Thứ Hai, 18 tháng 6, 2012

VƯỢT BIÊN

Từ Trại Tù Cải Tạo Số 3 Tân Kỳ, ở vùng núi Nghệ Tĩnh, năm 1981, tôi được chuyển về Nam với gần 300 người cùng số phận trên một chuyến xe lửa. Ở trại tù Hàm Tân đến ngày 22/3/1984, tôi được lệnh thả về nhờ sự xoay sở của gia đình. Đáng lý, tôi phải chịu thêm “một lệnh tập trung cải tạo 3 năm” nữa mới hy vọng ra khỏi trại giam theo tiêu chuẩn của Việt Cộng. Năm 1978, khi còn ở trại tù Hoàng Liên Sơn, trong lá thư đầu tiên được gởi về cho gia đình, tôi tự thấy không có ngày về nên đã nhắn với gia đình tìm cách vượt biên bằng câu: “Hãy đi khu kinh tế mới với bà chị của tôi,” trong khi bà chị tôi đã sang Mỹ từ năm 1969. Sau đó bẵng đi cả năm sau tôi mới được tin vợ con tôi đã vượt biên và định cư tại Virginia với bà chị của tôi, năm 1979. Đứa con gái lớn của tôi mới 10 tuổi và đứa em vừa 5 tuổi.

Tính ra tôi ở tù cộng sản gần trọn 9 năm với 5 năm ngoài Bắc và 4 năm trong Nam. Giấy Ra Trại buộc tôi phải trở về Đà Lạt với cha tôi vì gia đình tôi ở Sài Gòn đã vượt biên từ năm 1978. Tôi phải quay về Đà Lạt để thăm gia đình. Ba tôi xoay sở cho tôi chứng nhận của công an là tôi đã rời khỏi địa chỉ này từ năm 1963 để tôi quay về lại Sài Gòn tìm cách vượt biên. Tôi chưa có quyền công dân và còn chịu chế độ quản chế của công an ít nhất 6 tháng. Hằng ngày tôi phải mang cuốn tập giấy 100 trang vào trình diện công an khu vực với tường trình đã làm việc gì trong ngày đó.

Hai tháng sau ngày ra tù, số phận đẩy đưa, một hôm trên đường đạp chiếc xe mượn được quanh thành phố Sài Gòn tìm thăm bạn bè, chợt một người trung niên với nước da ngâm đen và gương mặt “bụi đời” xắn ngang trước đầu xe tôi, ngay trên đường phố Phan Thanh Giản. Khi tôi còn ngạc nhiên chưa biết chuyện gì, chàng ta cười như đắc thắng và nói: "Ông không biết tôi là ai đâu, nhưng tôi biết ông là Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 4 TQLC.” Vẫn bình tĩnh tôi im lặng chờ. Anh ta vui vẻ xuống xe nói: “Ghé vô sạp cà phê bên này rồi nói chuyện tiếp.” Sau đó, anh ta tự giới thiệu là một thượng sĩ trong trường Thiếu Sinh Quân (TSQ) ở Vũng Tàu, đối diện với hậu cứ của Tiểu Đoàn 4 TQLC, đã biết và nghe nhiều chuyện về tôi lúc còn làm tiểu đoàn trưởng. Chuyện trò dần dà đến khi tôi nhận ra anh là “phe ta” tôi mới thú thật tôi đang tìm đường vượt biên vì gia đình đang ở Mỹ. Lúc ấy, anh ta mới cho tôi tên và địa chỉ của người chị ruột để liên lạc theo chân vượt biên. Lo ngại tôi bị bắt khi đến những nơi nằm chờ, anh ta hứa sẽ đưa tôi thẳng xuống ghe lớn. Tôi phải ra chợ tìm mua một bộ quần áo công nhân màu xanh của miền Bắc.

Về sau này, tôi mới được biết ông thượng sĩ TSQ này có cậu ruột làm quận ủy Quận 4 đã đứng ra tổ chức vượt biên. Tôi không tìm hiểu thêm nhưng đã cảm nhận được tình cảm chân thành của một chiến hữu xuất thân từ Thiếu Sinh Quân đối với tôi.

