Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2014

CHUYỆN ĐỜI VÀ MỐI TÌNH THỦY CHUNG CỦA VỢ CHỒNG TRUNG TÁ HẢI QUÂN VIỆT NAM CỘNG HÒA - NGỤY VĂN THÀ

“Những ngày giáp tết tôi nhớ ổng hơn bao giờ hết. Nỗi nhớ này tôi chỉ biết giấu kín trong lòng suốt 40 năm qua” - bà Huỳnh Thị Sinh, góa phụ của trung tá Việt Nam Cộng Hòa Ngụy Văn Thà - giọng ngắt quãng khi nhớ về người chồng của mình.

Bà Huỳnh Thị Sinh - Ảnh: Trung Hiếu
Bà Huỳnh Thị Sinh - Ảnh: Trung Hiếu 
Ngày 16.1 này, nếu còn sống ông Thà tròn 71 tuổi nhưng trái tim của người sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa đã ngừng đập cách đây 40 năm, vào ngày 19.1.1974, khi Trung Quốc xua tàu cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
“Làm vợ anh nhé”
Năm 1965, Huỳnh Thị Sinh tròn 17 tuổi. Khi đó Sinh đang là nữ sinh Trường trung học Nguyễn Bá Tòng ở đường Bùi Thị Xuân, quận 1 (Sài Gòn).
Qua nhóm bạn, Sinh làm quen với chàng sĩ quan mới ra trường Ngụy Văn Thà. Khi đó Thà vừa tốt nghiệp khóa 12 Trường sĩ quan Hải quân ở Nha Trang và đang là thiếu úy đóng quân ở Giang đoàn 23 tít tận Vĩnh Long.
Yêu nhau được chừng hơn một năm, hai người xin phép gia đình làm lễ cưới. Bà Sinh nhớ lại: “Mang tiếng là sĩ quan hải quân nhưng anh Thà hiền lành lắm. Ảnh ít nói. Hồi mới quen, đến nhà tôi chơi anh chỉ chào hỏi dăm ba câu rồi vào giúp mấy đứa em tôi học bài”.

Ông Ngụy Văn Thà và bà Huỳnh Thị Sinh khi mới quen nhau - Ảnh chụp lại ảnh tư liệu gia đình

