Hàng năm, cứ tháng 4 về, trên các forum và nhiều trang
mạng lại sôi nổi chủ đề về một "tháng 4 đen” hay “ngày quốc hận”...
Còn truyền thông chính thống Việt Nam (chịu sự chỉ đạo của một đảng độc tài)
thì vẫn chưa chịu thôi luận điệu tuyên truyền cũ rich “Đại thắng mùa xuân
1975”.
Cả hai cách gọi này đều phản cảm, không phù hợp với ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Lich sử là lịch sử, không ai có
thể tự viết nó bằng chính kiến chủ quan của mình, dù là bên “thắng” hay bên
‘thua”!
Về nguyên nhân sâu sa, chủ quan và
khách quan dẫn dến cuộc chiến huynh đệ tương tàn này, cũng nên tham khảo
ý kiến của các học giả phương Tây, không loai trừ chính người Mỹ.
Walter Bedell Smith, thứ trưởng
Ngoại giao Mỹ, trong bản Tuyên Ngôn tại Washington D.C. về Hiệp Định Genève
đã xác định như sau:
“Trong trường hợp những quốc gia
nay bị chia đôi ngoài ý muốn,chúng ta sẽ tiếp tục tìm kiếm giải pháp thống
nhất qua bầu cử tự do, giám sát bởi Liên Hiệp Quốc để bảo đảm là bầu cử
được thi hành nghiêm chỉnh” và “Hoa Kỳ sẽ tự kiềm chế, không đe dọa hay
dùng võ lực để phá những sự Thỏa Hiệp”. (In the
case of nations divided against their will, we shall continue to seek to
achieve unity through free elections, supervised by the United Nations to
ensure that they are conducted fairly... The US will refrain from the
threat or the use of force to disturb them).
Thế nhưng,trong cuốn The United States In Vietnam: An Analysis In
Depth Of The History Of America’s Involvement In Vietnam, hai Giáo sư đại
học Cornell, George McTurnan Kahin và John W. Lewis, lại viết rõ:
“Tuy Hoa Kỳ nói rằng “sẽ tự kiềm chế, không đe dọa hay dùng võ lực để phá
những sự Thỏa Hiệp” nhưng điều hiển nhiên chúng ta thấy ngay sau đó là Hoa Kỳ
đã sửa soạn dùng mọi phương cách khác để ủng hộ chế độ Saigon [do Mỹ
dựng lên]trong việc không tôn trọng những điều khoản trong Thỏa Hiệp”.(Though
the US said it would “refrain from the threat or the use of force to disturb”
the agreements, it soon become evident that it was prepared to use every
other means to back up the Saigon regime in its departure from their central
provisions).
Như vậy, rõ ràng là Hoa kỳ đã làm trái cam kết của hiệp định Genève, với
sự có mặt của Anh, Pháp, Liên Xô, Trung Quốc, Lào, Việt Nam DCCH và Quốc gia
Việt Nam về lập lại hòa bình ở Đông Dương, ngầm hậu thuẫn cho chế độ của tổng
thống Ngô Đình Diệm ở miền Nam chống lại việc thống nhất nước Việt Nam thông
qua tổng tuyển cử vào năm 1956. Họ cho rằng, nếu để Tổng tuyển cử xảy
ra, ông Hồ Chí Minh sẽ chiếm ít nhất 80% phiếu và hy vọng chặn đứng chủ nghĩa
Cộng Sản của họ ở Việt Nam sẽ trở thành mây khói.
Trước đó cũng chính Hoa Kỳ đã đổ trên một tỷ dollar vào ủng hộ nguòi Pháp
trong nỗ lực duy trì Việt Nam làm thuộc địa, máy bay “made in” Pháp nhưng
người lái lại là phi công Mỹ, việc này cho thấy không những họ đã giúp người
Pháp về tài mà còn cả về nhân lực.
Người Mỹ, ngoài tiêu chí ngăn chặn sự bành chướng của chủ nghĩa Cộng Sản ở
Đông Nam Á, ai có thể khẳng đinh rằng, họ không lo sợ mất quyền lực kinh tế ở
khu vực Thái Bình Dương? Nếu Ấn độ, Nhật Bản, Philippines… không thể là tiền
đồn của chủ nghĩa Tư Bản? Vậy, họ có thật sự vô tư can thiệp vào nội bộ Việt
Nam chỉ vì muốn người Việt Nam được hưởng tự do dân chủ, no ấm hay không?
Đúng, họ không có ý định xâm lược và ở lại lãnh thổ Việt Nam để coi Việt Nam như một
thuộc địa kiểu mới sau người Pháp, nhưng rõ ràng là những việc làm đó đã cho
thấy họ là tác nhân chính để gây ra cuộc chiến tương tàn giữa những ngừoi
Việt Nam với nhau. Họ chính là tác giả của những "Chiến dịch Phựợng
hoàng","chiến tranh cục bộ" rồi "Việt Nam hóa chiến
tranh,"... công khai tuyên chiến với Bắc Việt Nam bằng cuộc không
kích Hà Nội 12 ngày đêm 1972 ...Chỉ khi nhận rõ tình thế, họ mới chịu rút
quân theo hiệp định 1973, để lại hậu quả không thế lường khi có đến
vài thế hệ người Việt Nam phài chịu di chứng của chất độc màu da cam, chưa kể
hiệu ứng tâm lý ảnh hưởng nặng đến đời sống của không ít cựu chiến binh Mỹ.