Vào một buổi chiều ngày 30/ 4/1984, vào khoảng 7 giờ tối, đột nhiên anh ta xuất hiện và hối thúc tôi mang túi nhỏ hành trang leo lên chiếc xe gắn máy Honda chỉ trong vòng 5 phút. Tôi đã chuẩn bị tất cả và luôn ở trong tư thế “sắp sẵn” của một hướng đạo sinh. Anh này chở tôi chạy vùn vụt trong cảnh Sài Gòn còn nhá nhem vì thiếu điện. Dù đi đâu tôi cũng quan sát kỹ, anh ta vượt qua cầu Trịnh Minh Thế lên đường chạy dọc theo thương cảng Sài Gòn. Vừa vượt qua cầu Tân Thuận, xe rẽ tay mặt rồi chạy thẳng vào một chiếc tàu sắt loại chở hàng duyên hải. Không nói gì nhiều, anh ta ngoắc tôi đi theo xuống tàu, bước thẳng vào buồng máy và nói lớn với một người được xem là thợ máy tàu: “Anh này là công nhân của tàu. Mấy anh sắp đặt cho ông ta.” Thế là anh quay ngoắt người bỏ đi để tôi không kịp chào hay cám ơn nữa.

Tôi được biết anh thợ máy nguyên là Hạ Sĩ Quan Hải Quân phục vụ trong giang đoàn. Chủ tàu có con trai trước 75 đi lính Địa Phương Quân cùng vượt biên với vợ, mang theo một khẩu súng M16 giấu lại sau ngày 30 tháng 4. Nhóm tổ chức vượt biên gồm Việt Võ Đường và gia đình của họ. Tôi một mình đơn chiếc liều thân đánh một canh bạc “nhất chín nhì bù”. Với ngoài 40 tuổi đời, tôi biết mình không thể sống nổi dưới chế độ cộng sản bạo tàn. Vợ con đã vượt biên qua Mỹ từ đầu năm 1979. Anh thượng sĩ TSQ này đã cho tôi đi với giá 3 cây vàng nhưng không phải đóng trước một đồng nào, khi qua tới đảo gia đình mới trả tiền. Em gái của tôi bên Pháp đã gởi tiền về nuôi tôi sau ngày ra tù nhưng cô ấy nhất quyết không cho tôi vượt biên vì sợ nguy hiểm. Dù vậy tôi cũng nhất quyết ra đi bởi cuộc sống chẳng còn ý nghĩa gì sau ngày nước mất nhà tan.

Trong túi xách tay nhỏ, tôi mang theo hai bộ đồ lót, chiếc quần Jean còn sót lại sau ngày du học Hoa Kỳ trở về năm 73, một mảnh giấy mang lý lịch trên tập sách kỷ niệm sau ngày tốt nghiệp khóa Chỉ Huy và Tham Mưu của TQLC Hoa Kỳ, tại Quantico, và tờ Giấy Ra Trại với tội danh là Tiểu Đoàn Trưởng TĐ4/TQLC Ngụy. Tôi gặp nhiều rắc rối với tội danh này khi về trình diện tại địa phương. Nhưng ở trại tạm cư vượt biên đây là một bằng chứng cụ thể nhất để xin đi định cư ở Hoa Kỳ. Dù vậy tôi cũng chuẩn bị cho mình một lý lịch giả lấy tên của một người anh chú bác đã chạy sang Mỹ từ năm 1975 để ngừa trường hợp bị bắt lại. Sau gần 9 năm tù cải tạo trở về, tôi gầy nhom. Mấy tháng ra tù cũng chẳng phục hồi được bao nhiêu vì chẳng khác nào từ nhà tù nhỏ ra nhà tù lớn.

