Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2013

Nạn hôi của và ăn bẩn tại Việt Nam

Bài này được chép lại từ báo chí VC vì thấy nội dung tương đối sát thực tế. Nhưng đoạn đầu nói là người Việt trong nước hiện nay không còn đói nghèo chỉ lo ăn ngon mặc đẹp là nói xạo!!!

BBT

Mặc dù xã hội ngày một phát triển, cuộc sống không chỉ còn ăn no mặc ấm, mà đã là ăn ngon mặc đẹp, nhưng nhận thức chung của xã hội lại không mấy thay đổi, và tính vô cảm sản sinh từ đây. Đạo đức xã hội xuống cấp chỉ là hệ quả của sự ích kỷ cá nhân và vô cảm trước đồng loại.

Nạn hôi của trên đường
 
“Bãi chiến trường” còn lại sau cuộc hôi của ở Đồng Nai mới đây - Ảnh: Lê Lâm
Trưa 4.12, tại thành phố Biên Hòa (Đồng Nai), một xe chở bia gặp nạn trên đường, hàng trăm người dân lao tới hôi củatrong sự bất lực của tài xế. Ngoài số bia chai bị vỡ, 90% số bia chai và bia lon còn lại đã bị người dân lấy mất.
Đây không phải là vụ việc xảy ra lần đầu. Đã có nhiều vụ hôi của như thế xảy ra trên nhiều địa phương cả nước. Có thể kể đến những vụ việc trong năm nay như vụ giành giật tiền của người bị cướp giật làm rơi tiền ra đường ở TP.HCM, vụ lấy dứa ở Hà Nam, vụ "hôi bia" ở ngã tư An Sương (TP.HCM), vụ "hôi dầu" ở Ninh Bình và Đồng Nai,…
Báo chí và dư luận xã hội đều nói lên sự phẫn nộ, bất bình và xấu hổ với hành vi của những kẻ hôi của. Gọi những kẻ này là “cướp cạn”, hôi của trên sự mất mát và bất lực của khổ chủ. Nhiều người cho rằng đây là hậu quả của một nền giáo dục lệch lạc, chỉ chăm chăm vào thành tích học tập và thi cử mà quên giáo dục nhân cách, trách nhiệm và sự sẻ chia với đồng loại khi họ gặp khốn khó.
Nhiều người so sánh với các quốc gia văn minh trên thế giới để phê phán sự vô cảm và tham lam, không còn sĩ diện và lương tâm của một bộ phận không nhỏ người Việt, coi đây là hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”. Những vụ việc trên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho xã hội, rằng những giá trị truyền thống dân tộc như “thương người như thể thương thân” đang bị mai một.

