Thứ Bảy, 13 tháng 12, 2014

Ta phải nghĩ sao về những lời thú tội trước công an?

Tôi chưa biết sự thật ra sao về việc Bọ Lập thú tội và xin khoan hồng (!) trước công an, nhưng dù việc đó có hay không, đã có nhiều ý kiến qua lại, thậm chí nghe loáng thoáng chữ "đầu hàng". Vì vậy cũng xin đóng góp vài câu.

Ngày xưa, các chính quyền coi tra tấn, cưỡng bức là những biện pháp chính đáng để tìm ra sự thật, và dân chúng dường như cũng coi những lời thú tội của kẻ bị tra tấn là sự thật. Ở phương Tây, giáo hội Công Giáo đã dùng tòa án Inquisition để lấy cung những người bị tình nghi là dị giáo, phản giáo, phù thủy, v.v. bằng những biện pháp tra tấn khủng khiếp. Ở phương Đông, quan tòa điều tra bằng roi vọt là chuyện xảy ra thường ngày. Những phương cách dã man đó được công chúng chấp nhận.
 

Ngày nay, ở các nước văn minh, những lời thú tội khi bị cưỡng ép (under duress) - dù bằng vật chất (tra tấn) hay tinh thần (hăm dọa) - đều được coi là hoàn toàn vô giá trị, trong tư pháp cũng như trong nhận thức của công chúng. Do đó, những người bị dọa, cưỡng ép cũng không mấy ngần ngại "thú tội" hay tuyên bố theo luận điệu của kẻ cưỡng ép họ (chẳng hạn như khủng bố), vì họ yên tâm rằng chính phủ của họ cũng như công chúng đều biết là những lời thú tội đó hoàn toàn vô nghĩa. Ta đã thấy vô số lời thú tội của những người, kể cả binh lính, bị khủng bố bắt và hăm dọa, và phản ứng (rất chính đáng) của mọi người trong thế giới văn minh là ghê tởm kẻ khủng bố chứ không có ai lại đi chê bai người thú tội.

Thời nay, không có ai cho rằng Galileo là hèn khi "thú tội" rằng mình đã sai lầm khi nói trái đất quay. Trái đất vẫn quay, người ta chỉ chê cười giáo hội Công giáo đã hăm dọa, cưỡng ép Galileo. Gần đây hơn, John McCain đã từng "thú tội" khi là tù binh của Bắc Việt. Việc đó ai cũng biết và chính ông cũng viết lại nhưng không hề hấn gì cho ông khi ông ra ứng cử tổng thống Mỹ, và ngay cả đảng viên đảng Dân Chủ cũng không dám đem chuyện đó ra phê bình. Nhà lãnh đạo cách mạng East Timor, Xanana Gusmao bị Indonesia bắt và cưỡng bách lên TV "thú tội", hình ảnh này được chiếu khắp thế giới. Tuy nhiên thế giới văn minh không những không khinh thường Gusmao, mà lại càng ghê tởm, phản đối những hành động của chính quyền Indonesia. Ông vẫn được sự tin tưởng của quần chúng và sau đó lãnh đạo thành công cuộc cách mạng, trở thành tổng thống đầu tiên của East Timor. Lãnh đạo mà còn vậy, huống chi dân quèn như Bọ Lập!

Có vài người đòi hỏi hay mong muốn những người đã lên tiếng chống chính quyền, hay ít ra đã tỏ thái độ độc lập, thì phải giữ khí tiết và bảo vệ quan điểm của mình tới cùng trong bất cứ hoàn cảnh nào, cũng như các quan lại hay samurai thời xưa. Thời phong kiến, khi quan ngự sử luôn sẵn sàng chén thuốc độc, hay ở bên Nhật, chỉ cần lãnh chúa nhảy mũi là các samurai sẵn sàng đua nhau tự mổ bụng, thì đòi hỏi như vậy còn hợp lý. Nó hợp lý là vì ngày xưa giới samurai hay giới quan lại là giai cấp thống trị, và đặc quyền đó phải đi đôi với khí tiết.

Thời nay, đất nước là của mọi người chứ không phải của giới tinh hoa nào. Muốn có dân chủ thì mọi người dân kể cả những người bình thường hay nhút nhát cũng cần phải lên tiếng chứ không thể chỉ trông mong vào một thiểu số anh hùng khí tiết, nho sĩ hay samurai không bao giờ "đầu hàng". Vì vậy, khi một người dân bình thường bị cưỡng ép thú tội, chúng ta coi VIỆC thú tội đó và LỜI thú tội đó đều hoàn toàn vô nghĩa, và tập trung sự khinh tởm vào kẻ cưỡng ép họ phải làm như vậy. Đó là phản ứng dĩ nhiên của người văn minh trong thế giới hiện đại.

Phạm Quang Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.