Thứ Ba, 2 tháng 12, 2014

Phong trào dân chủ thua tại Hồng Kông nhưng sẽ thắng tại Hoa lục


mediaNgười biểu tình của phong trào 'Hoa Dù' đòi dân chủ ở Hồng Kông đánh dấu 1 tháng đấu tranh. Ảnh 28/10/ 2014,REUTERS/Damir Sagolj
    Một cựu Tổng thống Pháp trở lại sân khấu chính trị, một cựu Thủ tướng Ba Lan lên làm Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, Đức Giáo Hoàng tông du Thổ Nhĩ Kỳ là ba đề tài chiếm các trang chính của báo chí Pháp. Tuy nhiên, phản ứng của dân Hồng Kông và Đài Loan chống lại bàn tay Trung Quốc được phân tích cặn kẽ.
    Liệu phe dân chủ đã thua trận chiến Hồng Kông ?
    Đây là tựa đề dưới dạng câu hỏi của một bài phân tích trên trang quốc tế của Le Figaro. Tác giả bài báo, Patrick Saint-Paul, thông tín viên từ Bắc Kinh đặt thêm một loạt câu hỏi : Phải chăng ván cờ đường phố đã kết thúc? Tại sao dân Hồng Kông bị chia rẽ ? Cuộc chiến chưa đánh đã thua trước hay không ? Chiến lược của Bắc Kinh như thế nào ? Và câu hỏi cuối cùng là "về lâu về dài, dân chủ có thắng điểm hay không ?"
    Các chuyên gia mà phóng viên Pháp đặt câu hỏi đều nghĩ rằng " phong trào cách mạng Hoa Dù " trong giai đoạn một đã héo úa. Sau 60 ngày huy động lực lượng dân chủ, cuộc đấu sức có vẻ nghiêng về phía Bắc Kinh. Tuy nhiên, làn sóng bất bình này là một " lời cảnh cáo " đối với chế độ Trung Quốc.
    Nếu đa số người dân Hồng Kông muốn chấm dứt chiến thuật biểu tình phong tỏa sinh hoạt kinh tế thì không một ai, kể cả Bắc Kinh, dự đoán được là phong trào sinh viên học sinh có thể cầm cự lâu dài như thế.
    Nếu chính quyền Trung Quốc có nhiều công cụ gài đặt tại Hồng Kông để gây chia rẽ giữa dân và phong trào dân chủ, giữa thế hệ già và thế hệ trẻ thì ngay trong nội bộ phong trào cũng có những bất đồng do một bên là sinh viên học sinh " bồng bột " muốn đánh đến cùng, và một bên là giới giáo chức trầm tĩnh hơn, muốn thay đổi chiến thuật, tái chinh phục lòng tin của dân chúng, trước khi tìm ra một biện pháp đấu tranh mới mà mục tiêu sau cùng là buộc Bắc Kinh tôn trọng tinh thần tự quyết.
    Phe thân Trung Quốc chống phong trào dân chủ lý luận là Anh Quốc trong suốt thời gian kiểm soát Hồng Kông đã không cho nhượng địa này dân chủ, trong khi Bắc Kinh còn chấp nhận hình thức " một quốc gia hai chế độ " và bầu cử. Nhưng theo Le Figaro, từ thập niên 1950, Chu Ân Lai đã đe dọa Luân Đôn là mọi động thái dân chủ hóa Hồng Kông sẽ bị Trung Quốc xem là hành động gây hấn và Bắc Kinh ngầm cảnh báo là sẽ động binh can thiệp. Theo tuyên bố của Toàn quyền cuối cùng Chris Patten thì Trung Quốc lo sợ dân chủ sẽ phát triển mạnh tại Hồng Kông một cách không thể tránh được và một ngày kia, Hồng Kông sẽ độc lập như Singapore.
    Do vậy, chiến lược đối phó của Bắc Kinh là sử dụng các công cụ cài đặt tại Hồng Kông để đánh phá phong trào dân chủ. Thành phần tranh đấu ý thức hệ sẽ trả giá rất đắt : Bị cấm sang Hoa lục, không tìm được việc làm ở các công ty bị Bắc Kinh lũng đoạn mà thành phần này khá đông.
    Tuy nhiên, nếu cho đến nay, sinh viên Hồng Kông chưa thành công buộc Bắc Kinh nhượng bộ thì về lâu về dài, cuộc chiến này sẽ mang lại hoa trái rất nhiều. Chuyên gia Pháp François Godment nhấn mạnh : Muốn lãnh đạo Hồng Kông được bầu theo kiểu dân chủ Tây phương ngược lại quan điểm của Hoa lục là chuyện ngây thơ. Tuy nhiên, một chuyên gia khác ở Hồng Kông là Jean-Pierre Cabestan nhắc, tuy đây là một cuộc chiến không tương xứng này, nhưng cuối cùng Trung Quốc phải nhượng bộ như đã nhiều lần trong quá khứ 2003, 2010 và 2012. Trung Quốc ngày nay không thể hành xử như Trung quốc 1989 đàn áp Thiên An Môn. Tập Cận Bình biết rằng có những giới hạn không thể vượt qua, không thể muốn làm gì thì làm. 
