Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

LÝ TỐNG: CHÚC MỪNG TRẦN TƯ, NGƯỜI BẠN TÙ BẤT KHUẤT VỪA THOÁT KHỎI NGUC TÙ CS







CHÚC MỪNG TÙ NHÂN BẤT KHUẤT XUYÊN THẾ KỶ TRẦN TƯ - NGƯỜI BẠN TÙ CÙNG TRẠI GIAM XUÂN PHƯỚC, BA SAO - VỪA THOÁT KHỎI "NHÀ TÙ NHỎ" VC. MONG ANH SỚM THOÁT "NHÀ TÙ LỚN" ĐỂ ĐƯỢC HƯỞNG LẠI KHÔNG KHÍ TỰ DO TRONG NHỮNG NGÀY THÁNG CÒN LẠI CỦA TUỔI GIÀ.

LÝ TỐNG

TUYỆT THỰC TRẠI TÙ BA SAO, NAM HÀ

Sau vụ vượt ngục thất bại tại Trại Tù A20 Xuân Phước vào tháng 2/1994, tôi bị giam phòng kỷ luật vừa đúng 1 tuần thì Cục Trại Giam quyết định chuyển tôi ra Bắc để tránh "lịch sử lập lại." Bốn "đầu vụ" khác vô can bị vạ lây là Đoàn Viết Hoạt, Trần Tư, Trần Mạnh Quỳnh và A Quý. Sau một chuyến xe dài vất vả tay chân bị kòng từ Xuân Phước đi Ba Sao, Nam Hà, chúng tôi bắt đầu học Nội Quy 1 tuần. Hôm kết thúc khóa học, tôi được lệnh đọc bài thu hoạch trước mặt 4 bạn tù có câu kết luận: “Tôi trở về đây để thay đổi và cải thiện Luật pháp, Nội quy chứ không phải để chấp hành, tuân thủ các luật lệ lạc hậu, lỗi thời tại VN”  “Tôi sẽ phấn đấu cải tạo đến chừng nào chế độ này tốt mới về. Nếu không sẽ 'tự phóng thích!'” (tức vượt ngục) thay vì viết theo công thức áp đặt của nhà tù: “Tôi nguyện phấn đấu học tập tốt, lao động tốt, chấp hành nội quy tốt, cải tạo tốt sớm trở thành công dân lương thiện để được cách mạng khoan hồng cho về !"

Để dễ theo dõi, Ban Giám đốc nhập chúng tôi vào đội đập đá làm việc trong Trại. Sau vài tuần, Trại nâng chỉ tiêu làm công tác đập đá ngày càng nặng nhọc, trong thời tiết ngày càng nóng gắt vì đang chuyển sang mùa hè. Bụi đá mù mịt ngột ngạt, dăm đá bắn đầy mặt mũi làm mặt kiếng kính cận bị rỗ lỗ chỗ. Lại xảy ra vụ một Thầy Chùa Linh Mụ bị tù hình sự hành hung. Thấy tình hình căng thẳng, tôi quyết định Tuyệt Thực từ ngày 1/4/1994 chống lại việc bóc lột sức lao động và dùng tay tù hình sự uy hiếp tù chính trị và tôn giáo. Các bạn ủng hộ tôi bằng cách tẩy chay không lao động và Đoàn Viết Hoạt soạn thảo Nam Hà Kháng Nghị Thư để 4 người cùng ký.

Sợ tôi uống nước lạnh trong lúc Tuyệt Thực có thể sinh bệnh, Trần Tư lúi húi đun nước sôi thường trực và Trần Mạnh Quỳnh rỉ tai:
- Tôi có một ít sâm. Ông nên ngậm sâm để giữ sức.

Tôi từ chối bảo:

- Khi Tuyệt Thực bất tỉnh càng sớm càng tốt. Sự bất tỉnh giúp chấm dứt các cơn đau đớn và đối phương chỉ quan tâm giải quyết khi mình bất tỉnh hoặc sắp chết.