Lay hoay phụ dọn dẹp dưới tàu đến khoảng sau 10 giờ đêm tôi nghe họ nhổ neo rời bến. Bỗng dưng, trong giờ phút ấy lòng tôi chợt dậy lên nổi buồn đau thắt vì từ nay không biết đến bao giờ mới trở lại quê hương. Quê hương mà chính tôi cũng đã đổ máu xương để bảo vệ. Quê hương với bao người thân, với những mảnh đất thân yêu suốt trên những chặng đường hành quân ngày nào, từ mủi Cà Mau ra tận Gio Linh, Quảng Trị. Quê hương với thành phố Đà Lạt sương mù đầy thơ mộng nơi tôi được sinh ra và lớn lên. Chính vì tình quê hương ấy đã thúc đẩy tôi vội vã rời Trường Chỉ Huy và Tham Mưu của TQLC Hoa Kỳ tại Quantico, Virginia, trở về với cuộc chiến ngày càng tàn khốc trên khắp mọi nẻo đường quê hương. Bấy giờ đã 10 năm sau ngày vội vã tìm đường trở về từ Hoa Kỳ, tôi phải lìa bỏ ra đi để tìm lại gia đình và tìm lại bản thân của mình sau những năm dài chinh chiến, sau những năm tháng tù tội khủng khiếp.

Những điều về chủ tàu và nhóm người vượt biên mãi vài năm sau ngày định cư ở Virginia tôi mới được biết. Từ ngày đặt chân xuống tàu ra đi, tôi chẳng quen biết một ai và cũng muốn giữ kín lý lịch để ngừa trường hợp bị VC bắt lại.

Chiếc tàu rời bến lặng lẽ trong đêm không một ánh đèn. Đến khoảng 10 giờ đêm, chợt nghe tiếng người lao xao kèm theo tiếng động dội trên thành tàu, tôi nghe tiếng người hối thúc: “Chạy ra đón người từ ghe nhỏ lên tàu”. Trong bóng tối đen như mực, tôi nhào người ra boong tàu vừa lúc người và đồ vật lao xuống từ thành tàu. Tôi vội đưa tay ra đỡ, không nhìn ra được ai là ai. Tuy hỗn loạn nhưng không ai dám lớn tiếng. Cả hai bên bờ thành tàu đều có người nhảy xuống trong đêm tối. Chiếc tàu vẫn chạy với tốc độ chậm trên sông Sài Gòn. Tất cả những lao xao, hỗn loạn chợt ngưng hẳn sau độ nửa giờ đồng hồ trôi qua. Tôi mò trở về góc tạm trú dưới buồng máy tự dỗ mình vào giấc ngủ.

Vốn xuất thân là một người lính Thủy Quân Lục Chiến nên tôi rất quen thuộc với những chuyến hành quân đổ bộ trên tàu. Năm 1971, tôi cũng đã có dịp xuống thực tập dưới một chiếc tàu ngầm nguyên tử của Mỹ ở Okinawa. Năm 1972, tôi cũng có dịp làm Sĩ Quan Liên Lạc trên Hàng Không Mẫu Hạm Entrerprise của Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ. Bây giờ vượt biên trên một chiếc tàu chở hàng nhỏ với hơn 50 người. Thiếp đi một giấc đến sáng, tôi bò lên boong tàu xem xét thì thấy mình đang ở giữa biển cả mênh mông. Nghe tài công nói tàu chưa ra ngoài vùng biển quốc tế. Tàu còn có thể bị truy nã và bắt quay về Vũng Tàu. Tôi cũng chẳng bận tâm mà để mặc cho số phận.

Trời trong sáng và biển lặng êm. Tàu chạy khá nhanh so với tàu đổ bộ LCU của Hải Quân Cọng Hòa. Tôi tìm một góc vắng trên boong tàu và dỏi mắt quan sát. Như thế là tàu đang chạy về hướng Nam. Nếu tàu chạy xa đất liền chắc sẽ gặp một hòn đảo của Nam Dương hoặc Mã Lai. Ngược lại, sát vào duyên hải độ vài hải lý, thế nào tàu cũng phải gặp Hòn Khoai hay Phú Quốc. Tuy Hải Quân của Việt Cộng lúc ấy rất yếu nhưng chúng có thể dùng ghe đánh cá với trang bị AK47 và Thượng Liên để khống chế được. Những ý tưởng này chỉ nằm trong đầu của tôi vì tôi chẳng có tư cách gì trên tàu và cũng muốn che giấu lý lịch của mình khi thấy còn trong tầm tay của VC.

