Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2013

Chuyện buôn chó thịt ở Thái Lan

Theo một báo cáo của Cục Chăn nuôi Thái Lan, mỗi năm có khoảng 200 nghìn con chó được những nhóm lái buôn vận chuyển bất hợp pháp ra khỏi biên giới, những con chó này sau đó được đưa đến Việt Nam và xa hơn nữa là Trung Quốc, để biến thành những món “đặc sản” trong các quán nhậu, nhà hàng. Ngành “công nghiệp chó” mỗi năm mang về cho những nhóm lái chó hàng triệu USD.

Những cũi chó tại một điểm tập kết trên đất Thái Lan.

Vương, 26 tuổi, quê ở một tỉnh thuộc Bắc Trung Bộ, dân tộc Mông, uống rượu ngô như uống trà đá! Gần 3 năm nay, cậu ta cùng một số "chiến hữu" khác kiếm sống bằng cách mua chó do những nhóm buôn lậu người Thái chuyển từ Thái Lan, vượt sông Mekong sang Lào rồi theo quốc lộ số 8 về cửa khẩu Cầu Treo, tỉnh Hà Tĩnh.
Vương nói: "Thật ra em không cần phải đến chỗ này vì mọi chuyện đã có thằng Phoumi, người Lào sắp xếp. Khi nó điện thoại hẹn ngày giờ, em chỉ cần ra cửa khẩu nhận "hàng" rồi giao cho mấy thằng lính vận chuyển đến những nơi tiêu thụ là xong. Nhưng thấy ông anh "máu" quá nên em dẫn ông anh đi một lần cho biết".
Sông Mekong vào buổi chiều hôm khá vắng vẻ, thỉnh thoảng mới thấy một chiếc ghe câu hoặc một tàu vận tải, đèn hiệu xanh lè chớp chớp nháy nháy, chạy ì ạch. Bờ bên kia, Bản Hom chỉ là một mảng màu tím thẫm, lờ mờ in lên đường chân trời. Trong căn nhà sàn mà Vương giới thiệu với tôi là "cơ sở", tôi nằm dài trên lớp tre đập dập, lâu ngày lên nước bóng loáng. Để giết thời gian, Vương đã bảo "cơ sở" chuẩn bị cho tôi mấy chai bia Lào cùng đĩa thịt trâu khô.
Theo lời Vương, khoảng 8 giờ tối thì tàu chở chó mới xuất phát từ bên bờ đất Thái. 30 phút sau nó cập bến phía Lào. Cũng khoảng 8 giờ tối, một chiếc xe tải do Phoumi thuê mướn cũng sẽ đến sát bờ sông, đợi sẵn. Khi tàu vào bờ, một đội quân "cửu vạn" người Lào có nhiệm vụ chuyển những chiếc cũi, mỗi cũi có từ 10 đến 15 con chó lên xe tải rồi sau đó, nó nhắm hướng Việt Nam, trực chỉ...
2. 19 giờ 30 phút, nhà "cơ sở" của Vương có thêm một người khách. Vương giới thiệu với tôi đó là Siwatthakhon, dân Thái, đã làm ăn với Vương suốt 2 năm. Bữa nay Siwatthakhon qua đây để nhờ Vương mua giùm mấy lạng cao hổ cốt - là loại hàng hóa đắt gấp 3 lần so với mua ở Việt Nam, về cho mẹ uống.
Thoạt nhìn thì Siwatthakhon cũng như hầu hết những người nông dân khác ở tỉnh Nọng Khai, đông bắc Thái Lan, nơi chỉ cách nước Lào bằng con sông Mekong: Có vợ và 2 con, cao 1,6m, nặng 55kg, nước da ngăm đen, thân hình lực lưỡng như thể trời sinh anh ta ra để làm những việc cần đến cơ bắp. Thế nhưng dân làng Bung Kan - nơi Siwatthakhon sinh sống - cho biết, anh ta không làm ruộng mà cùng với vài người nữa, chuyên đi bắt chó hoang - thậm chí ăn trộm chó nhà đem về bán cho những nhóm lái buôn người Thái, rồi những nhóm này bán lại cho những "lái chó" người Lào. Cuối cùng, chó sẽ được sang tay cho những nhà  "buôn sỉ" Việt Nam, trong đó có Vương.
Siwatthakhon không biết tiếng Anh, còn tôi thì chẳng hiểu tiếng Thái. Mọi sự trao đổi đều thông qua "cơ sở" của Vương. Cũng may là "cơ sở" này vừa thạo tiếng Việt, lại rành tiếng Lào, tiếng Thái - không kể tiếng Mông. Theo lời Siwatthakhon, dụng cụ hành nghề của anh ta gồm một cây gậy dài khoảng 2m, ở đầu có gắn một súng phóng điện do Trung Quốc chế tạo, nối với một ắc quy đeo ở lưng và bộ chuyển đổi dòng điện 12 volt thành 220 volt. Trên chiếc xe gắn máy, anh ta cùng một đồng sự lang thang khắp các làng mạc, thị trấn thuộc tỉnh Nọng Khai.
Siwatthakhon nói: "Nếu nhìn thấy một con chó, tôi cẩn thận quan sát xung quanh để tránh bị phát hiện trước khi ném cho nó một mẩu cá khô. Lúc nó cúi xuống để ngoạm miếng mồi, tôi nhanh chóng gí súng phóng điện vào cổ nó trong lúc người đồng sự của tôi dùng một cây gậy có thòng lọng tròng vào đầu con chó rồi lôi nó về phía mình. Trong chớp mắt, con chó xấu số đã nằm gọn trong bao tải, buộc phía sau chiếc xe máy, đưa về điểm tập kết". Cứ mỗi con chó, lái buôn trả cho Siwatthakhon 3 - 5 USD tùy theo lớn, nhỏ.
Khác với Việt Nam, nơi những kẻ trộm chó thường bị đánh nhừ tử, thậm chí đánh cho đến chết thì ở Thái, nếu bắt quả tang chó bị tròng thòng lọng vào đầu, chủ chó chỉ la lên vài tiếng còn kẻ trộm chó sẽ bỏ lại cả chó lẫn  thòng lọng. Đa số người Thái đều theo Phật giáo nên dân trộm chó tin rằng con chó ấy chưa đến lúc phải biến thành những món luộc, hấp, nướng, hong, xáo măng, nhựa mận!

