Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2013

TÀI LIỆU MẬT (4)


Về giải pháp đối với những phần tử lợi dụng phái Phật giáo Ấn Quang


TÀI LIỆU MẬT
của Ðảng Cộng sản và Bộ Công an
nhằm chống phá và tiêu diệt
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
Phật giáo Ấn Quang được lập ra trong bối cảnh chính trị và xã hội hết sức phức tạp ở miền Nam trong những năm 60. Ðây là phái Phật giáo lớn nhất, có thực lực nhất trong số các tổ chức hệ phái Phật giáo ở miền Nam trước ngày giải phóng. Quá trình lịch sử có sự phân hóa thành hai phái : Phật giáo Ấn Quang và Việt Nam Quốc tự. Phần lớn các cao tăng lãnh đạo phái này là những người có trình độ phật pháp cao, có phạm vi và mức độ ảnh hưởng tương đối rộng rãi trong tín đồ phật tử. Nhiều người trong số họ có tài tổ chức, giỏi công việc hành chính, có bản lĩnh và kinh nghiệm hoạt động chính trị.

Năm 1981 sau khi "Giáo hội Phật giáo Việt Nam" ra đời, phái Phật giáo Ấn Quang là một thành viên tham gia, tuy không còn tư cách pháp lý là một tổ chức giáo hội độc lập, song những vị trí chủ chốt trong Hội đồng Trị sự Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay vẫn do nhiều cao tăng của phái này nắm giữ. Một số địa bàn trọng điểm về Phật giáo, tăng ni của phái Ấn Quang vẫn chiếm tỷ lệ lớn và giữ vai trò chủ đạo trong các hoạt động phật sự. Vì thế hiện nay trên thực tế, thế và lực của Phật giáo Ấn Quang vẫn chiếm ưu the(PTTPGQT nhấn mạnh). Nhưng sự tham vọng cá nhân của một số nhân vật cầm đầu Phật giáo Ấn Quang không tham gia vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam cộng với sự mâu thuẫn về đường hướng hoạt động đã làm cho nội bộ phái Ấn Quang bị phân hóa. Sự phân hóa trong nội bộ có tính hệ thống và làm cho phái này khó khăn hơn trong việc thống nhất ý chí và lực lượng.
Tuy nhiên tuyệt đại bộ phận tăng ni, tín đồ của Phật giáo Ấn Quang đều có tinh thần yêu nước, tham gia phong trào đấu tranh chống Mỹ-Ngụy và tích cực trong công cuộc xây dựng đất nước, chỉ có một số nhân vật cầm đầu đã bị đế quốc và phản động khống chế, lợi dụng tiến hành các hoạt động chống đối Nhà nước ta. Từ đầu thập kỷ 90 đến nay, khi tình hình thế giới và trong nước có sự thay đổi sâu sắc, một số nhân vật cực đoan quá khích trong phái Phật giáo Ấn Quang đã âm mưu tiến hành nhiều hoạt động gây nguy hại đến an ninh quốc gia, đáng chú ý là hoạt động nhằm phục hồi phái Phật giáo Ấn Quang.

Thời gian qua cơ quan an ninh đã tiến hành các biện pháp nhằm vô hiệu hóa âm mưu hoạt động của các phần tử lợi dụng phái Phật giáo Ấn Quang và đạt được những kết quả nhất định. Nhưng giải quyết vấn đề lợi dụng phái Phật giáo Ấn Quang vẫn còn rất khó khăn. Giải pháp đối với các đối tượng lợi dụng phái Phật giáo Ấn Quang là vấn đề lớn và hết sức phức tạp, phải đặt nó trong bối cảnh chung của Phật giáo Việt Nam, phải có sự phối hợp chặt chẽ với các ban ngành chức năng và phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp ủy Ðảng.

