Ở Việt Nam, trừ những người chính thức theo một tôn giáo nào đó như Phật Giáo, Công Giáo, Tin Lành, Cao đài, Hòa Hảo, Hồi Giáo,... phần đông người dân vẫn tự cho mình là những người không có tín ngưỡng, trong bản khai lý lịch phần tôn giáo họ cũng thường trả lời “Không,” mặc dù mỗi năm cũng có vài lần đi đến các địa điểm tôn giáo như nhà thờ, chùa...
Song nếu xét trên tổng thể thì số người có khuynh hướng nghiêng về Phật Giáo vẫn chiếm đa số. Nghĩa là đầu năm, ngày rằm Tháng Giêng, Tháng Tư, Tháng Bảy đều có đi chùa, cúng bái, thỉnh thoảng ăn chay niệm Phật.
Vụ Ðại Ðức Thích Tâm Mẫn thực hiện hành trình “nhất bộ nhất bái” mang theo côn đồ hành hung người đi đường khiến dư luận phẫn nộ. |
Ngay trong đám đông những người siêng năng đi chùa, thì số người thực sự vì nhu cầu tôn giáo, thực sự am hiểu những tư tưởng triết học sâu sắc, cao đẹp của Phật Giáo chắc chắn sẽ ít hơn số người vì những lý do thực dụng như cầu an, cầu may...
Thậm chí, không hiếm kẻ ăn ở ác, làm giàu bằng những con đường bất chính hoặc trên đường hoạn lộ tay dính máu người, cũng thường tìm đến cửa chùa như một hình thức sám hối, hoặc chí ít, để lương tâm được tạm yên ổn.
Xã hội ngày càng bất ổn, kinh tế khủng hoảng, tội phạm gia tăng thì số người tìm đến đình, chùa cúng bái ngày càng nhiều. Tôn giáo bị biến tướng thành đủ kiểu mê tín dị đoan.
Xã hội ngày càng trở nên ô trọc, cái ô trọc ngoài đời khiến người tu hành cũng khó mà tĩnh tâm tu cho được. Không thiếu những cảnh tượng khó coi như ngay trước cửa một ngôi chùa, mọc lên những quán bán thịt cầy, cảnh nấu nướng ăn nhậu nhem nhuốc diễn ra ngay đó, hoặc quán karaoke, thậm chí quán café chiếu phim sex (“Quán café gần chùa chiếu phim sex giữa ban ngày,” Tâm Ðiểm). Có khi bên ngoài cửa chùa, ban đêm là các cô gái ăn sương đứng đợi khách, v.v...
Sự sa sút, xuống cấp về mọi mặt của xã hội Việt Nam hiện tại, dường như cũng ảnh hưởng ít nhiều đến cửa chùa và một số người tu hành. Ðôi khi chúng ta lại phải đọc, xem, nghe thấy những thông tin về sự lố lăng, trần tục của những người tưởng như đã thoát khỏi hỉ nộ ái ố tham sân si của cuộc đời.
Một số người đã xuất gia tu hành nhưng vẫn rất tự nhiên tham gia những hoạt động của người đời. Khi thì một nhà sư, thật ra mới là chú tiểu, đang tu học ở chùa Huỳnh Kim (Gò Vấp, Sài Gòn) ham vui đi theo trang điểm cho các người đẹp thi Hoa Hậu Việt Nam 2012, và còn chụp hình chung với các người đẹp. Trước sức ép của dư luận chú tiểu đã phải quyết định cởi áo về đời để được làm công việc mình yêu thích.
Khi thì một ni cô đang tu ở một ngôi chùa ở Quảng Ninh, đi thi Việt Nam Idol 2012. Khi thì một số ni cô hóa trang mặc quân phục lên sân khấu tham gia một chương trình văn nghệ tại chùa Pháp Hải, huyện Bình Chánh, Sài Gòn, ngay trong mùa an cư kiết hạ. (“Xung quanh vụ việc “Ni cô mặc quân phục biểu diễn nghệ,” báo Giác Ngộ).
Trên mạng còn lan truyền một video clip của một nhà sư đứng trước đám đông hát nhạc chế tâm sự về đời sống của những người đi tu, chế từ bài “Ðời tôi cô đơn” thành “Ðời tôi đi tu nên tôi đây phải ăn chay, đời tôi đi tu nên tôi đây phải cạo đầu, đời tôi đu tu nên tôi đây mặc áo nâu, tôi không mặc áo màu và cằm tôi không để râu...”!
Không chỉ xuề xòa, thiếu đi sự nghiêm cẩn, oai nghi, một số nhà sư còn có những hành vi rất không phù hợp với người đã tu hành.
Khi Ðại Ðức Thích Tâm Mẫn thực hiện hành trình “nhất bộ nhất bái” xuyên Việt trong 4 năm (từ 2009-2013), hàng chục đệ tử, các tiểu sư thầy đi theo “tháp tùng” đã có những hành vi khiến người dân nhiều lúc... ngỡ ngàng. Như phi thân tung chưởng, ném mũ cối, thổi còi dẹp đường, làm ác tắc giao thông, thậm chí xô xát với người dân hiếu kỳ đổ ra đường xem (“Bất ngờ với cảnh tiểu sư thầy ném mũ cối trên phố,” Dân Trí).
