Trong số ra ngày 8/11/2014 tờ The Mail on Sunday của Anh đăng tải nguồn tin gây chấn động, rằng Thủ tướng Anh Winston Churchill (1874-1965) từng muốn dùng vũ khí hạch tâm hòng tiêu diệt Nhà nước Liên Xô.
Bìa cuốn sách "gây sốc" của tác giả Thomas Maier. |
Dựa theo tài liệu mới được giải mật từ kho lưu trữ của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), trong đó đề cập đến các biên bản ghi nhớ của một sĩ quan FBI tháp tùng Thượng nghị sĩ Henry Styles Bridges (1898-1961), nhân vật diều hâu khét tiếng của đảng Cộng hòa từng giữ chức quyền Chủ tịch Thượng viện Mỹ, trong chuyến công du London vào đầu năm 1947.
Khi tiếp xúc với vị khách quý, ông Churchill lúc ấy tuy đã thất sủng chức Thủ tướng ngay sau khi Thế chiến II vừa chấm dứt, trở thành thủ lĩnh phe đối lập ở Anh nhưng vẫn không phai nhạt bản chất hiếu chiến cố hữu.
Cụ thể trong buổi hội kiến cùng Thượng nghị sĩ H. Bridges tại Văn phòng Trung ương của đảng Bảo thủ (OOC), tọa lạc trên phố Parker trung tâm London, W. Churchill đã thẳng thừng đề nghị Washington nên dùng bom nguyên tử đánh phủ đầu để tiêu diệt chính thể Xôviết.
Nguyên văn bản ghi nhớ thuật lại rõ ràng lời của W. Churchill như sau: "Tôi đề nghị ngài phải thuyết phục sao cho thật hợp lý, khiến Tổng thống Harry Truman ra quyết định khởi động một cuộc tấn công hạt nhân nhằm xóa sạch Điện Kremlin. Đó là cách duy nhất để ngăn chặn sự lây lan của Chủ nghĩa Cộng sản, cũng như các mối đe dọa tiềm ẩn từ người Nga đối với phương Tây giữa lúc cuộc Chiến tranh lạnh đã mở màn".
Đồng thời để phụ họa cho luận điểm hiếu chiến của mình, W. Churchill đã trình bày chi tiết các dẫn chứng liên quan như Moskva sẽ không có khả năng trả đũa với hành động tương xứng, bởi cho đến lúc ấy Liên Xô vẫn chưa thành công trong việc chế tạo ra thứ vũ khí đáng sợ nhất. "Đó là lý do an toàn để thực hiện đòn tấn công hạt nhân phủ đầu", W. Churchill nhấn mạnh.
Trước khi kết thúc cuộc hội đàm với Thượng nghị sĩ H. Bridges, W. Churchill còn "chua" thêm rằng: "Nếu đòn đánh phủ đầu không được thực hiện, người Nga nhất định sẽ tấn công Hoa Kỳ trong vòng 2-3 năm tới một khi họ đã sở hữu bom nguyên tử, khiến nền văn minh thế giới bị xóa sổ trong khoảnh khắc và phải mất nhiều năm sau đó mới phục hồi lại được".
Thủ tướng Anh W. Churchill (phải) diện kiến Đại Nguyên soái Stalin tại Điện Kremlin vào tháng 8/1942, trong vai trò là "đồng minh chủ chốt". |
Theo quan điểm của Churchill thì Vương quốc Anh bất đắc dĩ phải trở thành đồng minh của Liên Xô, để cùng hợp sức chống lại kẻ thù chung là nước Đức phát xít. Nhưng ngay sau khi Thế chiến II kết thúc đã nảy sinh sự đối kháng, dựa trên sự khác biệt về ý thức hệ khiến sự đối đầu leo thang thành Chiến tranh lạnh.
"Bản thân Churchill thường cố tình rêu rao về sự đe dọa của Liên Xô trước các nhà lãnh đạo phương Tây khác - tác giả Thomas Maier cho biết - Chính ông ta là tác giả của thuật ngữ "Bức màn sắt", ám chỉ sự kiểm soát của Điện Kremlin lên khu vực Đông Âu trong một bài phát biểu trước cử tọa tại Trường đại học Westminster, thuộc tiểu bang Missouri của Mỹ năm 1946. Với thuật ngữ cách điệu có phần thổi phồng này, W. Churchill đã khơi mào cuộc Chiến tranh lạnh đối đầu Đông - Tây!".
"Điều đáng hổ thẹn nữa như tài liệu mật đã khẳng định, rằng Churchill đã vay mượn từ ngữ của Hitler, khi đòi xóa sạch Điện Kremlin; trong khi Hitler cũng từng hùng hồn tuyên bố là "quét sạch những người Do Thái khỏi mặt đất", Thomas Maier viết. Đồng thời tác giả cũng đi sâu phân tích những bằng chứng thể hiện qua biên bản ghi nhớ, cho thấy giới lãnh đạo Âu - Mỹ không cảm thấy hối hận về sự hủy diệt dân thường, qua việc ném hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki trên đất Nhật Bản, trong khi Thế chiến II đã chấm dứt ở châu Âu từ mấy tháng trước. "Họ cũng sẽ không ngần ngại, nếu phải tiêu diệt người Nga hàng loạt trong nỗ lực nhằm thống trị thế giới", Maier nhấn mạnh.
Ở phần cuối cuốn sách, tác giả đã lưu ý người đọc rằng nên hiểu rõ các từ vựng phát xuất từ cửa miệng các chính khách phương Tây. Ví như thuật ngữ "nền văn minh" chỉ bao gồm các quốc gia công nghiệp ở Tây Âu và Bắc Mỹ; hay thuật ngữ "cứu vãn nền hòa bình thế giới" ám chỉ sự an toàn của phương Tây
Trần Hồng (tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.