    Tuổi trẻ Hồng Kông thành công đặt nền móng cho tương lai
    Thông tín viên Le Figaro ở Bắc Kinh kết luận : Tuổi trẻ Hồng Kông đã thành công đặt nền móng cho tương lai chính trị và trở thành tác nhân không thể thiếu. Phong trào cách mạng Hoa Dù làm Trung Quốc phải thận trọng hơn trong cách quản trị Hồng Kông và tạo điều kiện cho thành phần xã hội trung lưu và bình dân thêm can đảm, không còn khuất phục trước một bộ sậu chính trị chỉ biết tuân theo lệnh của Bắc Kinh.
    Nhận định về tương lai Hồng Kông của Le Figaro, do một sự tình cờ của thời cuộc, được củng cố thêm qua cuộc bầu cử địa phương tại Đài Loan mà phe chính quyền Quốc Dân đảng thân Trung Quốc bị cử tri trừng phạt nặng nề : Thua đậm tại 5 trên 6 thành phố lớn, làm toàn bộ nội các Đài Loan từ chức.
    "Tại Đài Loan, chính sách tiến lại gần Bắc Kinh bị lá phiếu trừng phạt", tựa của Le Figaro. "Trừng phạt bằng lá phiếu tại Đài Loan, người dân lo ngại chính sách cải thiện quan hệ với Bắc Kinh", tựa của Les Echos. Theo Le Figaro, chính sách thân thiện với Bắc Kinh của Tổng thống Mã Anh Cửu có thể phải ngưng lại sau khi Quốc Dân đảng cầm quyền bị đại bại. Cung cách cư xử của Hoa lục đối với phong trào dân chủ tại Hồng Kông càng làm cho dân Đài Loan nghi ngờ dã tâm của Bắc Kinh : Lời hứa " một quốc gia hai chế độ " mà Trung Quốc cam kết với Đài Loan chỉ là hứa hão. Người dân Đài Loan rất hãnh diện về nền dân chủ của mình và không bao giờ để Trung Quốc nuốt chửng. Phát ngôn viên Quốc Dân đảng phải nhìn nhận là chính sách thân thiện với Hoa lục không được hậu thuẫn của dân chúng.
    Nhật báo kinh tế Les Echos qua thông tín viên Gabriel Grésillon từ Bắc Kinh cũng cùng phân tích : Bầu cử địa phương tại Đài Loan, nhưng tác động đến tình hình quốc tế. Tuổi trẻ Đài Loan xem các thỏa thuận tự do hóa thương mại và dịch vụ với Hoa lục là vô trách nhiệm và nguy hiểm cho quốc gia.
    Khi trừng phạt Quốc Dân đảng, cử tri Đài Loan khẳng định mối lo âu mất chủ quyền do chính sách của Mã Anh Cửu : Giảm xung khắc với Bắc Kinh song song với tăng cường quan hệ kinh tế.
    Một công dân Ba lan lên làm Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu 
    Nhân vật lên thay Herman Van Rompuy, chính trị gia Bỉ vào chức vụ tương đương với " Tổng thống Liên bang " là cựu Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk. Le Figaro nhận định : " Một khuôn mặt Đông Âu đứng đầu Liên Hiệp Châu Âu". Đại diện cho cánh hữu Ba Lan, không tự ti mặc cảm, xuất thân từ phong trào Đoàn Kết, Donald Tusk trở thành nhân vật quan trọng trong bộ ba lãnh đạo tại Bruxelles : Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean Claude Juncker, người Luxembourg và Bộ trưởng Ngoại giao Federica Mogherini, người Ý.
    Sự kiện Donald Tusk nắm vai trò then chốt này còn phản ảnh thế đang lên của các nước Đông Âu chỉ mới 25 năm sau ngày thoát khỏi chế độ cộng sản. Đây cũng là thời điểm mà Châu Âu đang ấn định lại mối quan hệ với nước Nga phiền toái. Hồ sơ đầu tiên của Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu là Ukraina.
    Theo Le Figaro, đặc tính của Donald Tusk là nói thẳng những gì ông suy nghĩ.
    Nhật báo Les Echos nhân dịp này phân tích trên một trang báo những chìa khóa thành công của Ba Lan. Nếu Ba lan ước mơ trở thành Silicon Valley ở Châu Âu thì hãy còn xa lắm nhưng trong bối cảnh Châu Âu đang tiến hành chương trình tái công nghiệp hóa thì Ba Lan bỏ rơi các thành viên khác một đoạn đường dài. Từ 2004, Ba Lan thi hành chính sách kinh tế không phạm một sai lầm nào, đưa đất nước tăng trưởng đều đặn với tỷ lệ trên 4% mỗi năm.