Miếng ăn và sự ăn bẩn
Người Việt có câu “Miếng ăn là miếng nhục”. Điều đó cho thấy từ xa xưa, người Việt rất quan trọng đối với việc ăn uống. Không chỉ là cung cấp năng lượng cho cơ thể, sự ăn uống còn thể hiện một văn hóa, một nhân cách con người. Không phải cứ có là ăn bằng được.
Khi bố mẹ đã làm những việc xấu, thì khó mà dạy bảo được con cái phải sống thật tốt. Khi thầy cô bán rẻ chữ tâm, thì khó mà dạy học trò chữ đức. Khi mà lãnh đạo làm những việc mờ ám, thì khó mà bắt nhân viên trung thực.
Thế nên, đối với người Việt, không quan trọng là ăn cái gì, mà là ăn như thế nào. Người lớn vẫn thường dạy con trẻ câu: “Lời chào cao hơn mâm cỗ” để thể hiện sự trân trọng, tôn kính với người được mời. Không vì cậy mình có miếng ăn mà xem thường người khác.
Miếng ăn ở nơi công cộng cũng khác với miếng ăn ở nhà. Ở nơi công cộng, sự ăn uống cần có văn hóa, phải kính trên nhường dưới, không phải cứ ngồi vào mâm là ăn bằng được. Thế nên, mới có phong tục gắp miếng ngon cho người cao tuổi trong mâm. Đồng thời người ta trân trọng miếng ăn ở nơi công cộng, như câu nói quen thuộc “Một miếng ở làng bằng một sàng xó bếp”.
Người ta thường dùng sự ăn uống để dạy dỗ con trẻ, chẳng hạn như “Ăn chậm nhai kỹ” là cách để khuyên con trẻ nên chín chắn suy nghĩ đối với một sự việc, hiện tượng trước khi phát ngôn. Hay “Đói cho sạch, rách cho thơm” để dạy con trẻ không vì miếng ăn, không vì vật chất bình thường mà đánh mất đi phẩm giá của con người. Đôi khi, cũng vì miếng ăn mà con người phải tự mình vượt qua số phận, “Đói thì đầu gối phải bò” chính là như thế.
Thế nhưng, không phải điều gì của tiền nhân cũng được xã hội ngày nay giữ gìn và học tập. Chẳng hạn như đói nghèo thường bị xem thường, khinh rẻ. Cho dù có “sạch” đến mức nào. Những người cố giữ phẩm chất này bị chê bai là hủ lậu, là không thức thời.
Chính vậy nên sự ăn uống ngày nay cũng khác đi nhiều. Người ta ăn để tồn tại, chứ không phải tồn tại để ăn. Ở những quán nhậu, những người mặt đỏ gay, ăn uống nhồm nhoàm. Vung tay “chém gió” đủ thứ chuyện đông tây kim cổ, từ tây sang ta, từ Nga sang Ấn.
Chắc cũng chỉ còn rất ít người chầm chậm ăn bát phở để thưởng thức hương vị của bánh phở, của thịt bò. Người lớn thì hối hả nhai nhai, húp húp để kịp giờ đi làm. Trẻ con thì bị giục ăn nhanh, nhai nhanh kẻo muộn học. Nhà văn Nguyễn Tuân mà sống lại ở thời điểm này, chắc khó có thể viết được tùy bút Phở như ông đã từng viết.
Cũng chính sự thay đổi này, nên những giá trị cuộc sống cũng bị thay đổi, đạo đức xã hội cũng bị thay đổi, và trách nhiệm xã hội cũng như tính đồng loại cũng bị thay đổi. Dĩ nhiên, sự thay đổi này ít nhiều phải có lý do và nguồn gốc của nó.
Bà Nguyễn Thị Doan - Phó chủ tịch nước, trong một lần phát biểu trước Quốc hội đã nói: “Người ta ăn của dân không chừa thứ gì”. Ăn ở đây là tham ô, tham nhũng, ăn cắp của công. Một sự vơ vét, bòn rút tài sản công lẫn vòi vĩnh, đòi hỏi tiền của người dân khi giải quyết các công việc công ích.
Dĩ nhiên, tiền tham nhũng, ăn cắp được sẽ phục vụ cuộc sống của họ, trong đó có việc ăn. Vì thế người dân gọi hành vi của những kẻ này là “ăn bẩn”. Cho dù họ có giàu có, sang trọng đến đâu đi nữa thì bữa ăn của họ từ những đồng tiền bất chính vẫn là “ăn bẩn”.
Họ hiểu, họ biết, thậm chí thuộc lòng lời răn dạy của cha ông về "sự ăn". Nhưng có lẽ họ đã không thắng được sự cám dỗ về vật chất, sự cám dỗ về những bữa ăn đầy đủ sơn hào, hải vị. Thế nên họ vẫn ăn bẩn. Và để ngụy biện một cách vô thức cho hành vi này, họ lại tâm đắc với câu nói theo nghĩa bóng của dân gian là “ăn bẩn sống lâu”.
