Gần đây có một hiện tượng tâm lý hết sức bất an cho người Việt tị nạn tại Thái, đó là nhiều thông tin cá nhân của họ đã bị kẻ xấu cố ý đưa lên mạng Internet. Nhiều người đã rất lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Những người khác thì tỏ ra sợ hãi chính kẻ đã rắp tâm hại mình, vì họ không biết chắc là những thông tin cá nhân của mình đã bị kẻ xấu báo cáo với UNHCR hay chưa…
Hình ảnh những người tị nạn CS Việt Nam đầu tiên năm 1975 |
Về việc này, trong tư cách là một người đã có quy chế Refugee chính thức từ đầu năm 2009 đến nay, người viết xin chia xẻ như sau:
Người tị nạn Việt Nam trong lúc này đang lo sợ nhất là việc có một vài gia đình nào đó đã chạy sang Thái lan xin tị nạn, họ nhập cảnh vào Thái qua con đường hợp pháp, tức là đi bằng hộ chiếu, và có visa nhập cảnh. Sai lầm của những người này là ở chỗ, ban đầu họ lại khai báo với UNHCR là họ vượt biên. Những thông tin này đương nhiên là nói dối. Kẻ xấu đã lợi dụng việc chúng nắm chắc được điều này thông qua việc chúng đã được nạn nhân cho xem hồ sơ ngay từ lúc họ mới nhập cảnh vào Thái. Nhưng họ hoàn toàn có thể đính chính lại thông tin này với UNHCR trong cuộc phỏng vấn chính thức của mình với luật sư của UNHCR, hoặc bất kỳ lúc nào nếu họ muốn.
Thủ đoạn của những kẻ xấu rất đơn giản, chúng lấy lý do để kêu gọi vận động tài chính cho nạn nhân từ hải ngoại, và yêu cầu nạn nhân đưa hồ sơ cá nhân cho chúng. Những trường hợp khác là do họ tự nguyện đưa hồ sơ cho kẻ xấu, sau khi nghe những lời đường mật giới thiệu là chúng có thể giúp viết đơn tiếng Anh, và thu thập hồ sơ nộp UNHCR có xác xuất đậu quy chế cao, vì chúng là nhân viên của cơ quan này nọ, mặc dù danh phận của chúng cũng đều là những người tị nạn mà thôi.
Khi đã nắm được toàn bộ hồ sơ và lộ trình nhập cảnh váo Thái lan của nạn nhân, những kẻ xấu bắt đầu ra tay. Việc đầu tiên chúng có thể làm, đó là lên mạng Internet vận động tài chính cho nạn nhân, và chúng sẽ ăn chia hoặc tìm mọi cách bòn rút số tiền ấy. Khi nạn nhân hết tiền, chúng sẽ tìm cách ép họ vào những công việc mà có thể họ không muốn làm. Nếu trái ý chúng, chúng sẽ đe dọa khống chế nạn nhân, ví dụ dọa báo cáo với UNHCR về những điều mà nạn nhân muốn giấu UNHCR, dọa tung thông tin cá nhân của nạn nhân lên mạng Internet…
Những nạn nhân điển hình mà người viết ghi nhận được đó là các vị cựu tù chính trị Nguyễn Văn Mười, Trần Văn Long, Lê Văn Kỳ, Nguyễn Ngọc Quang vv… Hiện nay một số người như ông Mười và ông Long đã công khai tố cáo kẻ xấu đã làm hại họ lên mạng Internet.
Sự lo sợ và sợ hãi kẻ xấu thái quá của một số người xuất phát từ sự không hiểu biết của họ đối với quy định của UNHCR. Đầu tiên có thể khẳng định chắc chắn rằng, tất cả những người xin tị nạn tại UNHCR mà nhập cảnh hợp pháp vào Thái qua cửa khẩu, đều được UNHCR tiếp nhận hồ sơ bình thường, và họ vẫn có cơ hội được chấp nhận là Refugees như những người vượt biên khác. Bằng chứng là đã có những gia đình người Việt như gia đình ông Phạm Bá Huy và bà Phạm Thị Phượng sang Thái bằng hộ chiếu và đã được công nhận tị nạn. Đặc biệt mỗi năm có hàng ngàn người da đen Châu Phi xin tị nạn có hộ chiếu và visa nhập cảnh Thái. Rất nhiều người trong số họ đã được công nhận là Refugees.