Quả thực, sau một ngày và một đêm ngoài biển cả, sáng sớm hôm sau có nhiều người la lớn: “Đất liền! Đất liền!” Khi chạy lên boong, nhìn về phía Đông, tôi thấy khoảng 3, 4 chiếc ghe đánh cá đang dàn hàng ngang nhắm chiếc tàu xông tới. Rồi có người la lớn: “Ghe VC! Đổi hướng chạy mau!” Lập tức, chiếc tàu quay hướng ngược lại chạy hết tốc lực. Một thời gian ngắn đoàn ghe đánh cá biến mất ở cuối mặt biển chân trời. Ai nấy thở phào, mừng rỡ.

Tàu tiếp tục chạy suốt ngày thứ ba cho đến gần nửa đêm mới ngừng máy khi thấy một giàn khoang dầu trước mặt. Nghe nói nhóm tổ chức vượt biên quyết định chạy tiếp. Trời vừa rạng hừng đông, bất chợt tàu ngừng hẳn giữa biển cả mênh mông. Nghe nói máy tàu bị hư và còn rất ít dầu. Có vài chiếc tàu buôn lớn xuyên đại dương chạy ngang trong tầm mắt. Cả tàu, già trẻ lớn bé xô nhau lên trên boong kêu la và phất khăn áo trắng cầu cứu. Chẳng thấy có một chút quan tâm. Tôi biết mình đã đến hải phận quốc tế. Nhìn quanh chỉ thấy biển cả chênh vênh. Đã quen chịu đựng những năm tháng đói dài trong 5 năm tù ngoài Bắc nên tôi không nghĩ gì ngoài việc tìm lối thoát dù đang bị kẹt cứng trên chiếc tàu chết máy.

Mãi đến khi mặt trời đứng bóng, chợt một chiếc tàu buôn mang cờ Nam Dương xuất hiện từ hướng Đông chạy tới trong tiếng reo hò mừng vui của người vượt biên trên tàu. Chiếc tàu Nam Dương khổng lồ cặp sát bên hông chiếc tàu hỏng máy. Nhiều tiếng người la lớn réo gọi: “Ai nói được tiếng Anh lên gấp!” Tôi chen chân chạy lên. Từ trên bờ thành cao, một người tay cầm loa nói xuống: “Các anh cần gì. Tôi muốn gặp người nói tiếng Anh.” Tôi vừa đưa tay cao lên vừa nói lớn: “Tôi đây. Chúng tôi lánh nạn CS Việt Nam. Tàu bị hư máy và thiếu mọi thứ!” Trên loa có tiếng đáp xuống: “Tôi là Thuyền Trưởng Hải Dương Hạm Nam Dương. Chính phủ tôi không có chính sách cứu người vượt biên từ Việt Nam. Nhưng chúng tôi sẵn sàng giúp các anh. Tôi sẽ cho thợ máy xuống giúp sửa máy và cho một ít tiếp liệu. Từ đây, các anh chỉ cần chạy theo hướng… độ 3 tiếng đồng hồ sẽ đến hòn đảo gần nhất của Nam Dương.” Tôi đáp: “Xin cám ơn quý vị rất nhiều. Chúng tôi sẽ làm theo sự chỉ dẫn của ông.”