Sau đúng 1 tuần, Trại thành lập Tòa Án Nhân Dân để xử tội tôi. Quan Tòa và Bồi Thẩm đoàn là những tên tù hình sự được Trại tin cậy. Khi tên Chánh Án vừa mở lời lên án, tôi tiến về phía ý quát lớn:
- Thằng ăn cướp, ma cô, ma cạo kia. Mầy dám hỗn láo với bố mầy hả?
Nói xong tôi bất ngờ tung một quả đấm vào mặt làm y bật ngửa ra sau. Đám cán bộ và vệ binh xông vào kịp thời kềm chế, khóa tay, đẩy tôi ra xe và chuyển tôi ra Khu Kỷ Luật Trại Ba Sao B. Hôm sau Đoàn Viết Hoạt cũng được chuyển ra đó. ĐVH ở phòng đầu dãy, tôi phòng cuối dãy. Đến giờ cơm trưa, tù phục vụ đem cho tôi một mâm cơm có 3 món tươm tất thay vì tô "canh đại dương" lỏng bỏng nước với vài cọng rau nổi lều bều như thông lệ. Tôi bảo "tôi không ăn" và thò tay cầm gô nước uống nhưng tên cán bộ gạt tay và nói:

- Quy định Trại nầy "không ăn không được uống!"

Tôi cãi lại:

- Tôi chỉ Tuyệt Thực chứ đâu có Tuyệt Ẩm?

Y khoát tay bảo tên tù đem mâm cơm về và gằn giọng:

- Muốn uống thì phải ăn lại đã!

Liên tiếp mấy hôm sau, mỗi lần đem mâm cơm "thịnh soạn" vào y còn cho quay phim, chụp hình để làm bằng chứng "Trại cho ăn ngon nhưng chính tôi từ chối ăn chứ không phải Trại cúp cơm, bỏ đói!" Thấy trò nầy diễn đi diễn lại cố làm cho tôi "thèm" phải đầu hàng và nếu tôi có mệnh hệ nào thì Trại có bằng chứng khỏi chịu trách nhiệm nên tôi bảo:
- Cái thứ đùi heo, cánh gà... nầy bên Mỹ cho chó nó cũng không thèm ăn các ông tưởng quý báu lắm à? Chưa kể người ta còn nghĩ các ông cố tình dụ tù tuyệt thực ăn vào cho mau chết bởi người tuyệt thực khi ăn lại cũng chỉ được ăn cháo hoặc xúp vì bao tử đang yếu. Tuyên truyền kiểu nầy quá ấu trĩ!

Từ đó Trại dẹp trò màu mè nầy nhưng việc dời bàn ngồi ăn của Đoàn Viết Hoạt từ đầu dãy xuống cuối dãy ngay trước phòng tôi để "chọc thèm" thì giữ nguyên vì anh Hoạt có tật ăn nhóp nhép lớn tiếng nghe rất khiêu gợi bao tử và các hạch nước miếng của người nhịn đói. Sau 1 tuần không được uống nước và 2 tuần không ăn, tôi cảm thấy hơi chóng mặt và chân hơi yếu nên mỗi lần đi ra Nhà Vệ sinh tôi chống tay vào tường cho vững. ĐVH thấy vậy bảo:

- Đấu tranh là để sống chứ đâu để chết? Nếu họ không cho uống nước, tại sao anh không uống nước nhà cầu cho đỡ khát?

Thấy có lý, sau khi rửa mặt, đánh răng và làm vệ sinh xong, tôi chơi luôn một ca nước đầy bụng mặc dù nước dội nhà cầu rất dơ dáy, đủ thứ sét đỏ, cặn đen vì lâu ngày bồn nước không được chùi rửa. Tên cán bộ thấy vậy bèn bảo:

- Từ ngày mai anh sẽ không được làm vệ sinh buổi sáng nữa!
Tên tù phục vụ đem một thùng sắt đặt trong phòng tôi làm bô đi cầu, đi tiểu. Tuy không ăn, không uống nhưng do bị bệnh tiêu chảy nên cơ quan bài tiết vẫn tiếp tục làm việc lai rai dù là thứ nước tiểu vàng quánh hay nước phân lỏng đen thui. Quá khát tôi năn nỉ tù phục vụ:
- Mỗi lần đổ bô, rửa xong nhớ để ít nước dưới đáy cho anh uống đỡ khát!
Không ngờ y báo lại cán bộ trực nên từ đó bô rửa xong được lau khô ráo thay vì còn dính một ít giọt nước để tôi tranh thủ thấm môi như trước. Tôi bắt đầu lả người vì bị cắt nước 2 tuần và Tuyệt thực được 3 tuần. Buổi sáng tay cán bộ vào bảo tôi:

- Hôm nay có Thủ trưởng trên Bộ xuống thăm Nhà Kỷ luật. Tôi cho anh một thau nước để đánh răng, rửa mặt cho sạch sẽ vì trông anh bèo nhèo, dơ dáy quá.