chuẩn bị vượt sông Mekong sang Lào.

Theo lời Siwatthakhon, bình quân mỗi ngày anh ta và người đồng sự bắt được 5 - 6 con chó, nặng từ 6 đến 12kg. Những con chó này sau đó được lái buôn cho vào cũi đan bằng lưới sắt, mỗi cũi khoảng 10 - 15 con. Khi số lượng chó bắt được chừng 1.000 con, lái buôn chất chúng lên xe tải, chở đến những địa điểm ấn định trước bên bờ sông Mekong. Tại đây, các nhóm người Lào đã đợi sẵn với những chiếc thuyền lớn rồi những cũi chó nhanh chóng được chất vào khoang thuyền, vượt sông sang đất Lào.
Nếu bị hải quan, biên phòng Lào kiểm tra thì sao? Phoumi - người Lào - một trong những ông chủ cầm đầu một nhóm “lái chó” giơ ngón tay cái và ngón tay trỏ ra, xoa xoa vào nhau, động tác ngụ ý đếm tiền: "Chó không phải là loại hàng bị cấm mua bán. Nhưng để mọi việc trôi chảy, chúng tôi sẵn sàng chung chi…".
20 giờ 15 phút, tôi theo Vương ra bờ sông. Gió thổi lành lạnh. Dù đang là những ngày trăng tròn mà bầu trời vẫn khá tối vì bị những đám mây che khuất nhưng tôi cũng kịp nhìn thấy một chiếc xe tải đậu sẵn từ lúc nào. Thấy tôi móc túi lấy ra gói thuốc lá, Vương xua tay: "Anh, đừng hút, lộ chuyện". Giây lát, lúc nghe tiếng máy nổ rì rì, Vương cầm chiếc đèn pin chỉ nhỏ bằng cây bút bi, chiếu xuống bờ đất. Phải công nhận người lái thuyền chở chó rất có nghề. Chỉ với một đốm sáng của ngọn đèn pin, anh ta đã đưa tàu vào đúng địa điểm.
Trên chiếc xe tải, khoảng chục thanh niên nhảy xuống, bước vào khoang thuyền rồi thoăn thoắt chuyền tay nhau từng chiếc cũi chó, chất lên xe. Đứng ngược gió, tôi ngửi thấy nồng nặc mùi phân chó, mùi lông chó nhiều ngày không tắm rửa, mùi thức ăn ôi thiu xen lẫn tiếng kêu thê lương của những con chó bị thương tích vì cắn nhau. Đến lúc ấy, tôi mới thấy tiếc vì đã không mang theo chiếc máy chụp hình có chức năng chụp đêm bằng tia hồng ngoại. Đành phải bỏ qua những cảnh tượng mà chẳng biết bao giờ mới được chứng kiến lần thứ hai.
Mất gần 40 phút, khoảng 100 chiếc cũi chứa 1.000 con chó đã được chuyển lên xe. Trong buồng lái, Phoumi ngồi cạnh tài xế còn đám "cửu vạn" người Lào không biết đã biến đi đâu mất trong màn đêm dày đặc. Nhiệm vụ của Phoumi là sẽ áp tải chuyến xe chở chó này về biên giới Lào - Việt, giáp với cửa khẩu Cầu Treo. Cứ mỗi con chó, lái buôn người Thái bán cho Phoumi từ 120 đến 150 nghìn (quy ra tiền Việt), tùy theo cân nặng. Đến biên giới Lào - Việt, Phoumi bán lại cho "lái chó" người Việt 200 nghìn hoặc 300 nghìn một con. Qua nhiều lần sang tay nữa, cuối cùng, các tiệm thịt chó ở Việt Nam mua mỗi con từ 800 đến 1,2 triệu đồng.
Xe nổ máy, và khởi hành chỉ với một bóng đèn gầm vàng quạch, độ sáng chẳng hơn cây nến là mấy. Chỉ tới khi ra tới quốc lộ, nó mới "pha", "cốt" nghiêm chỉnh. Siwatthakhon chào Vương bắt tay tôi rồi lên thuyền, quá giang về đất Thái. Vương, nói: "Thằng này chỉ là một trong những người làm công việc bắt trộm chó ở miền Bắc và Đông Bắc Thái Lan, gồm các tỉnh Nọng Khai, Bueng Kan, Nakhon Phanom và Mukdahan".