Tôi hỏi có bạn trai ít nói như thế, vậy ai là người ngỏ lời cầu hôn trước, bà Sinh mỉm cười nói tiếp: “Có ai cầu hôn ai đâu. Khi đó tôi mới học xong cấp ba còn nhút nhát lắm. Một bữa chỉ có hai đứa, ảnh mở lời rằng em làm vợ anh nhé. Để anh về nói ba xin phép đến hỏi cưới. Lúc đó mình cũng thương thầm ảnh nên gật đầu đồng ý. Từ nhỏ đến lớn tôi chỉ quen mình anh thôi. Rồi lấy nhau luôn”.
Cưới nhau xong, cặp vợ chồng trẻ Thà - Sinh chuyển về căn hộ nhỏ của ông Thà ở đường Nguyễn Kim (quận 10). Ở đây, ba người con Ngụy Thị Thu Trang, Ngụy Thị Thu Thủy và Ngụy Thị Thu Tuyết lần lượt ra đời. Thời gian này, ông Thà được điều động về tàu Nhật Tảo HQ-10 với chức vụ hạm trưởng.
Có thể xem đây là quãng thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc đời của bà Sinh dù rằng lấy chồng hải quân nghĩa là bà phải chấp nhận chồng đi xa biền biệt quanh năm.
Ngày ông Thà mất, bà Sinh một mình nuôi ba con nhỏ. Người đứng giữa là cha của ông Thà - Ảnh: chụp lại ảnh tư liệu gia đình
Ngày ông Thà mất, bà Sinh một mình nuôi ba con nhỏ. Người đứng giữa là cha của ông Thà
- Ảnh chụp lại ảnh tư liệu gia đình
“Tôi ở nhà lo nội trợ, chăm ba đứa con, còn ảnh cứ theo tàu đi công tác thường xuyên. Nay ở Đà Nẵng, mai Nha Trang. Vài tháng anh mới về nhà một lần. Lần dài nhất chừng hơn 10 ngày. Những ngày đó anh chỉ ở nhà giúp vợ nấu ăn, giặt đồ. Rảnh rỗi anh dẫn cả nhà đi ăn ốc ở đường Nguyễn Tri Phương, dẫn ba đứa con đi mua giày dép”, bà Sinh kể.
Nằm lại cùng tàu
Đầu tháng 1.1974, khi chiến hạm Nhật Tảo HQ-10 cập bến Bạch Đằng, được đưa vào nhà máy Ba Son sửa chữa, ông Thà có đợt nghỉ phép bên vợ con. Giữa tháng 1.1974, ông có lệnh phải trở về tàu để nhận một nhiệm vụ rất quan trọng.
Tàu Nhật Tảo HQ-10 - Ảnh: chụp lại ảnh tư liệu gia đình
Tàu Nhật Tảo HQ-10 - Ảnh chụp lại ảnh tư liệu gia đình
“Ngày hôm đó, anh xách ba lô chào mẹ con tôi bảo đi Đà Nẵng nhưng đến chiều thấy đứng dưới chung cư kêu tàu hư chưa đi được. Ngày hôm sau lại đi nhưng tàu vẫn hư. Đến ngày thứ ba thì anh đi mãi luôn”, bà Sinh nói.
Sau vài ngày chia tay chồng, báo chí Sài Gòn đưa tin “Hải quân Việt Nam Cộng Hòa đang đánh nhau với Trung Cộng ở Hoàng Sa” nhưng bà Sinh không nghĩ chồng bà có mặt trong trận đánh đó. Thế rồi tới ngày 19.1.1974, cô con gái đầu khi đó 7 tuổi mượn ở đâu tờ báo về ngồi ở cầu thang đánh vần rồi chạy lên kêu: “Mẹ ơi, ba chết rồi”.
Bà Sinh kể tiếp: “Sau đó mấy anh ở Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng Hòa bảo chiều nay tàu HQ-16 sẽ về. Nếu tàu HQ-10 không về thì chắc ông Thà chết rồi. Điều không mong muốn đã đến. Ông Thà mất vào vào ngày 27 tháng Chạp, dịp gần tết. Tôi nghe tin xỉu lên xỉu xuống mấy lần”.
Sau này, bà Sinh gặp lại ông Trần Văn Hà - lính thợ máy trên tàu HQ-10, hiện sống ở Bạc Liêu - được ông Hà cho hay khi tàu tiến ra Hoàng Sa, Hạm trưởng Ngụy Văn Thà dự báo “sẽ có đụng độ lớn với quân đội của Trung Cộng” nên suốt chuyến đi ông dặn cấp dưới chuẩn bị bè và mọi thứ cần thiết khi xảy ra sự cố.
Rồi khi đụng độ, biết không thể đánh lại địch và trước khi tàu HQ-10 chìm, ông Thà đã cho anh em nhảy xuống bè trốn thoát. Còn bản thân ông vẫn bám trụ ở tàu chiến đấu đến cùng trước khi trúng đạn và trút hơi thở cuối cùng ngay trên đài chỉ huy.
“Tên anh được nhắc một cách trang trọng”
Thời gian sau khi chồng mất là một chuỗi ngày vất vả đến với người vợ trẻ khi một mình nuôi ba người con thơ dại. Thời gian đầu mọi thứ đồ đạc trong nhà lần lượt “đội nón ra đi” để lo cho cuộc sống của bốn mẹ con nheo nhóc.
“Bên nội anh Thà không dư dả gì, mỗi người lại phân tán một nơi nên không giúp đỡ mẹ con được nhiều. Mẹ con tôi phải về ngoại để ông bà ngoại giúp đỡ”, bà Sinh nói.
Rồi bà mẹ trẻ vì đàn con phải gồng mình vượt qua nỗi đau. Sau ngày 30.4.1975, bà Sinh được giới thiệu đi làm ở một hợp tác xã nhưng như bà nói “thu nhập không làm những đứa con hết đói”.
Bà Sinh trong lần ra Hà Nội dự lễ kỷ niệm 40 Hải chiến Hoàng Sa do Trung tâm Minh Triết tổ chức - Ảnh: chụp lại ảnh tư liệu gia đình
Bà Sinh trong lần ra Hà Nội dự lễ kỷ niệm 40 Hải chiến Hoàng Sa do
Trung tâm Minh Triết tổ chức - Ảnh chụp lại ảnh tư liệu gia đình
Ngoài nỗi cơ hàn, những năm sau 1975, bà Sinh còn phải đối diện với những lời kỳ thị bởi bà là vợ của “sĩ quan chế độ cũ”. “Tôi vẫn nhớ mãi và biết ơn vì lời nói của ông bí thư chi bộ khi đó, là đừng dồn người ta vào chân tường khi ổng chứng kiến cảnh nhiều người công kích mình”, bà Sinh nói.
Hiện nay, trong ba người con của bà Sinh, một người theo chồng ở tận Tây Ninh, hai người con nhà ở Tân Phú thi thoảng vẫn ghé thăm và cho mẹ ít tiền mua quà. “Mấy đứa đều làm công nhân nên cuộc sống vẫn chưa hết cơ cực”, bà nói.
Nỗi gian truân của bà góa phụ Huỳnh Thị Sinh vẫn chưa dừng lại khi năm 2009, căn hộ chung cư bà và chồng bà mua trước năm 1975 ở đường Nguyễn Kim xuống cấp, phải giải tỏa xây mới. Nhà đầu tư đưa ra ba phương án đền bù, bà Sinh chọn phương án nhận 546 triệu đồng và đăng ký mua một căn hộ tái định cư. Tuy nhiên, thông tin trên báo chí cho hay căn nhà mới sẽ có giá 1,3 tỉ đồng. Như thế, muốn có căn nhà mới bà Sinh phải đóng thêm 959 triệu, sau khi đã trừ phần đền bù.
Số tiền đó quá lớn và vượt sức tưởng tưởng với một người như bà. Hiện bà Sinh đang phải về lại ngôi nhà cũ của cha mẹ để lại, sống chung với bốn gia đình người em.
“Ai đến thăm cũng muốn thắp nén nhang cho ông Thà nhưng nhà này của mấy người em nên không tiện lập bàn thờ. Nhiều lúc nghĩ cũng tủi thân lắm”, bà Sinh nói.
Mới đây bà Sinh được Trung tâm Minh Triết mời ra Hà Nội dự lễ tưởng niệm 40 năm Hải chiến Hoàng Sa do trung tâm này tổ chức. Lần đầu tiền trong đời bà được đi máy bay và ra Hà Nội.
“Nhưng không gì an ủi bằng sau 40 năm kể từ ngày Hải chiến Hoàng Sa, tên tuổi của anh Thà được nhắc tại một buổi lễ hết sức trang trọng. Mỗi lần nhắc lại cũng đau lòng lắm nhưng tôi vẫn luôn vinh hạnh vì anh Thà đã góp máu thịt của mình bảo vệ Hoàng Sa, bảo vệ vùng đất thiêng liêng của đất nước”, bà Sinh nói.
Trung Hiếu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.