Khi ra sân, tôi gục đầu xuống thau uống lấy uống để cho đã cơn khát nước. Tôi uống đến mửa ra, rồi uống tiếp, đến khi không thể uống được nữa. Xong tôi mới đánh răng, rửa mặt bằng số nước ít ỏi còn lại. Tên cán bộ thấy vậy lắc đầu bảo:

- Từ rày anh đừng mong còn dịp tiếp xúc với nước nữa!
Đoàn Viết Hoạt khuyên tôi:

- Anh nên viết các yêu sách nộp cho Trại ngay, sợ vài hôm nữa bất tỉnh không còn dịp để cho Trại biết điều kiện ngưng tuyệt thực.
Nghe có lý, tôi mượn giấy bút viết:

Bốn (4) Yêu Sách Tuyệt Thực:

1. Tù Chính trị và Tôn giáo không ở chung với Tù hình sự.

2. Tù Chính trị và Tôn giáo không lao động.

3. Ở riêng nhưng được sinh hoạt bình thường, tức trong giờ Tù hình sự lao động, chúng tôi được mở cửa ra sân sinh hoạt bình thường thay vì bị nhốt phòng kín 24/7 như những tù bị kỷ luật.

4. Được đọc sách báo tự do, thay vì chỉ đọc Báo nhân Dân hay Quân Đội Nhân Dân.

Từ tuần thứ ba trở đi, cô Y tá Trại mỗi ngày vào phòng giam đo mạch 2 lần. Cô khoảng 27 tuổi, dáng cao, khá đẹp nên trước kia tôi vẫn đùa khen:
- Bác sĩ giống các cô "fashion model" quá! Sao không đi làm người mẫu lại phí nhan sắc tại Trại Tù khỉ ho cò gáy này?

Có lẽ được khen bởi tay Không Tặc hào hoa cô có vẻ chịu đèn nên rất tận tụy và tình cảm. Nghệ thuật tuyệt thực là đừng bao giờ đóng tuồng "đau đớn" vì không thể nào qua mắt Bác sĩ và Y tá. Mình càng "không sao" thì họ càng nể nang. Chẳng hạn gần chết vẫn tuyên bố:
- Tuyệt thực một năm cũng chưa ăn nhằm gì huống gì chỉ mới mấy tuần lẻ tẻ!

Đến ngày thứ 28, cô Y tá khám xong luồn tay dưới áo sờ bộ xương sườn teo hết thịt da rồi nói với giọng xúc cảm:

- Mạch sắp đứng rồi. Anh sắp chết anh có biết không?

Tôi lúc đó môi đã khô nức, nước miếng đặc quánh như keo và cổ lở lói bởi hơi thở nóng như lửa trong ống khói lò sưởi nhưng bàn tay phù thủy của cô đã kích thích cơn động tình từ cơ thể suy kiệt sắp tàn. Người tôi bỗng run lên trong cơn khoái cảm. "Cu con" bị đánh thức đột ngột, cựa quậy như muốn chứng tỏ mình đã sẵn sàng "take care" nhiệm vụ canh giữ hòa bình thế giới như lời giao ước của bác Nguyễn Minh Triết vì "Cu ba" của bác Fidel Castro sắp... yên ngủ vĩnh viễn. Tôi kéo tay cô Y tá xuống dưới bụng, đụng phải "ngãi thần" rồi phều phào nói đùa:

- Vậy mà sắp chết hả?

- Cô Y tá đỏ mặt, rút tay lại, mắng yêu:

- Đồ quỷ! Gần chết mà còn...

Chiều hôm đó trời bỗng nổi sấm sét và mưa giông đầu mùa đổ xuống như thác. Không gì cay đắng bằng kẻ gần 3 tuần bị cắt nước uống nhìn nước đổ, chảy ầm ầm ngoài sân, ngay trước mắt mình mà chịu khoanh tay. Gió lại thổi vào mặt tiền có mái hiên rộng nên không giọt nước nào rơi tạt vào phòng. Tôi vói tay ra cửa sổ sau, rướn người dí ống nhựa đựng thuốc gần những giọt nước đang lăn và nhỏ giọt từ mái hiên phía trên ô cửa sổ. Giọt nước chạy trốn như trêu ngươi. Tôi rà ống nhựa theo vết nước. Nước tụ lại từng chút, lớn dần thành giọt tròn đủ nặng để rơi xuống. Nếu chậm tay, giọt nước sẽ rơi ra ngoài cái miệng nhỏ bằng đồng xu 10 cents của ống đựng thuốc. Phải mất cả 1/2 giờ tôi mới hứng được trọn vẹn "8 giọt nước cam lồ" để thấm môi, cổ họng trong khi thân thể, tay chân rã rời vì công việc hứng nước đơn giản. Phải ở trong hoàn cảnh đó mới thấy giá trị của từng giọt nước trong cơn khát kinh người. Như vậy trong 3 tuần cuối, tôi chỉ được uống trộm nước 2 lần và lần chót có 8 giọt nước thấm môi.