Cũng khoan hãy nói về tính ưu việt của chủ nghĩa Tư Bản so với Cộng Sản vì
thời điểm đó, người Việt Nam, nhất là ở miền Bắc, còn nghèo nàn lạc hậu sau 9
năm chống Pháp, họ chưa có điều kiện để nhận thức rõ ràng về cuộc đối đầu
giữa các nước lớn, họ cũng không cần biết những người lãnh đạo Việt Nam cũng
như Liên Xô ,Trung Quốc hay Anh, Pháp, Mỹ ...đang đi theo chủ thuyết gì.
Với ý thức tự tôn dân tộc: “Dân tộc Việt Nam là một dân tộc thuần Việt suốt
chiều dài lịch sử và chính đặc điểm “thuần Việt” này đã hình thành cho người
Việt tư tưởng Một dân tộc, Một quốc gia hay Dân tộc đồng nhất với Quốc gia,
để từ đó đi đến nguyên lý bất di bất dịch: không thể có độc lập dân tộc thực
sự với một quốc gia bị chia cắt về lãnh thổ, hay độc lập dân tộc phải gắn
liền với thống nhất lãnh thổ quốc gia, thống nhất đất nước”. (Chiến tranh
Việt nam và ngày 30 tháng 4 dưới mắt tiến sĩ CHHV), xuất phát từ lòng yêu
nước nồng nàn, họ đã dấn thân một cách vô tư trong sáng...
Phải nói thêm rằng những người Cộng Sản đã thành công trong việc lợi dụng
truyền thống yêu nước và giữ nước của dân tộc để tuyên truyền, hô hào cho một
cuộc Nam tiến không đáng có, khiến hàng triệu thanh niên miền Bắc đổ máu
, hy sinh ở lứa tuổi đẹp nhất của đời người, bao bà mẹ mất con, vợ mất
chồng...
Trở lại với hiệp định Genève năm 1954, giả thiết rằng, nếu ông Diệm chịu thực
hiện Tổng tuyển cử 1956, cho dù ông hay ông Hồ Chí Minh trúng cử, thì ít
nhất hòa bình đươc thiết lập, người đứng đầu nhà nước Việt Nam thống nhất khi
ấy do chính những lá phiếu của người dân cả hai miền (đâu phải chỉ có
miền Bắc) bầu ra? Khi ấy chính người Việt Nam sẽ làm chủ xu thế chính
trị của mình.
Thế chế nào mang lại cơm no áo ấm, tự do, dân chủ, hợp lòng dân, thể chế ấy
sẽ tồn tại và ngược lại...
Nhưng, giả thuyết chỉ là giả thuyết, thực tế, sau bao nhiêu biến cố mất mát
đau thương, phải trải qua tới 21 năm mới có ngày 30 tháng 4 mà dù vui
hay buồn, nó vẫn là một cái mốc quan trọng trong lịch sử khẳng định Việt Nam
là một quốc gia thống nhất, có toàn quyền tự quyết định vận mệnh của mình.
Xin hãy gắng quên đi những cái tên Hướng Điền, Phú Lợi, Mỹ Lai, Mậu Thân kinh
hoàng... xin hãy quên đi Hà Nội mùa đông 1972... Bấy nhiêu hệ lụy khốc liệt
mà chiến tranh chẳng ưu ái bên nào, cho dù lỗi thuộc về ai...
Chẳng lẽ chúng ta không mong có một ngày đất nước hoàn toàn không còn tiếng
súng, không còn cảnh đầu rơi, máu chảy?
Chẳng lẽ chúng ta không mong có một ngày người lính hai bên coi nhau như
những người anh em cùng màu da tiếng nói, không còn phải gọi nhau là
"giặc" hay "Việt cộng", "ngụy quân"?
Dù chiến tranh có do ai lầm lỗi..
Dù ai thắng ai thua...
Xin hãy gạt bỏ "tháng 4 đen" hay "ngày quốc hận" trong tâm
thức về một quá khứ đau thương để thay bằng "NGÀY THỐNG NHẤT BẮC
NAM".
Xin hãy nghĩ rằng người dân cả ba miền Bắc Trung Nam ngày nay là một, đang kề
vai sát cánh đấu tranh nhằm thay đổi thế chế độc tài Cộng Sản mà Lập
pháp, Tư pháp, Hành pháp đều nằm trong tay một nhóm người chóp bu tham quyền
cố vị, đang tâm kết án, bỏ tù những người yêu nước bát chấp cường quyền, đấu
tranh vì tự do, vì quyền làm người trong một quốc gia thống nhất, và, trên
hết, để giành lại chủ quyền lãnh thổ từ tay ngoại bang Trung Quốc - kẻ thù
ngàn đời của lich sử Việt Nam. Đó là Điếu Cày, Phạm Thanh Nghiên, Cù Huy Hà
Vũ, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định, Đỗ Thị Minh Hạnh.
Bùi Thị Minh Hằng... và nhiều những người con ưu tú khác đã và đang ngày đêm
đấu tranh ôn hòa cho tương lai Việt Nam theo gương nước láng giềng Myanma.
Xin hãy chung tay làm nên sức mạnh đoàn kết. Chỉ có đoàn kết mới có thể làm
nên mọi chuyện.
Nguyễn Hồng Phi
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.