Ngay sau đó, một người thợ máy leo thang xuống rồi vào thẳng buồng máy. Trong khi ấy, từ trên boong tàu buôn, tháp câu từ từ thả xuống 2 thùng dầu cặn cở 100 lít, một bành thực phẩm và thức ăn. Nhóm tổ chức vượt biên đã nhanh nhẹn thu nhận về nơi của họ. Tôi không còn ngần ngại, chạy lên buồng lái, nói với người lái tàu: “Tôi là một sĩ quan TQLC. Theo ông thuyền trưởng cho biết anh lấy hướng phương giác… rồi chạy độ 3 tiếng đồng hồ sẽ gặp một đảo nhỏ của Nam Dương.” Anh lái tàu gật gật đầu có vẻ nhận hiểu. Tôi liếc thấy có chiếc hải bàn trước bánh lái. Một người trẻ tuổi ngồi gần có vẻ chủ tàu còn ôm trong người một khẩu carbine M1 với băng đạn. Không nói gì thêm tôi quay về chỗ của mình. Chỉ trong vòng chưa tới một giờ sau nghe máy tàu nổ và người thợ máy Nam Dương đã leo trở về tàu buôn. Tự dưng tôi thấy lòng mình nhẹ nhàng phơi phới. Tàu khởi hành ngay sau đó. Tôi yên chí tìm chỗ nằm. Chẳng thấy ai réo gọi gì đến mình. Tôi nghe người ta xì xào trong kiện hàng của tàu Nam Dương cho xuống, ngoài nước uống còn có cả thuốc lá Dunhill nữa. Cũng may, tôi còn được ông bạn trẻ mới tự xưng là Thiếu Úy Địa Phương Quân, cho 1 chén cơm với cá khô kho mặn và một bát nước lạnh. Thế là tôi ngủ vùi đi sau bao ngày thấp thỏm chờ đợi.

Tàu chạy suốt đêm và trọn ngày hôm sau, là ngày thứ 5, cũng chẳng thấy đâu là đất liền. Hỏi ra mới biết có lẽ chủ tàu mua nhầm hải bàn “dỏm” của Chợ Lớn. Sau cùng tôi đề nghị cứ chạy về hướng Nam thế nào cũng đến Nam Dương hay Mã Lai, theo bản đồ trong trí nhớ của tôi. Tất cả nhờ kinh nghiệm và học hỏi từ phong trào Hướng Đạo và chỉ huy đánh trận trong quân đội. Đến rạng ngày thứ Sáu, khi chưa thấy đất liền bỗng có một chiếc tàu đánh cá khá lớn của Nam Dương cặp theo. Chủ ghe Nam Dương nói bằng tiếng Anh khó nghe với đại ý anh ta sẵn sàng kéo tàu về đảo Sian Tan của Nam Dương và xin quyên góp một số tiền Việt Nam của người trên tàu. Hóa ra, theo lệnh của tổ chức Liên hiệp Quốc, tàu đánh cá nào kéo được tàu vượt biên Việt Nam vào bờ sẽ được trọng thưởng. Thế là tàu được kéo mãi tới chiều tối mới cập vào cảng của đảo Sian Tan, Nam Dương, trước mũi súng chờ đợi của quân đội Nam Dương trên bờ. Dưới ánh đèn pha chiếu sáng, mọi người trên tàu đi hàng một lên trước họng súng canh gác của quân đội Nam Dương. Từ cầu tàu đi bộ về một ngôi trường tiểu học và được chia ra vào hai phòng học với nam và nữ riêng. Tất cả đều phải lột hết quần áo ra để chịu sự khám xét.

Khi đến gần một người ngồi sau một chiếc bàn có vẻ sĩ quan, tôi hỏi: “Anh là TQLC hả?” Anh ta nhìn tôi từ đầu đến chân rồi hỏi lại: “Sao anh biết?” Tôi đáp: “Nếu ở đảo, anh không là Hải Quân thì là TQLC.” Hắn cười và gật đầu. Tôi hỏi tiếp: “Trong TQLC, anh có biết Trung Tá Herman Mujirun không?” Anh chợt đứng lên nhìn tôi đầy vẻ ngạc nhiên: “Sao anh biết?” Tôi đáp: “Tôi học chung cùng khóa Chỉ Huy và Tham Mưu của TQLC Hoa Kỳ với Trung Tá Herman Mujirun năm 1972 và 1973, tại Quantico, Virginia, Hoa Kỳ”.

Anh ta tươi cười và đưa tay bắt tay tôi, nói: “Tôi là Trung Úy… TQLC Nam Dương. Trung tá Herman Mujirun bây giờ là Trung Tướng Tư Lệnh TQLC Nam Dương.” Tôi đáp: “Nếu được, anh vui lòng tin cho ông ấy biết tôi là … TQLC Việt Nam đang lánh nạn CS Việt Nam.”