Sáng 29/4 Đại tá Giám Đốc Trại Nguyễn Tiến Lấn đến Phòng Kỷ Luật gặp tôi. Ông bảo:

- Bác sĩ báo cho biết anh sắp chết! Anh định tuyệt thực đến chết thật sao? Vậy anh có điều kiện gì để ngưng tuyệt thực?

Tôi trả lời:

- Ông viết văn thư xác nhận sẽ thực hiện đúng Bốn (4) Yêu Sách tôi đã gửi ông.

- Chuyện thực hiện 4 Yêu Sách đó đâu có gì khó. Nhưng hợp thức hóa bằng văn thư thì không thể được. Anh biết chúng tôi cũng có phe phái như các anh. Chẳng hạn Th/Tá Thắng, Phó Giám Đốc, là nhân tuyển đối thủ của tôi. Chỉ cần tôi làm gì sai nguyên tắc, ông ấy trình lên cấp trên là tôi mất chức ngay để ông ta thế chỗ. Tôi hứa chắc sẽ thực hiện, không lẽ anh không tin lời tôi sao?

- Thôi được. Dù ông Thiệu từng nói "Đừng nghe những gì CS nói..." nhưng tôi chấp thuận. Xem như "take break" nghỉ dưỡng sức thôi. Nếu trong vòng vài tuần thấy ông thất hứa, tôi sẽ tuyệt thực lại. 
- Vậy ngày mai bắt đầu ăn lại được chưa?

- Ngày mốt 1/5 đi. Tôi muốn tuyệt thực nguyên tháng 4 để kỷ niệm "Tháng Quốc Hận."

Sáng 1/5, Đại Tá Lấn cho mời tôi lên văn phòng. Trên bàn bày sẵn một mâm thức ăn và một két bia. Ông bảo:

- Cả tháng rồi vừa đói vừa khát, giờ ăn bù, uống bù cho đã!
Nói xong ông mở bia rót đầy ly tôi, một ly cối bự, và ly ông, một ly nhỏ kiểu hột mít rồi cụng ly. Tôi nhai thịt lấy nước nhả bã và uống cạn trăm phần trăm. Phải đói khát tới giới hạn mới thấy được cái thơm ngon của bia rượu, của thức ăn thường nhật. Đại tá Lấn thú thật:
- Hôm gặp anh, khi anh nói, miệng anh hôi thối như xác chết, tôi biết anh sắp chết và quyết chết thật. Chúng tôi cũng thật tình nể phục anh đó. Ông Thắng từng nói "Lý Tống chết thì còn ai để chống Cộng" tôi nghĩ đó là câu nói thật lòng chứ không phải đùa đâu. Trại nầy từng giữ bao nhiêu Tướng, Tá và các Quan chức cao cấp của chế độ cũ nhưng chưa từng thấy ai như anh. Tôi đã cho thực hiện các yêu cầu của anh khi nhận được 4 Yêu Sách Tuyệt Thực. Mong rằng từ nay anh sẽ không còn lý do gì để "quậy" nữa!

