Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

Bangkok: Người biểu tình cũng đã chiếm Bộ Ngoại giao Thái Lan

Những người biểu tình ùa vào các tòa nhà của Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Thái Lan ở Bangkok ngày 25/11, khi chiến dịch chống chính phủ đang lên cao nhằm lật đổ nữ thủ tướng Yingluck Shinawatra. 

Hàng trăm nghìn người biểu tình phá đổ cổng vào Bộ Ngoại giao Thái Lan và chiếm một khu vực trong khuôn viên tòa nhà, AFP đưa tin. Họ yêu cầu các công chức rời đi và không quay lại làm việc vào ngày mai, theo một phát ngôn viên của bộ.
Những người biểu tình cũng đưa một chiếc xe hơi và một xe tải 6 bánh vào trong khuôn viên Bộ Ngoại giao để làm sân khấu tạm thời. Họ tuyên bố sẽ chiếm nơi này và qua đêm ở đây.
"Đây là một cuộc chiếm giữ hòa bình của người dân", cựu phó thủ tướng Suthep Thaugsuban nói tại một cuộc họp báo từ Bộ Tài chính, đồng thời kêu gọi chiếm giữ toàn bộ các cơ quan chính phủ. "Hệ thống Thaksin không còn có thể làm việc nữa", ông nói và thề chống lại những cảnh báo của lực lượng an ninh nhằm yêu cầu người biểu tình rời khỏi bộ.
Bhumibol Adulyadej, as they sit inside the compound of the Finance Ministry after they stormed it in Bangkok on November 25, 2013
Người dân ôm chân dung Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej khi đang ngồi trong tòa nhà Bộ Tài chính ở thủ đô Bangkok. Ảnh: AFP
Reuters dẫn lời các nhân chứng cho biết, trước đó hơn 1.000 người chống chính phủ cũng ập vào tòa nhà Bộ Tài chính và Cục Ngân sách, trong một động thái táo bạo nhất của chuỗi các cuộc biểu tình bắt đầu từ tháng trước. 
"Tôi mời những người biểu tình ở đây qua đêm tại Bộ Tài chính", lãnh đạo cuộc biểu tình chống chính phủ, ông Suthep, nói với đám đông trước tòa nhà bộ. "Tôi cũng hối thúc những người biểu tình khác làm tương tự, chiếm các tòa nhà và văn phòng chính phủ trên khắp đất nước", RT dẫn lời ông này.
Sau khi người biểu tình tràn vào Bộ Tài chính, điện trong tòa nhà bị cắt. Sự hiện diện của cảnh sát tại khu này khá hạn chế, trong khi an ninh ở các nơi khác vẫn được đảm bảo. Ông Suthep kêu gọi người biểu tình lên từng tầng, vào từng phòng, tặng hoa cho các công chức và ngồi yên. Ông đề nghị họ không phá hoại tài sản quốc gia vì nó là tiền thuế dân chi. 
"Tôi đề nghị các công bộc ủng hộ dân thường. Cục Ngân sách và Bộ Tài chính là trái tim của chế độ Thaksin vì vậy chúng ta sẽ chiếm chúng từ hôm nay. Tôi đề nghị mọi người vào (tòa nhà) một cách hòa bình và chúng ta sẽ cho thấy sức mạnh thực sự của người dân là gì", Bangkok Post dẫn lời ông nói. Chưa có báo cáo về bất cứ xung đột nào tại đây. 
Trên khắp thủ đô Bangkok, khoảng 30.000 người biểu tình hô vang "Hãy ra đi" và tỏa ra 13 địa điểm, bao vây các văn phòng chính phủ, căn cứ quân sự và hải quân, đài truyền hình quốc gia. 
bieu-tinh-6996-1385376382.jpg
Người biểu tình chống chính phủ tặng hoa cho cảnh sát tại Bangkok hôm nay. Ảnh: AP
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra, em gái cựu thủ tướng Thaksin từ chối từ chức. "Tôi không có ý định từ chức hay giải tán Quốc hội", bà nói. "Nội các vẫn có thể hoạt động, dù chúng tôi đang đối mặt với một số khó khăn. Tất cả các bên đều cho thấy mục đích chính trị của họ, giờ họ phải đối mặt lẫn nhau và thảo luận để tìm một giải pháp hòa bình cho đất nước".
Bà Yingluck hôm nay cũng đưa ra luật an ninh đặc biệt tại thủ đô Bangkok và các vùng lân cận. "Chính phủ sẽ thực thi các điều luật, nhưng sẽ không dùng vũ lực với người dân", thủ tướng Thái Lan nói khi tuyên bố quyết định ban hành Luật An ninh Nội địa trên toàn thủ đô.
"Chính phủ yêu cầu người dân không tham gia vào các cuộc biểu tình trái phép và tôn trọng luật pháp", bà Yingluck nói thêm.
Các cuộc biểu tình bắt đầu tháng trước, nhằm phản đối dự luật ân xá được cho là nhắm tới ông Thaksin, người sống lưu vong nhiều năm nay và cả những người chịu trách nhiệm trong cuộc đàn áp quân sự đẫm máu năm 2010 với phe chống chính phủ, làm hơn 90 người chết. Dự luật bị quốc hội bác bỏ nhưng người biểu tình vẫn đổ ra phố, cố gắng lật đổ chính phủ mà họ cho là con rối của ông Thaksin. 
Trọng Giáp - Anh Ngọc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.