Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

Chiến thuật lấy nhu thắng cương của Thủ tướng Thái Lan liệu có thành công?

Những người biểu tình chống chính phủ nghỉ ngơi tại tiền sảnh trụ sở Bộ Tài chính, trước chân dung Vua Bhumibol, 25/11/2013.

Những người biểu tình chống chính phủ nghỉ ngơi tại tiền sảnh trụ sở Bộ Tài chính, trước chân dung Vua Bhumibol, 25/11/2013.
REUTERS/Damir Sagolj

Từ nhiều ngày qua, phe đối lập chống chính phủ Thái Lan đã liên tục biểu tình ở thủ đô Bangkok, chiếm giữ trụ sở nhiều cơ quan, kể cả tổng hành dinh lục quân mà không vấp phải sự chống đối và trấn áp của lực lượng an ninh. Rõ ràng, chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra chủ trương không can thiệp mạnh tay và hy vọng là cùng với thời gian, phong trào biểu tình sẽ hụt hơi.

Câu hỏi đặt ra là liệu thái độ mềm mỏng, cam chịu này có thành công hay không ? Bởi vì, mọi việc có thể thay đổi nhanh chóng, đặc biệt là trong ngày hôm nay, mà phe đối lập gọi là “Ngày chiến thắng”.

Thủ lãnh phong trào biểu tình là ông Suthep Thaugsuban. Mặc dù đang bị tư pháp truy nã với tội danh chiếm giữ trụ sở Bộ Tài chính, nhưng nhân vật này vẫn xuất hiện liên tục trong các cuộc biểu tình, công khai kêu gọi lật đổ chính phủ, mà không bị bắt.
Ông Andrew Walker, chuyên gia về Đông Nam Á, thuộc đại học Quốc gia Úc, được AFP trích dân, giải thích: “Chính phủ Thái Lan muốn tránh phản ứng mạnh, bởi vì đó chính là điều mà những người biểu tình muốn. Chiến lược của bà Yingluck là cố gắng tránh xung đột bằng mọi giá”.
Hôm qua, ông Jatuporn Prompan, thủ lĩnh phe Áo Đỏ, ủng hộ chính phủ, nhấn mạnh: “Chiến thuật của ông Suthep là khiêu khích chính phủ để chính phủ sử dụng bạo lực chống lại họ và như vậy, quân đội sẽ can thiệp”.
Theo giới quan sát, chính phủ của bà Yingluck cũng như phe thân Thaksin đã rút ra bài học từ cuộc khủng hoảng năm 2010, không muốn lặp lại sai lầm của chính phủ của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva, và phe Áo Vàng, nay ở trong hàng ngũ đối lập. Vào thời điểm đó, theo lệnh của chính phủ, quân đội đã thẳng tay trấn áp và giải tán các cuộc biểu tình kéo dài của phe Áo Đỏ, tại thủ đô Bangkok, làm 90 người thiệt mạng và hơn 1900 người bị thương.
Chuyên gia về Thái Lan, ông Chris Baker, giải thích, với số lượng người biểu tình đông đảo như vậy, chỉ cần một hành động bạo lực là tất cả có thể bùng nổ, khó kiểm soát.
Chính vì thế, cho đến nay, ngoài việc cảnh sát tỏ thái độ kiềm chế, nhận hoa hồng từ người biểu tình, thì phe Áo Đỏ thân chính quyền cũng tránh xung đột, chỉ biểu tình tập trung ở ngoại ô Bangkok. Thậm chí, hôm nay, phe này còn giải tán, không biểu tình nữa.
Ngoại trừ trụ sở Bộ Nội vụ và Văn phòng chính phủ được cảnh sát bảo vệ chặt chẽ, đẩy lùi mọi ý định thâm nhập, dường như chính phủ của bà Yingluck chấp nhận “hy sinh” trụ sở các Bộ khác, chờ đợi phong trào phản kháng sẽ tự xẹp xuống.
Trên vô tuyến truyền hình, Thủ tướng Yingluck liên tục có những phát biểu làm dịu tình hình, kêu gọi người biểu tình trở về nhà. Bà giải thích: “Chúng tôi đã lựa chọn xuất hiện như những kẻ yếu, không dùng vũ lực, thay vì đưa ra tối hậu thư và làm cho người dân bị tổn thương”.
Tuy nhiên, chính phủ của bà Yingluck có thể lại mắc vào cái bẫy mà họ đặt ra, khi để cho những người biểu tình chiếm đóng các công sở. Ông Michael Montesano, chuyên gia Viện nghiên cứu Đông Nam Á, tại Singapore nhắc lại là “một khi các công sở bị chiếm giữ, rất khó đuổi được những người biểu tình ra khỏi nơi đây. Đó là bài học năm 2008”.
Theo các nhà phân tích, chiến thuật kiềm chế, nén nhịn của Thủ tướng Yingluck sẽ thành công, nếu chính phủ của bà cầm cự được cho đến ngày 05/12 tới: Đó là sinh nhật Vua Bhumibol 86 tuổi. Tại Thái Lan, sự kiện này được tất cả người dân, mọi đảng phái tôn trọng và xưng tụng. Hơn nữa, một bộ phận không nhỏ trong phe đối lập là những người thân Hoàng Gia. Những người biểu tình cho biết là họ sẽ trở về nhà trước sinh nhật của Nhà Vua.

ST

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.