Tôi "đá" hết 12 chai bia lớn, 2 đĩa đồ nhắm và thơ thới ra về. Tôi được dẫn vào dãy nhà số 18 nằm cuối Trại. Thì ra đúng như Đại tá Lấn nói, Trại đã chuẩn bị sẵn một chỗ ở mới còn "đạt" hơn đòi hỏi của tôi. Dãy nhà có 4 phòng, 2 phòng đầu rộng 4X8 mét dành cho Trần Mạnh Quỳnh và Trần Tư. Hai phòng cuối cùng khổ nhưng ngăn đôi thành 4x4 mét, mặt trước dành cho A Quý và tôi, mặt sau là 2 Phòng Kỷ luật. Riêng Đoàn Viết Hoạt bị chuyển đi Nhà Tù khác. Mỗi phòng có 2 giường đúc, một bồn nước và một nhà cầu. Trước mỗi phòng còn được xây thêm sân rộng 4x4 mét để chúng tôi sinh hoạt trong giờ tù đi lao động. Mỗi sáng phòng mở cửa 6 AM, tù phục vụ kéo giây bơm nước vào từng phòng. Tôi tập "công phá" 1 giờ bằng cách đấm, đá và đánh đầu vào tường bê tông cốt sắt, xong tắm rửa, đọc sách, tập đánh đàn guitar. Trần Tư thì ngồi Yoga hoặc tập thể dục bằng các đi lại hàng giờ. 11AM những món order hôm trước được đem vào để phe ta tự nấu nướng. Trần Mạnh Quỳnh và A Quý chuyên trị nấu ăn nên thỉnh thoảng mời chúng tôi vài món ăn đặc chế. Tôi suốt đời "cơm hàng cháo chợ" nên đành nhờ tay tù phục vụ nấu dùm. 3PM, cán bộ trực mở cửa để chúng tôi ra sân chung lớn để đánh vũ cầu, chăm bón hoa hay nuôi gà. 6PM sau tiếng kiểng chiều, chúng tôi cho gà "vào chuồng" trước rồi mình "vào chuồng" sau.

Nhà Trần Mạnh Quỳnh gửi vào Trại cuốn sách Tiểu sử Mao Trạch Đông do Bác sĩ riêng của ông viết. Tôi đọc trước cả nhiều thân hữu tại Mỹ. Nói chung, dãy phòng 17, 18 của Khu Biệt Giam (dành cho các nhân vật đặc biệt) là một "Thiên Đàng hạ giới" trong chốn lao tù đày đọa của VC. Bởi vậy khi có người lên án: Cha Lý hay các Nhà đấu tranh "bị biệt giam" và tranh đấu cho họ được ra chung sống với Tù hình sự là quý vị hoàn toàn không hiểu công lao của nhóm 4 người ký Nam Hà Kháng Nghị Thư đã tranh đấu kiên cường thế nào để đạt được thành quả hi hữu này.

Cuộc tuyệt thực tại Ba Sao, Nam Hà, hoàn toàn thắng lợi nhờ yếu tố "thiên thời": Đúng thời điểm VC cần bang giao và cần quy chế tối huệ quốc của Mỹ. Yếu tố thứ nhì là "nhân bất tri" thay vì "nhân hòa," tức VC thời đó không biết rằng các Nhà Chính trị Mỹ thuộc loại "lip service" (chỉ nói để nói), họ thực sự chỉ là những con "cọp giấy" như VC từng bêu rếu. Bây giờ thì VC quá rành Mỹ nên có đủ cách "play game" với Mỹ. Nếu tuyệt thực xảy ra vào thời điểm nầy, 4 yêu sách trở thành 4 miếng ván đóng hòm chôn tôi rồi!


CHIẾN SĨ ĐỖ HƯỜN ĐÃ HY SINH TRONG NHÀ TÙ CS


Hôm 14-8-2000, sau mấy ngày vắng nhà trở về, tôi nhận được message cuả chị  Phạm Thị Qúy, vợ anh Đỗ Hườn, thông báo anh đã qua đời trong nhà tù CS. Qua điện thoại, tôi biết được Đỗ Hườn bị bệnh đái đường nặng, và trong một cơn stroke, anh ngã té, bị bại xuội, và cuối cùng đã qua đời. VC đoán bệnh biết anh sắp chết nên định thả anh vào ngày “Quốc Khánh” 2-9-2000 để chứng tỏ sự “nhân đạo” của chúng. Nhưng Đỗ Hườn đã không được may mắn chết bên ngoài nhà tù và bên cạnh thân nhân mình. Cuối cùng nhờ kiên trì yêu sách, xác anh được phép chôn bên “ngoài” nghiã trang nhà tù, và gia đình phải trả một số tiền lớn để mua một miếng đất nhỏ an táng anh gần điạ phận nhà tù Ba Sao, Nam Hà.

Cũng cần nhắc lại, sự kiện Không Tặc máy bay, rải 50 ngàn tờ truyền đơn trên không phận Sài Gòn ngày 4-9-1992 đã tạo nên một cơ hội hãn hữu, nên ngay sau đó có 2 nhóm chớp thời cơ  gấp rút về VN hoạt động. Đỗ Hườn thuộc nhóm Liên Đảng Cách Mạng Việt Nam  gồm người từ các tổ chức Phục Việt Dân Tộc Đảng, Quốc Dân Đảng, Đảng Duy Dân, và Mặt Trận Dân Tộc Tự Quyết hợp lại. Nhóm về nước gồm 14 người, trong đó có 5 người từ Mỹ là Trần Tư, Nguyễn văn Muôn, Phạm Đức Hậu, Đỗ Hồng Vân và Đỗ Hườn; 3 người từ Pháp là Phạm Văn Thành, Lê Hoàn Sơn và Phạm Anh Dũng; và  một người từ Canada là Nguyễn Ngọc Đăng;  còn 5 người ở tại VN.