Theo ước tính của Cảnh sát Thái Lan, mỗi năm có khoảng 200 nghìn con chó được chuyển lậu sang Lào rồi vào Việt Nam. Một số được đưa đi xa hơn: Trung Quốc, nơi thịt chó được coi là món ăn khoái khẩu của nhiều người. Chả thế mà hàng năm, cứ đến ngày 21/6, một hội chợ chuyên về thịt chó tại miền Nam Trung Quốc lại khai mạc ở thành phố Ngọc Lâm, tỉnh Quảng Tây, thu hút hơn 10 nghìn du khách. Và mặc dù các nhà bảo vệ súc vật Trung Quốc cực lực phản đối do tính chất tàn ác của nó nhưng hội chợ này vẫn được duy trì...
Tại hội chợ, khách tận mắt chứng kiến những con chó bị nhốt chồng chất lên nhau trong những cái cũi trước khi bị giết. Để giảm bớt áp lực từ những người phản đối, chính quyền thành phố Ngọc Lâm đã thành lập một đơn vị đặc biệt để theo dõi hội chợ nhằm kiểm soát việc giết mổ sao cho đừng quá dã man nhưng không chịu hủy bỏ sự kiện này, viện lẽ đây là do người dân, chứ không phải là do chính quyền tổ chức nên không thể tùy tiện ngăn cấm.
Theo nhật báo Hồng Công South China Morning Post, hội chợ thịt chó ở Quảng Tây đã bắt đầu từ vài thập kỷ trước nhằm đánh dấu ngày Hạ chí, và Ngọc Lâm là thành phố nổi tiếng của Trung Quốc về món "mộc tồn"!
3. Trở lại với việc buôn lậu chó, tuy luật pháp Thái Lan quy định hình phạt cho những ai xuất khẩu chó bất hợp pháp là 2 năm tù giam và 3.000USD nhưng theo Siwatthakhon, thì "từ đó đến nay chưa thấy ai bị phạt cả. Nếu có cũng rất ít vì người trộm chó đều là người nghèo, lấy đâu ra 3.000USD".
Một báo cáo của Tổ chức Giám sát động vật châu Á cho thấy, hiện tại Thái Lan có khoảng 13 triệu con chó, trong đó gần 1,7 triệu con là chó hoang. Ngay tại thủ đô Bangkok, cũng có hơn 300 nghìn chó hoang nhưng người Thái phần lớn theo đạo Phật nên họ không muốn ban hành luật cho phép giết chó hoang một cách "nhân đạo" bằng cách tiêm  thuốc độc - như ở Mỹ chẳng hạn. Hệ quả là những con chó hoang ấy có kết cục thê thảm hơn nhiều khi sa vào tay các “lái chó”.
Thật ra, tiền thân của những con chó hoang là chó nhà nhưng vì nhiều lý do, nó biến thành chó hoang. Ông Mueang, ở Nakhon Phanom lúc trò chuyện với tôi, đã kể: "Khi gia đình tôi chuyển nhà từ Pathum Thani đến đây, tôi đã cho người hàng xóm 2 con chó trong đàn chó 4 con của tôi. Hơn 1 năm sau, lúc gặp lại, tôi có hỏi về 2 con chó nhưng ông hàng xóm cho biết sau khi xích nó 1 tuần để nó quen nhà nhưng vừa thả ra thì cả hai con cùng bỏ chạy mất".
Ông Narathiwat, cũng cư trú tại Nakhon Phanom, kể tiếp: "6 năm trước, gia đình tôi nuôi một con chó. Nó nặng chừng 12kg. Một bữa, đến kỳ động dục, nó đi theo một con chó cái - là chó hoang rồi không bao giờ thấy nó quay về". Những con chó này sống lang thang thành từng đàn nhỏ, ăn bất cứ thứ gì có thể kiếm được. Và vì không thể có thức ăn thường xuyên nên hầu hết chúng đều gầy ốm, ghẻ lở. Thỉnh thoảng, chúng lại cắn xé lẫn nhau, gây huyên náo cả một góc đường nhưng người Thái vì đã quá quen với cảnh này nên xem ra, nó chỉ là chuyện thường ngày… ở huyện!http://antg.cand.com.vn/Images/reddot.gif
  Vũ Cao


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.