Mười năm sau ngày rời căn cứ TQLC Hoa Kỳ tại Quantico, Virginia, trở về Việt Nam, tôi đã trở thành kẻ chiến bại với gần trọn 9 năm tù đày CS. Người bạn học cùng khóa từ Nam Dương nay đã lên trung tướng làm Tư Lệnh TQLC. Dĩ nhiên tôi không trông đợi gì từ ông ta nhưng dù sao ông cũng còn thân thiết với tôi hơn những người cùng máu mủ Việt Nam theo chủ nghĩa CS. Họ đã thẳng tay trừng trị và tiêu diệt chúng tôi ngay sau ngày lấn chiếm miền Nam dưới nguồn tài trợ không ngừng của CS Nga và Tàu. Tôi cũng đã làm trọn bổn phận của một chiến binh gìn giữ miền Nam.

Ngày hôm sau, tôi tìm cách mò ra khu chợ nhỏ gần trường học đổi chiếc chỉ vàng may giấu lận trong lưng quần đùi với giá 10 ngàn đồng Nam Dương. Tôi ghé vào trạm bưu điện xin gởi một điện tín sang Mỹ cho gia đình. Vài ngày sau, tôi cùng người trên tàu được chuyển về đảo Kuku. Trong kế hoạch tập trung người vượt biên, một tuần sau tôi được xuống tàu về đảo Ga Lăng. Suốt thời gian này tôi chẳng gặp ai quen biết.

Chiếc tàu tập trung người tỵ nạn của Nam Dương với độ 300 người đủ hạng tuổi, hướng về Ga Lăng. Trong suốt chuyến hải trình dài một ngày và một đêm, với tâm tư trầm xuống, tôi tìm một góc vắng, nằm suy tưởng lại cả một thời gian dài trong chiến trận và những năm tháng tù đày khổ ải. Từ một thiếu úy trẻ xông pha vào lửa đạn cho đến ngày bỗng chốc tất cả sụp đổ xuống khi Dương Văn Minh kêu gọi buông súng vào trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975. Rồi đến nỗi thất vọng chán chường cùng cực dày vò trên chuyến tàu Sông Hương khi bị VC lùa xuống chuyển ra Bắc vào đầu tháng 6 năm 1976. Quê hương yêu dấu một đời chợt xa xôi nghìn dặm, từ Đà Lạt nơi chôn cắt rún, cho đến miền Tây bát ngát đồng lúa, miền Đông chập chùng rừng núi và miền Trung đầy sỏi đá nghèo nàn. Không biết ngày nào tôi mới nhìn thấy lại quê cha đất tổ.

Sáng ngày hôm sau, bỗng chợt mọi người trên tàu lăng xăng chạy tới lui và xôn xao tiếng gọi réo nhau inh ỏi: “Tàu vào cảng rồi! Chuẩn bị lên bờ!” Thấy mọi người chen chúc tôi cứ nằm nguyên chờ đợi. Cứ thế mà yên chí chờ đợi vì bây giờ đã vượt qua hiểm nguy rồi. Chợt một người trẻ chạy lại lay mạnh hai chân tôi và nói: “Anh T. dậy mau! Trưởng phái đoàn Mỹ trên cảng gọi loa xuống muốn gặp anh trước hết đó.”

Tôi hơi ngạc nhiên. Trưởng phái đoàn Mỹ chờ đón? Tuy vậy tôi cũng từ từ ngồi dậy, tay xách túi nhỏ đi lên từ cuối boong tàu. Tự nhiên, mọi người tự động dạt hết ra hai bên nhường đường cho tôi đi tới. Nhiều tiếng nhỏ to xầm xì hai bên tai.

“Ống Tá TQLC này chắc là Sịa (CIA) rồi. Cũng không phải ông tướng. Làm gì mà trưởng phái đoàn Mỹ ra tận cầu tàu đón như vậy?” “Chắc cũng thứ dữ à nghen!” Đúng! VC gọi TQLC là bọn “ác ôn côn đồ Lính Thủy Đánh Bộ” mà. Nhưng tôi không phải là Sịa là cái chắc. Không có người nào sinh đẻ ngoài nước Mỹ làm việc cho CIA được. Chỉ có người làm tay sai thôi. Xong việc là hết.