Tổ chức Liên Đảng CMVN phát động Chiến Dịch Đông Xuân vào đầu tháng 3-1993, với mục tiêu tiến hành đồng loạt, kết hợp lực lượng quốc nội và hải ngoại, rải truyền đơn, phá nổ khách sạn nổi 5 sao trên sông Sài Gòn, tượng đài cáo Hồ, chợ Bến Thành, chợ An Đông, khách sạn Rex, Chợ Lớn, chợ Kim Biên, đánh cháy một số khu, đánh chiếm đài phát thanh và đài truyền hình ở Sài Gòn và Vũng Tàu, đánh sập cầu Phan Thiết trên quốc lộ 1, tổ chức biểu tình, cướp chính quyền, lập Chính Phủ  Lâm thời, xoá bỏ nhà nước CSVN. (Tờ Sài Gòn Giải Phóng đăng lời BÁO ĐỘNG khẩn cấp ở trang đầu về những dự định phá hoại của “Tổ chức phản động nước ngoài” để dân chúng đề phòng cả tháng trước khi nhóm Trần Tư bị bắt. Nhiều thân nhân tù cho biết tình hình bên ngoài rất căng thẳng, các ngõ đường đều bị chận xét rất gắt.) Đầu tháng 3-1993, khi kế hoạch của Liên Đảng CMVN chưa kịp thi hành thì tổ chức bị phát hiện, các thành viên bị bắt với các tang vật bị tịch thu gồm: 199.066 đô la Mỹ, 29 ký chất nổ TNT, 218 kíp nổ, hơn 5 mét giây cháy chậm, 2 loa phóng thanh, 1 máy fax, 2 điện thoại di động, xe ô tô, mô tô,  băng cờ, băng video ghi hình buổi ra mắt và băng cassette ghi lời kêu gọi quần chúng v.v…

Phiên toà xử “Âm mưu lật đổ Chính quyền” cuả nhóm Trần Tư tại Sài Gòn kéo dài 3 ngày, từ chiều ngày 23-8-1993, kết thúc với 3 án chung thân, còn lại từ 3 năm đến 20 năm tù. Năm người có quốc tịch Mỹ và Pháp, và ba người chưa có quốc tịch Mỹ, Pháp nhưng nhờ có sự vận động tích cực của các chính khách Mỹ, Pháp nên đã được phóng thích cuối năm 1998 sau gần 6 năm tù. Trần Tư và Đỗ Hườn đều bị án chung thân, vừa không có quốc tịch Mỹ, vừa không được vận động, nên tiếp tục bị giam giữ.

Để xác định giá trị cuả các chiến sĩ đấu tranh, thông thường sự thẩm định được căn cứ trên những cơ sở sau:

- Công tác đã thực hiện được trong thời gian hoạt động.

- Khí phách trong thời gian bị giam cầm. Tính cách này thường được xét qua hai nhân tố đặc thù: Sự kiên định trước thử thách qua hình thức chịu đựng nhục hình và thiếu thốn vật chất.

1- TRẦN TƯ

Trần Tư (tức Nguyễn Duy Khương, Peter Trần), sinh ngày 20.1.1941 tại Thừa Thiên, ngụ tại Cali. Tham gia tổ chức Liên Đảng từ tháng 12.1992, được phong làm Phó Thủ tướng, đặc trách ngoại giao cuả Chính Phủ Lâm Thời. Ngày 17.1.93 Trần Tư được cử về nước mở văn phòng du lịch Asia Travel tại 214 Nguyễn Tri Phương Sài Gòn để làm nơi liên lạc giữa thành viên trong nước và ngoài nước, trực tiếp truyền đạt chỉ thị, giao nhiệm vụ và nhận tiền phân phát cho các thành viên để hoạt động.

Tuy đã phạm 2  khuyết điểm:

- Quá tự tin trong việc xử lý khi tổ chức bị lộ nên toàn bộ thành viên không được báo động kịp thời để trốn thoát.

