Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2014

Thái Lan: 'Hoãn bầu cử là hợp pháp'

Tòa Hiến pháp Thái Lan vừa phán quyết rằng cuộc bầu cử dự kiến vào ngày 02/02 có thể được hoãn theo luật định.
Tuy nhiên tòa án cũng nói mọi đình hoãn phải được ủy ban bầu cử và Thủ tướng Thái Lan thông qua.
Ủy ban bầu cử cho rằng cuộc bỏ phiếu nên được hoãn do bất ổn chính trị, trong khi chính quyền kiên quyết bầu cử vẫn nên được tiến hành như đã định.

Chính quyền bà Yingluck kiên quyết muốn bầu cử diễn ra như đã định

Thái Lan vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp sau khi người biểu tình xuống đường kêu gọi thủ tướng Yingluck Shinawatra từ chức.
Những người biểu tình bắt đầu chiến dịch từ tháng 11/2013 muốn thiết lập một "hội đồng nhân dân" để điều hành đất nước cho tới khi hệ thống chính trị được thay đổi.

Người biểu tình nói chính phủ của bà Yingluck Shinawatra bị kiểm soát bởi anh trai bà, cựu thủ tướng bị phế truất, ông Thaksin, và yêu cầu nữ thủ tướng phải từ chức.
Bà Yingluck vẫn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ ở các vùng nông thôn, đã kêu gọi bầu cử bất thường vào ngày 02/02 nhằm đáp lại các cuộc biểu tình – nhưng phe đối lập vẫn quyết tẩy chay.
Ít nhất chín người đã thiệt mạng kể từ khi làn sóng biểu tình nổ ra hồi năm ngoái.
Cả phe ủng hộ chính quyền - các nhà hoạt động 'áo đỏ' - và phe biểu tình chống chính quyền trách lẫn nhau là gây ra bạo lực.
Ủy ban bầu cử và đảng đối lập chính, đảng Dân chủ đã kêu gọi chính phủ hoãn bầu cử, nói rằng các vụ biểu tình đang diễn ra khiến thực hiện bầu cử tự do và công bằng trở nên quá khó khăn.
Tuy nhiên chính phủ nói không có cơ sở pháp lý nào để trì hoãn do hiến pháp quy định rằng phải có một cuộc bầu cử trong vòng 45 - 60 ngày sau khi giải tán quốc hội.
Khẩn cấp
Chính quyền bà Yingluck kiên quyết muốn bầu cử diễn ra như đã định
Lần cuối có tình trạng khẩn cấp ở Bangkok là năm 2010.
Khi đó, nhiều người thiệt mạng trong cuộc đàn áp của quân đội.
Thủ tướng thời gian đó, Abhisit Vejjajiva, nay là lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập.
Cái gọi là hoạt động “đóng cửa” Bangkok của phe biểu tình bắt đầu từ ngày 13/1. Họ lập các chốt chặn và biểu tình ở nhiều giao lộ, mặc dù số lượng tham gia đã giảm dần.
Người dẫn dắt phe chống đối, Suthep Thaugsuban, thề sẽ tiếp tục cả khi có tình trạng khẩn cấp.
“Chúng tôi sẽ không ngừng lại,” ông nói.
Một nhà bình luận, Pavin Chachavalpongpun từ Đại học Kyoto của Nhật Bản, nói không rõ những người chống đối có tuân theo luật mới hay không.
“Nhưng nếu ta tin rằng họ muốn kích động bạo lực để tạo điều kiện cho quân đội can thiệp, thì họ sẽ có thể tiến tới và bất tuân quy định khẩn cấp.”
Chiến dịch biểu tình được châm ngòi khi chính phủ Thái định thông qua dự luật ân xá, các nhà chỉ trích cho rằng có thể cho phép ông Thaksin về nước mà không phải chịu án tù vì tội tham nhũng.
Ông Thaksin bị quân đội truất quyền năm 2006, là nhân vật gây chia rẽ sâu sắc – được vùng nông thôn yêu mến nhưng bị rất nhiều người thành thị ghét bỏ, những người đang tham gia phong trào biểu tình.
Cho tới nay những người ủng hộ ông – phe “áo đỏ”, phe đóng cửa một phần Bangkok hồi năm 2010 – vẫn đứng bên ngoài những cuộc biểu tình này. Các nhà phân tích lo ngại rằng chỉ một động thái châm ngòi cũng có thể khiến họ quay trở lại đường phố và có khả năng xảy ra bạo lực.
BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.