Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

Malaysia chật vật trước làn sóng người Hồi giáo ở Miến Điện xin tị nạn

người Hồi giáo ở Miến Điện xin tị nạn
Malaysia là nơi sinh sống của khoảng 30.000 người Hồi giáo đến từ Miến Điện. Đa số là thuộc sắc tộc Rohingya mà Liên Hiệp Quốc mô tả là sắc dân thiểu số bị đàn áp nhiều nhất trên thế giới. Thông tín viên Mahi Ramakrishnan tường thuật rằng một làn sóng người Hồi giáo tị nạn mới trốn chạy những vụ đổ máu ở bang Rakhine của Miến Điện đang tăng thêm sức ép đối với cộng đồng Hồi giáo ở Malaysia và những nguồn lực giới hạn của họ.

Một số người tị nạn Hồi giáo từ Miến Điện đã sinh sống ở Malaysia trong 20 năm nay.
Giới hoạt động trong cộng đồng tin rằng hàng ngàn người khác đã đến nơi này trong một năm rưỡi qua, để trốn chạy những vụ bạo động chống người Hồi giáo tại bang Rakhine. Đa số là thuộc nhóm sắc tộc Rohingya.

Nhưng một số người Hồi giáo Miến Điện khác, không phải là người Rohingya, nói họ cũng không có lựa chọn nào khác hơn là thực hiện cuộc hành trình đường biển nguy hiểm tới Malaysia.

Bà Raahimah Nur Boshur nói một số thân nhân của bà bị giết khi một đám đông hỗn loạn đốt ngôi làng của bà. Bà nói:

“Không có cách nào chúng tôi có thể ở lại. Cách duy nhất để chúng tôi cứu mạng sống của mình là rời khỏi nước, chạy thoát tới bất cứ nơi nào. Chúng tôi đã mất tất cả.”

Làn sóng người tị nạn mới đang tăng sức ép đối với những nguồn lực vốn đã giới hạn của cộng đồng. Các tổ chức thiện nguyện Hồi giáo đã trợ giúp bằng những khoản hiến tặng lương thực. Và Cao Ủy tị nạn Liên hiệp quốc cung cấp cho họ những sự giúp đỡ khác nhau, và cấp phát giấy tờ xác nhận họ là người tị nạn.

Nhưng Malaysia không phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về người tị nạn, đẩy thành phần này vào tình trạng pháp lý bấp bênh.

Họ không được đưa con tới học tại các trường công, và không được làm việc một cách hợp pháp.

Nhà hoạt động xã hội Irene Fernandez nói điều đó khiến họ rất dễ bị thương tổn.

“Họ bị coi là những người không có giấy tờ hợp lệ, dưới con mắt của tất cả các cơ quan thi hành công lực. Ngay cả khi đi tìm việc, họ cũng lâm vào tình trạng rất dễ bị bóc lột và lạm dụng bởi vì các chủ nhân biết là họ không thể đi khiếu nại.”

Chính quyền Malaysia mới đây nói rằng họ sẽ cứu xét việc cấp giấy phép làm việc cho người tị nạn. Ông Mohammad Sadek, một lãnh đạo cộng đồng người Rohingya, hoan nghênh ý kiến đó. Nhưng ông nói rằng người tị nạn vẫn cần đến sự giúp đỡ đáng kể của Liên Hiệp Quốc. Ông nói:

“Các cơ quan Liên Hiệp Quốc không nên ngưng thi hành các nghĩa vụ của họ. Các cơ quan LHQ nên tiếp tục giúp đỡ để họ được đi định cư ở các nước khác, hỗ trợ họ về mặt tài chính, dịch vụ y tế và những chương trình cần thiết khác vì sự an sinh của những người tị nạn.”

Đa số người tị nạn nói họ sẽ rất mừng nếu được định cư tại Malaysia, nếu một ngày nào đó, chính quyền nước này cứu xét việc cho họ hòa nhập vào xã hội phần lớn theo Hồi giáo này. voa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.