- Nặng tác phong chỉ huy trong thời gian ở tù nên không được lòng các thành viên khác, Trần Tư giữ được khí phách và danh dự trong thời gian ở Trại Ba Sao, Nam Hà. Các sự kiện sau đây nói lên được tính cách kiên cường cuả Trần Tư:

- Trần Tư thường ngồi Yoga suốt ngày, không thèm trả lời bất cứ cán bộ nào ngoại trừ tay Đại tá Giám thị trưởng. Trong những cuộc đối thoại hãn hữu này, các phòng bên cạnh thường nghe được tiếng cười cao ngạo, xấc xược cuả Trần Tư khi đối diện Chuá ngục.

- Trần Tư bị đổi đi Trại B, Ba Sao, vì  dám đốp chát lại Chuá ngục. Số là hôm đó tay Đại tá Nguyễn Tiến Lấn vào thăm, vừa kể công đã cho Trần Tư chụp hình chung với gia đình trong dịp Tết, vừa huênh hoang khoe thành tích Trại Ba Sao được phong tặng “Danh Hiệu Anh Hùng.” Tưởng rằng sẽ nhận được câu chúc tụng theo phép lịch sự thông thường, không ngờ bị Trần Tư độp ngay: “Xin lỗi! Nhờ chúng tôi mà ông và trại mới nhận được danh dự đó. Nếu không được 'hân hạnh' phụ trách giam giữ chúng tôi, và nếu chúng tôi đi trốn, thì làm gì có được danh hiệu anh hùng!” Thế là cuộc cãi vã xảy ra, và Chuá ngục đã trả thù, đì Trần Tư đi trại B, nơi mọi điều kiện ăn ở, sinh hoạt đều tồi tệ hơn trại A.

Trong nhà tù, Trần Tư rất hào phóng, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ những người tù nghèo khổ, mặc dù bản thân không lấy gì làm dư giả mới trân trọng tấm lòng Nhân thật sự cuả Trần Tư.

Với Trần Tư, chúng ta có bổn phận phải quan tâm, phải tranh đấu để anh được trở về với không khí tự do sau gần 8 năm bị quên  lảng trong nhà tù CS. Trần Tư  đau tim khá nặng. Mặc dù tập luyện kiên trì, Trần Tư, do bệnh hoạn cộng với tuổi già, cùng với tâm lý bị bỏ rơi, có thể rồi cũng sẽ tiếp tục con đường bi thảm cuả Đỗ Hườn, nếu chúng ta không quyết liệt đấu tranh để Chính phủ Mỹ và các Tổ chức Nhân quyền can thiệp cứu Trần Tư kịp thời.

2- ĐỖ HƯỜN

Đỗ Hườn (tức Bùi Phán, Morier Bùi) sinh ngày 12-12-1938, tại Bình Thuận, thường trú tại Cali, là Đại Úy Quân Y, đơn vị cuối cùng đóng tại Cần Thơ, tham gia tổ chức tháng 12-1992 và được phong chức Thiếu tướng Tư lệnh Vùng 1 & 2, đặc trách từ Quảng Trị đến Bình Thuận. Ngày 17.1.93 Đỗ Hườn về VN cùng Trần Tư. Ngày 6.3.93 Đỗ Hườn bị bắt khi đưa 6 người từ Phan Thiết và Đồng Nai vào Sài Gòn với mục đích bảo vệ Chính Phủ Lâm Thời, với tang vật 5 mét vải xanh chuẩn bị may khăn làm ám hiệu.

