Khi bóng ma khủng hoảng vẫn đang lửng lơ bao trùm Moscow, Nga không phải là nước duy nhất phải chuẩn bị đón bão, Moscow Times nhận xét.
Nga thừa nhận nền kinh tế đang bên bờ khủng hoảng. Ảnh: Newsvice
Nga thừa nhận nền kinh tế đang bên bờ khủng hoảng. Đồng Rúp suy sụp khiến các nhà đầu tư hoảng hốt tại các thị trường tiền tệ khắp Trung Á và Đông Âu.
Một số quốc gia Liên Xô cũ đã có các biện pháp phòng thân. Vào thứ Hai, Belarus đã đóng cửa tạm thời mọi quầy giao dịch tiền tệ. Trước đó, quốc gia này áp dụng mức "thuế tạm thời" 30% đối với mọi hoạt động thu gom ngoại hối.
Kyrgyzstan cũng đóng cửa một số văn phòng giao dịch ngoại hối tư nhân để bảo vệ đồng nội tệ.
Tại châu Âu, Thụy Sỹ là quốc gia đầu tiên ra tay. Trong tuần trước, nước này đã áp dụng lãi suất tiền gửi ở mức âm để bảo vệ tỷ giá hối đoái của franc trước đà tháo vốn khỏi Nga.
Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ đã công bố áp dụng mức lãi suất âm 0,25% đối với một số tài khoản tiền gửi tại ngân hàng này.
Dưới đây là một số khu vực có thể phải chịu sức nóng từ khủng hoảng kinh tế Nga trong năm 2015.
Cộng đồng kinh tế Á Âu
Có hai quốc gia nổi bật vì mối quan hệ kinh tế - chính trị khăng khít với Nga, đó là Belarus và Kazakhstan.
Trước đó, hai quốc gia này đã ký hiệp ước xây dựng Cộng đồng kinh tế Á Âu với Nga.
Khoảng một nửa GDP Belarus đến từ thương mại kinh tế, trao đổi tín dụng và tài sản ngân hàng song phương với Nga, Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu (EBRD) cho biết.
Theo số liệu của Bộ ngoại giao Belarus, Nga là thị trường tiêu thụ hơn 40% sản lượng xuất khẩu của Belarus, và là nguồn cung cấp hơn 50% lượng hàng nhập khẩu vào Belarus.
Sự phơi nhiễm này khiến Belarus dễ hứng tác động từ sức tiêu thụ tuột đà tại Nga.
Trong tháng 11, Belarus hạ dự báo tăng trưởng năm 2014 từ 2% xuống còn 0,2 - 0,7% vì kinh tế Nga đổ dốc.
Nga là thị trường tiêu thụ hơn 40% sản lượng xuất khẩu của Belarus.
Với Kazakhstan, khoảng 10% GDP nước này phụ thuộc vào Nga, nhưng Kazakhstan ôm nhiều mối lo lớn hơn.
"Đối với Kazakhstan, giá dầu còn quan trọng hơn tình hình tại Nga", ông Oleg Kuzmin, chuyên gia nghiên cứu kinh tế Nga tại công ty Renaissance Capital nhận xét.
Vùng Caucasus và Đông Á
Trong khi nền kinh tế quy mô 224 tỷ USD của Kazakhstan có thể chống chọi trước một hoặc hai cơn lốc lớn, thì nhiều quốc gia láng giềng Đông Á lại không may mắn như vậy.
Những quốc gia này phụ thuộc nặng nề vào kiều hối, thường dưới dạng chuyển tiền, từ các công nhân xuất khẩu lao động tại Nga.
Kiều hối chiếm 29% GDP Kyrgyzstan và tới 49% GDP Tajikistan, theo số liệu EBRD. Armenia, Uzbekistan, Georgia và cả Moldova cũng là những nước phụ thuộc vào dạng tài sản này.