    Về cá nhân tân Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, Le Figaro và La Croix đều nhắc đến một chi tiết có thật. Cách nay ba tháng, phóng viên quốc tế than phiền nhà chính trị Ba Lan vừa được bổ nhiệm đứng đầu Hội Đồng Châu Âu mà nói tiếng Anh bết quá. Ông chỉ cười nhận khuyết điểm và hứa chắc : Ba tháng nữa các bạn sẽ thấy.
    Đúng vậy, tân Chủ tịch Hội đồng Châu Âu giờ đây nói tiếng Anh lưu loát. Ở tuổi 57, ông đã sang đảo Malta học tiếng Anh bồi dưỡng cấp tốc trong ba tháng liền. Chỉ riêng điểm cố gắng, hiếu học này, cũng đủ chinh phục cảm tình báo chí quốc tế.
    Khiêm tốn vì nhu cầu hòa bình
    Đức Giáo Hoàng Phanxicô cúi đầu trước Thượng phụ Chính thống giáo Thổ Nhĩ Kỳ Barthelomeo đệ nhất để nhận phép lành là bức ảnh trên tranh nhất của nhật báo Công giáo La Croix. Cử chỉ khiêm tốn này đi đôi với lời kêu gọi của vị lãnh đạo Giáo Hội La Mã : Đoàn kết những người theo đạo Thiên Chúa và đối thoại với tín đồ đạo Hồi. Tinh thần đoàn kết này, được nhật báo La Croix đưa làm tựa lớn như một lời giải thích : Mang lại hòa bình cho nhân loại. Trên trang hai của Le Monde, nhật báo độc lập nhấn mạnh đến lời kêu gọi : Đoàn kết giữa những người có tín ngưỡng đối diện với đe dọa của Nhà nước Hồi giáo, tổ chức cực đoan nhân danh tôn giáo dùng bạo lực sát hại con người.
    Le Figaro trong trang xã hội dành một bài phóng sự dài ở một trung tâm bí mật ngoại ô Paris nơi các chuyên gia tâm lý tìm cách giúp những thanh niên bị tuyên truyền theo Hồi giáo cực đoan quay về đời sống bình thường.
    Một cách cụ thể hơn nữa, những thành viên thánh chiến ở Irak, Syria muốn quay về Pháp sẽ được luật sư trợ giúp. Theo các nhân chứng, tất cả mọi thanh niên này đều ý thức càng ở lâu trong hàng ngũ Nhà nước Hồi giáo thì càng lãnh hậu quả nghiêm trọng : Không chết trận thì cũng bị chặt đầu nếu ý định hồi hương bị lộ.
    Còn theo Le Monde, thì sau những khó khăn ban đầu, tình báo Tây phương đã có những phương tiện điện tử tinh vi để định vị nơi đóng quân của Nhà nước Hồi giáo và gọi máy bay oanh kích.
    Để tránh thiệt hại, biện pháp đầu tiên là bộ chỉ huy của phe thánh chiến ra lệnh cho các thành viên không nên qua internet để khoe khoang thành tích.
    Pháp: Sarkozy quay lại làm Chủ tịch UMP
    Ngay trang đầu, nhật báo cánh tả Libération chơi chữ : "Hypoprésident" để bình luận sự kiện cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đắc cử Chủ tịch đảng UMP, bàn đạp để tranh lại chiếc ghế Tổng thống. Với 64,5% phiếu ủng hộ , cựu Tổng thống đã mất đi hình ảnh của hyperprésident, siêu Tổng thống của thời quá khứ, và từ nay phải để ý đến đối thủ Bruno Lemaire, tuy là chính khách trẻ và chưa thành danh, đã chiếm được gần 30%. Nhật báo Công giáo La Croix cũng cùng âm điệu : Thành công của Bruno Lemaire làm Nicolas Sarkozy không thể ca khúc khải hoàn.
    Cũng cùng nhận định này, nhật báo độc lập Le Monde mô tả con đường dẫn đến 2017 còn rất dài. Muốn trở lại điện Elysée, giai đoạn đầu tiên là phải chấn chỉnh đảng UMP, chữ tắt của Liên hiệp Đa số ủng hộ Tổng thống, được thành lập từ thời Tổng thống Jacques Chirac mà nay bộ phận cánh trung đã tách ta.
    Tuy thân với phe hữu, nhật báo Le Figaro cũng phải chạy tựa nhấn mạnh đến những " thách thức " đang chờ Nicolas Sarkozy mà những đối thủ nặng ký trong đảng có cùng tham vọng đang giăng bẫy phục kích, từ cựu Thủ tướng Alain Juppé, người có triển vọng nhất theo các kết quả thăm dò ý kiến hiện nay, đến một cựu Thủ tướng khác là François Fillon, một bạn đồng hành suốt nhiệm kỳ 2007-2012 nhưng bây giờ trở thành đối thủ.
    Nhật báo kinh tế Les Echos phản ảnh quan điểm của giới doanh nghiệp cũng cùng nhận định : Sarkozy nắm UMP mà không vinh quang báo hiệu những ngày sắp tới đầy khó khăn.
    ST

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét

    Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.