Tôi nghĩ chắc có bàn tay của người bạn cùng học khóa Chỉ Huy và Tham Mưu của TQLCHK tại Quantico là Trung Tướng Herman Mujirun, dù ông ta không liên lạc hay gặp tôi trong thời gian qua. Khi vượt biên tôi đã chuẩn bị mọi thứ cần thiết.

Dù vậy, tôi như người từ cung trăng rơi xuống. Mới ngày nào, lầm lủi đi phá rừng trên tận miền thượng du Bắc Việt thâm độc, dưới mũi súng của bộ đội VC. Tưởng mình sẽ chết lần hồi trong đói khát và bệnh hoạn, không còn mong gì ngày về. Chính nhờ bọn Tàu muốn “dạy cho VC một bài học” bằng cuộc tấn kích năm 1979, tù cải tạo mới được lần chuyển về Nam. Nếu không, chỉ vài năm sau sẽ không còn một ai sống sót nổi. Mới ngày nào đây, mỗi sáng tay còn cầm quyển tập giấy 100 trang đi trình diện công an phường, chịu mọi lời hoạnh họe vì mang tội danh Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 4 Lính Thủy Đánh Bộ. Bây giờ tôi đang thảnh thơi đi lên vùng đất của Tự Do và Nhân Phẩm.

Trưởng Phái Đoàn Mỹ hơi nhỏ con nhưng trông có vẻ đầy tự tin khi ông ta bước tới đưa tay bắt tay tôi.

- “Mừng ông đến vùng tự do. Tôi là Đại Úy Hải Quân Alan Barr, Trưởng Phái Đoàn Mỹ của Liên Hiệp Quốc tại Ga Lăng.”

- “Cám ơn Đại Úy. Tôi là… TNT TQLCVN số quân 60A/402. 189 nguyên là Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 4 TQLC Việt Nam.”

- “Chúng tôi được giải quyết nhanh hồ sơ của Trung Tá để ông sẽ lên chuyến bay đi Mỹ sớm nhất. Mời ông lên xe.”

Đại Úy HQ Alan leo lên ghế tài xế và chỉ tôi ngồi vào ghế trưởng xa trước bao nhiêu cặp mắt vừa thèm muốn vừa nể phục của mọi người đang chen nhau lên bờ. Có lẽ mười năm đen tối của đời tôi đã trôi qua.

Alan cũng không ra hiệu cho một cựu sĩ quan trẻ, làm thông dịch viên, quay về trại: “Tôi không cần anh nữa. Sáng mai gặp lại.” Bước vào một căn phòng làm việc nhỏ, trong khu trại Ga Lăng 1, Alan cúi xuống chiếc tủ lạnh nhỏ lấy ra một lon Coke chìa ra mời tôi. Sau gần 10 năm đói khát, một hớp nước Coca rơi xuống cổ tưởng như uống nước tiên, sướng đã cả người.

Alan ngồi tươi tỉnh sau bàn làm việc với một hồ sơ ngay trước mặt.

- “Anh học Trường Cao Đẳng Chỉ Huy và Tham Mưu TQLC/HK năm nào? Ai là chỉ huy trưởng? Tướng Tư Lệnh TQLC/HK lúc đó là ai? Anh trở về Việt Nam năm nào? Anh tốt nghiệp khóa mấy của Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam?....”

- “Trước hết tôi xin nhắc lại số quân của tôi cho anh kiểm nghiệm. Sau đây là những câu trả lời…..”

Chỉ trong vòng 15 phút sau, Đại Úy HQ Alan Barr tươi cười đẩy hồ sơ trước mặt anh về phía tôi.” Cho anh xem qua hồ sơ của anh từ Ngũ Giác Đài chuyện tới.”

