Sau nhiều
tháng kiên nhẫn, tránh sử dụng biện pháp mạnh, tránh đương đầu trực tiếp với
lực lượng biểu tình đối lập phong tỏa Bangkok, chính phủ lâm thời của Thủ tướng
Thái Lan Yingkuck Shinawatra ngày 14/2 quyết định ra tay nhằm chấm dứt biểu
tình, vốn khiến các nhà đầu tư lo ngại và ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế.
Cảnh sát Thái Lan ra quân giải tán biểu tình. Ảnh: Bangkok Post |
Rạng sáng 14/2, hàng ngàn cảnh sát
chống bạo động tập hợp tại các địa điểm chiến lược ở Bangkok, trước khi phát
động chiến dịch dọn dẹp các điểm chướng ngại vật do phe biểu tình dựng lên, kể
từ khi phong tỏa một phần Bangkok, nhằm đòi chính phủ của bà Yingluck ra đi,
thay thế bằng một Hội đồng nhân dân không qua bầu cử.
“Chúng tôi nhằm vào các mục tiêu
chính, bao gồm trụ sở Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Năng lượng. Chúng tôi sẽ giành
lại những nơi có thể và bắt giữ các thủ lĩnh biểu tình”, Tổng thư ký Hội đồng An
ninh Quốc gia Thái Lan Paradorn Pattanatabut tuyên bố.
Ông Pattanatabut nói rằng, trước khi
tấn công, sẽ thuyết phục lực lượng biểu tình ở từng địa điểm để tránh các cuộc
đụng độ trực tiếp. “Đây không phải là một cuộc trấn áp biểu tình mà là thực thi
pháp luật”, ông nói, giải thích rằng việc tập hợp đông người là bất hợp pháp và
có nhiều vũ khí tại các địa điểm trên.
Trên báo Bangkok Post, ông Pattanatabut tuyên bố, chính quyền sẽ
giành lại một số nơi phe biểu tình không sử dụng để cải thiện tình trạng giao
thông. Ông nhấn mạnh, chính quyền sẽ không sử dụng vũ lực với người biểu tình.
Ông Pattanatabut nêu rõ nỗ lực của
chính quyền sẽ được áp dụng cho cả “khu vực” và “người dân”, có nghĩa cảnh sát
muốn quét sạch người biểu tình khỏi một số địa điểm.
Thủ lĩnh
biểu tình Suthep Thaugsuban (hiện có ít nhất hai lệnh bắt giữ) kêu gọi lực
lượng ở các địa điểm khác sẵn sàng hỗ trợ ba địa điểm trên một khi cảnh sát
phát động chiến dịch giải tán người biểu tình. Báo The Nation (Thái
Lan) đưa tin, sáng 14/2 có hai người bị thương nhẹ trong một vụ nổ gần cầu
Makkhawan Rangsan ở Bangkok.
Trưa 14/2, cảnh sát dễ dàng chiếm
lại tòa nhà chính phủ, nơi nội các Thái Lan không thể họp gần hai tháng qua.
Nhiều nhân chứng cho biết, trước đó, người biểu tình chống chính phủ đã rút
sang các điểm khác do phe đối lập chiếm giữ.
Ông Chalerm Yubumrung, Giám đốc
Trung tâm Duy trì Hòa bình và Trật tự của chính phủ, tổ chức cuộc họp báo đầu
tiên bên trong tòa nhà chính phủ, kể từ tháng 12/2013.
Thứ tư tuần tới, Tòa Dân sự Thái Lan
sẽ ra phán quyết về việc một thành viên đảng Dân chủ đối lập, đồng thời là đồng
thủ lĩnh Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân kiện Thủ tướng Yingluck và hai quan
chức khác về việc áp đặt tình trạng khẩn cấp tại Bangkok và một số tỉnh lân cận
nhằm ngăn chặn biểu tình. Đến nay, ít nhất 10 người chết, hàng trăm người bị
thương trong đợt biểu tình chống chính phủ lớn nhất tại Thái Lan trong nhiều
năm qua.
Theo AP, Bangkok Post
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.