Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

Thêm Một Cơ Hội Mới Cho Việt Nam


TS Alan Phan
Tôi quyết định quay về kinh doanh tại Mỹ cách đây 3 năm. Kinh tế Việt Nam đang bước vào một chu kỳ mới mà dân làm ăn chúng tôi gọi là “day of reckoning” (ngày phán xét?); nôm na là khi các bong bóng bắt đầu xì hơi, rác rưởi như nợ xấu, gánh nặng hành chánh, tham nhũng… không còn đủ chỗ để đem “dấu dưới thảm” được nữa. Ở các nền kinh tế thị trường khác, những biến cố tương tự cũng không hiếm (chúng là cá thể của tư bản tham lam)… nhưng những lực đẩy từ chánh phủ đến tư nhân chung sức điều chỉnh; và sau vài năm, phần lớn các cấu trúc, vận hành bắt đầu hồi phục.
Việt Nam hơi khác. Trong định hướng CNXH, chánh phủ cố gắng điều trị theo lối “bôi dầu cù là”, hy vọng một phép lạ nào đó sẽ “úm ba la” chữa lành mọi bệnh tật. Còn tư nhân thì quen lối làm giàu dựa trên quan hệ với quyền lực nên không nghĩ đến các giải pháp sáng tạo nào khác ngoài việc “lobby” để hưởng cứu trợ, khoanh hay giảm nợ. Với một nhận định như vậy, tôi và nhiều nhà đầu tư ngoại dài hạn khác write-off (xoá sổ) các khoản tiền đã mất ở Việt Nam và đi tìm chân trời mới. (Tuy nhiên, một cơn bạo bệnh kéo dài hơn 1 năm đã làm chậm lại kế hoạch này của tôi).
Trong khi vài nhà đầu tư vẫn đam mê tiềm năng của các quốc gia mới nổi, phiêu lưu vào Myanmar, Ấn Độ, châu Phi… tôi đánh cược vào nền kinh tế Mỹ qua sự năng động của công nghệ mới, hệ thống pháp trị và những lực chuyển trong hai thập kỷ tới trên toàn cầu (Xin xem loạt bài về Lực Chuyển trên web site Góc Nhìn Alan). Sau một năm vất vả để hoàn thiện các chi tiết của kế hoạch kinh doanh, tiếp cận đối tác và mentors (thầy đỡ đầu), lấy xong giấy phép… tôi hứng khởi bắt tay vào việc mới… ở tuổi 69. Tôi đem gia đình đi nghỉ hè 1 tháng để thu nạp thêm năng lượng.
Trong khi đó, như chúng tôi đã tiên đoán, suốt 5 năm qua, Việt Nam vẫn tiếp tục tổ chức hội thảo liên miên để bàn về nợ xấu, tái cấu trúc, cải cách cơ chế, hệ thống ngân hàng, phương thức bắt kịp các quốc gia láng giềng…. Chúng tôi đều đoán trước kết quả: thành phần có quyền và có tiền có quá nhiều thứ để mất nếu thay đổi, sợ bứt dây động rừng, sợ cạnh tranh trên một sân chơi bằng phẳng… Thành phần bỏ quên bên lề thì vẫn tiêu thụ bia rượu, thuốc lá, số đề… với nhiều kỷ lục mới và vẫn cho là mình hạnh phúc nhất nhì thế giới.  Bánh xe kinh tế tiếp tục lăn theo nhịp độ của FDI, kiều hối và ODA. Do đó, điều kiện đòi hỏi dành cho các dự án FDI càng ngày càng dễ dãi để lưu giữ dòng tiền đang rò rỉ từ Trung Quốc. (Lý do chính là  vì giá sản xuất tại Trung Quốc cao vụt biến cùng những  tệ nạn về ăn cắp bàn quyền, khích động chánh trị Hán hoá của chánh phủ  và hệ thống phong bì).  Khoản tiền ODA càng vay nhiều càng tốt, lợi lộc càng nhiều… và việc trả nợ thì đã có thế hệ sau lo.
Ở tầm vĩ mô hơn, Việt Nam vẫn coi mình là đàn em ngoan ngoãn của Trung Quốc, có một đồng minh chiến lược với Nga, có những người bạn thân thiết như Bắc Triều Tiên, Cuba, Venezuela… An ninh nội địa vững vàng với gọng kềm kiểm soát và mọi chánh sách ngoại giao đều hướng về mục tiêu “làm vừa lòng mọi người”. Nếu đế quốc Mỹ có phàn nàn về nhân quyền thì ra vài câu tuyên bố lấy lệ, rồi quay lưng bảo nhau… thằng Mỹ nó giàu mạnh nhưng ngu lắm.
Trong bối cảnh đó, khó mà có thể hình dung Việt Nam biến thể thành một con chim cánh cụt… nói gì đến hoá rồng. Nếp sống người dân có thể tăng cao hơn đà tiến chung của nhân loại vì dân Việt thông minh và láu cá hơn; nhưng kinh tế Việt Nam sẽ vẫn đội sổ về hiệu năng và vị trí.