Khi một người đến trình diện UNHCR, chỉ riêng việc họ được tiếp nhận hồ sơ (có hộ chiếu và visa nhập cảnh), đã cho thấy UNHCR không có sự phận biệt giữa những người có hộ chiếu và những người không có hộ chiếu. Thậm chí đối với những người không có bất kỳ một mảnh giấy tùy thân nào vẫn được UNHCR tiếp nhận hồ sơ. Đây là những nét nổi bật thể hiện tinh thần nhân đạo của UNHCR. Nhưng nếu ai đó nhập cảnh hợp pháp mà lại nói dối là vượt biên thì đây sẽ là điểm đầu tiên bị các luật sư của UNHCR đánh giá về độ tin cậy. Vì vậy không nên dại dột khai gian dối mà làm gì…
Nếu ai đó có hộ chiếu từ trước khi mình bị đàn áp và gặp nguy hiểm tại Việt Nam thì đương nhiên, nếu họ không bị công an tịch thu mất hộ chiếu trước khi đi tị nạn, họ hoàn toàn có thể dùng hộ chiếu đó để xuất ngoại. Trong khi họ chưa có lệnh truy nã thì công an không hơi đâu mà chặn bắt họ tại cửa khẩu đường bộ (đường bộ có độ kiểm soát an ninh không cao, vì số lượng người qua lại biên giới liền kề rất đông). Riêng đường hàng không thì chắc chắn là những thành phần “có vấn đề” sẽ khó mà qua được cửa khẩu tại các sân bay của Việt Nam…
Sự thật thì hiện nay có rất ít người Việt tị nạn tại Thái được UNHCR công nhận tư cách tị nạn, bởi vì rất nhiều người đã không có đủ tiêu chí của một người tị nạn, đơn giản là như vậy. Một kinh nghiệm “xương máu” cho thấy: Người mới đến Thái xin tị nạn không nên vội tin vào bất cứ thành phần nào, ngoài người thân của mình. Những kẻ xưng danh tôi là thế này thế khác đều là lũ giả dối hết. Chúng ta nên tự làm đơn (bằng tiếng Việt) nộp UNHCR vì trong đó Cao Ủy đã có rất nhiều nhân viên dịch thuật có nghiệp vụ cao. Nếu có thể thì hãy tìm cách tiếp cận với những tổ chức chính quy có trách nhiệm giúp người tị nạn như BPSOS; JRS; AAT vv… Họ sẽ được các luật sư của những tổ chức nhân đạo chuyên giúp người tị nạn này giúp đỡ mà không cần phải lo sợ mình bị tiết lộ thông tin cá nhân ra ngoài...
Cũng xin nhấn mạnh là, kể cả các tổ chức như BPSOS, JRS, AAT vv.., cũng không có khả năng biến một người không có đủ tư cách tị nạn thành một người được UNHCR công nhận là Refugee. Họ chỉ có thể giúp người xin tị nạn lập hồ sơ cá nhân sao cho có trình tự khoa học, tìm kiếm và khớp nối các sự kiện có thật để các luật sư của UHCR dễ hiểu mà thôi. Cho nên những ai ngụy tạo hồ sơ chứng cứ thì sẽ không thể trông chờ vào bất kỳ một sự may mắn nào…
Hãy đừng sợ hãi! Đó là thông điệp người viết muốn gửi gắm đến những người Việt tị nạn tại Thái đang bị kẻ xấu khống chế. Đây là Thái Lan – một quốc gia tự do dân chủ rồi, chứ không còn là ở Việt Nam nữa. Những kẻ xấu kể trên nếu không phải là chó săn của công an Cộng Sản thì cũng chỉ là phường cặn bã đê tiện mà thôi. Bạn sẽ được đối xử công bằng tại UNHCR đó là điều chắc chắn! Nhưng đương nhiên những người không đủ tư cách tị nạn, nhất là những kẻ giả mạo giấy tờ, hoặc đơn thuần là tị nạn kinh tế thì sẽ không bao giờ có thể đạt được mục đích không đúng đắn của mình!
Lê Nguyên Hồng
Theo blog Công Dân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.