Tôi liếc mắt đọc qua và không khỏi sửng sốt khi thấy đầy đủ như bản Tướng Mạo Quân Vụ của tôi trong Phòng Tổng Quản Trị Sư Đoàn ngày xưa, với cả hình ảnh mới nhất chụp tại Trường CHTM của TQLC/HK tại Quantico, Virginia, năm 1972-73. Trong ấy, còn có cả hình ảnh vợ con tôi với địa chỉ tại Falls Church, Virginia. Thế là tôi đã qua cuộc phỏng vấn và được biết tôi sẽ được đưa đi bệnh xá lập thủ tục khám sức khỏe đi Mỹ vào sáng mai.

Ngay sau đó, Alan nhờ tôi giúp giải quyết một hồ sơ khó khiến ông ta ngần ngại khi quyết định. Alan nói: “Có một ông tự xưng là đại tá nhưng lại làm xã trưởng ở miền đồng bằng sông Cửu Long. Để tôi gọi ông ta lên để anh tìm hiểu xem sao.”

Một ông trung niên người Nam da đen màu nắng và rắn chắc bước vào phòng. Tôi đứng dậy chào và bắt tay ông ta, nói thân thiện: “Ông trưởng phái đoàn Mỹ này muốn nhờ tôi tìm hiểu về anh để giải quyết hồ sơ cho anh. Nghe nói anh xưng là đại tá mà lại làm xã trưởng. Tôi thuộc binh chủng TQLC nên không biết nhiều bên Bộ Binh nhưng cấp bậc đại tá chắc tôi cũng biết. Có gì anh có nói thật cho tôi biết may ra tôi giúp được cho anh.”

- “Thú thiệt tôi là Xã Trưởng Xã… và cấp bậc Đại Tá của Hòa Hảo.”

Tôi à lên một tiếng mừng rỡ và hiểu liền. Tôi quay sang giải thích bằng Anh ngữ cho Alan. Chàng ta cười nói: “Đúng rồi Hòa Hảo. Thay vì làm tỉnh trưởng mà làm xã trưởng thôi.”

Tôi được xếp đặt ở tạm trong một dãy nhà dài với ván gỗ và mái lợp tôn trong khu tỵ nạn Ga Lăng I, với khoảng 30 người đủ hạng tuổi. Khi rảnh rỗi, tôi một mình đi lang thang trong khu tạm cư, thăm những ngôi mộ của người vượt biên. Một năm trước đây, người Việt gốc Hoa được VC cho “đi bán chính thức” đã mang theo cả gia đình và tài sản giấu giếm được. Trên chuyến tàu 600 người ấy chỉ có độ 10 người vốn là công chức và quân nhân của miền Nam. Tôi được gặp lại một số anh em chiến hữu TQLC đã đến đây gồm hầu hết người trẻ và cấp bậc thấp nhưng họ hết lòng và tận tụy giúp đỡ lẫn nhau tại trại tỵ nạn. Trước ngày rời đảo, tôi gặp người khóa đàn em Võ Bị cùng phục vụ trong TQLC đã vượt biên lần thứ 14 mới thoát. Trước đó, trong chuyến đi thứ 13 anh đã bị chìm ghe ngoài khơi Vũng Tàu. Vợ con anh lần hồi chết trôi trong tầm tay của anh. Tôi thật hết sức may mắn sau những gian lao khổ ải gần 10 năm.

Trại tỵ nạn ở Ga Lăng như một xã hội thu hẹp của Việt Nam Cọng Hòa ngay trên lãnh thổ của Nam Dương. Trong số hàng triệu người bất chấp mạng sống hiểm nguy vượt thoát khỏi gông cùm CS, chắc có ít nhất một phân nửa không đến bến bờ tự do, mà bị hải tặc Thái Lan cướp của, chém giết hoặc đói khát, chìm ghe, lạc hướng rồi bị vùi thân xuống biển cả. Mặc cho thế giới tự do đau xót, bọn VC vẫn chưởi rủa dù là cùng màu da xác thịt Việt Nam.

Tôi lưu lại đảo Ga Lăng chỉ trong vòng 11 ngày và được chỉ định làm trưởng phái đoàn tỵ nạn sang Mỹ vào chuyến bay ngày 12 tháng 6 năm 1984 từ Singapore.3/2010


TRẦN NGỌC TOÀN K16

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.