Trong thời gian ở trại Xuân Phước, Đỗ Hườn sống khắc khổ, kiên định lập trường, giữ vững tư cách của người chiến sĩ QLVNCH. Với đôi kính lão và khổ người bề thế, Đỗ Hườn có dáng dấp cuả một tu sĩ hơn là một chiến sĩ, phong thái đĩnh đạc và nghiêm nghị. Dưới chế độ nhà giam CS, tù nhân thường lâm vào cảnh “một cổ hai tròng,” vừa chịu sự kềm kẹp của cai ngục vừa bị sự khống chế cuả đám tù “đại bàng, đầu gấu” hình sự. Trong hoàn cảnh căng thẳng đó, Đỗ Hườn chưa bao giờ tìm cách lấy lòng cán bộ quản giáo, quản chế để được yên thân hoặc nhận ân huệ, và Đỗ Hườn rất bản lãnh khi bị tù hình sự đe doạ. Có lần một tên “đại bàng” xâm xâm đi vào khu nhà chúng tôi tại Trại Xuân Phước, vừa đi vừa chửi lớn: “Đ.M. thằng già mang kính. Già bố sẽ “cào bằng” theo già, đừng giỡn mặt với các bố!” Tôi ngồi gần đó bèn hỏi: “Thằng già mang kính là ai vậy?” Tên côn đồ bèn chỉ Đỗ Hườn đang đi bách bộ trước sân trại. Tôi nạt: “Mẹ mày, thằng bố láo. Ông đó không già hơn bố mày sao mày dám kêu là thằng già và tại sao lại chửi người ta.” Thấy tôi đột nhiên nhảy vào can thiệp, tên anh chị tù hình sự bèn xuống giọng phân trần: “Ở đây ngoại trừ ‘đại ca Không Tặc’ là tụi em đặc biệt kính nể, còn tất cả mọi thằng từ già đến trẻ, từ hình sự đến chính trị đều phải ‘đóng thuế’ cả. Thằng già này đã không chịu đóng thuế, lại còn dám cự nự. Thằng em sẽ ‘cào bằng,’ sẽ ‘xả láng’ với nó.” Nghe thế tôi bèn xông tới chộp cổ nó, quát lớn: “Tao sẽ vặn cổ hết tụi mầy nếu thằng nào dám bố láo vào khu này bắt địa.” Tên mặt rằn lúc đó mới chịu lủi đi.

Thời ở tù danh hiệu "Không Tặc" được báo chí áp đặt cho tôi đã trở thành "Thần Hộ Mệnh" che chở tôi. Trước khi chuyển tôi đến Khám Chí Hòa, cai ngục tại đây đã "quảng cáo" free cho tôi bằng cách thông báo cho đám tù Khu Tử hình: "Tên Không tặc sẽ được chuyển về giam giữ tại đây. Hắn là tên cực kỳ nguy hiểm, từ Mỹ trở về, một mình dám cướp phi cơ Airbus, khống chế Phi hành đoàn và 200 hành khách để rải truyền đơn kích động nhân dân đứng dậy lật đổ chế độ. Các anh phải theo dõi và báo cáo Trại khẩn cấp nếu thấy hắn định phá trại hoặc vượt ngục!" Với đám anh chị xã hội đen, Không tặc cướp máy bay được xếp hạng "Siêu Cao thủ," dữ dằn hơn cả cướp biển tức hải tặc, cướp núi  như các đại vương "Lương sơn bạc," cướp bắt cóc con tin, kể cả các hảo hớn cướp pháp trường, cướp nhà băng (như 10 tên cướp nhà băng khét tiếng ở Mỹ,http://www.baomoi.com/10-ten-cuop-nha-bang-khet-tieng-o-My/104/4401713.epi

Phải được chứng kiến cảnh tù chính trị khác tình nguyện làm “gà” phục vụ từ cai ngục  đến “đại bàng, đầu gấu,” toán trưởng, nhà trưởng, “ăng ten” gộc, và những tù nổi tiếng; phải đau xót trước cảnh điếu đóm, “lái xe” (tà lọt) cuả các Việt kiều khác cùng chung số phận, mới thấy được mục đích trở về, sự kiên định lập trường và tư cách Đỗ Hườn sống trong nhà tù CS là đáng trân trọng. Tôi muốn nêu lên một vài sự kiện cụ thể để đồng bào so sánh và đánh giá đúng sự hy sinh cuả Đỗ Hườn, một chiến sĩ rời gia đình thân thương lên đường về nước có mục đích, có kế hoạch cụ thể mặc dù chưa thực hiện được; đã giữ vững lập trường, khí phách, tư cách trong cảnh tù đày khốn cùng. Chúng ta cần phải tận dụng những phương tiện hiện có như truyền thông, báo chí, các tổ chức đấu tranh, các tổ chức nhân quyền … để lên án chế độ lao tù cuả CS, bắt chúng phải chịu trách nhiệm trước công lý về cái chết cuả Đỗ Hườn. Và chúng ta cần phải chia sẻ với chị Đỗ Hườn không chỉ về tình cảm, tinh thần, mà còn về vật chất để gia đình chị có thể lo được mộ phần tươm tất, khỏi tủi vong linh người quá cố. Qua cái chết cuả chiến sĩ Đỗ Hườn, chúng ta phải tranh đấu để bạo quyền CS phải thả Trần Tư, một chiến sĩ khác đã hoàn toàn bị quên lảng trong thời gian qua.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.