Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2013

Bắt đầu triển khai quân đội ở Bangkok

Quân đội Thái Lan đã được triển khai ở thủ đô Bangkok để hỗ trợ cho cảnh sát chống bạo động ngăn không cho người biểu tình chống chính phủ xâm nhập vào các trụ sở chính quyền.
Các nhân chứng cho biết hơi cay đã được bắn vào những người biểu tình đang tìm cách vượt qua rào chắn bên ngoài Văn phòng Chính phủ.
'Bạo lực tối thiểu'
Trước đó, những người biểu tình đã đe dọa sẽ chiếm các cơ quan nhà nước, trong đó có trụ sở làm việc của Thủ tướng Yingluck Shinawatra.


Chủ nhật ngày 1/12 đã là ngày biểu tình thứ tám liên tiếp nhằm lật đổ Thủ tướng Yingluck.
Hai người chết và hàng chục người khác bị thương hôm thứ Bảy ngày 30/11 khi hai phe ủng hộ và chống đối chính quyền đụng độ.
Phong trào Nhân dân vì Dân chủ, nhóm chính trị tập hợp người biểu tình, đã loan báo một cuộc tổng tấn công vào đầu não của chính quyền để thay vào đó cái mà họ gọi là ‘Hội đồng Nhân dân’.
Phóng viên BBC Jonah Fisher ở Bangkok cho biết những người biểu tình đã vào được một số đài truyền hình và đang đàm phán để kiểm soát việc đưa tin. Phóng viên Fisher nhận xét tình hình đang ngày càng giống như một cuộc đảo chính.

Trước đó, bà Yingluck đã nói rằng chính phủ của bà sẽ dùng bạo lực ở mức tối thiểu để kiềm chế những người biểu tình.
Cuộc biểu tình bắt đầu trở nên bạo lực
Vàng sớm Chủ nhật ngày 1/12, lãnh đạo những người ‘áo đỏ’ ủng hộ chính phủ nói họ giải tán cuộc tập hợp lớn ở sân vận động chính ở Bangkok để tạo điều kiện cho các lực lượng an ninh kiểm soát các nhóm biểu tình đối lập.
Theo phóng viên BBC Jonathan Head ở Bangkok thì các tướng lĩnh quân đội không hề muốn dính vào tình hình bất ổn hiện nay nhưng đồng ý triển khai binh lính với điều kiện họ không mang vũ khí và chỉ đứng sau lưng cảnh sát chống bạo động đang bao quanh các trụ sở chính quyền.
Bắt đầu bạo lực
Trong khi đó, ít nhất một người bị bắn chết trong cuộc đụng độ giữa người biểu tình ủng hộ và chống chính phủ ở thủ đô Bangkok, Thái Lan, hôm thứ Bảy 30/11.
Một số sinh viên đã tấn công đoàn người đi biểu tình ủng hộ chính phủ và sau đó đã có nổ súng.
Người biểu tình cho rằng chính phủ của bà Yingluck thực ra do anh trai của bà, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, giật dậy.
Ông Thaksin bị truất chức trong một cuộc đảo chính tiếp theo sau làn sóng biểu tình năm 2006 và nay đang sống lưu vong.
Ông là một trong các nhân vật gây chia rẽ sâu sắc nhất trong nền chính trị Thái Lan. Cử tri ở vùng nông thôn nhiều người yêu quý ông, trong khi những người chống ông thường là cử tri thành phố và trung lưu.
Xe buýt chở người biểu tình ủng hộ chính phủ bị tấn công
Thứ Bảy 30/11, đợt biểu tình cho tới lúc này nói chung là hòa bình đã bắt đầu chuyển sang bạo lực bên ngoài một sân vận động nơi người ủng hộ chính phủ tập trung để tránh đụng độ với người biểu tình chống chính phủ đang tuần hành nhiều nơi trong thành phố.
Một nhóm sinh viên đã tấn công xe chở người ủng hộ chính phủ đang trên đường tới sân vận động, đập vỡ kính xe và gây một số thương tích nhẹ.
Sau đó có tiếng súng nổ, nhưng không rõ ai bắn.
Cảnh sát đã được điều đến hiện trường và phong tỏa đường phố, nhưng đụng độ giữa hai bên kéo dài vài tiếng đồng hồ.
Cảnh sát đã phải gọi quân đội trợ giúp để ổn định an ninh trong thành phố.
Người phát ngôn của cảnh sát quốc gia Piya Utayo nói trên truyền hình Thái Lan rằng 2.730 binh lính sẽ được huy động.
Chính phủ đến nay vẫn không muốn điều quân đội, vốn đã lật đổ ông Thaksin bảy năm trước, nhưng có lẽ không còn lựa chọn nào khác, theo phóng viên BBC Jonathan Head.
Căng thẳng hiện đang dâng cao ở Bangkok trong khi phong trào chống chính phủ đang chuẩn bị cho điều mà họ gọi là "cuộc nổi dậy của người dân" - chiếm đóng các tòa nhà của chính phủ ở Bangkok.
Hiện cũng đang có nguy cơ nổ ra bạo lực nếu như người ủng hộ bà Yingluck từ các tỉnh khác đổ về thủ đô.

BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.