Thứ Tư, 7 tháng 8, 2013

Cuộc sống bí mật của giới tỷ phú


Tuần báo Le Nouvel Observateur đăng bài viết về thế giới bí mật và xa hoa của các tỷ phú từ Luân Đôn tới Bắc Kinh, từ Paris tới New York.

Tỷ phú Bill Gates, người giàu nhất thế giới.

Hồi tháng Ba vừa qua, tạp chí Forbes thống kê toàn thế giới có 1.426 tỷ phú với giá trị tài sản lên tới 5.000 tỷ USD, gấp 2,5 lần GDP của Pháp.
Nếu như Châu Mỹ vẫn giữ kỷ lục số lượng tỷ phú, Châu Á-Thái Bình Dương vượt Châu Âu đứng hàng thứ 2. Cuối cùng, tỷ phú châu Phi cũng bắt đầu góp mặt vào bảng xếp hạng. Sơ đồ phân chia số lượng tỉ phú tại các châu lục cho thấy : Châu Mỹ có 571 tỷ phú, trong đó Mỹ chiếm 442 người. Châu Á-Thái Bình Dương có 386 tỷ phú, trong đó 122 là người Trung Quốc. Châu Âu có 366 tỉ phú, trong đó nước Đức chiếm 58 người. Cuối cùng, Châu Phi và Trung Đông có 103 tỷ phú, với 17 tỷ phú là người Isarel.
Giới siêu giàu làm gì với khối tài sản khổng lồ của mình? Tuy cuộc sống kiểu thích phô trương vẫn được ưa chuộng, nhưng không còn thu hút nhiều tỷ phú như trước. Một nhà xã hội học nhận định: “Tiền của họ là vô hình: 95% tài sản được phân chia đầu tư để được hưởng đặc quyền miễn thuế. Họ không thể có hàng trăm lâu đài hay du thuyền nữa”. Tuy nhiên, một số người vẫn thích thế giới biết mình giàu đến mức nào.
Đầu tư bất động sản
Giàu có đồng nghĩa với sở hữu bất động sản. Họ có thể đầu tư rất nhiều vào các biệt thự lâu đài mà mỗi năm họ chỉ tới vài ba ngày. Các thành phố lớn như New York, Luân Đôn và Paris là những nơi được giới giàu ưa thích, đặc biệt là tỉ phú mới nổi. Vì thế, giá bất động sản hạng sang tại đây tăng một cách chóng mặt.

Một khu biệt thự của tỷ phú.

Ở khu nhà giàu Chelsea tại Luân Đôn, 4 trên 6 biệt thự, với giá từ 3 đến 6 triệu bảng Anh, không thuộc sở hữu của người bản địa. Năm 2012, khoản đầu tư 500 triệu bảng Anh của các tỷ phú Hy Lạp và Italy đã đẩy giá bất động sản ở một số khu vực của thủ đô nước Anh đắt ngang với giá ở Công quốc Monaco. Để con có thể theo học tại các trường danh tiếng như Westminster hay St Paul’s, các bậc phụ huynh sẵn sàng đóng khoảng 30.000 euros học phí hàng năm.
Paris là thủ đô được các hoàng thân vùng Trung Đông ưu thích. Bài báo cho biết những chủ sở hữu mới thích sự hiện đại và tiện nghi. Thế nhưng, các biệt thự họ mua thường là những tòa nhà cổ và một số đã được xếp hạng. Họ sẵn sàng thay đổi đồ đạc hoặc trùng tu khiến kiến trúc và cách bài trí nội thất ban đầu của tòa nhà bị thay đổi. Một số người bảo vệ di sản, kể cả Bộ Văn hóa Pháp, đã lên tiếng phản đối, song dường như tiếng kêu của họ không tới tai những chủ nhà người Arập.