Một trong những scandal ầm ỹ của ca sĩ họ Ðàm trong thời gian qua là vụ hôn tay một nhà sư và hôn môi nhà sư khác trong một chương trình ca nhạc từ thiện. Trong khi ca sĩ họ Ðàm chỉ bị phạt 5 triệu thì cả hai nhà sư đã bị các chư tăng phạt “biệt chúng,” không cho ra khỏi phòng tiếp xúc với người bên ngoài, trong thời gian 3 tháng.
Không những thế, nhà sư nhận nụ hôn môi của ca sĩ họ Ðàm đã bị dằn vặt nội tâm nặng nề đến độ muốn tìm quên trong giấc ngủ, may có người phát hiện đưa đi cấp cứu, sau đó nhà sư đã trả tam y tỳ kheo và bình bát lại cho nhà chùa, xin hoàn tục. Dù sao nhà sư này cũng có lòng tự trọng hơn rất nhiều người thường, quan chức, làm sai nhưng cương quyết không từ bỏ chức vụ, từ bỏ những đặc quyền đặc lợi đang có!
Ðáng buồn hơn, một số nhà sư đã không vượt qua được những ham muốn tầm thường, trần tục, phạm vào giới luật của đạo Phật và luật pháp của xã hội.
Một nhà sư vay mượn tiền tỷ của nhiều phật tử, cầm sổ đỏ của nhà chùa, gây thiệt hại tổng cộng hơn 3 tỷ đồng, cuối cùng bị trục xuất khỏi nhà chùa sau hơn 50 năm tu hành tại đây (“Trục xuất sư thầy nợ hơn 3 tỷ đồng của phật tử,” báo Người Ðưa Tin).
Một vị sư trụ trì chùa Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội, đánh người, dời tượng cổ, thay tượng Phật cổ bằng bức tượng giống mình (“Phẫn nộ vụ sư đánh người, đúc mình làm tượng thờ ở Hà Nội,” Ðời Sống và Pháp Luật).
Kinh hoàng hơn, một nhà sư còn giết bạn gái rồi giấu xác trong khuôn viên chùa, yểm bùa, trồng cây lên để phi tang (“Nhà tu hành sát hại người tình giấu xác,” VietNamNet)...
Xã hội đến hồi suy đồi, mạt vận đến mức hiệu trưởng mua dâm học trò, thầy giáo cưỡng bức học trò, công an, điều tra viên dùng nhục hình tra tấn để bức cung người vô tội thành có tội, bác sĩ làm chết người xong vứt xác nạn nhân xuống sông, nay đến nhà sư bồ bịch, giết người!
Một số nhà sư thì tham gia chính trị, trở thành chính khách, đại biểu Quốc Hội, kể cả được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh... Thật ra chuyện người tu hành tham gia chính trị không có gì đáng phê phán, trái lại là khác, nhưng ở Việt Nam, chúng ta biết, nhà nước cộng sản luôn luôn muốn kiềm chế, kiểm soát, “chính trị hóa” tôn giáo. Do đó những người tu hành một khi đã tham gia vào bộ máy của đảng và nhà nước cộng sản, cũng khó mà giữ nguyên sự khách quan, độc lập trong quan điểm, chính kiến, khó mà cất lời nói thật, nếu như muốn đường quan lộ được êm ả!
Hãy nghe những lời phát biểu của một trong những vị tu hành nay là đại biểu Quốc hội, Thượng tọa Thích Thanh Quyết, trả lời phỏng vấn báo Công An Nhân Dân về tình hình trật tự trị an, nhân quyền của VN:
“Tôi đã đi nhiều nước, kể cả những nước lớn trong và ngoài khu vực châu Á, tôi thấy tình hình an ninh, chính trị ở ta rất ổn định, an toàn. Rõ ràng, đời sống kinh tế, vật chất của ta còn những khó khăn nhưng an ninh quốc gia đảm bảo, chính trị ổn định, ngay người nước ngoài đến Việt Nam cũng vậy, họ rất yên tâm, không phải lo ngại việc này, việc kia...
... Trên thực tế, chính những kẻ tung ra các luận điệu bịa đặt, vu khống đó mới vi phạm dân chủ, nhân quyền nhất. Cái dân chủ, nhân quyền của Việt Nam phù hợp hoàn cảnh văn hóa, lễ nghi tôn giáo của người Việt Nam, họ không hiểu được hoặc cố tình không hiểu rồi cứ nhìn từ góc nọ sang góc kia.” Vị hòa thượng này còn gọi công an là “đồng chí” và hết lời khen ngợi ngành công an!
(“Ðại biểu Quốc Hội - Thượng Tọa Thích Thanh Quyết: Vật chất tuy còn những khó khăn, nhưng an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo,” báo CAND.)
Không biết, giữa sự suy đồi về mặt tinh thần, không nhìn thấy sự thật, khen ngợi một chế độ luôn luôn đứng trên luật pháp, có “thành tích” đàn áp tôn giáo, vi phạm nhân quyền trầm trọng, với sự suy đồi trong hành động, vi phạm những giới luật, vi phạm pháp luật của xã hội, điều nào đáng buồn hơn?
Tin rằng những hiện tượng trên chỉ là số ít, là những người tu chưa trót, làm ảnh hưởng đến uy tín, đạo đức, phẩm hạnh của những bậc chân tu thật sự, vẫn chiếm đa số, trong môi trường Phật Giáo Việt Nam.
Song Chi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.