Tuy nhiên, lá số tử vi của nhà cầm quyền Hà Nội tốt thật. Định mệnh lại tình cờ cho họ thêm một cơ hội mới.
Trung Quốc đem giàn khoan vào lãnh hải Việt Nam, Putin Nga quay mặt ôm hôn Tập Cận Bình, và các bạn thân thiết như Bắc Triều Tiên, Cuba… hoàn toàn không quan tâm. Một tình thế mới tạo nên một thực tại mới khá phũ phàng, như khi người vợ khám phá ra là chồng đang ăn nằm với nhiều bà vợ khác, kể cả bạn thân của mình. Dĩ nhiên bà vợ vẫn mang nhiều hy vọng là ông chồng sẽ hồi tâm và quay lại với mình để nối lại cuộc đời “16 chữ vàng” như xưa.
Đây không phải là điều đáng ngạc nhiên với các chánh trị gia chuyên nghiệp. Chơi đểu, lừa gạt, tham lam… là bài học hàng đầu từ Machiavelli, Tôn Tử… Chỉ có những ông già vừa ngu vừa điên… mới ngạc nhiên. Tuy vậy, một sự kiện làm tôi và vài chuyên gia “shocked” là sự can thiệp của Mỹ đã có hiệu lực đến thế nào với Trung Quốc! Vì quyền lợi của tư bản Mỹ trong thế cân bằng của địa chánh trị tại Biển Đông, Trung Quốc đã rút giàn khoan sớm hơn dự định, tránh một cuộc đối đầu bất lợi lúc này với liên minh Mỹ-Nhật-Úc. Dĩ nhiên, đây chỉ là một bước lùi để lấy đà tiến lên hai ba bước sau này…nhưng cũng là một chiến thắng nhỏ cho quyền lực Mỹ.
Quay lại thế cờ mới của Việt Nam. Cách đây vài năm, Myanmar phải thoát Trung bằng một động thái quyết liệt cần nhiều can đảm và vốn chính trị của các lãnh đạo. Theo một lời đồn, khi biết Myanmar muốn ngã về phương Tây, Trung Quốc đã bật đèn xanh để vài phần tử Miến Điện thân Trung Quốc thực hiện một cuộc đảo chánh. Âm mưu bất thành và định mệnh Myanmar bước vào một chu kỳ mới. Việt Nam may mắn hơn. Với sự tranh chấp công khai hoá toàn diện và với sự bầy tỏ ý muốn thoát Trung của đa số dân Việt, các phần tử thân Trung Quốc phải cẩn thận dè chừng trong mọi hành động.
Đây là cơ hội mới hiếm hoi cho những lãnh đạo Việt Nam muốn rẽ qua một con đường mới.
Nhiều người Việt “tư hào” là mình sẽ không cần theo ai hay thoát ai. Việt Nam có con đường riêng của mình. Tôi hiểu đó là con đường xuống bãi sình lầy chúng ta đã tới đích sau 70 năm cố gắng. Không dựa trên bất cứ một triết thuyết cao siêu nào về chính trị hay kinh tế, tôi có thể đoan chắc là trên mọi chiến trường hay thương trường, trừ khi bạn là một siêu cường, hay một lãnh đạo,  bạn “phải” chọn phe. Không có sức mạnh nội tại mà đòi “trung lập”, thì sớm hay muộn, bạn sẽ bị cả hai phe tiêu diệt (nhiều khi chỉ cho bỏ ghét).
Tôi thực sự không biết các lãnh đạo Việt Nam sẽ chọn lựa như thế nào. Sẽ ngã về một nền kinh tế tư bản thị trường pháp trị của phương Tây như 98% các quốc gia khác đang làm; hay sẽ theo lời khuyên của hoàng đế cách mạng Fidel Castro đứng hẳn về một trật tự mới do Trung Quốc và Nga đang thiết lập? Dù thế nào, nó sẽ không ảnh hưởng gì đến sinh hoạt và công việc của tôi hay triệu người gốc Việt trên khắp thế giới.
Tôi chỉ biết rằng ân sủng của Ơn Trên đang cho Việt Nam một cơ hội mới. Như trong những video games, nút RESET đã được bấm. Quê hương và dân tộc đang chờ đợi.
Có thể chúng ta lại sẽ chẳng làm gì. Như suốt vài chục năm qua. Mọi người còn quá bận lo chuyện cá nhân và gia đình? Mong là định mệnh Việt Nam không hẩm hiu như vậy.
Alan Phan
PS: “ Không có quyết định nào khó khăn hơn, chịu nhiều thử thách hơn và khó đoán được thành quả hơn… là nắm cơ hội để đem đến một trật tự mới – There is nothing more difficult to take in hand, more perilous to conduct, or more uncertain in its success, than to take the lead in the introduction of a new order of things. – Niccolo Machiavelli)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.