tháng 4 năm 1975 thì chỉ vài tháng sau cũng phải sụp đổ. Lúc đó lực lượng của Việt Nam Cộng Hòa chỉ còn có 3 Sư Đoàn 7, 9 và 21 còn nguyên vẹn, làm sao chúng ta có thể chống đỡ được một lực lượng gồm có quân đoàn 1, quân đoàn 2, quân đoàn 3, quân đoàn 4, quân đoàn 232 và một số đơn vị độc lập tổng cộng lên đến trên 150.000 người, vào khoảng 25 sư đoàn với đầy đủ vũ khí, đạn dược và cả một hậu cần vĩ đại ở miền Bắc cũng như là các nước xã hội chủ nghĩa?
Chúng ta có thể làm được cái gì lúc đó ?
Có lẽ câu trả lời cũng sẽ tùy thuộc vào từng cá nhân nhưng đối với đa số người miền Nam còn được sống sót sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, chúng ta đã phải sống trong đọa đày tủi nhục, trong nỗi uất hận và đớn đau của những người thất chí vì đã không làm trọn bổn phận đối với quê hương đất nước, không làm tròn bổn phận đối với chính gia đình và bản thân của mình và nhất là mang cái mặc cảm phải gánh chịu trách nhiệm đã không làm tròn bổn phận đối với các thế hệ mai sau.
Dĩ nhiên là người miền Nam, chúng ta ai cũng đều có trách nhiệm đã không giữ được miền Nam Việt Nam, đã không bảo vệ được tự do và no ấm cho hàng chục triệu người miền Nam, tuy nhiên tất cả chúng ta đều chỉ là những chiếc lá khô, những cánh bèo giạt trong cơn đại hồng thủy năm 1975. Sau ngày Vùng I và Vùng II tan rã, từ dân đến quân không ai còn tin tưởng vào những người lãnh đạo lúc đó, Quân Đội chúng ta đã mất đi hơn một nửa tiềm năng, vũ khí đạn dược chỉ còn đủ cung cấp cho Quân Đội chỉ có 20 ngày và quan trọng nhất là viện trợ Hoa Kỳ sẽ chấm dứt sau ngày 30 tháng 6 năm 1975, từ dân đến quân không ai còn tin tưởng vào những người lãnh đạo lúc đó và thân phận những con người bé nhỏ như chúng ta thì chỉ như là những “con thuyền không lái”, những “cánh diều đứt dây” và định m ệnh của mỗi người dường như tùy thuộc vào một bàn tay nào đó ở trên cao.
Thân phận của người miền Nam chúng ta hồi đó cũng giống như thân phận những người dân trong vùng New Orleans và các Tiểu Bang trong vùng Vịnh Mễ Tây Cơ trong cơn bảo Katrina, giống như những chiếc thuyền nan tý hon giữa cơn đại hồng thủy, thân phận người miền Nam chúng ta nào có khác thân phận của những ngời dân hiền lành sống trong vùng ven biển ở Nam Dương, ở Thái Lan một vài ngày, một vài giờ, một vài phút trước cơn sóng thần vĩ đại vào cuối năm 2004, tất cả đang sống trước ngưỡng cửa của thần chết, tất cả đều đang sống trong năm phút cuối cùng của cuộc đời.
Tổng Thống Ngô Đình Diệm có nói rằng: “Đừng có quên rằng trong cuộc chiến tranh này, người nào, phe nào mà còn có thể chiến đấu được trong 5 phút cuối cùng thì phe đó sẽ chiến thắng”
Tiếc thay, vào năm 1975 thì nhân dân miền Nam lại bị đứng vào phe “không có thể chiến đấu được trong 5 phút cuối cùng”, họ mất tất cả vì những người lãnh đạo miền Nam không có đủ đức độ, không có đủ uy tín, không có đủ tài năng như ông Ngô Đình Diệm, vì họ đã hướng dẫn cuộc chiến tranh đi vào một cuộc/’chiến tranh ủy nhiệm” mà người ủy nhiệm thì từ năm 1971, từ 4 năm về trước, đã phủi tay không còn quan tâm đến nữa và đến năm 1975 thì đã ngoảnh mặt làm ngơ.
Hơn ba mươi năm đã trôi qua kể từ ngày Việt Nam Cộng Hòa bị khai tử, có nhiều diễn biến đã xảy ra trên thế giới và biến cố quan trọng nhất trong thế kỷ thứ 20 là sự sụp đổ của các nước cộng sản Đông Âu và ngay cả Liên Bang Xô Viết, “thiên đường của xã hội chủ nghĩa”.
Người dân Nga đã phải sống dưới ách cộng sản trong gần ba phần tư thế kỷ, người dân các nước Đông Âu đã phải sống dưới ách cộng sản gần 45 năm mới được hưởng lại tự do.
Còn Việt Nam ?
Đại Tá Nguyễn Ngọc Khôi, cựu Tư Lệnh Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống dưới thời Đệ Nhất Công Hòa, có kể lại cho người viết nghe một điều tiên đoán của ông Ngô Đình Nhu về hậu quả của một cuộc đảo chánh lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm. Đại Tá Khôi nói rằng em ruột của ông là Đại Úy Nguyễn Ngọc Hạp, lúc bấy giờ là Sĩ Quan Tùy Viên của ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu, có kể lại cho ông rằng một vài ngày trước cuộc đảo chánh 1 tháng 11 năm 1963 khi ông Hạp vào xin phép ông Cố Vấn ra về thì ông Nhu ra lệnh cho ông Hạp phải ở lại. Trong khi ông Hạp đang còn đứng trong văn phòng thì ông nghe ông Ngô Đình Nhu, đang đứng trước cửa sổ nhìn ra đường và nói một mình: Nếu chế độ này bị lật đổ thì chính phủ kế tiếp sẽ do nhóm Quân Đội lãnh đạo. Cái chính phủ của Quân Đội do người Mỹ đưa lên thì giỏi lắm là chỉ sau một “chu kỳ” miền Nam sẽ thua cộng sản. Một khi mà cộng sản chiếm được miền Nam thì ít nhất là sau 3 “chu kỳ” nữa nhân dân Việt Nam mới thoát được ách cộng sản. [Mạn đàm với cựu Đại Tá Nguyễn Ngọc Khôi tại Garden Grove, California ngày 22 tháng 9 năm 2005].
Chu kỳ mà ông Ngô Đình Nhu nói đến ở đây có lẽ là 12 năm (12 con giáp theo âm lịch) và sau cuộc đảo chánh 1963 thì các chính phủ Quân Nhân tiếp tục lên cầm quyền và Việt Nam Cộng Hòa phải đầu hàng cộng sản Bắc Việt vào năm 1975, đúng 12 năm sau.
Nếu quả thật ông Ngô Đình Nhu có nói như vậy và nếu mà ông ta tiên đoán không sai thì “3 chu kỳ” sau khi cộng sản chiếm được miền Nam vào năm 1975 sẽ là năm 2011, hy vọng rằng lúc đó thì người Việt Nam có thể thoát được ách cộng Sản như nhân dân Nga và các dân tộc Đông Âu hồi cuối thập kỷ 1980.

Bây giờ đã là năm 2014!
Trần Đông Phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.