Đầu tư vào khu vực nông thôn, như ở vùng trồng nho Bordeaux là chiến lược của các tỷ phú Trung Quốc.
Đầu tư vào khu vực nông thôn, như ở vùng trồng nho Bordeaux là chiến lược của các tỷ phú Trung Quốc. Thời gian gần đây, rượu vang trở nên thịnh hành và đắt giá tại nước này. Các lâu đài rao bán ở vùng Bordeaux được mua rất nhanh và các ông chủ Trung Quốc chỉ lui tới hai, ba lần một năm vào lúc đi nghỉ hay đón khách.
Ngoài ra, sở hữu đảo cũng là sở thích của giới siêu giàu, trong đó có tỷ phú giàu nhất thế giới Bill Gates hay người giàu thứ ba nước Mỹ Larry Ellison.
Ngược lại với những tỷ phú thích khoe giàu, một số tỷ phú mới nổi nhờ công nghệ thong tin không thích phô trương và duy trì lối sống khiêm tốn trước đây. Đó là trường hợp của người sáng lập mạng xã hội Facebook. Dù mới mua biệt thự trị giá hơn 7 triệu USD, Mark Zuckerberg vẫn giản dị áo phông, dép tông và đi xe máy. Hay người sáng lập mạng LinkedIn vẫn sống trong căn hộ hai phòng. Tuy nhiên, theo ý kiến một số chuyên gia, một tỷ phú cũng nên thể hiện địa vị xã hội của mình để trấn an thị trường vì người tiêu dùng nhìn vào đó mà đánh giá việc kinh doanh phát đạt của công ty.
Tỷ phú Nga là những người thích phô trương nhất. Với họ, sự giàu có thể hiện qua áo choàng lông thú, thảm da gấu, món trứng cá muối với giá 1.000 euro một thìa, rượu vang đắt tiền, chơi golf trên du thuyền. Họ cũng thích sở hữu các căn hộ tại Monaco hoặc lâu đài tại Toscane.
Nghệ thuật, thú vui mới của tỉ phú
Người siêu giàu cũng được cố vấn đầu tư vào tác phẩm nghệ thuật. Tờ báo đăng một bài chi tiết trình bày niềm đam mê của giới giàu vào lĩnh vực này dưới tựa đề “Những người sưu tập nghệ thuật trúng số”.

Các tỷ phú sẵn sàng đặt cược hàng chục triệu USD vào các danh họa như Picasso, Warhol hay Basquiat.
Thị trường nghệ thuật tăng vọt dưới ảnh hưởng của một thế hệ người mua mới. Họ sẵn sàng đặt hàng chục triệu USD vào các danh họa như Picasso, Warhol hay Basquiat.
Một thú vui khác của giới siêu giàu là thuê những họa sĩ đương đại vẽ chân dung. Còn với tỷ phú Trung Quốc, nghệ thuật chỉ là một cách đầu tư. Họ mua để bán lại. Ngoài ra, họ chỉ mua tác phẩm của những nghệ sĩ nổi tiếng và tạo cho mình một bảo tàng cá nhân.
Vượt trùng dương
Ngoài du thuyền hạng sang, các tỷ phú - chủ yếu là tỷ phú phương Tây - có thêm thú vui rong ruổi trên biển. Thế nhưng, mốt mới nhất của họ là sở hữu tàu ngầm kích thước nhỏ.

Du thuyền "khủng" nhất thế giới của tỷ phú người Nga Roman Abramovich.

Tỷ phú người Nga Roman Abramovich là người đi tiên phong. Tầu ngầm của ông có mười phòng ngủ với trữ lượng năng lượng 20 ngày.

Một thú vui có một không hai khác là đi câu cá hồi ở vùng Siberia. Cá câu xong lại được thả ra. Còn những người tham gia phải ngủ trong lều, xung quanh toàn côn trùng, dưới thời tiết lạnh giá. Phải chăng nhàm chán cuộc sống xa hoa, họ muốn nếm mùi cực khổ?

Văn Bình (theo Le Nouvel Observateur)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.