Khi nền kinh tế Nga nguội lạnh, thị trường lao động cạnh tranh khốc liệt hơn, việc làm khan hiếm hơn.
Rúp bốc hơi 40% so với USD khiến nhiều lao động nhận lương ở Nga còn thấp hơn tại quê nhà.
Dòng kiều hối chảy từ Nga sang Đông Á teo tóp trong quý I/2014, lần đầu tiên trong vòng 5 năm, EBRD ghi nhận.
Khi nền kinh tế Nga nguội lạnh, thị trường lao động cạnh tranh khốc liệt hơn, việc làm khan hiếm hơn.
Trong tháng 10, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán tăng trưởng kinh tế tại vùng Caucasus và Đông Á sẽ giảm từ 6,6% trong năm 2013 xuống còn 5,5% trong năm nay, phần nhiều là do kinh tế Nga chững đà.
Đặc biệt thiệt thòi là các công ty nhập khẩu dầu khí. Tăng trưởng nhóm doanh nghiệp này có thể giảm từ 5,6% xuống còn 4,5% trong năm 2015, IMF dự đoán.
Trung và Đông Âu
Xuôi về phương Tây, các nước Xô Viết cũ xuất siêu sang Nga và Ukraine là nạn nhân tiếp theo trong danh sách.
Trung và Đông Âu có thể "chia tay" 0,3 - 1% tăng trưởng kinh tế vào năm sau vì Nga, công ty nghiên cứu kinh tế vĩ mô Capital Economics dự đoán.
Các nước Baltic - bao gồm Estonia, Latvia và Lithuania - đặc biệt trong vòng nguy hiểm, bên cạnh Ba Lan. Khu vực này xuất khẩu từ 10 - 20% hàng sản xuất sang Nga, tỷ lệ này tại Ba Lan là 5%.
"Trong tình huống xấu, suy thoái tại Nga có thể kéo tụt tăng trưởng tại Baltic từ 2-3% xuống còn 1%. Đây là một bước lùi đáng kể, nhưng chưa hẳn là thảm họa", chuyên gia William Jackson tại Capital Economics nhận xét.
Bù lại, nhu cầu nội địa tăng tại Ba Lan và Baltics xoa dịu phần nào, riêng Ba Lan đang đẩy mạnh xuất khẩu sang Đức để đa dạng hóa nền kinh tế.
Châu Âu và phần còn lại của thế giới
Chẳng thể coi thường mối liên kết giữa châu Âu và Nga. Liên minh châu Âu là nguồn bơm vốn FDI mạnh nhất vào Nga, cũng là đối tác thương mại chủ chốt nhất, với kim ngạch lên tới 412 tỷ USD trong năm 2012.
Khi nền kinh tế Nga thắng gấp, nhiều công ty phương Tây làm ăn tại đây đã thu hẹp quy mô làm ăn hoặc cắt giảm đầu tư, Reuters đưa tin.
Doanh số quý hai tại các chi nhánh ở Nga của Societé Generale đã giảm 36%.
Trên toàn thế giới, không ngoại trừ khả năng hệ thống ngân hàng ốm yếu tại Nga sẽ lây lan sang châu Âu, từ đó tỏa đi thế giới.
Nhiều ngân hàng châu Âu như Societe Generale của Pháp, UniCredit của Ý và Raiffeisen của Áo bị phơi nhiễm nặng nề với Nga.
Tuy nhiên tính đến hiện tại, hệ quả ban đầu chỉ là cổ phiếu các ngân hàng trên giảm điểm, chưa có dấu hiệu cho thấy chúng ảnh hưởng tới cả nền kinh tế bản địa.
Tóm tại, Nga sẽ "lây bệnh" cho một số nền kinh tế láng giềng, nhưng tác động lên nền kinh tế thế giới sẽ bị hạn chế. Nga đóng góp chỉ 2,7% vào GDP thế giới và 1,7% vào thương mại quốc tế, theo số liệu của Capital Economics.
LỀ PHƯƠNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.