Thứ Hai, 18 tháng 6, 2012

Người Việt tị nạn và Hội Tương trợ Di dân & Tị nạn Lutheran

Làn sóng tỵ nạn ồ ạt tới Hoa Kỳ sau ngày 30 tháng Tư năm 1975 đòi hỏi một nỗ lực phối hợp giữa chính phủ liên bang Hoa Kỳ và các tổ chức tư nhân để giúp người tỵ nạn lập lại cuộc sống mới. Câu chuyện Việt Nam tuần này xin được dành để nhắc đến một trong các tổ chức từ thiện đã giúp đông đảo người Việt tỵ nạn trong những ngày đầu tiên chân ướt chân ráo tới Hoa Kỳ. Đó là Hội Tương trợ Di Dân và Tỵ nạn của Giáo Hội Lutheran, mà chúng tôi xin gọi tắt là Hội Lutheran. Hoài Hương phỏng vấn bà Linda Hartke, Chủ tịch và Giám đốc Điều hành của LIRS, để tìm hiểu về chương trình định cư người tỵ nạn Việt Nam.

gày 30 tháng Tư năm 1975, sau khi những người Mỹ cuối cùng rời Việt Nam, hàng trăm ngàn người dân miền Nam đã biểu quyết bằng chân, dứt áo rời bỏ quê hương ra đi. Họ dùng đủ mọi phương tiện, đường không, đường bộ và đường biển. Hàng trăm ngàn người đã thiệt mạng trên con đường tìm tự do. Những người may mắn thoát hải tặc, giông bão, đói khát...tạm dung tại các nước láng giềng ở Á Châu trong khi chờ đi định cư ở một nước thứ Ba. Hội Tương trợ Di Dân và Tỵ nạn của Giáo Hội Lutheran (LIRS) là một trong các tổ chức tư nhân đã giúp người Việt tỵ nạn trong những ngày đầu tiên trên quê hương mới.

Trong câu chuyện với đài VOA, Bà Linda Hartke, Chủ tịch và Giám đốc điều hành, đề cập tới lịch sử của Hội Lutheran:

“Hội Tương trợ Di Dân và Tỵ nạn của Hội Lutheran đến nay đã được gần 75 tuổi. Hội được thành lập vì những quan tâm của Giáo Hội Lutheran ở Hoa Kỳ dành cho những người dời cư, luôn sống trong nỗi lo sợ cho tính mạng của bản thân trong Thế chiến thứ Hai. Thoạt tiên những người được giúp thường là tín đồ của giáo hội, nhưng qua thời gian, những nạn nhân bị đàn áp, buộc phải chạy đi lánh nạn vì chiến tranh, thường không phải là người trong Giáo hội. Vì vậy có thể nói sứ mạng của tổ chức chúng tôi đã đổi và được nới rộng. Tuy vậy mục đích trước sau vẫn được giữ nguyên, đó là chào đón và hỗ trợ những người mới tới đất nước này trong những bước đầu bỡ ngỡ.”


Bà Linda Hartke, Chủ tịch và Giám đốc Điều hành của LIRS
Bà Linda Hartke nói Hội Lutheran đã phát triển lớn mạnh để đáp ứng nhu cầu của đợt người tỵ nạn Việt Nam tới Hoa Kỳ:

Chúng tôi đã học hỏi nhiều điều và đã phát triển lớn mạnh. Rõ ràng chiến tranh Việt Nam và các cuộc tranh chấp khác ở Đông Nam Á là một thời kỳ đầy thử thách đối với Hoa Kỳ và đối với Hội chúng tôi, nhưng một lần nữa, Giáo hội Lutheran đã vươn lên để vượt qua thử thách, Hội đóng vai trò chủ yếu trong việc giúp hàng chục ngàn người tỵ nạn Việt Nam tạo dựng lại cuộc sống mới.”

Như Giám đốc Linda Hartke nói, Hội Lutheran đã giúp vô số người Việt Nam và ngày nay vẫn tiếp tục giúp đỡ những đợt tỵ nạn kế tiếp đến từ các vùng bất ổn khác của thế giới, từ Châu Á, Trung Đông, sang tới Châu Phi.

“Ngày nay, các nhóm tỵ nạn lớn nhất được chúng tôi giúp định cư đến từ Iraq, Miến điện và Bhutan. Ngoài ra chúng tôi cũng đang theo sát tình hình Syria bởi vì có phần chắc là trong tương lai, sẽ có một số người tỵ nạn đến Hoa Kỳ từ nước này.”

Được biết nguồn tài trợ cho Hội Tương trợ Di Dân và Tỵ nạn của Giáo Hội Lutheran đến từ nhiều nguồn, phần lớn từ các giáo hội Lutheran khắp nơi và những đóng góp của nhiều cá nhân trên khắp nước Mỹ. Bà Linda Hartke cho biết ngoài ra, Hội còn được sự bảo trợ của một số hội đoàn và công ty, và quan trọng hơn, được sự tài trợ  đáng kể từ chính phủ liên bang.

Về mối liên hệ đặc biệt giữa người Việt và Hội Lutheran, bà Linda Hartke nhắc đến ngày 30 tháng Tư như một mốc điểm quan trọng cho cả người tỵ nạn lẫn cho Hội Lutheran. Theo bà, biến cố 30 tháng Tư đã động viên giáo hội Lutheran một cách chưa từng thấy.

