Thứ Năm, 7 tháng 2, 2013

Người xin tị nạn bị hãm hiếp và tự tử trên đảo Nauru


Tân bộ trưởng Di trú Brendan O’Connor cho biết ông sẽ thăm trung tâm tị nạn tại Nauru để điều tra các khiếu nại về sự việc hãm hiếp và tự tử trên đảo quốc.
Một y tá người Úc từng làm việc tại trung tâm nói rằng bà thấy rất nhiều người đã từng cố gắng tự tử và từng nghe về các vụ băng đảng hãm hiếp trên đảo.
Ông O’Connor nói rằng chính phủ sẽ làm việc với Liên Hiệp Quốc, Nauru và Papua New Guinea để ngăn ngừa những điều như thế xảy ra.
“Tôi sẽ thăm cả trung tâm thanh lục trên đảo Manus và Nauru càng sớm càng tốt để tôi có thể nắm tình hình cơ bản tại các trung tâm này.”
Marianne Evers, một tư vấn viên và một y tá với hơn 40 năm kinh nghiệm đã nhận hợp đồng làm việc 6 tuần tại Nauru vào cuối tháng 10 nhưng bà đã bỏ việc sau 3 tuần làm việc ở đó. Cùng thời gian bà bỏ việc, 2 nhân viên y tế cũng đã bỏ việc.
Bà Evers đã từng làm việc tại các trại tị nạn ở Darwin, Yongah Hill và Curtin và bà nói rằng đây đều là những nơi khó khăn để làm việc. Tuy nhiên Nauru vẫn là nơi tồi tệ nhất.
Bà nói: “Tôi thực sự thấy nó giống một trại tập trung nhưng người Úc không có can đảm để giết những người này và giúp họ thoát khỏi những đau khổ của họ.”
Bà kể: “Họ thật sự không có việc gì để làm. Không có cây cối. Không có cỏ. Kể cả không có nhiều chim ở đó. Vì thế chúng tôi sống trong cái nắng nóng mà không có điều hòa không khí trong lều. Chỉ có một điều tuyệt vọng mà ám ảnh suốt trong đầu tôi. Tất cả mọi người. Tôi đã từng thấy nhiều người bò trên sàn như những con vật và nói hãy để tôi chết. Hình ảnh đó sẽ không bao giờ rời khỏi đầu bạn.”
Có khoảng 400 người độc thân sống trong trại, một nửa số đó là người Sri Lanka.
Bà Evers cho biết bà từng chứng kiến và xử lý các trường hợp tự tử và cố gắng tự sát. Bà cũng nói rằng các nhân viên y tế bảo với bà rằng có rất nhiều sự cố rắc rối ở trung tâm như các vụ hiếp dâm tập thể.
Đã hơn 5 tháng từ khi người xin tị nạn đầu tiên được gửi đến Nauru, tuy nhiên quá trình xin nhập cư vẫn chưa được bắt đầu.
Alex Pagliaro từ Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết một cảm giác bất định và tuyệt vọng tràn ngập khắp trung tâm.
Cô nói: “Tôi đã đến hầu hết các trung tâm tị nạn ở các vùng xa xôi và Nauru là nơi có điều kiện tồi tệ nhất mà tôi từng thấy khi Úc giam giữ những người xin tị nạn ở đây. Chúng tôi không phải là các chuyên gia về sức khỏe tâm thần, nhưng trên khuôn mặt họ thể hiện các mức độ khác nhau về những đau khổ về tinh thần. Họ tự hỏi tại sao họ lại được đưa đến nơi này?Họ không biết họ sẽ phải ở đó bao lâu và họ trở nên quẫn trí vì không ai có thể cho họ câu trả lời về những câu hỏi rất quan trọng với cuộc sống của họ.”
Bộ Di trú nói rằng thời điểm để tiến hành qui trình nhập cư là vấn đề của chính phủ Nauru.
Bằng việc nói ra sự thật, bà Evers đã phá vỡ hợp đồng bảo mật và bà cũng biết rằng mình sẽ không bao giờ được làm cho Bộ Di trú nữa. Tuy nhiên bà nói bà bà cảm thấy không ổn về vấn đề tại Nauru vì thế bà đã phá vỡ hợp đồng. “Tôi sẽ không phải là người nếu tôi không nói ra điều đó. Bạn không thể đối xử với con người như vậy,” bà nói.

ST

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.