Người Việt, với niềm tin thánh thần lớn hơn rất nhiều lần niềm tin vào bản thân lẫn niềm tin vào chính phủ thì một sự an ủi, cho dù đó là sự châm biếm, mỉa mai vẫn là sự cứu rỗi linh hồn của họ. Khi có đầy đủ vật chất, họ muốn sống để hưởng thụ. Và muốn được hưởng thụ, cần phải có tiền để sống. Sự biện chứng có vẻ rất logic này là niềm tin để họ không dằn vặt lương tâm khi “ăn bẩn”.
Gần mực thì đen
Khi những người có chức, có quyền còn “ăn bẩn” như thế, thì khó mà khuyến khích, giáo dục hay làm gương cho người dân nghèo. Cho dù khó khăn, nghèo đói, họ vẫn có quyền được sống, và để sống thì họ phải ăn. Dĩ nhiên, với thân phận người dân, họ không có cơ hội “ăn bẩn”.
Cũng không thể đánh đồng đạo đức xã hội ở đây, bởi vì, những người có tự trọng đã không nhảy ra hôi của từ người bị nạn. Đạo đức xã hội là một khái niệm trừu tượng, cũng như sự vô cảm trong xã hội là một khái niệm trừu tượng. Để đánh giá, cần phải xét trên một phương diện cụ thể.
Cho dù các đại biểu quốc hội đã dành không ít thời gian thảo luận để lên án đạo đức xã hội xuống cấp, lên án sự vô cảm của xã hội hiện tại. Nhưng thực sự có mấy ai tự soi mình trước gương và mãn nguyện rằng, mình là người đạo đức, mình không vô cảm với đồng loại.
Khi bố mẹ đã làm những việc xấu, thì khó mà dạy bảo được con cái phải sống thật tốt. Khi thầy cô bán rẻ chữ tâm, thì khó mà dạy học trò chữ đức. Khi mà lãnh đạo làm những việc mờ ám, thì khó mà bắt nhân viên trung thực.
Người lớn luôn là tấm gương cho lớp trẻ noi theo. Chúng ta cứ đổ lỗi cho cơ chế thị trường đã làm suy thoái đạo đức, nhân cách của “một bộ phận không nhỏ” xã hội. Nhưng hãy nhìn nhận một cách trung thực rằng, những quốc gia phát triển, có nền kinh tế thị trường hàng chục năm nay có bị suy thoái đạo đức, nhân cách một cách nghiêm trọng như thế không?
Xét cho cùng, chúng ta lại đổ lỗi cho “thằng cơ chế”, mà không suy xét đến tận cùng nguyên nhân từ cái đói, cái nghèo, cái lệch lạc trong giáo dục và lệch lạc trong nhận thức văn hóa, trong một thời gian quá dài, gắn liền với những thăng trầm của dân tộc.
Mặc dù thoát khỏi cái nghèo, cái đói. Nhưng sự ám ảnh về nghèo đói không mờ nhạt trong tâm trí họ. Cộng với sự lệch lạc và duy ý chí về nhận thức, họ sẽ luôn nghĩ đến một mục tiêu là tiền. Tiền để thỏa mãn cái đói, cái khát đã từng ngự trị trong họ, tiền để không xảy ra một lần nữa đói nghèo. Họ kiếm tiền bằng mọi giá như gã đàn ông sống sót sau cuộc chiến sinh tồn với tự nhiên, chìa tay như một kẻ hành khất xin từng mẩu bánh quy về tích trữ đầy phòng trong tác phẩm Tình yêu cuộc sống của Jack London.
Những thế hệ trẻ sẽ bị ảnh hưởng sâu sắc bởi sự giáo dục và tư duy vị vật chất này. Mặc dù xã hội ngày một phát triển, cuộc sống không chỉ còn ăn no mặc ấm, mà đã là ăn ngon mặc đẹp. Nhưng nhận thức chung của xã hội lại không mấy thay đổi, và tính vô cảm sản sinh từ đây. Đạo đức xã hội xuống cấp chỉ là hệ quả của sự ích kỷ cá nhân và vô cảm trước đồng loại.
Xã hội rất cần những người tốt làm các việc tốt để là tấm gương noi theo của thế hệ trẻ. Thế nhưng người tốt thì quá ít, còn kẻ xấu lại quá nhiều. Khi một xã hội vẫn đầy rẫy tham nhũng, tiêu cực của những người có quyền chức, thì không thể đòi hỏi người dân phải sống nhân ái và có trách nhiệm với đồng loại.
“Gần mực thì đen” là vậy!
Trường Yên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.