Ðể giải quyết vấn đề lợi dụng của phái Phật giáo Ấn Quang và từng bước ổn định tình hình Phật giáo ở Việt Nam, chúng tôi cho rằng cơ quan an ninh cần phối hợp với các ban ngành chức năng làm tốt bốn vấn đề sau đây :

1. Về nhận thức, phải đánh giá khách quan toàn diện về phái Phật giáo Ấn Quang

Thực tế trong thời gian qua, giữa các cơ quan chức năng các cấp, các địa phương có nhiều quan điểm khác nhau, thậm chí trái ngược nhau về phái Phật giáo Ấn Quang. Từ đó dẫn tới những chủ trương, biện pháp giải quyết các vấn đề liên quan Phật giáo Ấn Quang thiếu thống nhất và đồng bộ. Cần xác định rằng : tuyệt đại bộ phận tăng ni, tín đồ của phái Phật giáo Ấn Quang là nhân dân lao động, có tinh thần dân tộc, yêu nước (năm 1981 đã tham gia vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam). Trong hàng ngũ tăng ni (kể cả số cao tăng), nhiều người tiến bộ, một số người đã có công lao với cách mạng trước đây, một số đã theo địch và hiện nay còn một số cực đoan quá khích, nhưng đó chỉ là bộ phận nhỏ. Vì vậy không thể coi tất cả các phái này là địch, là phần tử xấu.

Mặt khác cũng cần xác định rõ ràng : hình thức "tổ chức giáo hội Phật giáo" không phải là tổ chức truyền thống của đạo Phật, nó bị tác động và phụ thuộc vào các yếu tố chính trị, xã hội và thay đổi theo từng giai đoạn lịch sử cụ thể (khác với hình thức môn phái). Tuy phái Phật giáo Ấn Quang có lực lượng tăng ni, tín đồ đông đảo nhất, nhưng phái này không phải là đại diện cho toàn bộ Phật giáo miền Nam và càng không thể là đại diện cho Phật giáo cả nước. Việc đòi công nhận lại hay phục hồi phái "Phật giáo Ấn Quang" chỉ là hoạt động của một số đối tượng cực đoan quá khích, chứ không phải là của tất cả tăng ni, tín đồ. Vì lẽ đó "Giáo hội Phật giáo Ấn Quang" (cũng như các giáo hội Phật giáo khác trước đây) đã tự nguyện (sic) tham gia vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam không thể còn là một tổ chức độc lập cùng tồn tại song song với "Giáo hội Phật giáo Việt Nam". Việc đòi công nhận lại hay đòi phục hồi phái Ấn Quang là không đúng cả về phương diện pháp lý cũng như truyền thống và tính lịch sử của giáo hội Phật giáo (sic).

2. Ðẩy mạnh hơn nữa công tác tranh thủ hàng ngũ tăng ni, nhất là những cao tăng trong phái "Phật giáo Ấn Quang" với tinh thần hòa hợp, đại đoàn kết

Thời gian qua, công tác vận động quần chúng tín đồ, tranh thủ hàng ngũ tăng ni đã đạt được kết quả tích cực. Tuy nhiên vẫn còn bộc lộ những sơ hở, thiếu sót, một số cao tăng phái Phật giáo Ấn Quang cũ vẫn còn mặc cảm, e dè. Vì vậy công tác có ý nghĩa chiến lược là phải tăng cường tranh thủ hàng ngũ tăng ni, nhất là số cao tăng, trong đó việc giải tỏa nghi ngờ, mặc cảm của số này có ý nghĩa quan trọng nhất. Cần tăng cường tiếp xúc, đối thoại với họ, kịp thời động viên và khuyến khích những hoạt động tích cực của họ, dù là rất nhỏ. Quan tâm đáp ứng những nhu cầu chính đáng của họ và tạo điều kiện cho họ trong các sinh hoạt tín ngưỡng theo đúng chính sách, pháp luật. Trong khả năng cần thiết và có thể nên thuyết phục và mạnh dạn đưa một số nhân vật có vị trí cao trong phái Phật giáo Ấn Quang còn đứng ngoài giáo hội tham gia vào "Giáo hội Phật giáo Việt Nam", từng bước cảm hóa họ.

Những đối tượng có hoạt động chống đối, hiện đang bị giam giữ hay quản chế phải tính toán đấu tranh có hiệu quả, nhưng phải rất coi trọng vấn đề giáo dục, cảm hóa theo phương hướng "vừa đánh, vừa kéo".

Cần khẩn trương rà soát, kịp thời khắc phục những sơ hở thiếu sót trong chủ trương chính sách và việc thực hiện chính sách đối với tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng để tạo niềm tin trong tăng ni, tín đồ.