“Hội Lutheran sát cánh với người tỵ nạn Việt Nam vào lúc cộng đồng tưởng niệm ngày 30 tháng Tư. Chúng tôi cảm thấy biết ơn về sự hiện diện của người Việt Nam trên đất nước này, và cùng mừng tương lai tươi sáng của người Việt tỵ nạn trên đất Mỹ. Nước Mỹ hùng cường hơn, tốt đẹp hơn, nhân hậu và đa dạng hơn nhờ ở sự hiện diện của những người tỵ nạn, kể cả người tỵ nạn Việt Nam.”

Bà Hartke nói đoạn kết của chiến tranh Việt Nam là dịp nhiều người Mỹ chứng kiến trên màn ảnh tv của chính họ, tác động của một cuộc chiến mà nước Mỹ từng tham gia, cả về mặt quân sự lẫn nhân đạo. Bà cho rằng nhận thức về những hiểm nguy luôn chờ chực những người đã liều mạng bỏ xứ sở ra đi, những thảm họa xảy đến cho nhiều cá nhân, cho các gia đình và trẻ em, đã đánh động lương tâm của người Mỹ.

Bà nói tiếp: "Với nhận thức đó, người Mỹ trên khắp nước cũng như các giáo hội địa phương, qua trung gian Hội Tương trợ Di Dân và Tỵ nạn của Giáo Hội Lutheran, đã mở rộng vòng tay để đón người tỵ nạn. Họ tự hỏi họ có thể làm gì trước cuộc khủng hoảng nhân đạo trước mắt, làm gì để giúp những người liều chết ra đi sau khi Saigòn thất thủ, và làm cách nào để giúp họ tìm lại được cảm giác an toàn và thấy mình được bảo vệ trên đất nước này... ”

Về tiến trình hội nhập của cộng đồng người Việt tỵ nạn tại Hoa Kỳ, bà Linda Hartke nói họ đã vượt qua được vô số thử thách:

“Đối với rất nhiều người, thời gian đầu là một thời gian rất cô độc. Tuy nhiên sự bền bỉ chịu đựng, lòng can đảm, tính chịu khó làm việc, và quyết tâm của người Việt tỵ nạn khi tới nước này thật đáng ngưỡng phục, và là nguồn cảm hứng cho những người khác. Sự thành công của người tỵ nạn Việt Nam trên đất nước này đã quá rõ ràng.”

Sự thành công đó, theo bà Hartke có thể được đo lường bằng nhiều cách, từ thành quả do các em học sinh, sinh viên Việt Nam đạt được tại các trường học, con số các chủ doanh nghiệp người Việt có khả năng mướn nhiều công nhân viên vào làm việc, và đông đảo người Việt khác tới đất nước này với hai bàn tay trắng, nay đã thành đạt ngoài dự tưởng, họ đã trở thành các nhà lãnh đạo cộng đồng ở các địa phương, và đang kiếm cách đáp ơn xã hội đã từng cưu mang họ.

“Chúng tôi thừa nhận vai trò lãnh đạo của cộng đồng Việt Nam, trong tư cách các chủ doanh nghiệp, những người mướn người làm việc, họ đã đóng góp đáng kể cho nền kinh tế Hoa Kỳ, và chúng tôi biết là họ rất sẵn sàng giúp đỡ và hỗ trợ những người tỵ nạn khác, như họ, đã tới đất nước này để lập lại cuộc sống mới.”

Nha sĩ Hoàng Nguyễn ở California là một trong những người tỵ nạn đã được Hội Lutheran giúp đỡ cách đây hơn 30 năm khi ông tới thành phố New York vào giữa mùa Đông năm 1979. Lúc ấy chỉ mới lên 8, song ông còn nhớ rõ nghĩa cử của một phụ nữ trong Hội.

Bác Sĩ Hoàng: “Cái mà tôi không quên được là một người đàn bà Mỹ, khi tôi chạy vào một tòa building rồi, đứng lạnh run thì bà tới đưa cho cái áo lạnh mùa Đông, choàng qua cho mình. Lúc đó tôi có cảm tưởng như có một thiên thần tới giúp tôi. Bà ấy đưa áo cho tôi mặc rồi xoa cho tôi ấm lại. Chung quanh cũng có khá đông người, họ tới để giúp mấy người tỵ nạn. ”

Hội Tương trợ Tỵ nạn và Di dân Lutheran (LIRS) mới đây tìm cách nối kết lại với những người Việt tỵ nạn đã được Hội giúp đỡ mấy thập niên về trước. Giám đốc điều hành của Hội Lutheran  kêu gọi người Việt Nam hãy gia nhập Hội Ái hữu Người Tỵ nạn Lutheran để chia sẻ, kết nối với những người tỵ nạn khác, và tiếp tay giúp đỡ những người mới tới. Muốn biết thêm chi tiết, xin quý vị truy cập trang web www.lirs.org/alumni.  

‘Câu chuyện Việt Nam’ do Hoài Hương phụ trách đến đây đã kết thúc, mời quý vị đón nghe chương trình này, được phát thanh vào lúc 10 giờ tối thứ Bảy mỗi tuần. Quý vị có thể bình luận về đề tài hôm nay, đọc các tin tức mới nhất, xem các phóng sự video, bình luận, và trao đổi với các độc giả khác trên trang web của chúng tôi ở địa chỉ www.voatiengviet.com hoặc trên các trang web xã hội Facebook, Twitter và Yahoo 360 plus. Hoài Hương xin cám ơn sự theo dõi của quý thính giả và xin hẹn gặp lại quý vị trong chương trình tuần sau

ST
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.