Thứ Năm, 20 tháng 6, 2013

Xung đột, khủng hoảng đẩy người tị nạn tăng kỷ lục



Trại tị nạn M'bere ở khu vực Nema, Tây Nam Moritania gần biên giới với Mali. (Nguồn: AFP/)
Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) ngày 19/6 cho biết số người tị nạn trên toàn thế giới hiện đã lên tới 45,2 triệu người - mức cao nhất trong hai thập niên qua, và nguyên nhân chính là do các cuộc xung đột.

Theo UNHCR, năm 2012, cứ mỗi 4,1 giây lại có một người buộc phải rời bỏ nhà cửa của mình đi lánh nạn.

Tổng cộng 1,1 triệu người đã chạy nạn qua biên giới trong năm ngoái, trong khi 6,5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, lang bạt tới vùng miền khác trong đất nước họ.

Ông Antonio Guterres, một quan chức UNHCR, cho biết trong tổng số 45,2 triệu người tị nạn trên thế giới có 28,8 triệu người tị nạn trong nước, 15,4 triệu người tị nạn ra nước ngoài và 937.000 người xin tị nạn.

Ông Guterres khẳng định xung đột, chiến tranh là nguyên nhân chính làm số người tị nạn lên cao như vậy; trong đó 55% số người tị nạn liên quan tới tình hình Afghanistan, Somalia, Iraq, Sudan và Syria. Ngoài ra còn do các cuộc xung đột ở Mali, Cộng hòa Dân chủ Congo và Cộng hòa Trung Phi.

Afghanistan vẫn là nước có số người tị nạn cao nhất thế giới, và giữ vị trí này trong suốt 32 năm qua. Tính trung bình trên toàn thế giới, cứ 4 người tị nạn thì có một người Afghanistan.

UNHCR cho rằng cộng đồng quốc tế đã không đủ khả năng ngăn chặn các cuộc xung đột và tìm giải pháp kịp thời cho các cuộc xung đột đang tồn tại, và trong khi các cuộc xung đột mới gia tăng thì dường như các cuộc xung đột cũ không bao giờ kết thúc.

Số người tị nạn Syria đã tăng từ 650.000 vào cuối năm 2012 lên khoảng 1,6 triệu người hiện nay, vượt quá tổng số người tị nạn năm 2012 từ tất cả các cuộc xung đột.

UNHCR cảnh báo số người tị nạn Syria có thể lên tới 3,5 triệu vào cuối năm nay, trong khi có lo ngại rằng số người hiện tị nạn bên trong Syria hiện là 4,25 triệu cũng sẽ gia tăng.

Người Syria chủ yếu chạy sang các nước láng giềng Lebanon, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq, vượt quá khả năng ứng phó của những nước này.

Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã gây ra các cuộc tranh luận gay gắt về người tị nạn tại các nước phát triển, nhưng trên thực tế, chính các nước đang phát triển mới là những nước phải hứng chịu gánh nặng này.

Pakistan vẫn là nước tiếp nhận số người tị nạn nhiều nhất thế giới, với 1,6 triệu người trong năm 2012 và phần lớn từ Afghanistan, sau đó là Iran với 868.200 người và Đức với 589.700 người.

Ông Guterres cũng lưu ý rằng khoảng 46% số người tị nạn trên thế giới dưới 18 tuổi và xu hướng những người vị thành niên chạy nạn không có người lớn đi kèm gia tăng, gây lo ngại do nảy sinh nguy cơ lớn liên quan đến những băng nhóm buôn lậu./.

(TTXVN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.