3. Tăng cường củng cố, kiện toàn để "Giáo hội Phật giáo Việt Nam" các cấp thực sự trở thành tổ chức Phật giáo vững mạnh về mọi mặt

"Giáo hội Phật giáo Việt Nam" tuy đã được củng cố qua ba kỳ đại hội song đến nay vẫn chưa thực sự phát huy hết vai trò trong việc tập hợp và đoàn kết tăng ni, tín đồ cả nước cùng nhau xây dựng đất nước và đấu tranh với những phần tử cực đoan quá khích. Nội bộ "Giáo hội Phật giáo Việt Nam" các cấp còn tồn tại nhiều vấn đề phức tạp. Ở một số địa phương, các thành viên trong ban trị sự giáo hội còn mâu thuẫn nghiêm trọng làm cho hoạt động của giáo hội hầu như tê liệt ; trình độ và uy tín của một số thành viên còn thấp, không đủ khả năng, uy tín để lãnh đạo giáo hội. Ðó là cớ để một số đối tượng cực đoan, quá khích phủ nhận, đả kích "Giáo hội Phật giáo Việt Nam", thậm chí đòi xóa bỏ tổ chức này lập ra tổ chức giáo hội khác, đòi phục hồi Phật giáo Ấn Quang.

Vì vậy, phải củng cố kiện toàn để bộ máy "Giáo hội Phật giáo Việt Nam" các cấp xứng đáng là đại diện tiêu biểu cho toàn thể Phật giáo Việt Nam trong và ngoài nước, đủ sức đoàn kết, tập hợp, lãnh đạo tăng ni, tín đồ phục vụ cho đạo pháp và xây dựng đất nước. Ðồng thời phải khéo léo tác động, thay thế những thành viên năng lực và uy tín thấp bằng những người có trình độ, uy tín cao vào Hội đồng Trị sự Trung ương, nhưng phải thực hiện tốt chính sách đối với họ, không để họ tiêu cực, bất mãn và kẻ địch lôi kéo. Chú ý nắm vững quan hệ của các thành viên trong "Giáo hội Phật giáo Việt Nam" với các tổ chức, cá nhân tôn giáo, Phật giáo nước ngoài.

4. Chủ động, phòng ngừa và đấu tranh làm thất bại âm mưu và hoạt động lơi dụng chiêu bài "nhân quyền", "tự do tôn giáo" để chống Việt Nam, của các thế lực thù địch và số đối tượng lợi dụng Phật giáo Ấn Quang

Ðây là chiêu bài mà các thế lực thù địch đã đang và sẽ tiếp tục lợi dụng nhằm gây áp lực và can thiệp vào tình hình Việt Nam.

Cơ quan an ninh cần xây dựng cơ chế phối hợp và xử lý thông tin, nhất là các thông tin về xử lý các đối tượng có hoạt động chống đối. Trong quá trình giải quyết vấn đề Phật giáo và xử lý các đối tượng cực đoan quá khích phải quán triệt tinh thần "kiên quyết, thận trọng", lấy cảm hóa chính trị và lấy giáo hội để giải quyết vấn đề giáo hội là chính, đồng thời phải dự đoán các tình huống có thể xẩy ra, khả năng phản ứng và lợi dụng của các thế lực thù địch.

Phải loại trừ các nhân tố và điều kiện nảy sinh các vụ việc, hiện tượng, nhân vật trong các vấn đề liên quan đến Phật giáo khiến kẻ địch có thể lợi dụng vu cáo ta vi phạm nhân quyền, đàn áp Phật giáo. Chủ động đề phòng với hoạt động "thanh tra về nhân quyền", "đòi tiếp xúc gặp gỡ các nhân vật trong tôn giáo...", của một số nước phương Tây, một mặt vừa phải bảo đảm tạo điều kiện tranh thủ và mở rộng quan hệ quốc tế, mặt khác phải giữ vững chủ quyền an ninh quốc gia.

Tăng cường công tác tuyên truyền, tấn công chính trị, kết hợp với đấu tranh ngoại giao ; tranh thủ tiếng nói của các tăng ni (cả trong và ngoài nước) nhất là số cao tăng trong phái "Phật giáo Ấn Quang" để đấu tranh chống lại các luận điệu vu khống, xuyên tạc của địch về vấn đề nhân quyền và tôn giáo ở Việt Nam.
 LÊ ÐỨC HÙNG


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.